Ngày 20/11 năm đó

0

Sr. Têrêsa Ánh Nguyện, OP

Trong không khí rộn ràng chào đón ngày Nhà giáo Việt Nam, nhìn những em nhỏ đòi ba mẹ mua hoa tặng cô giáo, mắt tôi lại bỗng ươn ướt khi nhớ về ngày 20/11 năm đó.

Tôi, một cô học sinh nhỏ bé, gầy gò và nhút nhát, đã cùng các bạn chia tay mái trường Tiểu học để bước vào cấp Trung học. Mọi thứ đối với tôi đều mới mẻ và lạ lẫm. Ngôi trường mới khiến tôi cảm thấy bỡ ngỡ, xa lạ, càng làm tôi thêm lo lắng và sợ hãi. Lớp 6 của chúng tôi có cô Thương làm chủ nhiệm. Cô là người có dáng người nhỏ nhắn, ánh mắt hiền lành, với lối sống giản dị mà đầy ấm áp. Chính cô đã giúp chúng tôi vơi bớt cảm giác lo âu khi bước chân vào một môi trường học mới. Cô dạy môn Văn, luôn tận tâm hướng dẫn chúng tôi từng bài học. Với những bạn nào chưa hiểu bài, cô không ngần ngại đến tận bàn chỉ bảo, có khi còn phải tăng ca để giúp đỡ chúng tôi.

Tôi là học sinh yếu về chính tả và diễn đạt, nên cũng nằm trong số những bạn phải học thêm với cô. Nhưng điều đặc biệt là cô không bao giờ la mắng chúng tôi. Trong ký ức của tôi, cô Thương luôn hiện lên với vẻ hiền hòa và ân cần. Nhà cô ở ngay trên con đường tôi đi học về, vì vậy tôi cũng đã từng ghé thăm nhà cô một lần. Nhà cô nhỏ xinh, gọn gàng, với một luống rau cải xanh tốt và vài bụi hoa cúc vàng đang chuẩn bị nở rộ. Mỗi ngày, cô lại đạp xe từ ngôi nhà nhỏ ấy đến trường để dạy dỗ chúng tôi.

Ngày Nhà giáo Việt Nam năm đó, trường tổ chức buổi lễ long trọng để tôn vinh công lao của các thầy cô giáo, trong đó có cô Thương. Sân trường rộn ràng, đầy ắp hoa tươi. Hoa ở khắp nơi: trên sân khấu, trước cổng trường, và trong tay của từng học sinh. Những người bán hoa, những người chưa bao giờ xuất hiện ở trường, hôm nay lại mang đầy hoa tươi đến chào mời học trò. Nhưng tôi, trong tay lại chẳng có một cành hoa hay món quà nào.

Những ngày trước đó, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn. Ba tôi bị mất việc, em gái tôi bị bệnh phải nằm viện, mẹ tôi phải chăm sóc em. Mỗi ngày trôi qua, tôi lại cảm thấy áp lực khi không thể giúp gì cho gia đình. Đến sáng hôm ấy, tôi chỉ có thể đứng nhìn, không dám xin ba tiền để mua hoa tặng cô. Cuối cùng, tôi ra khỏi nhà, trong túi không một đồng, lòng nặng trĩu những suy nghĩ buồn bã. Mỗi bạn đều có hoa để tặng cô, còn tôi thì không.

Khi đến trường, tôi lang thang qua các quầy bán hoa, cố gắng hỏi giá nhưng chỉ thấy sự chênh lệch quá lớn. Một cành hoa nhỏ, không giấy gói, chỉ có chiếc nơ bé xíu mà đã có giá cao gấp đôi số tiền tôi ăn sáng. Thế là tôi bước vào sân trường với tâm trạng buồn bã, lòng cứ lẩn quẩn câu hỏi: “Bạn nào cũng có hoa, còn mình thì không?” Nhìn thấy những bạn cầm hoa tươi cười rạng rỡ, tôi lại càng cảm thấy tủi thân hơn.

Khi buổi lễ kết thúc, các bạn lần lượt lên tặng hoa và quà cho cô chủ nhiệm. Đến lượt tôi, tôi chỉ biết đứng nhìn, không có hoa cũng chẳng có quà. Nhưng trong lòng tôi vẫn có một điều gì đó thật đặc biệt: Một lời chúc. Tôi chậm rãi bước lên, với đôi tay không, nhưng trong tâm hồn đầy ắp lòng kính trọng và yêu mến. Tôi chúc cô: “Em chúc cô luôn hạnh phúc và thật nhiều niềm vui.” Với ánh mắt dịu dàng, cô khẽ mỉm cười và nói: “Cảm ơn em.” Dù chỉ là một câu nói ngắn gọn, nhưng sao trong lòng tôi lại cảm thấy ấm áp đến thế. Lúc ấy, tôi cảm thấy như mình đã làm được điều gì đó ý nghĩa, dù không có hoa, không có quà.

Đó là một kỷ niệm thật đáng nhớ về ngày Nhà giáo Việt Nam. Giờ đây, tôi cũng đã trở thành cô giáo, không phải cô giáo dạy cấp II như cô Thương, mà là cô giáo dạy Mầm non. Mỗi khi nhìn các em nhỏ cầm hoa tươi, hớn hở tặng cô giáo, tôi lại nhớ về ngày 20/11 năm đó, và trân trọng tất cả những gì học trò tôi dành tặng cho mình, dù chỉ là một lời chúc. Tôi thầm nghĩ: “Chỉ cần thế thôi, nhỏ bé mà hạnh phúc vô cùng.”

Comments are closed.

phone-icon