“Tưởng nhớ” là mang theo trong tim

0

Nguồn: exaudi
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN

Đức Thánh Cha Phanxicô: “Tưởng nhớ” là mang theo trong tim
Thánh lễ tưởng nhớ các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong năm

Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành Thánh lễ vào sáng Thứ Hai để tưởng nhớ bảy vị Hồng y và hơn 120 Giám mục đã qua đời trong năm qua. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã suy ngẫm về lời của người trộm lành đã bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

Dưới đây là bài giảng của Đức Thánh Cha sau khi công bố Tin Mừng:

______________________________

Bài giảng của Đức Thánh Cha

“Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23:42). Đây là những lời cuối cùng của một trong hai người bị đóng đinh cùng với Chúa nói với Người. Đó không phải là lời của một trong những môn đệ của Chúa Giêsu đã theo Người trên những nẻo đường của xứ Galilê và cùng chia sẻ bánh với Người trong Bữa Tiệc ly. Ngược lại, người nói những lời đó với Chúa là một tên tội phạm, một người chỉ được gặp Chúa vào giây phút cuối cùng của cuộc đời, một người mà chúng ta thậm chí còn không biết tên.

Tuy nhiên, trong Phúc Âm, những lời nói cuối cùng của “người ngoài cuộc” này khởi đầu một cuộc đối thoại sự thật. Ngay cả khi Chúa Giêsu bị “liệt vào hàng tội nhân” (Is 53:12) như Tiên tri Isaia đã nói trước thì một giọng nói bất ngờ vang lên, nói rằng: “Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” (Lc 23:41). Đúng như vậy. Kẻ tội phạm bị kết án đó đại diện cho tất cả chúng ta; mỗi người chúng ta có thể thay cái tên của anh ta bằng tên của chúng ta. Tuy nhiên, quan trọng hơn nữa là chúng ta hãy biến lời cầu xin của anh ta thành lời cầu xin của chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến con”. Xin hãy giữ con sống mãi trong ký ức của Chúa. “Xin đừng quên con”.

Chúng ta hãy suy ngẫm về chữ đó: nhớ. Nhớ (ricordare) có nghĩa là “dẫn đưa trở về trái tim (cor)”, mang theo trong tim. Con người đó, bị đóng đinh bên cạnh Chúa Giêsu, đã biến nỗi đau khủng khiếp của mình thành lời cầu nguyện: “Ông Giêsu ơi, xin hãy nhớ đến tôi trong trái tim Ngài”. Những lời của anh không phản ánh sự thống khổ và thất bại, mà là niềm hy vọng. Kẻ tội phạm này trong giờ sau cùng đã chết như một người môn đệ, chỉ mong muốn một điều: tìm được trái tim chào đón. Đó là tất cả những gì quan trọng đối với anh khi anh ta thấy mình không có khả năng tự vệ trước cái chết. Chúa lắng nghe lời cầu nguyện của kẻ tội nhân, ngay cả vào giờ phút cuối cùng, như Người vẫn luôn làm. Trái tim của Chúa Kitô – một trái tim rộng mở, không khép kín – bị đâm thâu bởi sự đau đớn, đã mở ra để cứu thế giới. Khi Chúa chết, Người đã mở lòng ra trước tiếng nói của một người đang hấp hối. Chúa Giêsu chết với chúng ta vì Người đã chết vì chúng ta.

Bị đóng đinh mặc dù vô tội, Chúa Giêsu đã đáp lại lời cầu nguyện của một người bị đóng đinh vì tội của anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23:43). Ký ức của Chúa Giêsu luôn hiệu quả vì nó giàu lòng thương xót. Khi cuộc đời của một người kết thúc, tình yêu của Thiên Chúa ban ơn giải thoát khỏi sự chết. Người bị kết án giờ đây đã được cứu chuộc. Người ngoài cuộc trở thành người bạn đồng hành; một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi trên thập giá dẫn đến sự bình an đời đời. Điều này khiến chúng ta phải suy ngẫm một chút. Tôi gặp gỡ Chúa Giêsu như thế nào? Hoặc suy ngẫm cách tốt hơn nữa là: tôi để cho bản thân được Chúa Giêsu đến gặp gỡ như thế nào? Tôi có cho phép mình được gặp gỡ hay tôi khép mình lại trong sự ích kỷ, trong nỗi đau, trong sự tự mãn của mình? Tôi có cảm nhận được tội lỗi của mình và cho phép bản thân được Chúa gặp gỡ không, hay tôi cảm thấy mình công chính và nói: “Chúa không cần ở đây để phục vụ tôi. Hãy đến chỗ khác”?

Chúa Giêsu nhớ đến những người bị đóng đinh bên cạnh Người. Lòng trắc ẩn của Chúa cho đến hơi thở cuối cùng khiến chúng ta nhận ra rằng có nhiều cách khác nhau để nhớ đến mọi người và mọi vật. Chúng ta có thể nhớ đến những lỗi lầm, những công việc còn dang dở, những bạn bè và kẻ thù của mình. Anh chị em thân mến, trước hình ảnh này trong Phúc Âm hôm nay chúng ta hãy tự hỏi bản thân: chúng ta mang theo mọi người trong lòng mình như thế nào? Chúng ta nhớ đến những người đã ở bên cạnh chúng ta trong các biến cố của cuộc đời mình như thế nào? Tôi có phán xét không? Tôi có chia rẽ không? Hay tôi chào đón họ?

Anh chị em thân mến, khi hướng về trái tim của Thiên Chúa, tất cả mọi người của thời đại hôm nay và mọi thời đại có thể tìm thấy niềm hy vọng của ơn cứu độ, ngay cả khi “bọn ngu si coi họ như đã chết rồi” (Kn 3: 2). Toàn bộ lịch sử được lưu giữ trong ký ức của Chúa. Ký ức được giữ ở nơi an toàn. Người là vị thẩm phán nhân từ và thương xót của lịch sử. Chúa gần gũi với chúng ta như một vị thẩm phán; Người gần gũi, nhân từ và thương xót. Đây là ba thái độ của Chúa. Tôi có gần gũi với mọi người không? Tôi có trái tim nhân hậu không? Tôi có nhân từ không? Với sự bảo đảm này, chúng ta cầu nguyện cho các Hồng y và Giám mục đã qua đời trong mười hai tháng qua. Hôm nay, sự tưởng nhớ của chúng ta trở thành lời cầu nguyện chuyển cầu cho những người anh em thân yêu của chúng ta. Là những thành viên được tuyển chọn của Dân Chúa, họ đã được rửa tội trong cái chết của Chúa Kitô (x. Rm 6: 3) để được sống lại với Người. Họ là những người chăn chiên và là hình mẫu cho đoàn chiên của Chúa (x. 1 Pr 5: 3). Sau khi hoàn thành việc bẻ bánh sự sống trên dương thế, xin cho họ giờ đây được ngồi vào bàn tiệc của Người. Họ yêu mến Giáo Hội, mỗi người theo cách riêng, nhưng tất cả đều yêu mến Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu nguyện để họ có thể hân hoan trong sự hiệp thông vĩnh cửu với các thánh. Với niềm hy vọng vững chắc, chúng ta cũng hãy mong đợi được hưởng niềm hân hoan với họ trên thiên đàng. Và tôi mời anh chị em cùng tôi nói ba lần: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”, “Lạy Chúa Giêsu, xin nhớ đến chúng con!”

Comments are closed.

phone-icon