Nguồn: WAU/January 2025 Issue
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương,OP
Lý Do Chúng Ta Hy Vọng
Tầm Nhìn của Đức Giáo hoàng Phanxicô cho Năm Thánh Này
“Hy vọng” là thứ có lông vũ – Hy vọng ở trong tâm hồn – Và hát lên giai điệu không lời – Và mãi không bao giờ ngưng.
Nhà thơ Emily Dickinson thế kỷ mười chín đã viết như vậy. Thật là một hình ảnh dễ thương và thật là một sự hiểu biết sâu sắc ấn tượng! Cho dẫu Dickinson có biết hay không, sự mô tả về niềm hy vọng của bà là một hình ảnh phản chiếu những lời của Thánh Phaolô trong Thư gửi cho các tín hữu Rôma: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Thánh Phaolô hiểu rằng đó chính là Thần Khí, thường được mô tả là chim bồ câu, đấng “ngự” trong tâm hồn chúng ta. Và Người hiểu rằng “giai điệu” mà Thần Khí hát là âm điệu của tình yêu Thiên Chúa. Tình yêu đó – một tình yêu có thể làm xoa dịu tâm hồn chúng ta, chữa lành những vết thương của chúng ta và hướng mắt chúng ta về trời – là những gì lấp đầy chúng ta bằng niềm hy vọng. Và niềm hy vọng luôn ở đó; niềm hy vọng không bao giờ rời bỏ chúng ta.
Năm Thánh Hy Vọng. Hy vọng không thất vọng. Đó là đề tài mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chọn cho Năm Thánh đặc biệt này. “Năm Thánh” đó đã bắt đầu vào Đêm Giáng Sinh, khi Đức Phanxicô đã đi qua Cửa Thánh tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican, và Năm Thánh sẽ kết thúc vào ngày 28 tháng 12 của năm này, khi Cửa Thánh được đóng lại. Giống như mỗi Năm Thánh khác, năm đặc biệt này tiếp tục truyền thống Cựu Ước là dành trọn một năm để chữa lành những vết thương quá khứ, giải thoát những người đang bị giam giữ, mở rộng ơn tha thứ và nâng đỡ tất cả những người đang đau khổ (Lv 25,8-10).
Đối với dân Ítraen, Năm Thánh đã bắt đầu như một sự tưởng nhớ lòng thương xót của Thiên Chúa trong quá khứ và là lời kêu gọi mở rộng lòng thương xót đó cho những người trong hiện tại. Nhưng dần dần Năm Thánh cũng đã trở thành một thời gian để hướng về tương lai. Đặc biệt trong suốt thời của Chúa Giêsu, khi Ítraen đã bị đế quốc Rôma xâm chiếm, mọi người mong đợi Đấng Mêsia sẽ đến, người được Thiên Chúa “xức dầu” để giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ và mang ơn chữa lành, sự tự do cho dân (Is 61,1). Vì thế, Năm Thánh đã trở thành thời gian hy vọng và sự chờ đợi háo hức “năm ân sủng” vĩ đại khi Ítraen được giải thoát và khi tất cả các lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện (Is 61,2).
Hôm nay, với tư cách là các thành viên của Giáo Hội và là các tín hữu trong Chúa Kitô, chúng ta cử hành một Năm Thánh mới. Giờ đây sự tập trung của chúng ta là ơn cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã chiến thắng giành được cho chúng ta. Chúng ta mừng Người là Đấng “được xức dầu” của Thiên Chúa, Đấng Mêsia, Đấng đã dùng cái chết và sự phục sinh của mình để mở các cánh cửa lòng thương xót cho chúng ta (LC 4,16-21). Đồng thời, chúng ta tái khẳng định niềm hy vọng của chúng ta vào tương lai, “niềm hy vọng sống động” về thiên đàng, “gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,3).
Vậy tháng này, khi chúng ta bắt đầu Năm Thánh, chúng ta muốn tập trung vào món quà hy vọng. Chúng ta muốn khám phá những gì mà Đức Giáo hoàng Phanxicô dạy về niềm hy vọng, và chúng ta muốn xem Thánh Kinh diễn tả thế nào về quà tặng tuyệt vời này. Cuối cùng, chúng ta sẽ xem xét những cách mà chúng ta có thể cử hành Năm Thánh và trở nên những ngọn hải đăng hy vọng cho những người xung quanh chúng ta.
Hy Vọng cho Tất Cả. Trong tài liệu chính thức công bố Năm Thánh, Đức Giáo hoàng Phanxicô thừa nhận một chân lý phổ quát mà tất cả chúng ta đều có thể liên hệ tới: “Mọi người đều biết hy vọng là gì”. Ngài viết “Niềm hy vọng nơi tâm hồn mỗi người như nỗi khao khát và chờ đợi những điều tốt đẹp sẽ đến” (Sắc chỉ Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng, số 1)
Đức Thánh Cha nói với chúng ta rằng niềm hy vọng giống như một tiếng nói bên trong chúng ta đang nói: “Hãy ngước mắt bạn lên” tới chân trời và hãy nhìn biết những phúc lành mà Đức Chúa đã dành sẵn cho bạn (Is 40,26). Đó là tiếng nói đang nói chúng ta rằng các kế hoạch của Thiên Chúa đều vì “sự thịnh vượng của chúng ta chứ không phải tai ương”, rằng Người có kế hoạch ban cho chúng ta “một tương lai hy vọng” (Gr 29,11, nhấn mạnh thêm). Tiếng nói hy vọng đó ở trong mọi người. Nó có thể bị chôn vùi dưới những năm tháng buồn phiền, tội lỗi, những ước mơ bị tan vỡ và những niềm tin giả dối, nhưng nó vẫn còn đó. Giống như chú chim không bao giờ ngưng hót của Emily Dickinson, quà tặng hy vọng liên tục mời gọi mọi người, thúc giục họ khám phá tình yêu của Chúa Kitô, một tình yêu có thể hoàn trọn tất cả mọi khát vọng và ước mơ của họ.
Nhưng Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng biết rằng hướng về tương lai có thể “gây ra những cảm xúc trái ngược” (Sắc chỉ Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng, số 1). Chúng ta có thể lo lắng liệu chúng ta có lãnh nhận được điều chúng ta hy vọng không. Chúng ta có thể muốn hy vọng vào Chúa, nhưng chúng có thể cảm thấy quá tội lỗi không xứng đáng với tình yêu của Người. Hoặc một ngày nào đó chúng ta có thể bị phấn khích về tương lai của mình với Chúa nhưng ngày hôm sau lại sợ hãi và xao xuyến, lo lắng.
Đức Phanxicô cũng biết rằng một số người có rất ít hoặc không có chút hy vọng gì: “Chúng ta thường gặp những người chán nản, họ nhìn về tương lai với thái độ hoài nghi và bi quan, như thể chẳng điều gì có thể mang lại hạnh phúc cho họ” (Sắc chỉ Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng, số 1). Có lẽ họ đã trải nghiệm quá nhiều nỗi đau đớn và họ không dám hy vọng vào bất cứ điều gì tốt đẹp. Hay có lẽ lòng tin của họ yếu đuối và họ không thể tin rằng Thiên Chúa tốt lành và muốn chăm sóc họ. Ngay cả đối với họ, hay với bất cứ ai dường như lạc lối đến nỗi chúng ta sợ không có gì có thể cứu độ họ, Đức Phanxicô vẫn giữ vững niềm hy vọng. Ngài khẳng định: mọi người đều có thể hướng về một tương lai tươi sáng hơn: “Mong sao Năm Thánh là cơ hội cho tất cả mỗi người chúng ta nhen nhóm lại niềm hy vọng” (Sắc chỉ Spes non confundit – Hy vọng không làm thất vọng, số 1).
Những Ca Sĩ của Niềm Hy Vọng. Tại sao Đức Giáo hoàng Phanxicô quá xác tín rằng có niềm hy vọng cho mọi người? Bởi vì niềm hy vọng mà ngài đang đề cập đến không dựa trên hoàn cảnh của ai đó cũng không dựa trên tài năng, công việc hay tài chính của họ. Hy vọng không dựa vào bất cứ điều gì mà bất cứ ai có thể làm được do sức riêng mình. Thay vào đó, trong bài giảng công bố chủ đề về Năm Thánh 2025, ngài nói:
“Đó chính là chính niềm hy vọng này, bắt nguồn từ Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại, mà chúng ta muốn cử hành, suy gẫm và loan báo cho toàn thế giới Năm Thánh sắp tới… Niềm hy vọng này không đơn giản là sự lạc quan của con người hay mong đợi phù du về một lợi ích trần thế nào đó. Không, đó là một thực tại đã được hoàn thành trong Chúa Giêsu và quà tặng đã được ban cho chúng ta mỗi ngày, cho đến khi chúng ta nên một trong vòng tay yêu thương của Người” (Bài giảng của Đức Thánh Cha khi chủ sự nghi thức trao và đọc Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, 09/5/2024).
Và vì thế Đức Giáo hoàng khuyến khích chúng ta hướng mắt về Chúa, tập trung vào Chúa và sự tốt lành của Người để niềm hy vọng của chúng ta có thể được thắp sáng lại, được đào sâu và làm cho sống động hơn. Ngay cả nếu chúng ta thấy mình đã hy vọng, thì vẫn còn nhiều điều mà chúng ta có thể lãnh nhận từ Chúa. Và chúng ta sẽ cần hy vọng! Đức Thánh Cha đang mời gọi chúng ta công bố niềm hy vọng của chúng ta cho thế giới xung quanh chúng ta:
“Anh chị em thân mến, … chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Chúa Kitô, để trở thành những người ca vang niềm hy vọng trong một thế giới được đánh dấu bởi quá nhiều tuyệt vọng. Bằng cử chỉ, lời nói, những lựa chọn của mỗi ngày, những nỗ lực kiên nhẫn để gieo một chút vẻ đẹp và lòng tốt bất cứ nơi nào chúng ta hiện diện, chúng ta muốn hát lên niềm hy vọng, để giai điệu của nó có thể chạm đến trái tim nhân loại và đánh thức trong mỗi tâm hồn niềm vui và lòng can đảm để đón nhận sự sống một cách trọn vẹn” (Bài giảng của Đức Thánh Cha khi chủ sự nghi thức trao và đọc Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, 09/5/2024).
Đúng vậy, chúng ta cần niềm hy vọng đang ẩn sâu trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta cần niềm hy vọng lấp đầy chúng ta bằng niềm vui bởi vì chúng ta nhìn thấy tương lai của chúng ta có thể rực rỡ như thế nào. Chúng ta cần niềm hy vọng để nhìn mọi người bằng đôi mắt của Chúa – nhìn họ như những tác phẩm nghệ thuật quý giá, độc đáo, được tạo dựng cách tuyệt vời và hấp dẫn. Chúng ta cần niềm hy vọng lấp đầy chúng ta bằng tình yêu dành cho họ và dạy chúng ta đối xử với họ với phẩm giá và sự tôn trọng lớn lao khi chúng ta chia sẻ với họ Tin Mừng của Chúa Kitô.
Chiếu Tỏa Ánh Sáng Hy Vọng. Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta mọi lý do để hy vọng. Nhờ thập giá và sự phục sinh của mình, Người đã cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi và sự chết. Nhưng thậm chí Người đã còn làm nhiều hơn thế nữa. Bằng việc chấp nhận cái chết như cách Người đã làm, Người đã cứu chuộc cả nỗi khổ đau của chúng ta. Bởi vì Người đã nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, Người biết những gì chúng ta đang trải nghiệm – và Người đồng hành với chúng ta qua chúng, chỉ cho chúng ta cách để ở gần với Người, bất kể điều gì xảy ra. Thậm chí Người đã lấp đầy sự cô đơn và nỗi buồn chán của chúng ta bằng ánh sáng tình yêu của Người! Tất cả để chúng ta có thể biết được sự chữa lành của Người và để chúng ta có thể trở nên những ngọn hải đăng của niềm hy vọng trong một thế giới đen tối bởi nỗi buồn phiền và tội lỗi.
Vậy khi chúng ta bước vào Năm Thánh này, chúng ta hãy ghi khắc những lời khích lệ của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Chúng ta hãy suy gẫm những lời ấy và xem chúng như của mình để chúng ta có thể “luôn luôn sẵn sàng trả lời” về niềm hy vọng của chúng ta (1 Pr 3,15).
“Niềm hy vọng Kitô giáo – như Thánh Phêrô viết – là “gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai” (1 Pr 1,4). Hy vọng nâng đỡ hành trình cuộc sống chúng ta ngay cả khi cuộc sống quanh co và mệt mỏi; mở ra trước mắt chúng ta những con đường tương lai khi sự cam chịu và bi quan muốn giam cầm chúng ta; làm cho chúng ta thấy điều tốt lành có thể đến khi sự dữ dường như thắng thế; giúp chúng ta thanh thản khi tâm hồn bị đè nặng bởi thất bại và tội lỗi; làm cho chúng ta mơ về một nhân loại mới và làm cho chúng ta can đảm trong việc xây dựng một thế giới huynh đệ và hòa bình; khi có vẻ như không đáng để nỗ lực. Đây là niềm hy vọng, hồng ân mà Chúa đã trao cho chúng ta với Bí tích Rửa tội” (Bài giảng của Đức Thánh Cha khi chủ sự nghi thức trao và đọc Sắc chỉ công bố Năm Thánh 2025, 09/5/2024).
Ước mong niềm hy vọng đó chiếm trọn tâm hồn chúng ta năm nay!