Nguồn: aleteia
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN
Đây là thời gian mà mọi người có thể mong chờ nhìn thấy những làn khói bốc lên từ ống khói nổi tiếng nhất thế giới.
Mật nghị bầu chọn người kế vị Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ chính thức khai mạc vào ngày 7 tháng 5, và trong ngày đầu tiên, các hồng y cử tri của Hồng y đoàn dự kiến sẽ bỏ phiếu một lần.
Từ ngày 8 tháng 5 trở đi, nếu không có vị nào được bầu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên — điều chưa từng xảy ra trong thời kỳ các mật nghị hiện đại — các hồng y sẽ bỏ phiếu hai lần vào buổi sáng và hai lần vào buổi chiều cho đến khi một giáo hoàng mới được bầu chọn. Cần phải đạt đa số phiếu hai phần ba, và nếu tổng số Hồng y cử tri không chia hết cho ba, thì sẽ cần thêm một phiếu bổ sung.
Vì hai trong số 135 hồng y cử tri không tham dự vì lý do sức khỏe nên cần phải có 2/3 trong số 133: Tức là 89 phiếu.
Theo Vatican News, nếu sau ba ngày bỏ phiếu vẫn chưa có có tân giáo hoàng, các hồng y sẽ được nghỉ ít nhất một ngày để cầu nguyện, thảo luận về việc bầu cử với các hồng y khác và nhận được “lời khích lệ thiêng liêng ngắn gọn” từ Đức Hồng y Dominique Mamberti, Hồng y Phó tế.
Điều này sẽ xảy ra lúc mấy giờ?
Mỗi mật nghị đều khác nhau và với 133 vị tham gia bầu chọn lần này, việc bỏ phiếu của từng cá nhân có thể sẽ không diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, dựa trên các mật nghị trước, sau đây là thời điểm người ta có thể trông đợi khói bốc lên từ ống khói của Nhà nguyện Sistine (tất cả thời gian đều mang tính tương đối):
Phiếu bầu lần thứ nhất: 10:30 sáng CEST (5:30 sáng EDT/2:30 sáng PDT) (ND: khoảng 15:30 giờ VN)
Phiếu bầu lần thứ hai: Trưa CEST (6 giờ sáng EDT/3 giờ sáng PDT) (ND: khoảng 17:00 giờ VN)
Phiếu bầu lần thứ ba: 5 giờ chiều CEST (11 giờ sáng EDT/8 giờ sáng PDT) (ND: khoảng 22:00 giờ VN)
Phiếu bầu lần thứ tư: 7 giờ tối CEST (1 giờ chiều EDT/11 giờ sáng PDT) (ND: khoảng 24:00 giờ VN)
Việc bỏ phiếu diễn ra như thế nào?
Sau khi các lá phiếu được kiểm đếm xong, chúng sẽ được đốt, và khói bốc lên sẽ là dấu hiệu thông báo kết quả bầu cử cho toàn thế giới.
Nếu khói có màu đen, nghĩa là chưa có Giáo hoàng mới, và các hồng y sẽ tiếp tục bỏ phiếu sau vài giờ hoặc vào sáng hôm sau.
Nhưng nếu khói có màu trắng, hãy hủy các kế hoạch của bạn và ngồi xuống trước tivi hoặc kênh phát trực tiếp gần nhất và nín thở chờ đợi xem ai là Người kế vị mới của Thánh Phêrô.
Khoảng nửa giờ cho đến một giờ sau khi khói trắng xuất hiện, Đức Hồng y Mamberti sẽ công bố “Habemus Papam” (Chúng ta đã có Giáo hoàng!), và vị tân Giáo hoàng sẽ ban phép lành đầu tiên từ ban công của Đền thờ Thánh Phêrô.
Sẽ cần bao nhiêu vòng bỏ phiếu?
Có lẽ không nhiều lắm. Hoặc có thể là khá nhiều.
Do bệnh tình kéo dài của Đức Thánh Cha Phanxicô, cộng thêm 15 ngày kể từ khi ngài qua đời cho đến khi mật nghị bầu giáo hoàng khai mạc, các hồng y cử tri đã có khá nhiều thời gian để cân nhắc phiếu bầu của mình.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã được bầu vào ngày thứ hai của mật nghị, trong vòng bỏ phiếu thứ năm. Cần lưu ý rằng, việc từ chức của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI hoàn toàn bất ngờ, không có lễ tang của giáo hoàng hoặc tang lễ nào khác trước mật nghị, nghĩa là các hồng y cử tri ít bị phân tâm hơn trong giai đoạn trước mật nghị.
Vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, cũng được bầu chọn vào ngày thứ hai của mật nghị, nhưng là vòng bỏ phiếu thứ tư. Tương tự như hiện nay, ngài được bầu sau thời gian dài Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lâm bệnh, và ngay lập tức ngài được giới truyền thông gọi là “papabile” vì đã phục vụ lâu dài trong Giáo triều và được biết đến là rất thân thiết với Đức Gioan Phaolô II.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người được bầu chọn chỉ vài tuần sau khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I qua đời sau 33 ngày tại vị, đã được bầu vào ngày thứ ba của mật nghị trong vòng bỏ phiếu thứ tám. Đức Gioan Phaolô II là một sự lựa chọn bất ngờ và trở thành giáo hoàng sau một trong những triều đại giáo hoàng ngắn nhất trong lịch sử.
Trong mật nghị trước đó, diễn ra vào tháng 8 năm 1978, đã bầu chọn Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô I sau bốn vòng bỏ phiếu.