Mầu Nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô
Bài Suy Niệm 02
(Mc 26, 30-46)
1. Lời loan báo chối Thầy
Đức Giêsu không chỉ biết trước chuyện Giuđa phản bội, mà còn biết trước cả chuyện: “tất cả anh em sẽ vấp ngã”. Dường như không ai có thể đứng vững trước thử thách sắp đến, bởi vì đó là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, như lời KT đã chép:
Bấy giờ Đức Giê-su nói với các ông: “Đêm nay tất cả anh em sẽ vấp ngã vì Thầy. Vì có lời đã chép: Ta sẽ đánh người chăn chiên, và đàn chiên sẽ tan tác. Nhưng sau khi trỗi dậy, Thầy sẽ đến Ga-li-lê trước anh em”
Chỉ có một mình Đức Giê-su có thể đối đầu được thôi, vì Kẻ Nghịch chính là Sự Dữ hành động nơi những con người cụ thể. Ngài đón nhận tất cả và còn hứa qui tụ các môn đệ lại sau khi đã Vượt Qua và chiến thắng Sự Dữ và Sự Chết. Nghe lời Thầy và đón nhận bánh và rượu Thầy trao, nhưng dường như các môn đệ chẳng hiểu gì; họ cùng theo Chúa đến núi Ôliu và họ được Chúa báo trước rằng họ sẽ vấp ngã tất cả vì Chúa; nhưng cùng với Phêrô, họ tuyên hứa với Thầy là sẽ không bao giờ chối bỏ Thầy: “Tất cả các môn đệ đều nói như vậy”. Họ dựa vào lời mình hơn là lời Chúa. Ông Phêrô nổi bật trong lời cam kết đến hai lần. Khi Chúa báo trước tất cả các môn đệ sẽ vấp ngã vì Chúa, Phêrô thưa: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã.” Và khi Chúa nói một cách chính xác với Phêrô rằng ông sẽ chối Chúa đến ba lần ngay đêm hôm ấy trước khi gà gáy, Phêrô nói với Chúa: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”.
Cần phải cương quyết như Phêrô, nhưng trong trường hợp này, Phêrô như đụng đến giới hạn của mình mà không biết, nhưng Chúa lại biết rõ. Để theo Chúa đến cùng trên con đường của Chúa, chúng ta không thể duy ý chí và dựa vào sức mình được. Phải để cho Ngài dẫn ta đi bằng ân sủng và lòng thương xót của Ngài.
2. Đức Giê-su buồn đến chết được
Tất cả là để chuẩn bị cho “Giờ” sắp xẩy ra; và trước khi « Giờ » đến, Ngài “cảm thấy buồn rầu xao xuyến”. Thực vậy, cả cuộc đời của Ngài là chuẩn bị cho “Giờ” này, cả lịch sử cứu độ cũng là để đi tới “Giờ” này. Vì thế, chúng ta hiểu được phần nào tại sao Ngài nói với các ba môn đệ : « Tâm hồn Thầy buồn đến chết được ». Sức nặng của “Giờ” thật quá lớn, và có vẻ lớn hơn cả sức chịu đựng của Ngài !
Ngài đi cầu nguyện một mình với Cha, nhưng lại ước ao có sự hiện diện của các môn đệ : cả nhóm xa xa, ba người khác gần hơn ; và Ngài ước ao họ lưu lại và tỉnh thức cùng với mình: “Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy”. Ngài dường như không thể chịu nổi một mình. Ngài đã như phải chết ở đây rồi, vì cái chết luôn chi phối người ta trước khi nó ra tay, nhất là cái chết gây ra bởi Tội và Sự Dữ. Vì thế, lời tâm sự Ngài ngỏ với Cha chỉ xoay quanh cái “Giờ” này. Sau khi bị bắt, Ngài như tìm lại được sự tự do nội tâm, và bình an để mình bị dẫn đi, chịu mọi thứ khổ hình, và cuối cùng là khổ hình thập giá. Nhưng chỉ có ở đây, Đức Giêsu mới bộc lộ nỗi đau buồn tột độ của mình một cách thật hữu hình.
Trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, có nhiều khúc quanh, tất cả như để chuẩn bị cho khúc quanh « Giệt-sê-ma-ni » của đời mình. Đức Giê-su đã sống và đã vượt qua khúc quanh này ; vì thế, Ngài thông cảm với hết mọi khúc quanh trong đời của chúng ta và nhất là khúc quanh cuối cùng (x. Dt 4, 15-16). Xin cho chúng ta sống những thời điểm này như Thầy Giêsu đã sống.
3. Ba lần cầu nguyện
Đức Giêsu đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống cầu nguyện với Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha”. Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, rồi Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha”. Người lại đến với các môn đệ, thấy các ông vẫn đang ngủ, Ngài để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba; lần này, Người nói lại với Cha cùng một lời của lần cầu nguyện thứ hai. Chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Người “ba lần trở đi trở lại” như vậy, cầu nguyện một mình với Cha và trở lại với ba môn đệ, để mời gọi họ “canh thức và cầu nguyện với Người? Đó là vì việc “uống chén” là do ý muốn của Chúa Cha, nhưng ý muốn Chúa Cha là giải thoát con người, mà ba môn đệ là đại diện, khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ và thông truyền Sự Sống của Người cho con người. Nếu so sánh giữa hai lời nguyện Đức Giê-su ngỏ với Chúa Cha, chúng ta có thể nhận ra rằng, cả hai đều diễn tả tâm tình “xin vâng”, nhưng nếu lời nguyện thứ nhất nêu ra khả thể “khỏi phải uống chén này”, thì lời cầu nguyện thứ hai hoàn toàn hướng về việc “phải uống”. Và lời cầu nguyện thứ hai này được Người thưa với Chúa Cha đến hai lần.
Khi ngỏ lời với Cha, « Người đi xa hơn một chút ». Ngài muốn một mình đối thoại với Cha, bởi vì Giờ này là Giờ chỉ dành cho một mình Ngài. « Ngài sấp mặt xuống », thay vì quì xuống theo lời tường thuật của Tin Mừng Luca; thánh sử Mác-cô còn mô tả mạnh hơn: “Người sấp mình xuống đất” (Mc 14, 35). Tư thế này hoàn toàn khớp với tâm trạng của Ngài, là « buồn đến chết được ».
Trong lời cầu nguyện đầu tiên, Ngài cầu nguyện để cho, nếu có thể, “chén này” xa khỏi Ngài. Người ta thường làm nhẹ đi tâm tình này của Đức Giêsu, nhưng điều này lại diễn tả cho chúng ta mầu nhiệm Nhập Thể đi xa đến mức nào. Ngài chia sẻ thân phận của loài người và của mỗi người một cách tận cùng: Ngài không chỉ chia sẻ cái chết, nhưng còn sự sợ hãi trước cái chết; không chỉ sự sợ hãi trước cái chết do thân phận hay do tai họa, nhưng là cái chết do sự thù ghét; thù ghét không chỉ của con người, nhưng của Xatan. Như thế, tất cả « chén » của loài người hiện diện ở trong “Chén” của Ngài sắp uống.
Giống như Bí Tích Thánh Thể, chúng ta chỉ có thể chiêm ngắm, hiểu biết và cảm nếm cuộc Thương Khó với tất cả tầm mức “dài, rộng, cao, sâu”, khởi đi từ Lịch Sử Cứu Độ mà thôi. Với thân xác mỏng manh của Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha, một khuôn mặt đã bị hiểu lệch lạc, bị bóp méo, ngay từ nguồn gốc sự sống (x. St 3), nhưng không phải bằng những kì công lớn lao, hay những phép lạ cả thể; bởi vì lịch sử Dân Do Thái và cuộc đời của Đức Giê-su cho thấy rằng, những kì công lớn lao và những phép lạ cả thể không những không mang lại lòng tin, nhưng còn khơi dậy lòng ham muốn không cùng những điều lạ, ngoài ra còn bị Sự Dữ xen vào khơi dậy những cách hiểu và hành động lệch lạc.
Vì thế, theo ý Cha, Ngài được mời gọi bày tỏ Khuôn Mặt Rạng Người của Thiên Chúa Cha theo một cách khác, “một cách điên rồ”, nhưng là sự điên rồ của tình yêu và khôn ngoan thần linh, qua việc:
- nhận hết vào mình thân phận của loài người chúng ta,
- đảm nhận mọi số phận đầy tai họa của con người,
- gánh lấy mọi tội lỗi của loài người,
- và đối diện với chính Sự Dữ biểu dương ở mức độ tuyệt đối.
Như thế, không phải một cách trực tiếp tội của tôi làm cho Chúa bị bắt, bị kết án và chịu khổ hình, nhưng Chúa tự nguyện chịu khổ hình để bày tỏ cho tôi tình yêu đến cùng của Chúa dành cho tôi, dù tôi là ai và đang ở trong tình trạng nào. Tôi được mời gọi tôi nhận ra nơi những gì Đức Giê-su mang lấy trong cuộc TK, có chính bản thân mình, như tôi là, nhỏ bé, giới hạn, yếu đuối, tội lỗi; tôi hiện diện cách trọn vẹn, được đón nhận cách trọn vẹn và được bao dung cách trọn vẹn trên đôi vai của Đức Giê-su, trong ánh mắt của Đức Giê-su, trong trái tim của Đức Giê-su.
Tất cả lịch sử cứu độ như treo vào những lời này của Đức Giêsu, những lời thật mong manh như thân phận con người. Ý Cha đã được bày tỏ ra cho Đức Giêsu qua Kinh Thánh và ngang qua cả thân phận con người nữa: phải để cho sự dữ đi đến cùng, và lộ ra nguyên hình nơi chính thân mình của Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Sức nặng của “chén” là quá lớn, quá lớn đối với thân xác mong manh của Đức Giêsu. Ngài sẽ kiệt sức đến nỗi không vác nổi thập giá của mình; trong khi đó ngài đã từng mời gọi: “anh em hãy vác thập giá mình mà theo Thầy”.
Ba lần cầu nguyện với Cha, trong cùng một tư thế, với cùng những lời nói và tâm tình, nhưng ba lần trở lại với các môn đệ, Ngài lại phản ứng theo những cách khác nhau. Lần thứ nhất, Ngài nói với ông Phê-rô, và qua ông, với các môn đệ với những lời lẽ như trách móc : « Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn » (Mt 26, 40-41). Trong lúc này, những gì Đức Giêsu chờ đợi nơi những môn đệ Ngài thương mến cách riêng thật không nhiều : tỉnh thức và cầu nguyện một giờ thôi, để đồng hành với Thầy và để không rơi vào cơn thử thách. Nhưng các môn đệ cũng không làm được, họ yếu đuối quá. Trở lại sau lần cầu nguyện thứ hai, Ngài chẳng nói gì, chỉ có tác giả Tin Mừng nói mắt họ bị nặng trĩu thôi. Và vào lần thứ ba, Ngài như nói với họ những lời đầy thương cảm : « Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Đứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới » (c. 45-46). Như thế, Ngài đã sẵn sàng để gánh vác hết tất cả thay cho các môn đệ, thay cho những con người yếu đuối, thay cho những con người tội lỗi, thay cho cả loài người : « Máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội » (Mt 26, 24).
* * *
Giờ đã đến, Ngài sẽ từ từ đi vào trong thinh lặng, và sự thinh lặng này cứ càng ngày càng lớn ; Ngài chỉ nói một vài lần trong những tình huống đặc biệt nghiêm trọng[1]. Đó là giờ nào hay giờ của ai? Của loài người, của Satan; nhưng cũng là giờ « Thinh Lặng của Ngôi Lời », giờ của Thiên Chúa. Tất cả như hội tụ vào cũng một thời điểm. Xin cho chúng ta nghe được sự thinh lặng của Ngôi Lời Nhập Thể.
Tuần Thánh 2015
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Sự thinh lặng của Đức Kitô trong cuộc Thương Khó làm chúng ta nhớ lại giấc ngủ ngon lành của Ngài giữa con phong ba bão táp (Mc 4, 38).