Triều đại 257: Đức Giáo hoàng Piô X

0

Đức Piô X tên thật là Giuseppe MelchiorSarto sinh ngày 2-6-1835 trong một gia đình nghèo, cha làm nhân viên phát thư, mẹ làm thợ may tại làng Riese, trong xứ Vênêtia, tỉnh Trévise, nước Ý. Ngài vào chủng viện ở Pađua, chịu chức linh mục năm 1858, làm phó xứ Tombolo, trở thành kinh sĩ nhà thờ chánh tòa Trévisr năm 1875. Năm 1884, làm Giám mục Mantoue, thượng phụ giáo chủ Venise và Hồng y năm 1893, rồi được bầu làm Giáo hoàng ngày 4-8, đăng quang ngày 8-9-1903. Là vị Giáo hoàng theo khuynh hướng bảo thủ, không có tài ngoại giao, nhưng ngài tạo được một thế quân bình giữa sự nghiêm chặt về tín lý và sự cởi mở quảng đại đối với mọi người bằng cách cư xử mềm dẻo, cảm thông, tận tình, đầy lòng bác ái và rất quan tâm đến người nghèo. Với khuynh hướng bảo thủ, ngài chống đối, lên án mọi tư tưởng dân chủ, nhất là khi người ta gán cho nó giá trị Kitô giáo, ngài coi dân chủ là một đường lối vô chính phủ, chống lại trật tự đã được quy định, nhờ đó ngài được nhiều kẻ ủng hộ. Ngài tụ họp quanh mình những nhân vật tài năng như đức Hồng y Rafael Merry del Val, một người thông thạo nhiều ngôn ngữ, làm giám đốc Viện Hàn lâm, được ngài bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao. Dưới giáo triều này, Đức ông Gaspari tiếp tục soạn quyển Giáo luật sẽ được công bố năm 1917. Ngài cũng cho biên soạn cuốn giáo lý mang tên Piô X.

Mặc dù theo khuynh hướng bảo thủ, nhưng về hành chánh, đức Piô X tỏ ra là nhà cải cách. Ngài canh tân Giáo triều Roma bằng Hiến chế Sapienti Consilio ban hành ngày 29-6-1908. Qua đó, ngài nhấn mạnh đến việc cải tổ lại cơ cấu hàng giáo phẩm, nhấn mạnh về kỷ luật và việc đào tạo hàng giáo sĩ.

Ngài cũng phải đối mặt với tình hình tại Pháp, khi Nghị viện bỏ phiếu thông qua việc tách rời Giáo hội và nhà nước vào ngày 9-12-1905, từ đó tài sản của các giáo sĩ bị tịch thu, các hội dòng bị giải tán. Dù các Giám mục Pháp vẫn chấp nhận luật pháp, nhưng ngài vẫn ra thông điệp Vehementer nos ngày 11-2-1906, bài phát biểu “Gravissimum” trước Hồng y đoàn ngày 21-2-1906 và Thông điệp Gravissimo officii murere ngày 10-8-1906. Tỏ ra hòa hoãn hơn đối với nước Ý, bằng cách bãi bỏ lệnh cấm giáo dân tham dự vào đời sống quốc gia, ngài cố gắng hết sức để ngăn chặn thế chiến thứ nhất bùng nổ năm 1914 và qua đời ngày 20-8-1914.

 

Comments are closed.

phone-icon