Đức Thánh Cha dẫn ra những lợi ích của gia đình và việc nông nghiệp

0

Đức Thánh Cha dẫn ra những lợi ích
của gia đình và việc nông nghiệp

Thông điệp của Đức Thánh Cha Phanxico gửi Giáo sư José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc Tổ chức Lương Nông của Liên Hợp quốc (FAO)

29 tháng Năm, 2019 17:28

JIM FAIR

Ngày 29 tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha Phanxico nói về những ích lợi của gia đình và việc nông nghiệp vào ngày khởi đầu của Thập kỷ Nông nghiệp Gia đình LHQ. Ngài gửi thông điệp đến Giáo sư José Graziano da Silva, Tổng Giám đốc của Tổ chức Lương Nông Liên Hợp quốc (FAO).

Đức Thánh Cha nói, “Gia đình bao gồm một mạng lưới của những mối quan hệ trong đó chúng ta học cách sống với người khác trong sự hài hòa với thế giới chung quanh. Vì vậy nó thể hiện một vùng đất màu mỡ và là một mô hình để hướng dẫn cho nền nông nghiệp bền vững, với những kết quả ích lợi không chỉ cho khu vực nông nghiệp nhưng cho cho toàn thể nhân loại và cho việc bảo vệ môi trường. Theo ý nghĩa này, gia đình có thể giúp chúng ta biết trân quý mối tương quan của con người, tạo vật, và nông nghiệp.”

Tháng Mười Hai năm 2017, Nghị quyết A/RES/72/239 (https://undocs.org/A/RES/72/239) được Đại Hội đồng LHQ thông qua công bố giai đoạn 2019-2028 là Thập kỷ Nông nghiệp Gia đình Liên Hợp quốc. Nghị quyết LHQ kêu gọi Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) cùng cộng tác với các tổ chức khác của hệ thống LHQ hướng dẫn việc áp dụng Thập kỷ và mời gọi các chính phủ và xã hội, khu vực tư nhân và các học viện, hỗ trợ tích cực cho việc áp dụng Thập kỷ.

Theo LHQ, hơn 90 phần trăm trong số 570 triệu nông trang trên toàn thế giới được quản lý bởi một cá nhân hoặc một gia đình và cậy dựa chính vào lao động gia đình. Các nông trang gia đình sản xuất hơn 80 phần trăm lượng lương thực của thế giới về mặt giá trị, khẳng định tầm quan trọng trung tâm của nông nghiệp gia đình cho an ninh lương thực thế giới ngày nay và cho các thế hệ tương lai. Đại đa số các nông trang của thế giới là nhỏ và rất nhỏ. Các nông trang nhỏ hơn 2 héc-ta chiếm 84 phần trăm trong tổng số các nông trang và chỉ chiếm 12 phần trăm toàn bộ đất nông nghiệp.

Thư của Đức Thánh Cha

Thưa ông Tổng Giám đốc,

Tôi viết thư gửi đến ông nhân dịp ngày khởi đầu của Thập kỷ Nông nghiệp Gia đình Liên Hợp quốc (2019-2028), một sáng kiến nhằm đạt được mục tiêu Không còn Nạn Đói năm 2030 và đạt được mục thứ hai trong Những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Chương trình Hành động 2030: “Chấm dứt nạn đói, đạt mục tiêu an ninh lương thực và cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy nền nông nghiệp bền vững.”

Gia đình bao gồm một mạng lưới của những mối quan hệ trong đó chúng ta học cách sống với người khác trong sự hài hòa với thế giới chung quanh. Vì vậy nó thể hiện một vùng đất màu mỡ và là một mô hình để hướng dẫn cho nền nông nghiệp bền vững, với những kết quả ích lợi không chỉ cho khu vực nông nghiệp nhưng cho cho toàn thể nhân loại và cho việc bảo vệ môi trường. Theo ý nghĩa này, gia đình có thể giúp chúng ta biết trân quý mối tương quan của con người, tạo vật, và nông nghiệp.

Đời sống gia đình cũng là ví dụ điển hình cho nguyên tắc phân quyền, như là một phương cách làm hài hòa những mối quan hệ con người, có khả năng định hình cho trật tự xã hội. Thông qua sự phân quyền thích hợp, các giới chức thẩm quyền công – từ phạm vi địa phương đến phạm vi quốc tế rộng lớn hơn – có thể cùng hoạt động chung với các gia đình để phát triển những vùng nông thôn, mà không bỏ sót mục tiêu của ích chung và bằng cách dành sự ưu tiên cho những người trong các hoàn cảnh thiếu thốn nhất.

Với “sự phân quyền từ dưới” này, nó giúp chúng ta biết quan tâm và chú ý đến những người anh em của chúng ta, chúng ta có thể nhìn thấy cách mà nền nông nghiệp gia đình cần có sự đóng góp đặc biệt của tài năng của nữ giới, vô cùng cần thiết trong mọi cách thể hiện của đời sống xã hội (x. Trích yếu Giáo lý Xã hội của Giáo hội, 295). Đặc biệt trong những quốc gia đang phát triển, phụ nữ có một sự đóng góp rất quan trọng cho hoạt động nông nghiệp. Họ đóng vai trò trong mọi giai đoạn của việc sản xuất lương thực từ gieo trồng đến thu hoạch, trong việc quản lý và chăm sóc gia súc, và thậm chí trong những hình thức lao động nặng nhọc hơn.

Cuối cùng, cuộc khủng hoảng lương thực trong các quốc gia kém phát triển và cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính nặng nề trong các quốc gia phát triển đã thúc đẩy những nỗ lực mới trong các vùng khác nhau trên thế giới để đưa nông nghiệp không chỉ trở thành một phương cách tạo việc làm nhưng còn là sự phát triển cho các cá nhân và cộng đồng. Việc làm cho người trẻ trong nông nghiệp, ngoài việc chống thất nghiệp, có thể mang đến những năng lượng mới cho một khu vực đang chứng minh là quan trọng mang tính chiến lược đối với nguồn lợi ích quốc gia của nhiều nước. Những mục tiêu của Chương trình Hành động 2030 không thể bỏ qua sự đóng góp của người trẻ và năng lực đổi mới của họ.

Điều quan trọng là phải điều chỉnh lại các hệ thống giáo dục để chúng có thể đáp ứng tốt hơn cho những nhu cầu của khu vực nông nghiệp và từ đó giúp hội nhập giới trẻ vào thị trường lao động. Những quan tâm và tài năng của người trẻ được thể hiện trong lĩnh vực nông nghiệp cần được khuyến khích bởi những cơ hội giáo dục phù hợp và những chính sách kinh tế đủ khả năng cung cấp cho họ những công cụ cần thiết để đưa những khả năng của họ vào áp dụng và từ đó trở thành những nhân tố của sự thay đổi và phát triển cho cộng đồng của họ, với tầm nhìn hướng đến sinh thái học tổng hợp. Những hệ thống giáo dục cần phải vượt qua bước đơn thuần truyền đạt kiến thức trở thành sự thúc đẩy văn hóa sinh thái, là vấn đề cần phải bao gồm “một cách nhìn đặc biệt đối với mọi vật, một cách suy nghĩ, những chính sách, một chương trình giáo dục, một lối sống và một đời sống thiêng liêng là những điều kết hợp với nhau tạo ra sức kháng cự trước cuộc tấn công của mô hình kỹ trị” (x. Tông huấn Laudato Si’, 111). Sự chuyển giao những giá trị này, ghi dấu trong gia đình, có thể định hình đời sống của các cộng đồng địa phương và đời sống quốc tế.

Thưa ông Tổng Giám đốc: cơ hội này để phản ánh và thúc đẩy nền nông nghiệp gia đình như là một phần của nỗ lực xóa bỏ nạn đói cũng như đưa ra một sự khích lệ cho ý thức xã hội ngày càng nhiều đối với những nhu cầu của anh chị em chúng ta đang thiếu những nhu cầu căn bản của cuộc sống. Để đạt được điều này, cần phải cung cấp cho các dân tộc một cơ cấu phù hợp có thể giúp họ thoát khỏi nạn đói. Điều này chỉ có thể xảy ra như là kết quả của những nỗ lực chung, được thực hiện trong tinh thần sẵn sàng và quyết tâm, và được hướng dẫn bởi một bước tiếp cận cân nhắc đến những quyền căn bản của con người và tình đoàn kết liên thế hệ như là nền tảng của tính bền vững. Những hoạt động này sẽ trở nên thiết yếu để đạt được mục tiêu được đề ra bởi mục thứ hai trong Những Mục tiêu Phát triển Bền vững, thông qua nông nghiệp gia đình.

Xin Chúa chúc lành cho những nỗ lực và những hoạt động của Đại diện các quốc gia thành viên của FAO, của tất cả những người cộng tác với Tổ chức này và của tất cả những người góp phần thực hiện sáng kiến này để phục vụ gia đình nhân loại rộng lớn của chúng ta.

Viết từ Vatican, 29 tháng Năm, 2019

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/5/2019]

Comments are closed.

phone-icon