Câu chuyện về “Người Lạ”

0

Sr. Têrêsa Sao Sao

Một ngày nào đó trong cuộc đời, không rõ lúc nào đã hình thành trong Nó hình ảnh của một “Người lạ”. Chắc có thể là khi vừa có trí khôn. Nó đã đem lòng mộ mến và đi theo “Người lạ” đó. Thế là chuỗi ngày tiếp theo của cuộc đời Nó được đan kết từ vô vàn những hồng ân của ơn gọi đặc biệt. “Người lạ” ấy được gọi là “lạ” phải chăng vì người ấy là một người xa lạ đối với Nó, hay Người có một xuất thân lạ lùng, đã làm nhiều phép lạ cho thế nhân, hoặc chăng vì Nó là một trong những người được hưởng những ân ban của Người? À Không! Thực ra, điều cuốn hút và làm cho Nó có thể từ bỏ mọi sự mà đi theo “Người lạ” đó chính là Tình yêu Người dành cho Nó qua cung cách hiền lành và khiêm nhường của một Thiên Chúa Hằng Sống. Nó bước theo Người trong hành trình hiến dâng và theo sát Người từng bước chân. Lời của Người là ánh sáng dọi soi Nó mỗi ngày và giúp Nó nhận ra Người lạ này có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời Nó.

Bạn có biết Người lạ này là ai không?

Người lạ này là con của Đức Maria nhưng cũng là con của Đấng Tối Cao đã hạ mình xuống thế để sống thân phận phàm nhân. Người đến với con người trong hình dáng hài nhi nhỏ bé, trải qua cuộc đời trần thế và âm thầm lớn lên như bao người. Người khôn ngoan, vâng lời cha mẹ và hằng được được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Người lạ này luôn sống hiền lành và khiêm nhường. Người lạ này sống giữa thế nhân cách thân thiện, như người thân cận đối với tất cả mọi người. Đặc biệt, những người tội lỗi và đau khổ luôn có một vị trí ưu tiên trong tâm tư của Người.

– Người dùng bữa với những người thu thuế và tội lỗi bởi vì Người muốn chúng ta học cho biết bài học “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế”( x Mt 12,7). Người lạ này đã chinh phục được bao nhiêu tâm hồn vì tính hiền từ, khiêm nhu, hay chạnh lòng thương và thi ân giáng phúc.

– Người hiền hòa khi để các trẻ em đến với Người và Người đặt tay trên chúng. (x Lc 18, 15-17, Mt 19,13- 15) Người dạy Nó cũng hãy nên giống trẻ thơ để có thể vào Nước trời.

– Người hiền hòa khi đứng dưới cây sung, ngước mắt nhìn lên và gọi Giakêu hãy xuống mau đi vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông. “Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (x Lc 19,5)

– Người cư xử cách nhân từ khi nói với chị phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,1-11). Lòng thương xót của Người đã che chở chị khỏi những lời kết án, dèm pha, coi thường, loại trừ của những người xung quanh.

– Người hiền lành và nhẫn nại với nhóm môn đệ dù biết rằng họ không thể canh thức với mình dù chỉ là một giờ và họ sẽ bỏ đi hết để Người cô độc trong cơn gian nan đau khổ sắp tới. Người vẫn để cho các môn đệ gọi là Thầy và Chúa như thể là một người bạn thân. “Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em. (Ga 13,12-14)

– Người hiền từ và kiên nhẫn với từng môn đệ ngay cả khi các ông chỉ biết tranh dành quyền lợi. Và đặc biệt với Phêrô, Người đã trao cho ông cái “nhìn” của tình thầy trò ngay khi ông đang tâm chối Thầy: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa bảo ông: Hôm nay gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần” (Lc 22,61).

Ôi! Nó thấy Người lạ này thi ân giáng phúc trên khắp nẻo đường trần gian. Người lại còn luôn trung thành cầu nguyện với Thiên Chúa Cha. Rồi Người đã chịu chết vì yêu thương nhận loại. Nó thấy thật lạ lùng vì Người là Một Thiên Chúa chấp nhận để người ta phỉ báng mà không chống cự và ẩn đi vinh quang vốn có của mình để đau nỗi đau của con người. Điều đó cho thấy rằng ở nơi đau thương của kiếp nhân sinh vẫn có một Thiên Chúa ẩn mình dẫu chúng ta không nhìn thấy và cũng không thể hiểu nổi. Thiên Chúa luôn vẫn ở kề bên những tâm hồn đau khổ để đau với họ, để buồn với họ và để cảm thông với họ.

Cũng vẫn cung cách hiền lành và khiêm nhường như thuở nào thầy trò bên nhau, sau khi phục sinh Người đã hiện ra với các trò tại biển hồ Tibêria nhưng các môn đệ lại tưởng là “người lạ”. May thay, vẫn còn người môn đệ được Người thương mến nhận ra: Người không phải là người lạ mà là người rất quen “đó là Chúa“. Thế rồi Thầy trò lại đồng bàn với nhau. Giờ đây Người tỏ bày vinh quang Phục Sinh cách mạnh mẽ và nhân hậu, đầy khôn ngoan và khiêm tốn. Người mở toang cánh cửa sự sống, mở đường cứu độ cho những ai tin vào Người. Người kêu gọi mọi người hãy học với Người bài học sống hiền lành và khiêm nhường để như một điểm nối kết đất trời, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai tin vào Người.

Bài học từ Người lạ mang tên Giêsu

Chiêm ngắm cuộc đời Người lạ, Nó tự hỏi mình có phải là người môn đệ được Người thương mến không để có thể nhạy bén nhận ra Người qua các biến cố của cuộc sống? Nghe lời Người mời gọi: hãy học với Người vì Người có lòng hiền hậu và khiêm nhường, nhưng Nó đã học và thực hành bài học này chưa? Theo Người, nghe biết được những ưu tư của Người đối với nhân loại, Nó cũng ấp ủ trong mình nhiệt huyết ra đi mang Tin Mừng loan truyền khắp nơi. Nhìn mẫu gương hiền lành và khiêm nhường của Người Nó nghĩ ngay đến những đức tính mà nhà truyền giáo cần phải có đó là sự hiền lành và khiêm nhường. Hiền lành nhưng không nhu nhược, khiêm nhường nhưng vẫn nhìn nhận giá trị bản thân đúng mực. Người truyền giáo có thể tiếp cận cách hòa đồng và thân thiện với những tâm hồn bằng sự khiêm tốn và hiền hòa. Bởi vì chẳng ai muốn mở lòng chia sẻ cuộc sống và những nỗi gian nan của mình trước một con người ngạo mạn kiêu căng, chưa nói là vì sợ nên họ sẽ càng khép kín mình hơn. Trái lại, khiêm nhường sẽ mở đường cho những trái tim đến gần nhau để có thể cảm thông và sẻ chia những trăn trở, đau thương khốn khó của phận người. Người có đức tính khiêm nhường, hiền lành cùng với ánh mắt thân thiện, thái độ nhã nhặn, sự dấn thân, cách sống giản gị, đơn sơ và khó nghèo sẽ là phản ánh của một Giêsu yêu thương nhân loại. Ý thức được điều này, Nó quyết tâm nỗ lực mỗi ngày để thủ đắc cho mình bài  học hiền lành và khiêm nhường theo gương Thầy Giêsu để tránh thái độ kiêu căng tự mãn, coi thường người khác, đây sẽ là con đường ngắn nhất để Nó đến gần hơn với tha nhân. Bạn cũng hãy đến và ở lại với Người lạ Giêsu bằng cả con tim và tâm hồn thì bạn sẽ có bình an, hoan lạc và sự vững tin từ sức sống mới của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa muốn ở với con người, và Người mời gọi bạn hãy ở lại trong tình thương của Người. Một Thiên Chúa rất lạ, lạ vì tình yêu Người dành cho nhân loại trong đó có bạn, có tôi và có tất cả mọi người.

Comments are closed.

phone-icon