Giai đoạn Đào tạo Sơ khởi – Thư của Cha Timothy Radcliffe, OP gởi anh chị em giai đoạn Đào tạo Sơ khởi

0

Trích từ HÁT LÊN BÀI CA MỚI của Lm. Timothy Radcliffe, OP. Chân Lý 2000. Tr. 179-211

Lời giới thiệu: Ngày 6/10/2024, trong giờ kinh Truyền Tin tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố danh sách 21 tân Hồng y trong đó Dòng Đa Minh có ba vị gồm Linh mục Timothy Peter Joseph Radcliffe, OP, Đức Tổng Giám mục Jean-Paul Vesco, và Đức Tổng Giám mục Francis Leo. Thánh lễ trao mũ Hồng y dự kiến sẽ diễn ra vào ngày Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 8/12/2024.
Cha Timothy Radcliffe là Bề trên Tổng quyền Dòng Đa Minh từ năm 1992 đến năm 2001 nổi tiếng là nhà thần học lỗi lạc, nhà giảng thuyết lừng danh; ngoài ra ngài còn chủ sự các buổi tĩnh tâm cho Thượng Hội đồng Giám mục.
Nhân dịp chuẩn bị lễ Tấn phong Hồng y của ngài, xin kính mời quý độc giả xem lại lá thư Cha gởi cho anh chị em trong Giai đoạn Đào tạo Sơ khởi. Dù lá thư này đã viết cách đây 25 năm, nhưng đến nay vẫn phù hợp với môi trường xã hội và tâm thế của con người thời đại này, nhất là đối với các tu sinh trong Giai đoạn Đào tạo Sơ khởi.

******************

Các anh chị em trong giai đoạn đào tạo sơ khởi là món quà Thiên Chúa ban cho Dòng, và chúng tôi tôn vinh Đấng Tạo hóa khi đón nhận những món quà của Người. Đây chính là công việc chúng tôi phải làm bằng cách cung cấp cho các bạn một nền đào tạo tốt nhất có thể. Tương lai của Dòng phụ thuộc vào điều này, vì thế, mỗi một Tổng hội đều dành nhiều thời gian để bàn bạc về vấn đề đào tạo. Nhiều năm qua, Dòng đã đưa ra những tài liệu tuyệt vời về vấn đề đào tạo, và vì thế, thay vì viết một lá thư dài và lặp lại tất cả những gì đã nói, tôi nghĩ tốt hơn là thu thập những tài liệu này để các bạn và các vị phụ trách đào tạo có thể dễ dàng tham khảo. Nhưng tôi muốn trực tiếp chia sẻ đôi lời với các bạn, là những người đang ở giai đoạn đầu đời sống Đa Minh, biết rằng một số vị phụ trách có lẽ cũng muốn tìm hiểu vấn đề này. Tôi sẽ trình bày về việc đào tạo anh em, vì đây là lĩnh vực tôi biết nhiều hơn. Nhưng tôi hy vọng việc này cũng sẽ ích lợi cho kinh nghiệm của các chị em.

Một trong niềm vui lớn nhất của tôi trong các chuyến viếng thăm Dòng là được gặp gỡ các bạn. Tôi rất cảm động trước nhiệt tình của các bạn đối với Dòng, trước niềm vui Đa Minh thật sự. Thế nhưng việc đào tạo cũng sẽ có những giai đoạn đau khổ, mất định hướng, chán nản, và mất ý nghĩa. Có khi các bạn tự hỏi vì sao các bạn lại ở đây và có nên tiếp tục ở lại đây không? Những khoảnh khắc như thế là một phần cần thiết và đau đớn trong việc đào tạo để các bạn trưởng thành như một tu sĩ Đa Minh. Nếu những điều này không xảy ra thì việc đào tạo không tác động sâu xa nơi các bạn.

Trong truyền thống của Dòng, việc đào tạo không phải là đúc khuôn từ một chất liệu thụ động để sản xuất ra một sản phẩm đúng tiêu chuẩn, “sản phẩm Đa Minh”. Đó chính là việc chúng tôi đồng hành với các bạn để các bạn tự do đáp trả lời mời gọi bao gồm ba khía cạnh mà các bạn đã lãnh nhận: Chúa Phục Sinh mời gọi các bạn theo Người, các tu sĩ nam nữ mời gọi các bạn trở thành một trong những thành viên như họ, và những đòi hỏi của sứ vụ cũng mời gọi các bạn. Nếu các bạn đáp trả những đòi hỏi này một cách trọn vẹn và quảng đại, các bạn sẽ được biến đổi. Việc đáp trả này đòi hỏi các bạn chết đi trong niềm phó thác vào Thiên Chúa, Đấng ban cho chúng ta được Phục sinh. Việc này vừa đớn đau vừa giải thoát, vừa hứng thú vừa sợ hãi. Việc đáp trả sẽ làm cho các bạn trở nên con người như Chúa muốn. Đây là một tiến trình diễn ra liên tục trong suốt đời sống Đa Minh của các bạn. Những năm đào tạo sơ khởi chỉ là bước khởi đầu. Tôi viết lá thư này cho các bạn để khích lệ các bạn tiến bước trong hành trình. Đừng bỏ cuộc khi phải đối diện với khó khăn.

Để triển khai đề tài này, tôi sử dụng đoạn văn kể lại cuộc gặp gỡ giữa thánh nữ Maria Mađalêna, vị thánh bổn mạng của Dòng, với Chúa Giêsu tại khu vườn Phục sinh (Ga 20,11-18).

“CHỊ TÌM AI?”

Khi Chúa Giêsu gặp cô Maria Mađalêna, Người hỏi: “Chị tìm ai?” Cuộc sống của chúng ta ở trong Dòng cũng bắt đầu với câu hỏi tương tự, khi chúng ta nằm phủ phục xuống đất: “Anh xin gì?” Đó là câu hỏi mà Chúa Giêsu đặt ra cho các môn đệ ở phần đầu Tin mừng.

Các bạn tìm đến Dòng với nỗi khát khao trong tâm hồn, nhưng để làm gì? Có phải vì các bạn vừa mới khám phá ra Tin mừng và mong muốn chia sẻ với mọi người? Có phải vì các bạn gặp một tu sĩ Đa Minh mà các bạn ngưỡng mộ và có ý theo gương? Có phải vì các bạn muốn lánh xa trần thế với bao nhiêu hệ lụy, hoặc chạy trốn nỗi đau do những mối tương quan nhân bản gây ra? Hoặc vì các bạn mong ước trở thành linh mục và bạn cảm thấy cần có một cộng đoàn? Hay vì các bạn đang đi tìm ý nghĩa của cuộc sống và mong ước cùng chúng tôi khám phá? Các bạn tìm ai? Các bạn tìm cái gì? Chúng tôi không thể trả lời thay cho các bạn được, nhưng chúng tôi có thể ở bên bạn khi chính các bạn phải đối diện với vấn đề ấy và giúp đỡ bạn tìm ra một lời giải đáp trung thực.

Trong suốt đời sống Đa Minh, chúng ta có thể trả lời câu hỏi đó cách khác nhau, trong những thời điểm khác nhau. Những lý do đưa chúng ta tới Dòng có thể không phải là những lý do khiến chúng ta ở lại trong Dòng. Khi gia nhập Dòng, tôi bị lôi cuốn trước hết là bởi lòng khao khát tìm hiểu niềm tin của mình. Khẩu hiệu “Chân lý” của Dòng đã lôi cuốn tôi. Tôi không biết liệu mình có đủ can đảm để rao giảng Lời Chúa hay không. Nhưng rồi sau đó, tôi đã ở lại vì lòng khát khao này giữ chân tôi. Thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy chẳng rõ vì sao chúng ta vẫn còn ở đây và chúng ta mong muốn gì? Chúng ta chẳng có gì để bám víu vào ngoài một cảm giác mơ hồ rằng đây là nơi chúng ta được mời gọi để sống. Hầu hết chúng ta ở lại cho đến cùng, vì giống như cô Maria trong khu vườn, chúng ta đi tìm Chúa. Ơn gọi là câu chuyện về lòng khao khát. Chúng ta ở lại là vì chúng ta đã “cắn câu” tình yêu, chứ không phải do một cam kết hoàn thiện cá nhân, hay do nghề nghiệp. Nhà thần bí Eckhart nói: “Vì tình yêu tương tự như lưỡi câu của người ngư phủ. Ông ta không thể bắt được cá nếu cá không cắn câu. Ai bị móc vào lưỡi câu ấy thì bị “chộp” nhanh đến nỗi tay chân, mắt mũi, miệng lưỡi, trái tim và tất cả những gì của con người đó đều chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Hãy chăm chú nhìn lưỡi câu đó để chúng ta bị bắt chộp một cách phúc đức, vì càng bị bắt giữ bao nhiêu, bạn càng được tự do bấy nhiêu”.[1] Có thể các bạn sẽ nhận ra rằng các bạn thực sự đang tìm kiếm Chúa Phục Sinh, nhưng các bạn được mời gọi tìm Người trong một dạng đời sống khác, như người môn đệ sống đời sống hôn nhân chẳng hạn. Cũng có khi Chúa gọi các bạn đến với Dòng chỉ trong một thời gian, để chuẩn bị các bạn thành một nhà giảng thuyết trong một tư thế khác.

Niềm vui của cuộc gặp gỡ Phục sinh này là trung tâm của đời sống Đa Minh. Đây là hạnh phúc mà chúng ta chia sẻ trong sứ vụ giảng thuyết. Nhưng chúng ta chỉ lớn lên trong hạnh phúc này một khi chúng ta đã trải qua những khoảnh khắc mất mát. Người mà cô Maria yêu mến đã không còn nữa. “Thưa ông! Nếu ông đã mang Chúa ra khỏi mồ, xin làm ơn chỉ cho tôi, để tôi mang Người về.” Cô đau buồn vì đã mất người mà cô yêu mến. Đôi khi việc vào Dòng cũng có thể được đánh dấu bằng cùng một kinh nghiệm cô độc như vậy. Có lẽ các bạn đã vào Dòng với tất cả sự hăng say. Các bạn sẽ dâng hiến chính mình cho Chúa, các bạn có những giờ phút cầu nguyện ngây ngất. Nhưng dường như Chúa đã biến mất. Cầu nguyện trở thành việc lặp đi lặp lại một cách nhàm chán những Thánh vịnh dài dòng vào những giờ khắc không thích hợp, lại thêm những anh em hát ngang như cua. Thậm chí chúng ta có thể trách những anh em này đã làm cho Chúa biến đi, vì họ thiếu lòng sốt sắng. Tại sao họ không lo phận sự của mình đi? Có lẽ những lời giảng dạy của họ đã làm lung lạc đức tin đã đưa tôi đến đây. Trong các bài giảng của họ, Lời Chúa bị cắt ra từng mảnh, và họ bảo chúng tôi rằng những bài giảng đó không đúng theo nghĩa đen đâu. Họ đã chôn Chúa của tôi nơi nào?

Chúa Giêsu gọi cô, ‘Maria’. Cô quay lại và kêu lên bằng tiếng Hípri, ‘Rabboni’ – Thưa Thầy.

Chúng ta phải mất Chúa nếu chúng ta muốn tìm thấy Người một lần nữa, vừa sống động vừa gần gũi hơn trước. Chúng ta phải để cho Người đi, chúng ta cô độc, buồn phiền vì thiếu vắng Người, rồi chúng ta mới thấy Người gần gũi chúng ta hơn chúng ta tưởng. Nếu không trải qua kinh nghiệm đó, chúng ta sẽ mắc kẹt trong mối tương quan ngây ngô và ấu trĩ đối với Chúa. Trong việc đào tạo, bị mất phương hướng, giống như cô Maria bối rối trong khu vườn, không biết điều gì đang xảy ra, nhiều khi lại là điều cần thiết. Chẳng vậy, chúng ta sẽ không bao giờ biết ngạc nhiên vì một sự thân tình mới mẻ đối với Chúa Phục Sinh. Và chuyện đó phải tái diễn luôn luôn, khi người ngư phủ cuốn dây câu lại. Chúa Phục Sinh đã biến mất bây giờ xuất hiện và trò chuyện với cô Maria, rồi bảo cô hãy để cho Người đi: “Đừng giữ Thầy lại”.

Khi người ta như đã lấy mất thi hài Chúa, đừng bỏ cuộc mà ra đi. Khi Chúa Giêsu biến mất, ông Phêrô, như bao nhiêu người khác, trở về với công việc thường ngày. Trở về cuộc sống cũ có thể là một cám dỗ. Cô Maria không bỏ cuộc nhưng tiếp tục đi tìm, cho dù chỉ là đi tìm một thi hài. Nếu chúng ta kiên trì, thì giống như cô Maria, chúng ta cũng sẽ được đền bù.

Cô Maria không bỏ cuộc nhưng tiếp tục đi tìm, cho dù chỉ là đi tìm một thi hài. Nếu chúng ta kiên trì, thì giống như cô Maria, chúng ta cũng sẽ được đền bù.

Tôi nhớ đến một quãng thời gian dài chán nản trong suốt những năm khấn tạm. Tôi không nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa, nhưng Chúa dường như cách xa diệu vợi, và hầu như chẳng quan tâm gì đến tôi. Rồi nhiều năm sau khi đã khấn trọng, vào một mùa hè trong khu vườn Giếtsêmani tại Giêrusalem, nỗi trống vắng đó mới được lấp đầy. Có lẽ sẽ đến ngày tôi lại phải chịu đựng sự trống vắng đó một lần nữa. Và rồi chính các bạn, những người anh chị em của tôi, sẽ giúp tôi tiếp tục tìm kiếm cho đến khi tôi lại có cuộc gặp gỡ bất ngờ với Chúa.

Chúa Giêsu chỉ nói với Maria một lời, Người gọi tên cô: “Maria”. Chúa luôn luôn gọi chúng ta bằng tên. Chúa đã gọi “Samuel” ba lần trong đêm vắng. Chúng ta khám phá ra chúng ta là ai, căn tính sâu xa nhất của chúng ta là gì, khi chúng ta đáp trả tiếng gọi tên chúng ta. “Chúa gọi tôi từ trong bụng mẹ, từ trong dạ mẫu thân tôi, Người đã đặt tên tôi” (Is 49,1). Như vậy, ơn gọi Đa Minh không phải là vấn đề tìm một công việc, hay thậm chí được phục vụ Hội thánh hoặc xã hội cách hữu ích. Đó là lời thưa “Vâng” đối với Chúa, Đấng gọi tôi đến, “Vâng” đối với những người anh em đang sống với tôi, và “Vâng” với sứ vụ mà tôi được sai đi. Tôi được mời gọi đến với sự sống, cũng như có người đã được gọi ra khỏi mồ bằng tiếng hô to: “Ladarô, hãy bước ra”.

Vì thế, có thể nói, mục đích cơ bản của việc đào tạo là để giúp chúng ta trở nên Kitô hữu, giúp chúng ta thưa “Vâng” với Chúa Kitô. Nếu không, quả là chúng ta đang làm trò đùa. Nhưng như vậy phải chăng trở nên một tu sĩ Đa Minh là điều không quan trọng, là chuyện tùy phụ? Không phải thế, vì đó là con đường theo Chúa Kitô của thánh Đa Minh. Có lẽ danh xưng đầu tiên của Kitô giáo là “Con đường” (Cv 9,2). Khi thánh Đa Minh đi về miền Nam nước Pháp, ngài khám phá ra con đường tiến đến Nước Trời. Dòng ban tặng cho ta con đường sự sống, với việc cầu nguyện chung, với một thể chế quản trị, với cách thức nghiên cứu thần học, và cách thức trở thành một người anh em. Khi tuyên khấn, chúng ta xác quyết rằng, con đường sự sống lạ lùng này sẽ dẫn chúng ta đến Nước Trời.

Như vậy, không phải tôi chờ đợi trở nên một Kitô hữu tốt rồi mới trở nên một nhà giảng thuyết. Chia sẻ Lời Chúa với người khác là một phần của việc tôi tìm kiếm Chúa trong khu vườn xưa. Khi vất vả soạn bài giảng, tôi giống như cô Maria Mađalêna xin người giữ vườn cho tôi hay người ta đã để thi hài của Chúa tôi ở đâu. Nếu tôi có thể chia sẻ việc tôi “vật lộn” với Lời, thì tôi cũng có thể chia sẻ khoảnh khắc của mặc khải khi khi Chúa gọi tên tôi. Nếu tôi muốn chia sẻ khoảnh khắc gặp gỡ xảy ra sau đó, tôi phải dám nhìn vào trong mộ và không thấy thi hài của Chúa nữa. Trở nên một nhà giảng thuyết là chia sẻ tất cả những khoảnh khắc trong bi kịch của khu vườn ngày Phục sinh: sự cô độc, nghi vấn và mặc khải. Nhưng nếu tôi chỉ nói như một người biết mọi chuyện, hoàn toàn xác tín, khi ấy người ta có thể sẽ có ấn tượng mạnh mẽ vì kiến thức của tôi, nhưng tôi lại chẳng gây được ảnh hưởng bao nhiêu đối với họ.

 “HÃY ĐẾN VỚI CÁC ANH CHỊ EM CỦA THẦY”

Chúa Giêsu gọi tên cô Maria và sai cô đến với các anh em của Người. Chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa bằng cách trở nên một trong những người anh em.

Trở nên một người anh em không phải chỉ là gia nhập một cộng đoàn hay là lãnh tu phục. Việc đó hàm ngụ một sự biến đổi thâm sâu nơi con người của tôi. Trở nên một người anh em ruột thịt của ai đó đâu phải chỉ là có cùng cha mẹ; việc đó hàm ngụ những mối tương quan đã dần dần hình thành tôi nên con người như tôi hôm nay. Tương tự như vậy, việc trở nên một trong những người anh em của thánh Đa Minh sẽ đòi hỏi nơi tôi một sự biến đổi kiên trì, thậm chí đôi khi đớn đau, để trở thành con người hiện tại của tôi. Sẽ có những giai đoạn chết đi và phục sinh kéo dài.

Thực sự thì hầu hết anh em Đa Minh là linh mục, và chúng ta thuộc “dòng giáo sĩ”, việc phong chức không làm cho chúng ta mất đi tình anh em. Trong những năm thụ huấn, tôi mong muốn được trở thành một trong những người anh em. Tôi chẳng mong điều gì hơn nữa. Tôi lãnh chức thánh là vì anh em yêu cầu, và vì sứ vụ. Tôi quý trọng chức linh mục, vì sự hiệp thông và lòng từ tâm – trung tâm của đời sống huynh đệ – là dấu chỉ diễn tả một Hội thánh rộng lớn hơn. Nhưng tôi vẫn chỉ là một người anh em như ngày nào. Không có chức tước cao hơn trong Dòng. Đây là lý do khiến tôi tin rằng việc cổ động ơn gọi của các anh em trợ sĩ – tôi không thích từ ngữ này chút nào – là một điều hết sức quan trọng cho tương lai của Dòng. Các anh em ấy nhắc chúng ta nhớ lại tất cả chúng ta là ai, là anh em của thánh Đa Minh. Trong Dòng, không thể có những tu sĩ hạng nhì.

Tôi nhớ khi còn là sinh viên, một linh mục thuộc Tỉnh dòng khác đến thăm cộng đoàn chúng tôi ở Oxford. Khi ông đến, một tu sĩ đang quét dọn nhà khách. Vị khách hỏi: “Anh là thầy phải không?” Người tu sĩ ấy trả lời: “Vâng ạ.” “Thầy cho tôi xin một ly cà phê nhé.” Sau đó, ông yêu cầu người tu sĩ mang hành lý của ông ta lên phòng. Cuối cùng, vị khách bảo: “Thầy này, bây giờ tôi cần gặp cha Bề trên.” Người tu sĩ đáp: “Tôi là Bề trên đây ạ”.

THẾ NÀO LÀ ANH EM: NHỮNG CÁI NHÌN KHÁC NHAU

Là một người anh em có nghĩa là các bạn đã thuộc về chúng tôi. Các bạn cảm thấy thoải mái với những người anh em. Nhưng người tu sĩ Đa Minh chúng ta có thể có nhiều quan niệm khác nhau về việc trở thành người anh em.

Một trong những cú sốc khi gia nhập tập viện có thể là khám phá ra rằng những người bạn tập sinh của tôi đến với Dòng với những cái nhìn rất khác tôi về đời sống Đa Minh. Khi gia nhập Dòng, tôi bị thu hút mãnh liệt không những bởi việc tìm kiếm chân lý, mà cả bởi đời sống thanh bần của thánh Đa Minh nữa. Tôi tưởng tượng mình là một người khất thực trên đường phố. Tôi mau chóng khám phá ra rằng hầu hết những người bạn tập sinh của tôi xem chuyện đó là lãng mạn, ngốc nghếch. Một số người trong anh em bị lôi cuốn bởi niềm say mê học hỏi; một số khác thì vì mong muốn đấu tranh cho thế giới công bằng hơn. Các bạn có thể cho là gương mù khi nhìn thấy những tập sinh khác khui ra những thùng đầy ắp sách vở, hay một máy nghe dĩa CD. Có anh em thích mặc áo dòng 24/24 tiếng đồng hồ, còn những người khác lại muốn cởi ra càng nhanh càng tốt. Chúng ta dễ dàng chà đạp lên ước mơ của người khác.

Thường có những căng thẳng giữa các thế hệ anh em. Một số bạn trẻ đến với Dòng ngày hôm nay đánh giá cao truyền thống và những dấu chỉ hữu hình liên quan đến căn tính của Dòng: việc nghiên cứu học thuyết thánh Tôma, những bài hát truyền thống hoặc những bài thánh ca của Dòng, việc mặc tu phục, việc mừng kính các thánh. Thường các cha anh thuộc thế hệ trước lại cảm thấy bối rối trước nỗi khát khao này của các bạn trẻ, là được thấy căn tính Đa Minh hiển hiện rõ nét. Đối với họ, cuộc phiêu lưu đòi phải bỏ lại đàng sau những hình thức cổ xưa, những hình thức dường như cản bước chúng ta rao giảng Tin mừng. Chúng ta phải lên đường, cùng với mọi người, nhìn sự vật qua đôi mắt của họ, phải ẩn danh nếu chúng ta cần tiếp cận họ. Thỉnh thoảng, việc này có thể đưa đến một sự hiểu lầm nào đó, thậm chí còn nghi ngờ lẫn nhau. Những Tỉnh dòng thịnh đạt hôm nay, thường là những Tỉnh dòng thành công trong việc vượt qua những xung đột ý thức hệ như thế. Làm thế nào để chúng ta có thể xây dựng một tình huynh đệ thắm thiết hơn những dị biệt này?

Trước hết, chúng ta phải nhìn nhận cùng một hứng khởi Tin mừng sâu xa trong mỗi người anh em. Mặc áo dòng hay không, chúng ta đều rao giảng về Chúa Phục Sinh. Tôi luôn luôn thấy thoải mái những lúc ở giữa anh em, có khi cùng với vài anh em ngồi bên bờ sông trong khu rừng Amazon, đọc Thánh vịnh đang khi mặc sơ mi, có khi cử hành phụng vụ trang trọng tại Toulouse. Ngoài những đòi hỏi khách quan của lời khấn và Hiến pháp, chúng ta nhìn nhận một số điểm tương tự như một gia đình: một niềm vui đúng nghĩa; ý thức về sự bình đẳng giữa mọi người; nỗi đam mê thần học, thậm chí có những khuynh hướng trái ngược nhau hoàn toàn; sự tin tưởng vào truyền thống dân chủ; không có sự phô trương. Tất cả những điều này hướng về một cách sống mà chúng ta chia sẻ với nhau, dù có những khác biệt bề ngoài.

Thứ đến, những cái nhìn khác nhau của chúng ta về đời sống Đa Minh có thể được hình thành từ những giai đoạn khác nhau trong lịch sử Hội thánh cũng như lịch sử Dòng. Nhiều anh em gia nhập Dòng vào thời kỳ Công đồng Vaticano II, lớn lên trong một đạo Công giáo tự tin và xác tín về căn tính của mình. Cuộc phiêu lưu của chúng ta lúc đó là phải vươn tới những người còn ở xa Chúa Kitô bằng cách lật đổ những rào cản. Động lực hướng dẫn các anh chị em chúng ta thời ấy là lòng khao khát được gần gũi Chúa Kitô vô hình, Đấng hiện diện trong nhà máy, nơi bản làng, ở trường đại học. Chúng ta che đậy căn tính hữu hình của mình là để dễ dàng giảng thuyết. Chẳng hạn, các linh mục thợ là dấu chỉ của Thiên Chúa, Đấng gần gũi với những kẻ hầu như đã quên mất danh hiệu của Người.

Nhiều người ngày hôm nay đến với Dòng, nhất là ở Tây phương, đi theo một lộ trình khác, họ lớn lên trong một môi trường xa lạ với Kitô giáo. Có lẽ lúc này các bạn muốn tán tụng hay khẳng định niềm tin mà bạn đã ấp ủ và yêu mến. Các bạn muốn được nhìn nhận như một tu sĩ Đa Minh, vì như thế cũng là thuộc về sứ vụ giảng thuyết. Cùng một hứng khởi Tin mừng đã khiến người này mặc áo dòng, người khác thì bỏ áo dòng.

Sự căng thẳng này xét cho cùng là điều hữu ích và cần thiết cho sự sống của Dòng. Chấp nhận người trẻ vào Dòng là một thách đố cho chúng ta. Giống như sự kiện một đứa trẻ chào đời sẽ làm thay đổi toàn bộ đời sống gia đình, mỗi một thế hệ đến với chúng ta cũng làm thay đổi tình anh em. Các bạn đến với những vấn nạn mà không phải lúc nào chúng tôi cũng có thể trả lời được, với những lý tưởng có thể lật tẩy chúng tôi, với những ước mơ mà có thể chúng tôi không chia sẻ được. Các bạn gia nhập Dòng với gia đình, bạn bè, văn hóa và sắc tộc của bạn. Các bạn đến làm cho chúng tôi bị xáo trộn, và vì thế chúng tôi cần có các bạn. Thường các bạn đến và muốn biết đâu là yếu tố cốt lõi của đời sống Đa Minh, mà điều này đôi khi chúng tôi đã quên hoặc coi nhẹ: một nếp sống cầu nguyện chung vừa tuyệt vời vừa thâm thúy; một tình huynh đệ sâu xa nhờ đó chúng tôi quan tâm đến người khác hơn; một lòng can đảm giũ bỏ những ràng buộc cũ kỹ để lại lên đường. Thường thường, Dòng được canh tân nhờ những người trẻ đến với Dòng và kiên trì cố gắng xây dựng một đời sống Đa Minh mà họ đã đọc được trong sách vở. Bạn cứ tiếp tục kiên trì đi.

Thật là dễ dàng cho chúng tôi, những người đã vào Dòng trước các bạn, bực bội nói rằng: “Các bạn nhập bọn với chúng tôi chứ đâu phải chúng tôi nhập bọn với các bạn.” Đúng đấy, nhưng chỉ đúng có một nửa. Vì khi vào Dòng, chúng ta trao mình vào tay cả những anh em sẽ đến sau. Chúng ta cam kết vâng phục những người chưa chào đời. Quả thực chúng ta không buộc phải tái lập Dòng cho mỗi thế hệ, nhưng một phần thiên tài của thánh Đa Minh là sáng lập một Dòng mà bản chất là có khả năng thích ứng và linh động. Chúng ta cần được đổi mới bởi những người bị cuốn hút vì nhiệt tình đối với nhãn quan của thánh Đa Minh. Chúng tôi không chiêu mộ các bạn để chiến đấu trong những trận chiến cổ xưa. Chúng tôi phải chống lại cơn cám dỗ muốn xếp các bạn vào những phạm trù thời thanh xuân của chúng tôi, rồi gán cho các bạn nhãn hiệu “bảo thủ” hay “cấp tiến”, cũng như các bạn không nên loại trừ chúng tôi như những tàn tích của “những năm 70”.

Các bạn cũng sẽ bị thách đố bởi những người đi trước các bạn, hay ít là tôi mong như vậy. Chấp nhận có nhiều đường lối khác nhau để trở thành một tu sĩ Đa Minh không có nghĩa là ai cũng thể phát minh ra cách giải thích riêng của mình. Chẳng hạn, tôi không thể quyết định rằng đối với tôi, lời khấn không đối nghịch với việc có một người tình và một chiếc xe thể thao. Cách sống của chúng ta bao gồm một số nhu cầu tất yếu và khách quan, những nhu cầu đó rốt cục phải mời gọi tôi trải qua cuộc biến đổi bản thân tôi một cách sâu sắc. Nếu lẩn tránh việc đó, tôi sẽ không bao giờ trở thành một người anh em được.

Quan trọng hơn hết, những quan niệm khác nhau về việc trở thành một tu sĩ Đa Minh thực sự không bao giờ được chia rẽ chúng ta, bởi vì sự hiệp nhất của Dòng không nằm ở ranh giới ý thức hệ chung, cũng không hệ tại một linh đạo duy nhất. Nếu quả như thế, có lẽ Dòng chúng ta đã tan vỡ từ lâu rồi. Yếu tố giữ chúng ta lại với nhau, đó là một cách sống cho phép có sự đa dạng và uyển chuyển, một sứ vụ chung, và một thể thức quản trị cho mọi người quyền được phát biểu ý kiến của mình. Con sư tử Đa Minh và chú cừu Đa Minh vẫn có thể sống chung và vui vầy với nhau.

Vào thời sơ khai của Dòng, cuốn sách “Đời sống anh em” được viết ra để ghi lại kỷ niệm về thế hệ anh em đầu tiên. Chúng ta liên kết với nhau như một cộng đoàn bởi những câu chuyện của quá khứ cũng như bởi những giấc mơ trong tương lai. Những dấu chỉ hữu hình của căn tính Đa Minh có giá trị của nó, đồng thời nói lên được phần nào bản chất của chúng ta, nhưng đừng biến thành lá cờ trận của những bè phái khác nhau. Các tu sĩ Đa Minh, những người mà chúng ta trân trọng và không bao giờ quên, thường là những người bị cuốn hút trong nỗi đam mê giảng thuyết đến nỗi họ không có thời gian suy tư nhiều về căn tính của mình là tu sĩ Đa Minh. Anh Simon Tugwell đã viết: “xuyên suốt toàn bộ lịch sử, khi Dòng thành thực với chính mình nhất, đó là lúc Dòng ít quan tâm đến căn tính Đa Minh nhất.”[2]

Việc đào tạo phải thật sự đem lại cho chúng ta một căn tính Đa Minh mạnh mẽ, đồng thời dạy chúng ta về lịch sử và truyền thống của Dòng. Do đó chúng ta không thể cứ ngồi đó chiêm ngắm vinh quang của Dòng, rồi tự cho mình là quan trọng, nhưng chúng ta phải lên đường và cùng nhau bước theo một Chúa Kitô thanh bần và lữ hành. Một ý thức mạnh mẽ về căn tính Đa Minh sẽ giải thoát chúng ta khỏi suy nghĩ về chính mình quá nhiều, bằng không, chúng ta sẽ quá bận tâm nên không nghe thấy giọng nói hỏi chúng ta: “Bạn tìm ai?”

Như vậy, tình huynh đệ không dựa trên cái nhìn một chiều. Tình huynh đệ được xây dựng một cách cần mẫn, bằng việc học cách lắng nghe nhau, học cách trở nên mạnh mẽ và trở nên dòn mỏng, học cách trung tín với nhau và yêu thương anh em.

NÓI VÀ NGHE

Chúng ta biết rằng chúng ta cảm thấy thoải mái khi chúng ta có thể dễ dàng trò chuyện với nhau, tin tưởng rằng ít là anh em sẽ cố gắng hiểu chúng ta. Có lẽ đây là điều chúng ta mong đợi khi chúng ta gia nhập Dòng. Chúa Giêsu nói với cô Maria Mađalêna: “Hãy đi đến với anh em của Thầy, nói với họ rằng Thầy lên cùng Chúa của Thầy, cũng là Chúa của anh em, lên cùng Cha Thầy, cũng là Cha của anh em.” Cô được giao nhiệm vụ chia sẻ niềm tin vào Chúa Phục Sinh, cho dù những người anh em của cô có thể coi cô là kẻ hoang tưởng. Như vậy, chúng ta xây dựng một ngôi nhà chung trong Dòng bằng cách dám chia sẻ những gì đã đưa chúng ta đến đây. Việc này nhiều khi rất khó. Có thể chúng ta mong ước có cùng quan điểm với mọi người, cùng những giấc mơ, cùng một cách thức suy nghĩ. Nhưng chúng ta khám phá ra rằngcó những anh em gia nhập Dòng với những tâm tư nguyện vọng và cái nhìn khác đến nỗi, cứ theo những điều họ nói, chúng ta cũng không nhận ra mình là ai nữa. Chúng ta ngần ngại khi phải bộc lộ những gì là quý giá nhất, tức là niềm tin mong manh của chúng ta, trước sự phê phán và xem xét của mọi người. Việc chia sẻ niềm tin đòi chúng ta chấp nhận một sự tổn thương rất lớn. Đôi khi chia sẻ với những người ngoài cộng đoàn lại có vẻ dễ dàng hơn.

Một trong những thách đố lớn đối với các vị phụ trách đào tạo là xây dựng sự tin tưởng để các bạn dám nói một cách thoải mái. Martin Buber viết: “Điều có tính chất quyết định là các bạn trẻ đã sẵn sàng để trò chuyện chưa. Nếu ai đó tin tưởng họ, tỏ cho họ biết rằng anh ta tin họ, khi ấy họ sẽ nói chuyện với anh ta. Điều cần thiết trước tiên là, thầy giáo phải khơi dậy nơi học trò điều giá trị nhất, đó là lòng tin tưởng chân thực”.[3] Cũng vậy, điều quan trọng là các bạn phải tin tưởng lẫn nhau. Thậm chí có lúc các bạn phải can đảm chia sẻ cả những nỗi hoài nghi của mình.

Văn hóa Tây phương hiện đại nuôi dưỡng sự hoài nghi một cách có hệ thống. Người ta dạy chúng ta là phải kiểm tra những gì người khác nói liên quan đến những điều không được công nhận, những điều không được tiết lộ, và cả những điều người ta vô tình nói ra nữa. Trong Hội thánh, có khi đây là hình thức săn lùng lỗi lầm, xét nét các lời tuyên bố để tìm ra lạc giáo. Người anh em này là một môn đệ trung thành của thánh Tôma hay của thần học giải phóng? Anh ta có phải là người của chúng ta hay không? Phát hiện ra một người anh em lầm lạc và phủ nhận giáo lý của Hội thánh, hoặc hệ tư tưởng của riêng tôi, còn dễ hơn là lắng nghe một ít sự thật mà anh ta có thể đang cố gắng chia sẻ với chúng ta. Thế nhưng kiểu hoài nghi như thế phá hoại mối dây huynh đệ. Sự hoài nghi ấy đến từ sự sợ hãi, và chỉ có tình yêu mới xua đuổi được sự sợ hãi.

Học biết lắng nghe nhau trong tình bác ái là kỷ luật của trí tuệ. Anh Benedict Ashley viết: “Phải có sự khắc kỷ mới trong trí tuệ, vì chẳng có gì đau khổ cho bằng duy trì lòng bác ái đang khi tranh cãi quyêt liệt về những vấn đề nghiêm trọng.”[4] Yêu thương anh em không chỉ là một cảm xúc ấm áp dễ chịu, nhưng còn là một kỷ luật thuộc lãnh vực tri thức. Tôi phải tự kiềm chế để khỏi kết án những gì anh em nói là vô nghĩa trước khi tôi nghe anh ta. Đó là sự khổ hạnh tinh thần để mở rộng tâm hồn đón nhận tri thức mới. Việc đó cũng có nghĩa là phải học cách thinh lặng, không chỉ trong lúc chờ người đó ngưng phát biểu, nhưng để có thể nghe được anh ta. Tôi phải biết dẹp những phản bác có tính biện bạch, hoặc vội vàng ngắt lời anh ta. Tôi phải thinh lặng và lắng nghe.

Sự đối thoại làm nên một cộng đoàn gồm những người bình đẳng, và vì thế chúng ta phải xây dựng cộng đoàn gia đình Đa Minh bằng cách dành thời giờ để chuyện trò với các chị em và giáo dân Đa Minh, đồng thời khám phá ra nhiều điều thú vị. Sự đối thoại sẽ làm nên một gia đình của thánh Đa Minh và thánh nữ Catarina rộng lớn hơn. Sự đối thoại “đòi hỏi sự bình đẳng giữa các thành viên. Quả thực, đó là một trong những cách thức quan trọng nhất để thiết lập sự bình đẳng. Kẻ thù của đối thoại là những lời hoa mỹ, tranh biện, thuật ngữ chuyên môn, những kiểu nói riêng tư, hoặc nỗi thất vọng vì không được lắng nghe hay không được hiểu. Để phát triển, cần có sự giúp đỡ của người bảo mẫu thuộc cả hai phái… Chỉ khi nào biết đối thoại, người ta mới có thể bắt đầu trở nên bình đẳng.”[5] Một trong những thách đố đối với anh em chúng ta là để cho các chị em giúp chúng ta trở thành người giảng thuyết. Một nền đào tạo sâu sắc nhất luôn luôn có tính cách hỗ tương.

TRỞ NÊN MẠNH MẼ VÀ YẾU ĐUỐI

Chúng ta thuộc về một nhà và cảm thấy thoải mái khi chúng ta mạnh mẽ hơn chúng ta tưởng, và yếu đuối hơn chúng ta dám chấp nhận. Đây không phải là những phẩm tính đối nghịch nhau, vì chúng là những dấu chỉ cho thấy chúng ta bắt đầu trở nên giống Chúa Kitô vừa mạnh mẽ vừa yếu đuối.

Trước tiên chúng ta được đào tạo trở thành Kitô hữu. Trong truyền thống, điều đó có nghĩa là phải tăng trưởng các nhân đức hơn là chỉ giữ các giới răn và kiềm chế bản chất lăng loàn của con người. Trở nên đạo đức làm cho chúng ta mạnh mẽ, đơn sơ, tự do và có khả năng tự lập. Như anh Jean Luis-Bruguès, OP, đã viết: nhân đức là tập sự để trở thành con người. “Nhân đức là một quá trình tiến từ tình trạng tiềm ẩn đến tình trạng hoàn hảo.”[6]

Trở nên một người anh em có nghĩa là chúng ta tiếp nhận sức mạnh từ người khác. Chúng ta không phải là những nghệ sĩ độc diễn. Đó là sức mạnh làm cho chúng ta được tự do, tự do cùng với nhau chứ không phải là tự do tách lìa nhau. Trước hết, chúng ta trở nên mạnh mẽ vì chúng ta tin tưởng nơi người khác. Truyền thống ban đầu của chúng ta là sự tin tưởng vô tận của thánh Đa Minh đối với anh em. Ngài tin tưởng vào anh em vì ngài tin tưởng vào Thiên Chúa. Anh Gioan người Tây Ban Nha viết: “Ngài tin tưởng vào lòng nhân từ của Thiên Chúa nên đã sai bảy anh em còn non trẻ ra đi và nói rằng: ‘Đừng sợ, Chúa sẽ ở với anh em và Người sẽ đặt sức mạnh vào môi miệng anh em.’”[7] Vậy nhiệm vụ đầu tiên của vị phụ trách đào tạo là phải xây dựng được lòng tin tưởng và sự tự tin cho anh em. Nhưng đó cũng là trách nhiệm của mỗi người đối với nhau, vì thường thường những anh em thụ huấn là những người đào tạo nhau nhiều nhất. Các bạn có khả năng làm xói mòn anh em, đánh mất sự tự tin của người anh em và trêu tức họ. Và các bạn cũng có khả năng xây dựng cho họ, tiếp thêm sức mạnh cho họ, rèn luyện họ thành những nhà giảng thuyết mạnh mẽ của Thiên Chúa.

Hiến pháp chúng ta viết: “Huấn sinh là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc đào tạo của mình” (HP 156). Đừng đối xử với nhau như những trẻ em, không có khả năng quyết định cho chính mình. Chúng ta lớn lên thành anh em với nhau – những thành viên bình đẳng trong cộng đoàn – nhờ được đối xử như những người trưởng thành. Thời thánh Đa Minh, không có dấu hiệu nào cho thấy trong đan viện có người chuyên đi lòng vòng, rình mò, xem ai nấy có làm công việc bổn phận hay không. Nhưng đây là một trách nhiệm mà chúng ta không thể thực thi một mình được. Nếu chúng ta là anh em, chúng ta phải giúp đỡ nhau tự do suy nghĩ, phát biểu, tin tưởng, chấp nhận rủi ro và lướt thắng sợ hãi. Chúng ta cũng phải dám thách đố nhau.

Khi lớn lên như những người anh em, chúng ta mới đủ vững vàng để đối mặt với những yếu đuối và mỏng dòn của chúng ta. Trước tiên, đây là điều mà một người bạn của tôi gọi là “sự khôn ngoan của các thụ tạo.”[8] Phải hiểu rằng chúng ta là thụ tạo, sự hiện hữu của chúng ta là một món quà, chúng ta phải là những người bất tử, nhưng sống giữa sự sống và sự chết. Thực tế, chúng ta không phải là thần linh. Chúng ta đang đứng trên đôi chân, nhưng đôi chân này cũng là hồng ân. Chúng ta cũng sẽ nhận ra rằng chúng ta đã không hiệp đoàn với các thánh, nhưng chúng ta là một nhóm những người nam nữ yếu đuối, thiếu cương quyết, phải luôn luôn đứng dậy sau những lần sa ngã. Tôi đã viết ở một nơi khác rằng điều này có thể là một giai đoạn khủng khoảng trong việc đào tạo anh em.[9] Những thần tượng mà người tập sinh yêu mến và ngưỡng mộ hóa ra lại… có đôi chân bằng đất sét. Nhưng chuyện này vẫn luôn luôn xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta có bổn mạng Dòng là thánh nữ Maria Mađalêna, người mà truyền thống cho là một phụ nữ yếu đuối và tội lỗi, nhưng lại là người được mời gọi để trở thành nhà giảng thuyết Tin mừng đầu tiên.

Hơn 500 năm về trước, anh Savonarola viết thư cho một tập sinh, tập sinh này thực sự cảm thấy gương mù bởi tội lỗi của những người anh em. Anh Savonarola cảnh báo tập sinh đó về những người khi gia nhập Dòng đã nuôi hy vọng là được vào thiên đường ngay lập tức. Họ không bao giờ ở lâu được. “Họ muốn được sống giữa các vị thánh, bằng cách loại trừ tất cả những người xấu và những người bất toàn. Rồi khi không được như ý, họ bỏ ơn gọi và lên đường… nhưng nếu muốn thoát khỏi những con người xấu xa, anh phải rời bỏ thế giới này.”[10] Cuộc đối đầu với sự dòn mỏng của con người thường là khoảnh khắc tuyệt vời trong tiến trình giúp ơn gọi trưởng thành. Đó là khi chúng ta khám phá ra rằng chúng ta có khả năng cho và nhận lãnh lòng thương xót mà chúng ta xin khi nhập Dòng. Làm được điều đó là chúng ta đang tiến bước trên con đường trở thành một người anh em và một người giảng thuyết. Một trong những nỗi sợ hãi ngăn cản chúng ta tin tưởng vào lòng thương xót là nếu anh em thấy con người thực của chúng ta thì có thể họ sẽ không bỏ phiếu cho chúng ta được tuyên khấn. Chúng ta có thể bị cám dỗ giấu giếm bộ mặt thật của mình cho tới khi chúng ta được an toàn, và được yên ổn trong Dòng, được tuyên khấn, chịu chức và không ai làm gì được nữa. Chấp nhận điều đó có thể là coi việc đào tạo như một sự lừa dối. Đào tạo trở thành việc huấn luyện trong sự che đậy, như thế chỉ là ngụy tạo một Dòng có khẩu hiệu là Chân lý. Chúng ta phải tin vào anh em đủ để họ thấy chúng ta là ai và chúng ta đang suy nghĩ gì. Không có sự trong sáng ấy thì không có tình huynh đệ. Như thế không có nghĩa là chúng ta phải đứng lên ở giữa nhà cơm mà thú tội, nhưng là đừng mang mặt nạ, đừng giấu mặt. Chúng ta phải dám chấp nhận sự tổn thương vì chính Chúa Kitô đã làm gương trước cho chúng ta. Việc đó giúp cho lời giảng trở nên đáng tin và chân thật.

TRUNG THÀNH VÀ YÊU THƯƠNG ANH EM

Cuối cùng, tình huynh đệ có một đặc tính khó nắm bắt và khó lý giải, mà tôi gọi là lòng trung thành, theo như anh Pegu nói, đó là “lời tuyệt vời nhất”. Lòng trung thành của Thiên Chúa là trọng tâm lời rao giảng của chúng ta. Thiên Chúa đã ban lời Người cho chúng ta và Lời đã làm người. Đó là lời mà chúng ta có thể tin tưởng, lời đã tạo nên trong lịch sử loài người một câu chuyện có chủ đích, chứ không phải chỉ là những biến cố tình cờ kế tiếp nhau. Đó là lời mạnh mẽ và vững chắc của Đấng đã nói “Ta là Đấng hiện hữu”. Đó là niềm tín trung mà chúng ta phải tìm kiếm để diễn tả đời sống của mình. Đôi bạn sống đời hôn nhân là một dấu chỉ lòng trung thành của Thiên Chúa, Đấng đã dứt khoát nối kết chính Người với chúng ta trong Chúa Kitô. Trung thành với nhau cũng là một phần trong công việc rao giảng Tin mừng của chúng ta.

Như vậy nghĩa là gì? Trước hết, đó là trung thành trong lời cam kết đối với Dòng. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Lời mặc xác phàm của Người, cho dù việc ấy đã đưa đến một cái chết vô nghĩa. Chúng ta dâng cho Thiên Chúa lời của chúng ta, ngay cả khi lời hứa của chúng ta có thể đòi hỏi chúng ta nhiều hơn những gì chúng ta có thể thực hiện được. Tôi nhớ, khi còn là Giám tỉnh, tôi chuyện trò với một anh em cao tuổi đến nói với tôi rằng anh sắp chết vì bệnh ung thư. Đó là một người dễ mến, tốt lành, trước đây đã từng sống những giây phút khó khăn và bất ổn trong đời sống Đa Minh. Anh ấy nói với tôi: “Dường như tôi sắp hoàn thành ước vọng của tôi là được chết trong Dòng.” Có thể đó chỉ là một ước vọng nhỏ, nhưng là một ước vọng thiết yếu. Người anh em này đã trao dâng lời và sự sống của anh cho Dòng. Anh vui mừng vì, bất chấp tất cả, anh đã không lấy lại món quà này.

Kế đến, phải dành ưu tiên cho sứ mạng chung hơn là kế hoạch riêng tư. Tôi có những tài năng, sở thích và ước mơ, nhưng tôi đã trao tặng chính bản thân tôi cho việc rao giảng Tin mừng. Sứ mạng chung này có thể đòi hỏi tôi chấp nhận những trách vụ ngoài ý muốn trong một thời gian vì lý do công ích, như quản lý, giám sư học viện hoặc tập viện. Một chiếc xe khách có thể giống như một căn phòng chung. Trong căn phòng này đầy người, họ đang chuyện trò, đọc sách, chia sẻ một khoảng không gian chung. Nhưng khi xe khách rẽ sang một con đường khác với con đường của tôi, tôi sẽ xuống xe và đi tiếp lộ trình riêng của mình. Phải chăng tôi coi Dòng như một chiếc xe khách, và chỉ ở trong Dòng bao lâu nó chở tôi đi theo hướng tôi muốn đi?

Lòng trung thành có nghĩa là tôi phải bênh vực anh em vì thanh danh của họ cũng là thanh danh của tôi. Hiến pháp thời sơ khai, và cho tới gần đây, quy định một trong những nhiệm vụ của vị giám sư tập sinh là phải dạy cho họ biết “nghĩ tốt cho người khác.”[11] Phải luôn luôn cắt nghĩa tốt nhất cho những gì mà người của anh em mình nói hoặc làm. Nếu như có anh em thường về nhà lúc đã khuya, thì thay vì tưởng tượng một điều tội lỗi gì ghê gớm, hãy giả dụ là anh ta đi thăm bệnh nhân về. Anh Savonarola viết cho người tập sinh hay xét đoán đó rằng: “Nếu anh thấy có điều gì mà anh không hài lòng, hãy cứ nghĩ anh em đã làm điều đó với ý tốt. Trong anh em, có nhiều người còn tốt hơn là anh nghĩ.” Như vậy còn hơn là sự lạc quan của những người đạo đức nữa. Đó là một tình yêu biết nhìn thế giới với đôi mắt của Thiên Chúa, thấy thế giới này là tốt đẹp. Có lần chị Catarina viết cho cha Raymunđô Capua, xin cha hãy tin vào tình yêu của chị dành cho cha. Khi chúng ta yêu một người nào đó, chúng ta thường nghĩ tốt về những việc họ làm, tin tưởng rằng họ luôn luôn tìm kiếm điều thiện hảo cho chúng ta: “Ngoài tình yêu thông thường, còn có một tình yêu đặc biệt, tình yêu này bộc lộ chính mình trong lòng tin. Và nó bộc lộ chính mình đến nỗi nó không thể nào tin hay tưởng tượng được rằng người ta lại có thể muốn điều gì khác ngoài sự thiện hảo của chúng ta.”[12] Nếu người anh em của tôi bị kết án là xấu xa, hoặc không tuân thủ truyền thống, thì lòng trung thành có nghĩa là tôi sẽ làm mọi sự trong khả năng để ủng hộ anh ta, và đưa ra một lý giải tốt nhất cho quan điểm và hành động của anh ta. Chính vì lòng trung thành hỗ tương này mà lời mở đầu Hiến pháp năm 1228 đã quy định: không ai được nại đến quyền bính ngoài Dòng để chống lại những quyết định trong Dòng; điều luật này được coi là “bất khả xâm phạm và không bao giờ được thay đổi.” Vì vậy, hầu như không tưởng tượng được một anh em lại có thể công khai tố cáo anh em khác và cô lập người anh em đó.

Lòng trung thành này hàm ý rằng tôi sẽ không chỉ ủng hộ người anh em của tôi, mà còn đương đầu với anh ta nữa. Nếu anh ta là anh em của tôi, tôi phải quan tâm đến những gì anh ta đang suy nghĩ và dám bất đồng quan điểm với anh ta. Tôi không thể để chuyện đó cho bề trên, như thể chuyện đó không phải là trách nhiệm của tôi. Nhưng tôi làm điều đó trước mặt anh ta chứ không phải sau lưng. Chúng ta sợ làm điều này vì ngại sẽ đưa đến thù nghịch hay khước từ. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, nếu người anh em thấy rõ chúng ta nói ra là do lòng yêu mến chân lý và yêu mến anh em, thì việc này luôn luôn dẫn tới một sự hiểu biết và tình bạn sắt son.

Vì thế, đây là một vài yếu tố trong việc trở thành một người anh em, đó là biết trao đổi và lắng nghe người khác, học biết điểm mạnh lẫn điểm yếu của nhau; và lớn lên trong sự tin tưởng lẫn nhau. Tất cả những điều này phụ thuộc vào một điều cơ bản nhất, là học cách yêu thương anh em. Là những tu sĩ Đa Minh thường cư xử với nhau một cách mạnh mẽ, chúng có thể e dè khi dùng cách nói tình cảm như vậy. Kiểu cách ấy có vẻ ngọt ngào và uỷ mị. Tuy vậy, nó vẫn là nền tảng tối hậu của tình huynh đệ. Đây là điều chúng ta phải làm vì Đấng đã kêu gọi chúng ta: “Đây là điều răn của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương các con” (Ga 16,12). Đó là giới răn cơ bản trong niềm tin của chúng ta. Vâng phục niềm tin ấy sẽ đào luyện chúng ta trở thành Kitô hữu và trở thành người anh em. Thánh Đa Minh nói ngài học được “trong cuốn sách về lòng bác ái hơn là trong sách vở của con người.”[13] Điều đó có nghĩa là sau cùng ta nhìn thấy nhau như là món quà của Thiên Chúa. Anh em, chị em của tôi có thể làm cho tôi bực mình; tôi có thể hoàn toàn chống lại quan điểm của họ, nhưng tôi vui sướng nơi họ và nhìn thấy điều tốt lành nơi họ.

Có một mối tương quan cơ bản giữa tình yêu và ơn gọi. Mối tương quan ấy đã đưa nhiều bạn đến với chúng tôi. Chúa Giêsu nhìn anh thanh niên giàu có và mến thương anh. Chúa mời gọi anh theo Chúa, giống như lúc Chúa nhìn cô Maria Mađalêna và gọi tên cô. Anh Stephanô người Tây Ban Nha nói với chúng tôi rằng, khi anh đến xưng tội với cha thánh Đa Minh, “cha nhìn tôi một cách trìu mến.”[14] Rồi tối hôm đó, thánh Đa Minh gọi anh đến và trao áo Dòng cho anh. Như tôn sư Eckhart nói, tình yêu giống như lưỡi câu của người ngư phủ, khi bắt được cá rồi thì cá không thể nào thoát được. Tôi phải thú nhận rằng, tôi quyết định gia nhập Dòng trước khi tôi gặp được một tu sĩ Đa Minh; tôi bị lôi cuốn bởi lý tưởng mà tôi đã đọc thấy trong sách. Có lẽ đó cũng là một phúc lành.

Tình yêu này không có màu sắc tình cảm ủy mị. Nhiều khi chúng ta phải cố gắng vất vả để đạt tới nó, chiến đấu để khắc phục thành kiến và sự dị biệt. Đó là lao nhọc để trở nên một người anh em. Tôi nhớ một dạo, có một người anh em mà tôi thấy rất khó sống. Bất cứ điều gì anh ta làm hay nói đều khiến người khác bực bội. Một buổi tối, chúng tôi rủ nhau ra một quán rượu, một giải pháp theo phong cách người Anh. Chúng tôi nói chuyện hàng giờ, trao đổi với nhau quãng đời thơ ấu và những vất vả. Lần đầu tiên tôi nhìn vào mắt anh và nhìn thấy chính tôi như thể anh nhìn thấy tôi. Tôi đã hiểu. Và đó là khởi điểm của tình bằng hữu và huynh đệ.

“TÔI ĐÃ THẤY CHÚA”

Cô Maria Mađalêna chạy đến với các anh em và nói: “Tôi đã thấy Chúa”. Cô là người đầu tiên rao giảng về biến cố Phục sinh. Cô là nhà giảng thuyết vì cô có khả năng nghe tiếng Chúa khi Người gọi cô, và cô chia sẻ Tin mừng Chúa đã chiến thắng sự chết.

Trở thành nhà giảng thuyết không phải chỉ là biết nhiều chuyện để nói, hay là có chút ít kỹ thuật giảng thuyết để biết cách nói. Nhưng đó là được đào tạo để trở nên một người có thể nghe tiếng Chúa, và công bố lời đem lại sự sống. Ngôn sứ Isaia nói: “Thiên Chúa đã gọi tôi từ khi tôi còn trong lòng mẹ, lúc tôi chưa chào đời, Người đã nhắc đến tên tôi. Người đã làm cho miệng tôi nên như gươm sắc, Người giấu tôi trong bóng cánh tay Người” (Is 49,1tt). Cả cuộc đời ngôn sứ Isaia ngay từ lúc đầu, đã được rèn luyện để sẵn sàng tuyên sấm.

Dòng không chỉ đào luyện chúng ta về phương diện thần học. Nhưng đó là một cuộc sống đào tạo chúng ta thành những nhà giảng thuyết. Đời sống cộng đoàn, kinh nguyện, kinh nghiệm mục vụ, thành công và thất bại sẽ làm cho chúng ta có khả năng lưu tâm và loan báo theo những cách thức mà chúng ta không hề dự kiến. Một trong những vị Giám tỉnh tiền nhiệm của tôi là anh Anthony Ross, một nhà giảng thuyết lừng danh, một sử gia, một nhà cải tổ các trại giam và còn là nhà đô vật. Một ngày nọ ít lâu sau khi được bầu làm Giám tỉnh, anh bị đột quỵ và hầu như không còn nói được. Anh phải từ chức và tập nói lại. Một vài từ mà anh nói được có sức mạnh hơn bất cứ điều gì xưa kia anh nói. Người ta đến xưng tội với anh, nghe những lời an ủi đơn sơ. Những bài giảng chỉ có một vài lời của anh có thể biến đổi cả cuộc đời của một con người. Dường như sự đau khổ và im lặng đào tạo nên một nhà giảng thuyết có khả năng trao cho chúng ta lời sự sống mà trước đây không làm được. Tôi đến thăm anh trước khi đi dự Tổng hội Mexico, và rồi từ đó, lạ lùng thay, tôi đã không quay lại với Tỉnh dòng của mình. Lời cuối cùng anh nói với tôi là “Hãy can đảm”. Đây là món quà tuyệt với nhất mà chúng ta có thể trao cho nhau.

LỜI NHÂN ÁI

Cô Maria Mađalêna báo tin cho các môn đệ Chúa: “Tôi đã thấy Chúa”. Đây không phải là lời công bố một sự kiện, nhưng là chia sẻ một điều khám phá. Cô chia sẻ sự mất mát, nỗi lo lắng và phiền muộn của họ, và bây giờ cô có thể chia sẻ với họ cuộc gặp gỡ Chúa Phục Sinh. Cô chia sẻ Tin mừng với họ được, vì đó cũng là Tin mừng cho cô.

Lời chúng ta rao giảng là Lời đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta, là “vị Thượng tế không phải là không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta nhưng không phạm tội” (Dt 14,15). Việc giảng thuyết đòi hỏi chúng ta phải nhập thể vào những thế giới khác nhau: dù đó là một thế giới đương đại của nền văn hóa đề cao tuổi trẻ hay đảo Micronesia[15], dù đó là thế giới của những kẻ nghiện ngập hay thế giới của các nhà doanh nghiệp. Chúng ta phải nhập thế, phải học ngôn ngữ của thế giới, phải nhìn sự vật bằng đôi mắt của cư dân trong thế giới, lăn lộn với họ, cảm thông những yếu đuối và chia sẻ niềm hy vọng của họ. Ở một mức độ nào đó, chúng ta cũng phải trở nên như họ. Khi ấy chúng ta mới có thể loan báo lời là Tin mừng cho họ và cho chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải đồng ý với họ. Thường chúng ta cũng cần thử thách họ, nhưng phải “bắt mạch” con người họ trước khi có thể làm được việc đó.

Hội thánh có truyền thống dâng lời ca tụng Chúa vào lúc hừng đông. Chúng ta vẫn là những người lính canh mong đợi hừng đông, nhờ đó chúng ta có thể chia sẻ niềm hy vọng của mình cho những người không thấy dấu hiệu của bình minh. Chính vì tôi đã thoáng thấy đêm tối của ho, và đó cũng có thể là đêm tối của tôi, nên tôi có thể chia sẻ một lời về “lòng nhân từ yêu thương của Trái tim Chúa, Đấng viếng thăm ta tựa ánh bình minh từ trời cao.”

Chúng ta thường làm được điều này vì hiện tình bản thân của chúng ta và vì những gì chúng ta đã sống. Cô Maria Mađalêna tìm kiếm thi hài của Chúa tình yêu mà cô đã học được trong cuộc sống vốn bị truyền thống cho là đầy dấu ấn thất bại và tội lỗi. Đó là cuộc sống đã chuẩn bị cho cô thành người đi tìm người cô yêu mến và nhận ra Người khi Người gọi chính tên cô. Một trong những món quà quý giá nhất các bạn mang đến cho Dòng chính là cuộc sống của các bạn với những thất bại, những khó khăn và cả những giây phút đen tối. Thậm chí tôi có thể nhìn lại những lỗi lầm của mình và coi đó là tội hồng phúc – Felix culpa – bởi vì nó đã chuẩn bị cho tôi trở thành người có khả năng rao giảng lời cảm thương và hy vọng cho những người đang sống cùng một nỗi thất bại như tôi. Tôi có thể chia sẻ với họ ánh bình minh đang ló dạng.Trong nhiều lãnh vực khác, chúng ta cần được đào tạo trong sự cảm thương, nền đào tạo của con tim và khối óc. Nền đào tạo đó sẽ phá tan sự cứng lòng, tính kiêu ngạo, vẻ tự phụ, sự xét đoán trong chúng ta. Một trong những điều hữu ích tôi từng làm trong năm tập hơi khác thường, đó là thường xuyên đi thăm những tù nhân phạm tội tình dục trong một trại tù ở địa phương. Có lẽ họ là hạng người đáng bị khinh miệt nhất trong xã hội. Rõ ràng là chúng tôi đâu có khác gì họ. Chúng tôi có thể cùng nhau nghe Lời Chúa. Như thế, nền đào tạo của chúng ta phải xóa bỏ dần những thành lũy cố thủ chống lại những kẻ dị biệt, những người thiếu thiện cảm, những kẻ bị xã hội khinh miệt: những người hành khất, gái làm tiền, kẻ tội phạm, hạng người mà chính Lời Chúa đã viếng thăm họ. Chúng ta học cách lãnh nhận những món quà mà họ có thể dành cho chúng ta nếu chúng ta sẵn sàng mở rộng bàn tay.

Nhà thuyết giảng lý tưởng là người trở nên mọi sự cho mọi người, hoàn toàn con người. Theo như tôi biết, không có một tu sĩ Đa Minh nào là một con người hoàn hảo. Chúng ta chấp nhận những giới hạn của mình. Nhiều năm trước đây, mỗi tuần một buổi tối, tôi đến thăm nơi trú ngụ dành cho những người vô gia cư tại Oxford. Tôi mang cháo đến và trò chuyện với họ. Tuy nhiên, thú thật là tôi sợ việc đó. Tôi gớm ghét mùi hôi thối và ngán ngẩm khi phải trò chuyện với những kẻ say xỉn. Tôi biết rằng món cháo của tôi không ngon và tôi ước mong được ở nhà để nghiên cứu sách vở. Tuy vậy, tôi không bao giờ hối tiếc những khoảnh khắc đó. Có lẽ bức tường ngăn cách giữa tôi và những người anh chị em sống trên hè phố đó đã bị phá bỏ phần nào.

Sự cảm thương sẽ tái tạo đời sống chúng ta theo những cách thức mà chúng ta không hề dự định trước. Khi còn là một sinh viên ở Palencia, thánh Đa Minh cảm thương những người đói khổ, và đã bán những cuốn sách quý giá của mình đi. Sở dĩ cha thánh ở lại miền Nam nước Pháp và lập Dòng bởi vì ngài xúc động trước cảnh ngộ của những giáo dân bị mắc kẹt trong thứ lạc giáo nguy hại. Trọn cuộc đời cha thánh được hình thành từ việc đáp ứng những tình huống mà ngài không hề dự kiến. Con người nhân hậu này phó mặc cho mọi người, đau đớn trước nhu cầu của họ. Học biết cảm thương sẽ giúp chúng ta sẵn sàng giũ bỏ quyền kiểm soát chặt chẽ cuộc sống của mình.

LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG

“Tôi đã thấy Chúa”, đây không chỉ là lời tường thuật một biến cố. Cô Maria chia sẻ với các môn đệ Chúa về sự vinh thắng của sự sống trên sự chết, của sự sáng trên bóng tối. Đó là lời đem lại ánh bình minh mà cô chứng kiến “từ sáng tinh mơ”.

Chị Catarina nói với anh Raymunđô rằng chúng ta phải là “những người hành động hơn là những người nói suông và phá đám”.[16] Chúng ta được đào tạo thành những nhà giảng thuyết qua những câu chuyện trao đổi hằng ngày với người khác, trong phòng hội, nơi hành lang. Chúng ta khám phá ra cách thức chia sẻ lời đem lại sự sống trong giảng thuyết, bằng cách trở nên những người anh em dám trao tặng cho nhau lời mang lại niềm hy vọng, sự khích lệ, xây dựng và chữa lành. Nếu chúng ta là những người thường đem lại cho người khác những lời gây tổn thương, làm suy yếu, hao mòn và phá hoại, thì dù có thông minh và uyên bác đến đâu, chúng ta cũng không bao giờ có thể trở thành nhà giảng thuyết được. Người Ba Lan có câu “Wystygl mityk; wynik cynic- Khi nhà thần bí nguội lạnh rồi thì ông ta chỉ còn là một con người hoài nghi yếm thế. Chúng ta có thể là “những con chó của Chúa” chứ không thể là một kẻ hoài nghi, yếm thế được.[17]

Lời của nhà giảng thuyết phải phong phú. Khi gặp Chúa Giêsu, cô Maria lầm tưởng Chúa là người giữ vườn. Nhưng đó không phải là sự lầm lẫn, vì Chúa Giêsu là Ađam mới trong khu vườn sự sống, nơi thần chết đã bị đánh bại, và cây thập giá đã mang lại hoa trái. Như vậy, các đồng minh tự nhiên của nhà giảng thuyết là những con người có óc sáng tạo trong xã hội. Ai là những con người đang đấu tranh để tìm ra ý nghĩa cho cuộc sống hiện tại? Ai là tư tưởng gia, triết gia, thi sĩ, nghệ sĩ, những người có thể dạy chúng ta lời sáng tạo cho hôm nay? Đó chính là những người giúp chúng ta trở thành những người giảng thuyết.

LỜI ĐÃ LÃNH NHẬN

Làm thế nào để tìm được lời có tính sáng tạo mới mẻ và cảm thương này? Ngay từ đầu thư, tôi đã thú nhận rằng khi gia nhập Dòng, tôi sợ không bao giờ có thể giảng thuyết được, và nỗi sợ này vẫn còn đó. Đối với một tu sĩ Đa Minh như tôi, quả là bối rối mỗi khi được mời giảng. Và phản ứng đầu tiên của tôi thường là “Tôi chẳng biết nói gì”. Thế nhưng cái gì phải nói sẽ được soi sáng, nhiều khi vào tận giờ chót. Để nhận được lời ban tặng, chúng ta phải biết nghệ thuật thinh lặng. Trong học hành, cầu nguyện, chúng ta học cách biết thinh lặng, biết chú ý nhận lãnh những điều Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta để chia sẻ cho người khác: “Điều tôi lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi trao lại cho anh em” (1Cr 11,23)

Đối với nhiều người, giữ thinh lặng là một việc khó khăn nhất trong quá trình đào tạo. Pascal viết: “Tôi khám phá ra rằng điều bất hạnh cho con người đơn giản là: không biết cách giữ thinh lặng trong phòng.”[18] Sau cùng, người giảng thuyết phải yêu mến niềm vui cô tịch vì đó chính là lúc chúng ta nhận được hồng ân. Chúng ta ngồi bẹp trên ghế, không phải để thu tích thêm kiến thức mà là để sẵn sàng và nhanh nhạy khi lời đến bất ngờ như kẻ trộm đến trong đêm vậy. Cuối cùng, chúng ta phải yêu mến thinh lặng, xem đó như là cốt lõi sâu thẳm nhất của đời sống Đa Minh. Đó là thời của hồng ân, dù là trong học tập hay trong cầu nguyện.

Thinh lặng đòi hỏi phải có kỷ luật. “Quả thật, Ngài là Thiên Chúa ẩn mình” (Is 45,15). Để nhận ra Thiên Chúa đang đến, chúng ta cần có đôi tai thính của người thợ săn. Tôn sư Eckhrat hỏi: “Thiên Chúa ở đâu để muôn tạo vật phải kiếm tìm và nhờ Người mà mọi vật hiện hữu và được sống? Như người chơi trò trốn tìm, chỉ cần ho lên là bị lộ, Thiên Chúa cũng thế. Không ai có thể khám phá ra Thiên Chúa nếu Người không tự tỏ lộ ra”. Nhưng Thiên Chúa ở đó, kín đáo ho lên, nhẹ nhàng ra hiệu cho những ai có thể nghe được nếu biết thinh lặng. Thường thường, khi đã đi sâu vào đời sống Đa Minh, bạn sẽ bị lấn át bởi những đòi hỏi của thời đại. Bây giờ đã đến lúc bạn phải có thói quen thinh lặng trong sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng mà cả đời bạn phải gắn bó. Thinh lặng làm nên sự khác biệt giữa một tu sĩ Đa Minh chỉ sống qua ngày với một tu sĩ Đa Minh đang tăng tiến.

Người ta thường đến với Dòng mang theo nhiệt tình mới mẻ muốn chia sẻ Tin mừng của Chúa Giêsu. Có thể các bạn muốn lên đường ngay tức khắc, muốn làm mưa làm gió trên bục giảng, muốn chia sẻ cho thế giới điều đã khám phá trong Tin mừng. Thật là chán nản khi gia nhập dòng Giảng Thuyết để rồi sau đó các bạn phát hiện ra rằng mình bị bó buộc bởi những giờ học hành buồn tẻ, hoặc đọc những cuốn sách khô khan của các tác giả đã quá cố. Chúng ta mong mỏi được lên đường rao giảng Tin mừng hay được sai đi thi hành sứ vụ. Chúng ta giống như những người thanh niên trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov của Dostoyevsky, “họ không hiểu rằng hy sinh mạng sống có lẽ là chuyện dễ dàng nhất trong hầu hết mọi trường hợp, và, hy sinh – chẳng hạn – 5 hay 6 năm trong cuộc đời với đầy nhiệt huyết tuổi trẻ, để sôi kinh nấu sử, chỉ để gia tăng gấp mười lần sức mạnh trong việc phục vụ chân lý, hầu có thể thực hiện công việc trọng đại mà họ đang ấp ủ – một sự hy sinh như thế hầu như vượt quá khả năng của nhiều bạn trẻ.

Quả thực, từ ban đầu, chúng ta tìm cách chia sẻ Tin mừng cho người khác, tuy nhiên, sự kiên nhẫn tập luyện trong thinh lặng là điều thiết yếu nếu chúng ta nhắm tới mục đích chia sẻ hơn là vì nhiệt tình cá nhân. Ký ức về cha thánh Đa Minh là “một thứ kho lẫm của Chúa, tràn đầy mọi thứ hoa màu[19]. Chúng ta cần có những năm tháng học hành để đổ đầy kho lẫm. Đúng là trong chương 10:19, thánh Matthêu bảo chúng ta đừng lo lắng trước là sẽ phải nói gì, nhưng anh Humbertô Romans lại nói với các huấn sinh rằng điều đó chỉ áp dụng cho các thánh Tông đồ![20]

Lời được chia sẻ

Một năm trước đây, tôi đi ngang qua những ngõ hẻm chật chội ở Tp. Hồ Chí Minh, tới một sân nhỏ có tượng đài thánh Vinh Sơn. Đứng trên bệ, thánh nhân trông như một nhà giảng thuyết mẫu mực, một nhà hùng biện cô đơn đang giơ tay trên đám đông. Chúng ta ai cũng muốn trở thành nhà giảng thuyết như thánh nhân, muốn làm một ngôi sao cá nhân, tâm điểm của mọi sự chú ý và ngưỡng mộ.

Lời của nhà giảng thuyết không phải là lời riêng của người đó. Đó là lời nhận được không những từ những giờ thinh lặng cầu nguyện mà còn do học hỏi từ người khác. Như vậy cộng đoàn của nhà giảng thuyết phải là cộng đoàn mà ở đó chúng ta có thể chia sẻ những xác tín thâm sâu nhất, như cô Maria đã chia sẻ niềm tin vào Chúa Phục Sinh cho các môn đệ của Chúa. Trong buổi họp của ban Tổng cố vấn vào thứ Tư hằng tuần, chúng tôi cùng nhau đọc Tin mừng. Bài giảng của chúng tôi là kết quả những suy tư của toàn thể cộng đoàn. Những quan niệm hiện đại về vấn đề tác quyền có thể khiến chúng ta chiếm giữ ý tưởng của mình, và cho rằng anh em nào sử dụng những ý tưởng ấy là phạm tội ăn cắp. Thế nhưng, chính người giàu mới là người chủ trương chiếm hữu của cải riêng tư. Chúng ta chia sẻ những gì chúng ta đã lãnh nhận được, và như những tu sĩ khất thực, chúng ta chẳng việc gì phải xấu hổ khi đi xin những ý tưởng của người khác.

Việc đào tạo cũng cần phải giúp chúng ta biết cùng nhau giảng thuyết, trong một sứ vụ chung. Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi từng hai người một. Chúng ta bị cám dỗ coi sứ vụ tông đồ là riêng của mình, và với sự ganh tỵ, canh giữ sứ vụ ấy để anh em khác khỏi chiếm mất. Đây là trách nhiệm của tôi, đây là phận vụ của tôi, đây là vinh dự của tôi. Nếu tôi làm như thế, tất cả những gì tôi rao giảng sẽ là chính tôi.

Anh Humbertô Romans bảo chúng ta đề phòng những người “thi hành việc giảng thuyết như là một công việc nhắm tới vinh quang cá nhân, và dốc hết tâm lực vào đó vì họ muốn được trở nên quan trọng.”[21] Nếu chiều theo cám dỗ này, chúng ta sẽ nghĩ rằng mình là Tin mừng mà mọi người đang đói khát. Công việc giảng dạy thú vị nhất trong đời tôi là khi tôi dạy thần học tại Oxford cùng với hai anh em khác. Chúng tôi cùng soạn giáo án và đến dự lớp của nhau. Chúng tôi cố gắng đưa dẫn sinh viên vào những cuộc thảo luận. Nhờ những cuộc trao đổi như vậy, sinh viên có thể bày tỏ quan điểm của mình thay vì chỉ tiếp thu một cách thụ động.

Một anh em giảng thuyết có nghĩa là cả cộng đoàn giảng thuyết. Thí dụ thời danh nhất về vấn đề này, đó là vào những ngày đầu của cuộc chinh phục châu Mỹ, khi anh Antonio de Montesinos lên tiếng chống lại sự bất công của chính quyền đối với người bản xứ, chính quyền thành phố đến tố giác với cha bề trên, nhưng cha bề trên trả lời rằng anh Antonio giảng cũng chính là cộng đoàn giảng.

Tất cả những chuyện này nhằm chống lại mầm mống chủ trương cá nhân vốn là đặc điểm của thời hiện đại và thường là của người tu sĩ Đa Minh nữa. Quả vậy, có những anh em vẫn hãnh diện cho rằng chủ nghĩa cá nhân là một đặc tính tiêu biểu của người tu sĩ Đa Minh. Đúng là chúng ta có truyền thống đề cao sự tự do và tôn trọng những tài năng riêng của mỗi người. Tạ ơn Chúa. Lập những dự án chung trong Dòng có thể là một cơn ác mộng. Nhưng chúng ta là những anh em giảng thuyết, và những anh em vĩ đại nhất của chúng ta, mặc dù các họa sĩ thường vẽ họ đứng một mình, vẫn thường cùng hoạt động trong một sứ vụ chung. Fra Angelico không phải là một nghệ sĩ đơn độc, nhưng anh đã truyền đạt tài khéo của mình cho anh em; thánh nữ Catarina có những anh chị em chung quanh mình; anh Bartolomé de Las Casas cùng với anh em ở Salamanca đòi quyền lợi cho thổ dân. Các anh Congar và Chenu thành công với tư cách là thành viên của một cộng đoàn các thần học gia. Ngay cả thánh Tôma cũng cần có một đội ngũ anh em để viết lại các công trình của mình.

Như thế, việc đào tạo phải giải thoát chúng ta khỏi những hậu quả bệnh hoạn của chủ nghĩa cá nhân hiện thời, và phải đào tạo chúng ta thành những anh em giảng thuyết. Nếu dám làm điều này, chúng ta sẽ trở nên cá nhân thực sự và mạnh mẽ hơn nhiều. Một số nơi trên thế giới còn bị ảnh hưởng nhiều bởi chủ nghĩa cá nhân này, đây có thể là một thách đố quan trọng cho thế hệ các bạn: đó là tìm ra và phát động những cách thức mới để cùng nhau rao giảng Tin mừng. Các bạn có thể làm được việc này. Có rất nhiều bạn trẻ đang trong giai đoạn đào tạo, chiếm 1/6 số các anh em, và năm nay có hơn một ngàn tập sinh nữ đan sĩ và nữ tu. Các bạn có thể cùng nhau làm được nhiều hơn là chúng tôi có thể mường tượng vào lúc này.

KẾT LUẬN

Năm 1217, một thời gian ngắn sau khi thành lập Dòng, thánh Đa Minh đã phân tán anh em ra đi, bởi vì “hạt giống mà tích trữ mãi sẽ hư hỏng”. Thánh nhân sai họ đi mà không cho tiền bạc, giống như các tông đồ ngày xưa. Nhưng một người anh em tên là Gioan không chịu đi Paris, nếu không có tiền dằn túi. Anh em cãi cọ nhau và cuối cùng thánh Đa Minh nhượng bộ và cho anh ít tiền. Sự việc này gây gương mù cho một số anh em khác, nhưng có khi lại là một bài học hữu ích cho việc đào tạo của chúng ta. Tôi không có ý nói rằng các vị phụ trách đào tạo phải đáp ứng hết mọi nhu cầu của anh em, nhưng việc đào tạo phải vừa bó buộc lẫn cảm thương, vừa lý tưởng lẫn thực tế. Thánh Đa Minh động viên anh Gioan hãy tin tưởng, đừng tự phụ, nhưng hãy tin vào Thiên Chúa, Đấng sẽ lo liệu cho anh trong cuộc hành trình, đồng thời hãy tin tưởng vào những người đã sai anh đi. Khi thấy không còn có thể làm được gì hơn, cha Đa Minh chỉ còn biết tỏ lòng thương xót anh.

Tôi luôn cầu nguyện cho việc đào tạo giúp các bạn lớn lên trong sự tin tưởng và niềm vui của thánh Đa Minh. Dòng cần những người trẻ nam nữ can đảm và vui tươi tìm cách thiết lập Dòng ở những địa điểm mới, tái lập Dòng ở những nơi khác, và phát triển những cách thức mới để truyền giảng Tin mừng. Giống như anh Gioan, lòng tin tưởng của các bạn đôi khi rất mong manh. Có khi các bạn nghi ngờ sức mạnh của mình mà không dám lên đường, thậm chí nghi ngờ không biết có đáng để phải lên đường hay không. Mong rằng những lúc tối tăm, những lúc bất định như thế sẽ trở thành một phần trong sự triển nở của các bạn để trở thành những Kitô hữu, những nhà giảng thuyết, những người anh em và chị em. Khi cảm thấy mình lạc lõng và hoang mang, mong rằng các bạn sẽ nghe thấy một tiếng nói thân tình bất ngờ: “Bạn tìm ai?”

________________________

[1] M. Walshe, Meister Eckhart, tập I, London, 46-47.

[2] Simon Tugwell, ‘Dominican Spirituality’, trong Compendium of Spirituality, ed. E De Cea, OP, New York 1996, 114.

[3] Encounter with Martin Buber, Aubrey Hodes, London 1972, 217.

[4] The Dominicans, Collegeville, 1990, 236.

[5] Theodore Zeldon, An Intimate History of Humanity, London 1994, 49.

[6] Les idées heureuses, Paris 1996, 24.

[7] Hồ sơ phong thánh ở Bologna 26.

[8] Rowan Williams, Open for Judgement, London 1994, 248.

[9] Xem phần Lời hứa ban sự sống.

[10] Thư gửi Stefano di Codiponte 22-5-1492.

[11] S. Tugwell, sđd., 145.

[12] Mary O’Driscoll, OP, Catherine of Siena: Passion for Truth, Compassion for Humanity, New City 1993, 48.

[13] Gerald de Frachet 82.

[14] Chứng từ của anh Stephanô người Tây Ban Nha trong hồ sơ phong thánh cho cha Đa Minh.

[15] Micronesia: một trong ba khu vực chính của quần đảo Thái Bình dương, ở phía Bắc đường xích đạo, phía Đông Philippines, và phía Tây múi giờ quốc tế. (ND)

[16] Mary O’Driscoll, OP, sđd., 48.

[17] Xin thứ lỗi về sự sự bông đùa nghèo nàn này, và xin tìm nguyên ngữ của từ “cynic” (Tác giả so sánh người hoài nghi với con chó, vì con chó gặp bất cứ người lạ nào cũng sủa, nó nghĩ họ là kẻ trộm – ND)

[18] Pensées, s. 205.

[19] Giođanô Saxonia, Libellus, 7.

[20] ‘Treatise on the Formation of Preachers’ trong Early Dominicans: Selected Writings, Simon Tugwell, OP dịch, 205.

[21] Early Dominicans, 236.

Comments are closed.

phone-icon