Các Thánh là … – Lễ Các Thánh Nam Nữ

0

Sr. Têrêsa Đỗ Thụy Thúy Phượng. OP

Nếu được hỏi: Điều gì làm cho các Kitô hữu trở nên khác biệt với các tín hữu thuộc các Tôn giáo bạn? thì theo quan điểm cá nhân, tôi thiết nghĩ rằng, đó chính là lời mời gọi “nên thánh” của Đức Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48) Mặc dù Đạo giáo nào cũng dạy người ta ăn ngay ở lành, nhưng duy chỉ có Đức Giêsu mới mặc khải cho chúng ta khuôn mẫu và cái đích của việc sống thánh, và khuôn mẫu ấy chính là “Cha – Đấng Hoàn Thiện.” Trong ngày Đại lễ kính Các Thánh Nam Nữ hiển vinh trên trời, chúng ta có dịp tìm hiểu lời mời gọi của Đấng Thánh dành cho mỗi người chúng ta. Chúng ta nhận ra rằng, không phải là những vĩ nhân, không phải là nhừng người đã qua đi, không chỉ là bạn hay tôi, mà tất cả chúng ta – những người đang sống, đều được mời gọi sống thánh và trở nên một vị thánh mỗi ngày.

  1. Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em là Đấng Thánh

Lời mời gọi nên thánh được ghi lại trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu như một sự chân nhận Đức Giêsu là Đấng kiện toàn lề luật, vì bố cục Tin Mừng gồm năm bài giảng của Đức Giêsu so sánh tương ứng với năm cuốn sách luật của Môsê trong thời Cựu Ước. Điều Đức Giêsu mời gọi không xa lạ gì với con người, vì trong sách luật cũng có viết: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh.” (Lv 19,2). Đọc lời này, chúng ta thấy có sự thay đổi chút ít về từ ngữ và mức độ tương tác.

Trong sách luật, lời được phán ra là lời mặc khải, chính Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta biết Ngài là Thánh và mang tính cầu khiến như là một lệnh truyền “Các người hãy nên Thánh…” Ngài muốn chúng ta phải nên Thánh vì chúng ta thuộc về Ngài – Đấng là Thánh. Song song với lời trên, lời thốt ra từ miệng Đức Giêsu lại mang tính cách tự do hơn nhiều “Anh em hãy nên hoàn thiện…” Trong từ điển Tiếng Việt định nghĩa hạn từ “hoàn thiện” là một quá trình tiệm tiến, từng ngày thay đổi, tiến lên để đạt tới điều thiện hảo nhất; trong khi đó theo từ điển Kinh Thánh thì hạn từ “Thánh” ở trên được dùng để chỉ “Sự Thánh” – một yếu tính dành riêng cho Thiên Chúa mà thôi và chúng ta chẳng sao có thể vươn tới. Suy tư đến đây bật lên trong chúng ta một sự vui mừng và một sự rung cảm. Rung cảm vì Thiên Chúa là Đấng Thánh đã hạ mình nâng loài người thấp hèn lên và có niềm hy vọng vì Đức Kitô là gương mẫu, là nguồn trợ lực – động viên, đồng hành với chúng ta trên con đường hoàn thiện.

  1. Phúc thay…

Mừng lễ các Thánh, chúng ta không thể không nhớ đến Tám Mối Phúc Thật vẫn quen gọi là bản hiến chương Nước Trời, được công bố trong Tin Mừng của ngày lễ hôm nay. Các Thánh giờ đây là công dân của Thiên Quốc và vì thế, các Ngài mang nơi mình tinh thần của các Mối Phúc thật…

Tin Mừng kể lại việc Đức Giêsu mở miệng dạy đám đông dân chúng đang tuôn đến với mình. Đây là những lời đầu tiên trong bài giảng trên núi. Trong Kinh Thánh, núi thường được hiểu là nơi cao, xa rời đất thấp, là nơi phân tách thế giời này với thế giới kia, là nơi trú ẩn an toàn. Theo nghĩa đó, núi được xem là con người ra khỏi mình để kết hợp với cõi vĩnh hằng, với sự thánh thiêng, hay nói khác đi là nơi để con người gặp gỡ Thiên Chúa (như trường hợp của Môsê, Êlia hay nhiều ngôn sứ khác). Lời Đức Giêsu nói trong bài giảng hôm nay còn chất chứa những sự khác thường khác người nếu không muốn nói là đi ngược với lẽ tự nhiên. Ai cũng đã thuộc nằm lòng lời kinh này và chúng ta thấy rõ sự ngược đời là thế nào:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.

 Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp.

Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an.

Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả.

Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương.

Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa.

Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.

Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”. (Mt 5,2-11)

 

Hình ảnh tượng hình và ý tứ bài giảng đã dẫn người nghe đến một thực tại khác, tách biệt với những cái thường hằng của đời sống. Ở chốn cao vời, xa rời cái hèn mạt mà đi vào sự thanh thoát trên chốn cao xanh. Phải chăng đó là Vương quốc “không thuộc về thế gian này…? Ai chọn sống điều ngược đời ấy là người được Thiên Chúa cho hưởng gia sản Nước Trời và được gọi là con Thiên Chúa. Họ chẳng phải là những công dân, những thành viên của Nước Thiên Chúa sao? Và họ được gọi là các Thánh…

  1. Các Thánh là…

Mỗi độ mừng lễ Các Thánh là tôi có dịp nhớ về tập sách nhỏ được xuất bản khá lâu với nhan đề “Các Thánh là …” Tôi thiết nghĩ nó khá gần gũi và được nhiều người biết đến. Mỗi trang gồm những hình icon rất ngộ nghĩnh dễ thương, bên dưới kèm theo vài lời chú thích ngắn gọn. Nó phù hợp với mọi độ tuổi vì đem đến cho con người sự thích thú khi sống thánh giữa đời. Đọc quyển sách nhỏ, người ta sẽ nhận ra sống thánh là không khó vì đơn giản chỉ là an vui trong địa vị mình, chu toàn các công việc thường ngày và chia sẻ điều mình nhận được với tâm tình biết ơn.

Trong tông huấn Hãy vui mừng hoan hỷ của Thánh Cha Phanxicô ban hành vào ngày 19/03/2018 đã kể cho chúng ta rất nhiều những chứng nhân sống thánh ngay giữa đời thường. Các ngài khuyến khích và đồng hành cùng chúng ta, các ngài “ở kề bên ta”. Đức Thánh Cha viết: “Tôi thích chiêm ngắm sự thánh thiện nơi sự kiên trì của dân Thiên Chúa: nơi những người cha người mẹ nuôi dưỡng con cái với tình thương bao la, nơi những người nam và nữ làm việc vất vả để lo cho gia đình, nơi những bệnh nhân và các tu sĩ cao niên không bao giờ đánh mất nụ cười. Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa.”(số 7). Điều này gợi nhớ đến đoạn kinh thánh trong sách Khải Huyền có thể xem như là một “định nghĩa” về các Thánh: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?”… “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”. (Kh 7,14).

Cùng với dòng suy tư ấy Đức Thánh Cha còn thêm “Tất cả những điều nói trên đều quan trọng. Nhưng với Tông huấn này, trên hết tôi muốn nhấn mạnh đến lời mời gọi nên thánh mà Chúa ngỏ với mỗi người chúng ta, lời mời gọi mà Ngài cũng ngỏ lời cách riêng tư với bạn.” (số 10).

Tạm kết:

Sống thánh hay nên thánh có dễ không? Xin thưa, đó là một ân ban. Chúng ta ngay từ ban đầu được sinh ra đã là Con Thiên Chúa và là hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta mang trong mình phẩm chất thánh thiện “nhân chi sơ tính bản thiện”, vì thế việc nên thánh là điều có thể và không những thế, nên thánh không loại trừ ai, không đòi hỏi quá khắt khe như yêu sách mà thế gian tạo ra: nào là điều kiện xin việc, điều kiện để học một trường công lập hay đại học quốc gia, điều kiện giàu kinh nghiệm và kỹ năng để được nhận vào làm tại một công ty hạng nhất nhì đất nước. Miễn là chúng ta khao khát sống thánh, nỗ lực công tác với ơn Chúa, và không bao giờ bỏ cuộc hay đánh mất niềm hy vọng vào Thiên Chúa. Phần còn lại, “trên núi, Chúa sẽ liệu…” (St 22,14).

Comments are closed.

phone-icon