5 kiểu thánh giá khác nhau và ý nghĩa của những thánh giá đó
Không phải tất cả các thánh giá đều giống nhau, và mỗi thánh giá có ý nghĩa biểu trưng riêng.
Trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo hội, người Ki-tô hữu có cách trình bày thánh giá theo nhiều hình thức khác nhau. Trong mỗi trường hợp thánh giá có hình thức hơi khác và được dùng để biểu trưng cho những chân lý tâm linh.
Dưới đây là năm kiểu thánh giá đã được người Ki-tô hữu trên toàn thế giới sử dụng trong nhiều thế kỷ qua.
Thánh giá giáo hoàng
Thánh giá này chính thức được dùng làm huy hiệu khi trình bày triều đại của giáo hoàng. Thánh giá ba tầng gợi nhớ đến vương miện giáo hoàng mà các đức thánh cha trước đây đội để chỉ về ba tước hiệu của Đức Ki-tô là tư tế, ngôn sứ và vương đế.
Thánh giá Celtic
Rất phổ biến ở Ireland, Thánh giá Celtic mô tả một thập giá tiêu biểu của Ki-tô giáo nằm trước một vòng tròn. Nguồn gốc chính xác của thánh giá vẫn còn là bí ẩn, nhiều người liên kết thánh giá này với Thánh Patrick và khẳng định rằng ngài đã giới thiệu thánh giá đó như là một cách để hoán cải người ngoại giáo. Thánh giá đặt trước mặt trời, mà người ngoại giáo tôn thờ, cho thấy quyền tối thượng của Đức Ki-tô vượt trên thế giới tự nhiên. Và còn nữa, nó miêu tả Đức Ki-tô là nguồn của ánh sáng và sự sống. Có khi thánh giá này được gọi là Thánh giá Mặt trời.
Thánh giá của Thánh An-rê
Một thánh giá thường được dùng trên quốc kỳ của các nước, về nguồn gốc thánh giá được dùng làm biểu tượng cho loại thập giá mà Thánh An-rê Tông đồ đã bị đóng đinh trên đó. Một câu chuyện kể rằng Thánh An-rê đòi được đóng đinh trên kiểu thập giá như vầy (còn được gọi là “thập giá quý tộc”), vì ngài cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh giống như cách của Đức Ki-tô.
Thánh giá của Thánh Phê-rô
Về nguồn gốc cũng tương tự như Thánh giá của Thánh An-rê, Thánh giá của Thánh Phê-rô dựa trên nền tảng câu chuyện bị đóng đinh của Thánh Phê-rô. Phê-rô cảm thấy không xứng đáng được đóng đinh theo cách của Đấng Cứu Thế và yêu cầu được đóng đinh ngược. Do vậy thánh giá này thường được dùng để tượng trưng cho lòng khiêm nhường. Thánh giá cũng đôi khi được dùng để nói về giáo hoàng, người kế vị Thánh Phê-rô.
Thánh giá Byzantine/Chính thống giáo
Một cách miêu tả đầu tiên về việc bị đóng đinh, Thánh giá Byzantine được chấp nhận bởi Ki-tô hữu Byzantine/Chính thống giáo và tiếp tục được sử dụng trong nhà thờ của họ cho đến ngày nay. Tầng trên cùng của thánh giá tượng trưng cho tấm bảng được Phi-la-tô đóng trên đầu thập giá (bảng viết Giê-su Na-za-rét, Vua dân Do thái). Tầng thứ hai tượng trưng cho thanh ngang mà tay Chúa Giê-su bị đóng vào. Tầng thứ ba tượng trưng cho thanh đỡ chân có thể đã được dùng để đỡ chân của Chúa Giê-su. Nó nằm theo góc nghiêng về một phía cho biết kẻ trộm lành bị đóng đinh về bên phải của Chúa Giê-su được đón về thiên đàng. Phụng vụ của Chính thống giáo nói đến tính biểu tượng này vào các ngày thứ Sáu.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển ngữ: TRI KHOAN 19/08/2017]