7 trong số 10 người con của một gia đình
gia nhập Dòng Đa-minh
Saint Joseph | Flickr CC BY-NC-ND 2.0
05 tháng Bảy, 2019
Tất cả những người anh chị em này cùng cảm nhận một tiếng gọi và đến với cùng cộng đoàn!
Một trong những điều tuyệt vời được là thành viên trong một gia đình đông con đó là ý thức chung về tình hiệp nhất giữa anh chị em thường xuyên diễn ra. Dĩ nhiên, luôn có những cãi nhau lặt vặt, nhưng có rất nhiều sự yêu thương — và sự ảnh hưởng — từ những người lớn nhất truyền sang người nhỏ. Đây dường như là trường hợp của gia đình Hinnebusch. Khi William (1908-1981), người anh cả trong 10 anh chị em, lên đường gia nhập Dòng Đa-minh, sáu người em ruột của anh chẳng bao lâu đều theo gương của anh.
Sau khi hoàn tất học vị tiến sĩ lịch sử tại Đại học Oxford, và dành thời gian ở Roma miệt mài nghiên cứu về dòng Đa-minh, Cha William trở thành một nhà sử học Dòng Đa-minh, viết nhiều sách trong đó có quyển Dòng Đa-minh: một lịch sử tóm tắt. Người em út của cha, Cha Fred người đã qua đời, giải thích rằng cái chết của Cha William để lại một quyển sách dở dang. Theo người em trẻ hơn 15 tuổi của cha, nhà sử học đã “lao động miệt mài cho đến phút cuối cùng” để đưa ra một lịch sử xuyên suốt của dòng. Có thể với ý thức trách nhiệm của người em hoặc là vì tôn trọng công trình của anh mình, Cha Fred cùng với một Cha bạn Dòng Đa-minh tiếp tục công việc để được nhìn thấy công trình không những hoàn tất mà còn cập nhật hơn để xây dựng một “trình thuật chính xác” về dòng Đa-minh.
Một phần nhờ vào công cuộc giúp cho người anh, Cha Fred có cơ hội trình bày nhiều bài thuyết trình về lịch sử Dòng Đa-minh. Sau sự nghiệp thuộc lĩnh vực học thuật rất ấn tượng cha đã phục vụ trong Phân khoa Thần học Immaculate Conception cũng như trong Ủy ban Leonine Commission — là một nhóm các học giả với công tác quan trọng là hiệu đính các tác phẩm của Thánh Thomas Aquino. Là người con út trong gia đình Hinnebusch, cha vừa qua đời năm ngoái ở tuổi 95, người cuối cùng trong số anh em còn sống với vai trò không thể thiếu trong việc vén bức màn lịch sử Dòng Đa-minh quay ngược lại hơn 800 năm trước.
Hai người anh em khác cũng gia nhập Dòng Đa-minh là Paul và Albert. Khi Paul (1917-2002) còn học ở trung học cậu quyết định gia nhập cùng Dòng với anh trai William, lớn hơn cậu 9 tuổi. Lúc cậu thông báo tin cho gia đình thì thân mẫu cậu nói: “Con chẳng cần phải nói với mẹ. Mẹ luôn biết rằng con sẽ làm điều đó; mẹ đã biết điều đó qua nhiều năm,” như được kể lại trong bài cáo phó. Cha Paul tiếp tục trở thành một nhà thuyết giảng và là một cây viết về thiêng liêng.
Cha Albert Hinnebusch, sinh năm 1911, là tu huynh duy nhất không thọ đến tuổi già. Qua đời năm 46 tuổi, Cha Albert đóng một vai trò tích cực trong Dòng Holy Name ở Miền Nam.
Với bốn anh em gia nhập Dòng Đa-minh thì còn ngạc nhiên hơn khi ba chị em trong gia đình Hinnebusch cũng gia nhập Dòng Đa-minh: Sơ Claire, một nhà giáo dục; Sơ Regina Ann; và Sơ Dorothy, tất cả đều là thành viên của cộng đoàn Thánh Mary Mùa Xuân ở Ohio, theo Opeast. Ba anh chị em còn lại, Raymond, Joseph, và Mary, đều lập gia đình.
Khi Cha Fred qua đời tháng Mười Hai năm ngoái là lúc đánh dấu sự kết thúc của anh chị em nhà Hinnebusch trên cõi đời này, nhưng sự cống hiến của họ cho Dòng Đa-minh có nghĩa là những công trình của cuộc sống của họ sẽ sống mãi cho các thế hệ tiếp nối.
Nếu bạn muốn học hỏi thêm về các tác phẩm của Cha William Hinnebusch, chúng tôi đề nghị bạn hãy xem video giới thiệu này do em trai, Cha Fred, thực hiện.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/7/2019]