Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su. Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
Sau khi nghe Gioan giới thiệu “Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười”. Việc ở lại này đã giúp các ông biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa, xác tín mãnh liệt về Chúa: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” và vui mừng “dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu”.Gặp được Chúa và ở lại với Ngài cũng chính là hạnh phúc tuyệt vời cho chính bản thân con trong đời sống Kitô hữu và nhất là trong đời sống dâng hiến theo sát bước chân Ngài.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mời gọi tất cả các Kitô hữu, hãy gặp gỡ cá nhân với Đức Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là một sự mở ra để cho chính Ngài gặp gỡ họ, Ngài khẳng định: “Làm Kitô hữu không phải là kết quả của một chọn lựa đạo đức hay một ý tưởng cao thượng, nhưng là cuộc gặp gỡ với một sự kiện, một con người, vốn đem lại cho đời ta một chân trời mới và một hướng đi có tính quyết định”. Và “Để có thể có ‘cuộc gặp gỡ’ này với Chúa Kitô, Thiên Chúa đã dựng nên Hội Thánh của Ngài. Thật vậy, Hội Thánh ‘hằng khát khao phục vụ cho chung cuộc duy nhất này, là mỗi người đều có thể tìm thấy Chúa Kitô, để Người có thể đồng hành với mỗi người trên đường đời” ( ĐTC Phanxicô, Tài liệu chuẩn bị “Đại Hội Các Gia Đình trên thế giới” tại Philadelphia. 156). Đức Thánh Cha mời gọi tất cả mọi người hãy thực thi việc này cách không mệt mỏi trong cuộc sống hằng ngày. Đừng ai nghĩ rằng lời mời gọi này không dành cho chính mình, bởi vì “không một ai bị loại ra khỏi niềm vui được mang đến bởi Thiên Chúa”. Bất cứ khi nào chúng ta bước thêm một bước nữa về phía Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận ra rằng Ngài đã ở đó, đợi chờ chúng ta với cánh tay rộng mở của Ngài. Bây giờ là lúc để chúng ta thưa lên với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, con đã để chính bản thân con bị cám dỗ; con đã khép lại trước tình yêu của Chúa bằng hàng ngàn cách, và giờ đây, con ở đây thêm một lần nữa, để làm mới lại giao ước của con với Chúa. Con cần Chúa (ĐTC, Phanxicô, Niềm Vui Tin Mừng, số 3).
Ở với Chúa là được kết hợp thâm sâu với Ngài trong tình yêu, là có một tương quan cá nhân, riêng tư với Thiên Chúa. Chính nhờ mối tương quan này con hiểu được Thánh ý Chúa trên cuộc đời, và nghe được tiếng Chúa nói với cá nhân mình, như với anh em Simon, Chúa nói: “Hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá” (x. Mc 1, 17). Khi ở bên Chúa đời sống của con sẽ thống nhất với thánh ý Chúa, nhờ đó sẽ luôn hạnh phúc và bình an trong mọi hoàn cảnh vì có Chúa ở bên đồng hành trong cuộc đời. Chúa luôn cảm thông, tha thứ, lắng nghe, âm thầm tiếp thêm sức mạnh, ban cho con sự bình an nội tại để con vững vàng trước mọi biến cố xảy ra, trong mọi tình huống cuộc sống.
Ở với Chúa là điều kiện thiết yếu để con gặp gỡ Chúa, trung thành bước theo Chúa và nhiệt thành giới thiệu Chúa cho người khác, nhưng thực tế điều này lại rất khó. Con luôn dễ ở lại với “ai đó”, với “cái gì đó” hơn là ở lại với Chúa. Con còn oán hờn ghét ghen, con còn khó chịu, bức xúc, nóng vội, con chưa khiêm tốn đủ, con còn quá nhiều lo lắng băn khoăn…tất cả đã lấn át đi sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn và cuộc sống của con.
Lặng tâm trước ánh nhìn của Chúa, và con thầm thĩ với Ngài: Chúa ơi, con cần Chúa biết bao, con cần Chúa ở lại bên con và con ở lại bên Chúa trong từng công việc, trong mọi niềm vui nỗi buồn, thất bại, lo lắng, băn khoăn, trong những yếu đuối tội lỗi, trong sự ghen ghét khó chịu, trong tất cả mọi biến cố trong cuộc đời. Chúa hãy giữ con, để con luôn trung thành với Chúa trong cầu nguyện, sẻ chia, phó thác, trong kinh nguyện, trong Thánh lễ… trong tất cả công việc và từng giây phút trong ngày sống để con luôn thực sự gặp Chúa và được bình an, hạnh phúc trong tình yêu, trong vòng tay ấm áp của Chúa.
Nt. Maria Bùi Thủy