Sự khó nghèo của Đức Giêsu Kitô

0

Nghèo đói dưới lăng kính thiếu thiện cảm của con người

Trải dài lịch sử nhân loại, sự tồn tại của đói nghèo là một đề tài được nhiều người giải thích. Cái nghèo đôi khi được xem là sự trừng phạt thích đáng của Chúa cho một lỗi lầm cụ thể nào đó của con người. Một số người cho rằng: người nghèo như là những kẻ ăn bám đang tìm kiếm cơ hội để hưởng không từ tầng lớp lao động. Một số khác lại xem sự đói nghèo là một sự thất bại của xã hội loài người trong việc cung cấp các phương tiện và cơ hội cho những người túng thiếu. 

Bất kể lý do gì khiến nghèo đói tồn tại, con người thời hiện đại luôn có ác cảm với đói nghèo. Các nhà lãnh đạo quốc gia chú trọng vào sự tăng trưởng kinh tế và mạng lưới an sinh xã hội. Họ tìm cách giành chiến thắng trong “cuộc chiến chống đói nghèo”. Những khoản thuế lớn được thu và được tái phân phối, đồng thời các tổ chức thiện nguyện cũng khẩn nài để quyên góp tiền hỗ trợ cho người nghèo. Nhiều người chiến đấu chống lại đói nghèo bằng cách cung cấp thực phẩm cho người nghèo, thực hiện những chuyến đi sứ vụ hoặc tình nguyện sống trong các trại tạm trú dành cho người vô gia cư. Họ hy vọng rằng với những cách thức “xóa đói giảm nghèo” trong xã hội, những người giàu sẽ cảm thấy bớt áy náy hơn hoặc ít nhất sẽ cảm thấy giảm bớt mặc cảm tội lỗi vì “kẻ ăn không hết, người lần không ra.”

Thay vì chống lại sự đói nghèo, nền văn hoá hiện đại lại ra sức chạy theo sự phồn thịnh của nền kinh tế thị trường. Trong xã hội tục hoá ngày nay, nhiều người đã bất chấp cuộc sống mình chỉ để được tiêu xài như những kẻ giàu có, hay chỉ để đáp ứng cho mức tiêu dùng không tưởng. Mọi ham muốn của con người thời nay được đáp ứng theo kiểu “siêu cỡ” dù đó là lượng thức ăn dư thừa, nhà cao cửa rộng, siêu xe, các phương tiện giải trí và các trò chơi cảm giác mạnh, rượu và ma túy hoặc các văn hóa phẩm đồi trụy tràn lan. Ở một số phong trào tôn giáo, “Phúc âm thịnh vượng” được hào hứng truyền giảng, với niềm tin sai lạc rằng, mục đích mà Thiên Chúa tạo dựng nên con người là để họ được dư giả về vật chất; ý tưởng về “sự sung túc” bị biến thành chủ nghĩa duy vật phi lý. Rõ ràng, thế giới hiện đại ngày nay ấp ủ một lòng muốn vô chừng cho sự thịnh vượng và một sự ác cảm cho sự nghèo đói.

Phúc âm về sự khó nghèo của Đức Giêsu Kitô

Trái lại, trong Mầu nhiệm Nhập thể, Đức Giêsu Kitô đã hoàn toàn đón nhận sự nghèo khó. Thay vì đến trần gian trong sự xa hoa của vật chất xứng tầm là Chúa các Chúa, Vua muôn Vua, Đức Giêsu hoàn toàn chấp nhận sự nghèo khó. Thiên Chúa đã cúi mình từ sự vô hạn không tưởng trong Thần Tính của Ngài để mặc lấy thân phận nghèo hèn hữu hạn nơi con người trong mầu nhiệm Nhập Thể. Đức Giêsu đã cúi rạp mình để đi đến tận cùng của kiếp nhân sinh, đã bỏ qua sự giàu có và quyền lực trần thế, đến như một đứa trẻ bơ vơ được sinh ra bởi một phụ nữ trẻ và một người cha trần thế vốn chỉ là một thợ mộc “vô danh”. Đức Giêsu, Chúa Tể của Vũ Trụ, đã chấp nhận được bao bọc bởi lớp tã quấn quanh người, yếu ớt và khó nghèo. Ngay từ lúc lọt lòng mẹ, Ngài đã là một kẻ tị nạn trốn qua Ai Cập.

Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã sống một cuộc đời nghèo khó. Sau khi chịu phép rửa tại sông Giordan, Ngài đã đi vào hoang địa để trải nghiệm cơn đói khát trong bốn mươi ngày. Ngài đã sống cuộc sống của một nhà giảng thuyết lưu động nghèo, đi bộ hàng ngàn dặm và thường ngủ giữa cảnh màn trời chiếu đất. Ngài sống với người nghèo, chữa lành những người khốn cùng nhất trong những người nghèo, người mù, người què, người hủi và người bị quỷ ám. Ngài sống như những người vô gia cư khi khẳng định: “Cáo có hang, chim trời có tổ; nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Đức Giêsu bảo người thanh niên giàu có hãy cho hết tài sản của mình và đi theo Ngài (Lc 18,22). Ngài khen bà goá bần cùng, dù trong cảnh nghèo vẫn cống hiến một xu vào thùng tiền dâng cúng ở đền thờ Do Thái (Mc 12, 42-44). Trước Tuần Thánh, Chúa Giêsu đã dành thời gian ở Bethany (theo tiếng A-ram có nghĩa là “Ngôi nhà của sự nghèo khó”). Đức Giêsu chết như một tên tội phạm, bị lột trần, bị đánh đập và bị treo trên Thập tự giá và nhìn những người lính đánh cược để đoạt lấy áo choàng là vật sở hữu duy nhất của Ngài (Ga 19, 23-24).

Không thể phủ nhận rằng Đức Giêsu Kitô đã chấp nhận sự nghèo khó và chính “sự khó nghèo” này là một trong những sứ điệp cốt lõi trong Phúc Âm; Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng về Sự Nghèo Khó. Ngài đến để “rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4:18) và “chia sẻ cuộc sống của người nghèo, từ trong nôi cho đến thập tự giá qua chính kinh nghiệm đói, khát và thiếu thốn” (GLCG 544). Trong Thần tính, Đức Giêsu Kitô đã trở thành hiện thân của sứ điệp Tin Mừng qua việc gắn bó với sự khó nghèo.

Điều Đức Giêsu dạy về Đức Khó nghèo

Làm thế nào để giao hoà giữa cuộc sống sung túc mà Đức Giêsu hứa ban với sự nhập thể trong tinh thần khó nghèo có mục đích của Ngài?

Định nghĩa về khó nghèo

Khó nghèo xuất phát từ tiếng Latinh, pauper “nghèo”, có lẽ là một từ ghép của paucus “nhỏ bé” và parare “nhận được”. Trong Các Mối Phúc, từ “nghèo” bắt nguồn từ từ ányâ trong tiếng A-ram (hay ani của tiếng Do Thái) có nghĩa là “cúi xuống, đau khổ, khốn khổ”. Những người nghèo khó nhận được rất ít, hạ mình, bần cùng và khốn khổ.

Nhân loại phải nhận ra sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa

Những lời đầu tiên trong Bài giảng trên Núi của Đức Giêsu là: “Phúc cho những kẻ có tinh thần nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của họ” (Mt 5, 3). Trong cụm từ này, Đức Giêsu nêu rõ cả tình trạng bất lực của con người và động cơ cốt lõi là con người phải tìm kiếm Ơn Cứu Độ. Tất cả chúng ta đều là những kẻ khốn cùng, “cúi xuống”, “nhận được ít” và “đau khổ” trong một cuộc sống chỉ là vật chất, vì chúng ta đều phải chịu đau đớn, bệnh tật và cuối cùng là cái chết. Khi chúng ta thừa nhận rằng “tinh thần” hơn là vật chất, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng chúng ta là những kẻ khốn nạn tầm thường so với Thiên Chúa vĩ đại của chúng ta. Đức Giêsu dạy rằng những người chấp nhận sự tồn tại của Thiên Chúa và sẵn sàng hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài, là những người “nghèo về tinh thần”. Khi nhận thức được tình trạng nghèo khó này, con người dễ dàng mở lòng đón nhận Ơn Cứu độ của Đức Giêsu Kitô trong lời hứa trên trời. “Vương quốc thuộc về người nghèo và người thấp hèn, nghĩa là những ai đã chấp nhận nó với tấm lòng khiêm tốn của họ” (GLCG 544).

Thần tượng hóa sự giàu có khiến loài người xa rời Thiên Chúa

Nhiều lần, Đức Giêsu nói rõ rằng việc thờ thần tượng và theo đuổi của cải dẫn đến cái chết. Ngài dạy rằng “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa” (Mt 19, 24). Đức Kitô còn dạy rằng chúng ta phải “sống tiết độ, biết tiết chế lòng ham muốn của cải trần gian” (GLCG 2407). Ngài nói với chúng ta, “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6,24).

Sự nghèo khó của Đức Giêsu thôi thúc chúng ta yêu người nghèo

Nhập thể hoàn toàn trong một thân phận khó nghèo, Đức Giêsu Kitô trở nên nghèo khó. Thật thế, “Đức Giêsu được sinh hạ khiêm tốn trong chuồng súc vật, thuộc một gia đình nghèo. Các mục đồng chất phác là những chứng nhân đầu tiên của biến cố Giáng Sinh. Chính trong cảnh nghèo hèn này mà vinh quang Thiên Chúa được tỏ lộ (x.Lc 2,8-20).” (GLCG 525). Ngài đồng hóa mình với người nghèo, rằng “Ta bảo thật cho các ngươi biết: những gì các ngươi đã không làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta” (Mt 25, 45). “Chúa yêu cầu chúng ta yêu như Ngài… và [yêu] người nghèo như chính Chúa Kitô” (GLCG 1825). Chúng ta phải phục vụ “những người nghèo khó và đau khổ, vì nơi họ, Hội Thánh nhận ra hình ảnh của Đấng Sáng Lập nghèo khó và đau khổ của mình” (GLCG 786). Đức Giêsu dạy rằng tất cả mọi người, ngay cả những người nghèo nhất trong những người nghèo, đều đáng được tôn trọng và đáng được yêu thương. Nếu chúng ta yêu mến và đi theo Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải yêu sự nghèo khó của Đức Giêsu Kitô và chúng ta phải yêu những người mà Đức Giêsu Kitô đã yêu: Đó chính là những người nghèo.

Gương nghèo khó của Đức Giêsu chuẩn bị cho chúng ta trở thành môn đệ của Ngài

Trong cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, để nên môn đệ Đức Giêsu Kitô, chúng ta phải chuẩn bị cho những nỗi đau. Đức Giêsu dạy rằng: “bởi sự nghèo khó của Ngài, Ngài kêu gọi chúng ta chấp nhận một cách tự do sự mất mát và những bắt bớ có thể xảy đến với chúng ta” (GLCG 520). “Tất cả các tín hữu của Đức Kitô phải sống với ‘tinh thần nghèo khó theo Phúc Âm’” (GLCG 2546). Với tư cách là chi thể của Đức Kitô, mỗi người chúng ta trong Hội Thánh được “Thần Khí của Đức Kitô thúc giục phải đi trên con đường mà chính Đức Kitô đã bước đi, một cách khó nghèo và vâng phục ”(GLCG 852).

Lời nói và hành động của Đức Giêsu thúc bách chúng ta phục vụ người nghèo

Đức Giêsu đã dạy trong Dụ ngôn về Chiên và Dê (Mt 25, 32-46) rằng: số phận cuối cùng của con người được quyết định bởi cách họ đáp lại lời kêu gọi của Ngài để phục vụ người nghèo. “Những người sở hữu các sản phẩm tiêu dùng, phải sử dụng chừng mực, dành phần tốt đẹp hơn cho người khách viếng thăm, kẻ đau ốm và người cùng khổ” (GLCG 2405). “Thiên Chúa chúc phúc cho ai giúp đỡ người nghèo và kết án ai lãnh đạm với họ” (GLCG 2443). “Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5,42) “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,8). Đức Giêsu Kitô nhận ra kẻ được Người tuyển chọn (x. Mt 25,31-36) qua việc họ đã làm cho người nghèo. Dấu chỉ sự hiện diện của Đức Ki-tô là “kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,5) ( x. Lc 4,18 ).

Trong cảnh nghèo khó, mọi người đều lệ thuộc vào Bí tích Thánh Thể

Bí tích Thánh Thể là nguồn gốc và là đỉnh cao của đức tin Công giáo (GLCG 1324). Cốt lõi Bí tích Thánh Thể của Đức Giêsu nói lên sự thật rằng tất cả mọi người đều là kẻ hành khất, bần cùng, đói khát trước mặt Thiên Chúa. Trong dụ ngôn Người cha nhân hậu, người con hoang đàng đã chết đói sau khi lãng phí cơ nghiệp của mình và trở thành một kẻ khốn nạn đến nỗi phải tranh với lợn để có thức ăn. Nhưng khi trở về với cha mình, anh đã được một bữa tiệc bằng con bê đã vỗ béo (Lc 15, 11-32). “Bí tích Thánh Thể đòi buộc chúng phải chăm sóc người nghèo. Để thực sự lãnh nhận Mình và Máu Đức Kitô đã phó nộp vì chúng ta, chúng ta phải nhận ra Người trong những người nghèo nàn nhất, những anh em của Người (x. Mt 25,40)” (GLCG 1397). Tất cả mọi người đều đói khát vì cuộc sống trống rỗng không có Chúa. Tất cả con người đều ở trong tình trạng nghèo nàn về tinh thần, đói khát về mặt thiêng liêng. Tất cả mọi người cần một Đấng Cứu Rỗi, tất cả mọi người cần được cho ăn bánh từ trời. Trong phép lạ khi cho dân chúng ăn và việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cho ta thấy rằng: tất cả mọi người cuối cùng đều lệ thuộc vào Bánh Hằng Sống để được cứu rỗi khỏi sự nghèo đói của tâm linh.

Chuyển ngữ: Nt. Maria Nguyễn Thị Ánh Hồng

Nguồn:https://www.catholicmannight.com/learn-about-jesus/articles/virtues/the-poverty-of-jesus-christ/?fbclid=IwAR3eudZsNdXZ57YDc-oPOeycqpsbtosTKfKaBMT-iqW-sSge9ZmVCLEnXAo

Comments are closed.

phone-icon