Chuyển dịch: Sr. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP
Nguồn: onlineministries.creighton.edu
Chúa luôn chờ đợi để yêu thương và an ủi chúng ta trong những lúc khó khăn, khủng hoảng nhất.
Những lúc gặp khủng hoảng, khổ đau, thiết nghĩ đó là thời điểm cần thiết nhất để chúng ta chạy đến với Chúa. Mỗi lần chúng ta kêu lên “Lạy Chúa, xin hãy cứu con!” “Làm ơn cứu con!” “Xin cứu con!”, là lúc Chúa muốn ở đó với chúng ta. Chúa muốn chúng ta tìm đến với Chúa và cầu xin Chúa dẫn chúng ta vào trong mối tương quan thân mật với Chúa, để được Ngài ủi an, nâng đỡ.
Tuy nhiên, đối với nhiều người trong chúng ta, khi đối diện với đau khổ, khủng hoảng lại là lúc chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện nhất. Những lúc đó chúng ta thật sự không biết phải nói gì hay cầu xin điều gì. Chúng ta muốn cầu xin một phép lạ, thế nhưng, kinh nghiệm của những lần trước chúng ta cũng đã cầu xin cho phép lạ xảy ra, nhưng phép lạ chẳng bao giờ xảy ra. Chúng ta cảm thấy thất vọng hoặc tệ hơn nữa, chúng ta nghi ngờ không biết có Chúa hay không. Nếu Chúa có mặt thì tại sao mỗi lần chúng ta thực sự cần đến Ngài, tha thiết cầu xin với Ngài mà Ngài chẳng ban cho chúng ta những điều chúng ta cầu xin. Chẳng hạn khi tôi cầu xin Chúa chữa lành cho bà nội được khỏi bệnh nhưng lại chẳng được. Hay lúc tôi cầu xin cho kết quả sinh thiết của mình được âm tính mà kết quả lại không như tôi cầu xin. Có khi chúng ta cầu xin cho mình nhận được một sự hỗ trợ mà mình đang rất cần nhưng rồi điều đó cũng chẳng xảy ra. Đã có khi nào tôi cầu nguyện cho việc hàn gắn một mối tương quan đã bị rạn nứt mà không được đáp lời chưa?
THAY ĐỔI HÌNH ẢNH VỀ CHÚA
Đôi khi chúng ta nhìn Chúa như một nhà ảo thuật – một người hùng đầy quyền lực với đầy đủ mọi phép thần thông biến hóa có thể thay đổi mọi thứ nếu Ngài muốn. Một trong những lý do khiến chúng ta khó thay đổi hình ảnh này về Chúa là vì chúng ta không biết thay thế bằng hình ảnh nào cả. Lối dẫn chúng ta vào cầu nguyện là khi chúng ta mở lòng đón nhận Chúa là Đấng nhân từ và xót thương. Đấng đã được Kinh Thánh mô tả suốt dọc dài lịch sử cứu độ. Đồng thời chúng ta để cho Đức Giêsu bày tỏ Tin Mừng của Ngài cho chúng ta. Thiên Chúa không điều khiển thế giới như một người múa rối, cứ giật giây và bắt mọi sự di chuyển theo. Ngài không bác bỏ những quy luật tự nhiên để chiều theo hết mọi lời cầu xin của chúng ta. Trong niềm tin, Thiên Chúa tỏ cho chúng ta thấy Ngài là một vị Thiên Chúa quyền năng ngay giữa những nơi mà Thiên Chúa dường như bất lực. Trong đức tin, Thiên Chúa đau với nỗi đau của chúng ta. Trong đức tin, chúng ta được Tin Mừng giải thoát và soi sáng để xác tín rằng Thiên Chúa đã đánh bại quyền lực cuối cùng là tội lỗi và sự chết. Chúa không ngăn cản tội lỗi và sự chết. Khi chúng ta xác tín vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tin rằng chúng ta được dựng nên để chia sẻ cuộc sống vĩnh cửu với Chúa, lúc đó chúng ta sẽ được giải thoát khỏi sự sợ hãi của tội và sự chết vốn làm tê liệt đời sống của chúng ta.
Chúng ta hãy nhìn vào một vài cuộc khủng hoảng thường gặp để tìm ra cách thế giúp chúng ta trở về với Chúa ngay trong những khủng hoảng đó. Từ “khủng hoảng – crisis” bắt nguồn từ chữ “krisis” trong tiếng Hy Lạp, đó là một quyết định – decision. Nó hàm ý đến sự xác quyết mà chúng ta gọi là quyết định then chốt ở những thời điểm khó khăn và gay go nhất của cuộc đời. Đây là một bước ngoặt, là thời điểm khi mà nỗi đau đã đến tột cùng hoặc khi mọi thứ dường như bị đảo lộn, đe dọa sẽ nhấn chìm chúng ta. Chúng ta cảm thấy mình bị sự sợ hãi bóp nghẹt, không biết phải xử lý cách nào và phải bắt đầu từ đâu.
Sự nếm cảm về chính cái chết của mình
Khuyết tật và cái chết gây nên những khủng hoảng lớn nhất trong cuộc đời chúng ta. Hầu hết chúng ta cho rằng cái chết hoặc khuyết tật của một người thân là một trong những khủng hoảng lớn nhất mà chúng ta phải đối diện trong cuộc sống. Cái chết cũng như những khuyết tật của bản thân làm cho chúng ta mất định hướng, làm suy kiệt nhuệ khí của mình, khiến chúng ta mất bình an và niềm hy vọng. Một cách nào đó, chúng ta thường sống như thể không có cái chết hoặc “từ chối cái chết”. Tuy nhiên, việc từ chối sự thật này tạo ra những tổn thương tâm lý trầm trọng trong lòng chúng ta. Trong niềm tin vào mầu nhiệm sự chết và phục sinh của Đức Kitô đã cho chúng ta niềm hy vọng khi đối diện với cái chết hoặc những dị tật, mặc dù xét về mặt con người, chúng ta vẫn cảm thấy rất khó để đón nhận.
Tất cả chúng ta, lúc này hay lúc khác, đều đã trải qua những kinh nghiệm về những khuyết tật của mình. Càng lớn tuổi, chúng ta càng cảm thấy mình bị giới hạn nhiều điều, không còn khả năng làm được những thứ mà trước đây mình vẫn làm một cách dễ dàng. Tuổi càng cao, sức khỏe thể lý cũng như tinh thần lại đi theo chiều ngược lại và đôi khi chúng ta cảm thấy suy sụp hoàn toàn. Tất cả mọi thứ, từ việc thoái hóa xương khớp đến việc suy sụp tinh thần, tình cảm, hoặc những cơn nghiện thuốc giảm đau, từ sự mất kiểm soát trong việc tiểu tiện đến cảm giác bất an, sợ hãi, tất cả đều là những hệ lụy của sự giới hạn và mong manh của phận người. Trong cầu nguyện, chúng ta hướng lòng lên với Chúa để xin Chúa giúp đỡ. Những kinh nghiệm về sự bất lực này một mặt có thể đẩy chúng ta đến chỗ thất vọng, mặt khác lại là cơ hội dẫn chúng ta đến tâm tình tạ ơn và khiêm tốn thẳm sâu trước tình yêu của Chúa. Chính trong giới hạn của phận người, trong sự giảm sút về sức khỏe thể lý cũng như tâm lý, chúng ta lại càng cảm nghiệm sâu hơn về tình yêu của Chúa dành cho chúng ta. Hơn bao giờ hết, ngay khi chúng ta cảm thấy bất lực, lại là lúc chúng ta cần đến Đức Giêsu – Đấng Cứu Độ chúng ta và Thiên Chúa sẵn sàng giang rộng đôi tay của Ngài để ôm lấy chúng ta.
Sợ hãi về cái chết tự bản chất là một cú sốc tâm lý. Một khối u ở ngực hoặc kết quả xét nghiệm kháng nguyên tuyến tiền liệt dương tính có thể khiến chúng ta tê liệt vì sợ hãi. Những ngày tháng chờ đợi kết quả có thể là thời gian khiến chúng ta mỏi mệt, trầm cảm hoặc cũng có thể là thời gian giúp chúng ta được lớn lên trong ân sủng. Chúng ta cảm thấy sợ trước những điều bấp bênh, vô định, đó là điều đương nhiên. Nỗi sợ này có thể được chuyển thành niềm tin, một sự trở về với Thiên Chúa để cầu xin Ngài thương giúp. Bên cạnh sự sợ hãi về cái chết, còn có nỗi sợ phải lìa xa người thân hoặc phải từ bỏ một công việc quan trọng. Nỗi sợ đó cũng làm chúng ta kiệt lực. Trong những lúc như thế, chúng ta hãy chạy đến với Chúa, hãy đi sâu hơn vào những bí nhiệm trong sự giới hạn của chúng ta và khiêm tốn nhìn nhận sự mong manh, bất lực của phận người. Chính lòng biết ơn trân trọng về sự sống và các mối liên hệ, chúng ta sẽ được biến đổi và tái sinh. Nhờ đó, dù ở giữa cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về sức khỏe, sự sợ hãi của chúng ta sẽ được thay thế bằng sự bình an nội tâm và lòng tín thác vào Chúa, Đấng luôn yêu thương chúng ta.
Thế giới dường như dừng lại khi mầu nhiệm sự chết viếng thăm chúng ta. Tuy nhiên, trong đức tin, chúng ta hãy chạy đến với Chúa và cầu xin Chúa ban ơn để hiểu được tâm tình của Chúa Giêsu khi Ngài buông mình vào vòng tay yêu thương của Chúa Cha. Chúng ta cầu xin ơn Chúa để biết phó thác người thân hoặc chính cuộc sống của mình trong vòng tay yêu thương của Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta ơn biết ngay khi sống cuộc đời trần thế nhưng tâm trí luôn hướng về cuộc sống vĩnh cửu. Một trong những chấn thương tâm lý trước cái chết là sự cắt đứt các mối tương quan. Trong một số trường hợp, chúng ta không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ như thế nào khi thiếu bóng người kia, hoặc nỗi đau khi phải xa rời những người thân yêu là không thể chịu đựng được. Tuy nhiên, đức tin cho chúng ta cơ hội bước vào một mối tương quan mới, mối tương quan vượt trên sự chết. Chúng ta tin rằng chúng ta có thể tiếp tục hiệp thông và giao tiếp với những người thân yêu, ngay cả sau khi họ chết. Một khi chúng ta được giải thoát khỏi những rào cản của thể lý để xây dựng những mối tương quan bền vững, chúng ta sẽ cảm thấy thật sự tự do, hạnh phúc và được nếm trải trước cuộc sống vĩnh hằng, nơi đó chúng ta muôn đời sẽ không còn phải xa cách nhau nữa. Không bao giờ được gặp lại hoặc được đụng chạm với người thân yêu trong cuộc sống này nữa là một sự mất mát lớn lao. Tuy nhiên, chính niềm tin giúp chúng ta xây dựng và phát triển mối tương quan sâu sắc với những người thân yêu, ngay cả sau cái chết.
Khủng hoảng trong mối tương quan
Trước một mối tương quan bị đổ vỡ hoặc vợ chồng ly hôn luôn là thời điểm khủng hoảng lớn lao. Trong những tình huống đó, chúng ta không chỉ cảm thấy mất mát, hụt hẫng, nhưng còn bị dằn vặt bởi cảm giác thất bại, thua cuộc hoặc vỡ mộng. Chúng ta có thể cảm thấy tức giận, tội lỗi, muốn trả thù, thấy mình vô giá trị, chán nản hoặc phủ nhận sự thật. Nếu có con cái, chúng ta sẽ trút lên những đứa con mà mình yêu thương tất cả những nỗi đau, sự giận dữ và tổn thương của mình. Sự tức giận này thường kéo dài trong một thời gian rất lâu. Thời gian này có thể là lúc mà chúng ta cảm thấy khó cầu nguyện nhất. Chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ khi chạy đến với Chúa, hoặc cảm thấy sợ những điều Chúa sẽ nói, hoặc đơn giản là chúng ta sẵn sàng đổ lỗi cho Chúa vì không ra tay cứu giúp chúng ta khỏi thảm kịch khủng khiếp này. Và, nếu trong những lúc hạnh phúc, bình an mà chúng ta đã lơ là với Chúa, thì vào những thời điểm khó khăn, khủng hoảng này thì chúng ta phải cố gắng rất nhiều để xây dựng mối tương quan với Chúa.
Chúa luôn muốn yêu thương và an ủi chúng ta
Đây rõ ràng là thời điểm quan trọng nhất để cầu nguyện. Điều thôi thúc nội tâm chúng ta hướng về Chúa là sự xác tín rằng Chúa thấu hiểu mọi sự. Chúa đã dựng nên tôi, Ngài ở với tôi trong mọi khoảnh khắc cuộc đời tôi, tôi không bao giờ ngạc nhiên hay nghi ngờ về điều này. Chúa chỉ có một ước muốn, đó là an ủi tôi khi tôi cần sự ủi an, nâng đỡ. Ngài đánh thức tôi khi tôi bị cám dỗ rời xa Ngài. Tôi không cần phải giải thích tất cả với Chúa. Tự đáy lòng, tôi thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa hiểu tất cả. Con biết Chúa cũng đang đau nỗi đau của con. Con biết chỉ có Chúa mới có thể giúp con đối mặt với tương lai sau chuyện này.” Đây là lời cầu nguyện sâu sắc. Nó mở lối dẫn chúng ta đi sâu hơn vào mối tương quan thân mật với Chúa, hoàn toàn lệ thuộc vào Chúa và phân định rõ ràng hơn. Những cuộc khủng hoàng này có thể là những trải nghiệm sâu sắc về sự khiêm nhường và sự trung thực giúp tôi thoát khỏi những cảm giác cay đắng, chữa lành tôi và vực tôi dậy để tiếp tục yêu thương.
Có nhiều khủng hoảng bất ổn khác có thể xảy ra trong cuộc sống của chúng ta và dường như đó là những thời điểm rất khó để cầu nguyện. Đó có thể là khủng hoảng về tài chính, mất việc làm, hoặc khủng hoảng khi nhận ra rằng mình đã quá nuông chiều và làm hư những đứa con mà mình hết mực yêu thương, hoặc những khủng hoảng xảy ra với những người thân. Cũng có những lúc chúng ta không gặp cơn khủng hoảng nào nhưng lại mất định hướng, cảm thấy vô vị hoặc mất đi sự đam mê vào những gì mình đang làm. Những lúc đó cũng là những thời điểm rất quan trọng để chúng ta tìm đến với Chúa, cảm nghiệm về tình yêu và sự tự do của Chúa. Không có ai và cũng không có gì lấy mất sự bình an nơi chúng ta ngoại trừ khi chúng ta để cho nó mất, hoặc khi chúng ta cố gắng giải quyết các vấn đề không dựa trên đức tin, niềm hy vọng và tình yêu mà Chúa muốn ban cho chúng ta. Khi chúng ta xác tín rằng, “cuộc sống của tôi ở trong tay Chúa”, lúc đó chúng ta sẽ tìm thấy niềm khát khao sâu sắc nhất và sức mạnh lớn nhất trong cuộc sống của mình. Tất cả mọi nỗi mất mát, mọi tình yêu đều được biến đổi khi cuộc sống của chúng ta dựa trên tình yêu của Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta. Mọi sức mạnh cho cuộc sống đầy dũng khí và mọi đam mê cho tình yêu hy hiến bản thân đều được nảy sinh từ một tâm hồn được đổi mới, tự do và tràn ngập tình thương.