Người Gia Kiệm Sống Chứng Nhân Thời Covid

0

Miền Nam đang rơi vào tình cảnh giãn cách, và có nơi bị cách ly vì cúm Vũ Hán. Điều đáng buồn là những chợ nhỏ bị cấm tụ tập nên người dân dồn vào các siêu thị dẫn đến chen lấn, ùn tắt và giá các mặt hàng cũng cao hơn bình thường.

Nhiều người hoang mang về nguồn thực phẩm ở đâu cho người nghèo và ngay cả người giầu cũng ngại ra chỗ đông người như siêu thị mua hàng đầy rủi ro! Chính trong cái rủi lại có cái may. Chính những nơi bị phong tỏa lại là nơi thấy rõ tình người, tình liên đới và sẻ chia. Tôi hỏi thăm một số người ở Gia Kiệm là nơi bị phong tỏa hoàn toàn từ ngày 28/06 tới nay về nguồn lương thực, và ai đã giúp cho người dân đủ lương thực để ăn trong lúc này? Mọi người đều bảo chẳng có ai ngoài tình làng nghĩa xóm. Người trong xóm, người trong xứ tự giúp nhau chứ chưa nhận được một sự tài trợ nào từ nơi khác. Những chuyến xe hàng của anh em thiện nguyện chạy xuyên thời gian 24/24 để mang lương thực tới từng xóm ngõ. Những bàn đồ ăn bày ra trên các con hẻm với những dòng chữ : “ai thiếu cứ lấy, ai dư hãy mang đến” .. ..

Tôi có hỏi một cụ già neo đơn vẫn thường xuyên nhận lương thực với giá 0 đồng về cảm xúc của cụ như thế nào? Cụ nói: tôi cầm lương thực mà nước mắt cứ rưng rưng. Tôi khóc không phải nhận được quà mà bởi vì cảm nhận được tình cảm giữa con người với con người những lúc khó khăn như thế này. Người Gia Kiệm dân Bắc di cư khi mới vào lập nghiệp đã sống đùm bọc nay lại có cơ hội thể hiện tình thân, thân thiện và nghĩa tình’.

Đây là ân huệ hay là một phép lạ mà Thiên Chúa đang dành cho quê hương của tôi. Có lẽ đây là phép lạ của chia sẻ. Phép lạ của sự liên đới. Phép lạ của tình người “tối lửa tắt đèn có nhau”.  Khi con người biết chia sẻ là lúc phép lạ sẽ diễn ra. Càng nhiều người chia sẻ thì phép lạ càng lớn lao.

Năm xưa khi thấy dân chúng đang đối diện với cái đói, thì Chúa Giê-su đã hỏi các môn đệ: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Dường như các môn đệ đều cảm thấy “lực bất tòng tâm”. Philipphê đã nhanh trí thoái thác trách nhiệm khi ông nói: “Thưa Thầy, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.”. Môn đệ Anrê cũng ủng hộ lập trường của bạn ông: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu !”  

Khi người ta không cảm thấy liên đới, người ta sẽ tìm trăm ngàn lý do để né tránh, để an phận thủ thường, để bình an lương tâm. Các môn đệ muốn nại vào khó khăn để biện minh cho sự thờ ơ của mình. Nhưng Chúa đã tận dụng chính khó khăn đó để dạy các ông: chỉ cần cảm thấy có tình liên đới thì sẽ cùng chung tay để vượt qua kếp nạn.

Thực vậy, sau khi đón nhận 5 chiếc bánh và 2 con cá từ lòng quảng đại của một em bé. Chúa Giêsu đã có thể nhân rộng ra thành hàng trăm, hàng ngàn tấm bánh. Phép lạ đã diễn ra khi 5 cái bánh và 2 con cái được trao ban. Và rồi các tông đồ cứ thế trao ban mãi, trao ban hoài mà vẫn không hết.

Có lẽ nhân loại hôm nay không chết đói cho bằng chết vì thiếu tình thương. Những người đang chờ chết cũng là những người đang chờ từng nghĩa cử yêu thương, san sẻ của đồng loại. Con người cần cơm bánh để sống. Nhưng con người lại rất cần tình thương để tồn tại

Lời Chúa hôm nay dường như đang chất vấn bạn và tôi về những thiếu sót của chúng ta trước sự khốn cùng của tha nhân. Chúng ta hãy hành động nhân danh Chúa để bánh và cá tiếp tục được nhân rộng đến cho mọi người, để tình yêu đem lại hạnh phúc cho con người hôm nay.

Cám ơn Chúa về tình làng nghĩa xóm đầy tình bác ái ky-tô giáo mà người giáo dân Gia Kiệm đang thể hiện. Chính tình liên đới đã làm cho phép lạ được diễn ra để ai cũng có rau xanh để ăn, ai cũng có đủ lương thực để vượt qua khó khăn của ngày hôm nay.

Xin Chúa giúp chúng ta luôn giầu lòng quảng đại để có thể trao ban niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân trong đời sống bác ái yêu thương. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Comments are closed.

phone-icon