Yêu Chúa qua tha nhân – Chúa Nhật 26 Thường Niên C

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 16, 19-31):

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.

“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: ‘Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.’

“Ông nhà giàu nói: ‘Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.’ Ông nhà giàu nói: ‘Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối.’ Ông Áp-ra-ham đáp: ‘Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin’.”

*************

Trong cùng Tin Mừng theo thánh Luca, ở chương thứ 6, Chúa Giêsu nói: “Phúc cho những kẻ nghèo khó, khốn cho những kẻ giàu có.” Những lời nói này thật khó nghe. Dụ ngôn ông nhà giầu và anh La-da-rô nghèo khó là một dẫn chứng dân gian nhưng rất súc tích. Câu chuyện dụ ngôn này không có mục đích nào khác ngoài việc giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống đức tin của chúng ta.

Trong bài đọc 1, ngôn sứ A-mốt, vào thế kỷ thứ VIII trước Công Nguyên, đả kích những người có quyền lực về kinh tế nhưng lại không biết sử dụng nó một cách đúng đắn. Họ phung phí tài sản chung, lấy cớ là để tổ chức tiệc tùng trong các dịp lễ tôn giáo. Có lẽ chính Ðức Giêsu đã chứng kiến những bữa tiệc tương tự như thế, nên nói rằng chỉ cần những đồ ăn vụn rớt xuống đất cũng đủ để nuôi sống La-da-rô.

Chúa ban cho chúng ta vũ trụ và muôn loài muôn vật để chúng ta thành những người quản lý khôn ngoan, biết sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như bảo vệ môi trường. Tôn trọng vũ trụ tức là tôn trọng chính Chúa, Ðấng sáng tạo nên nó, cũng như tôn trọng tất cả mọi người được Chúa kêu gọi sống hạnh phúc trong vũ trụ đó.

Tin Mừng không lên án sự giầu có nhưng chê trách những người giầu không biết sử dụng của cải của mình, và trở nên điếc và mù: điếc để không muốn nghe tiếng kêu cứu của anh em mình, mù để không muốn nhìn thấy nỗi khốn khổ của tha nhân.

Thời đại chúng ta đang sống là thời đại có rất nhiều người thất nghiệp và biết bao nhiêu kẻ khốn cùng. Lo giúp người nghèo, không phải chỉ có việc bố thí, nhưng còn là chia sẻ thời gian, khả năng, tiếp đón và lắng nghe họ. Không có gì quan trọng hơn việc giúp một người đang đau khổ, phiền muộn hoặc cô đơn, đang mong chờ một miếng bánh, chén cơm cũng như một cử chỉ thân thiện và yêu thương.

Trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu loan báo một mầu nhiệm lớn lao, đó là sự chết không phải là đường cùng của cuộc đời. Chúa muốn đón tiếp trong tình yêu của Ngài những ai lìa cõi đời này, nhất là những ai luôn sống tinh thần bác ái và dấn thân phục vụ mọi người

Có một chi tiết khá kỳ lạ trong bài dụ ngôn này, đó là Abraham, phát ngôn viên của Chúa, từ chối không cho La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước để làm mát lưỡi ông nhà giàu. Tại sao Abraham không thực hành sự tha thứ và lòng khoan dung của Chúa? Các bài dụ ngôn không thể nói hết mọi chuyện cùng một lúc. Bài dụ ngôn hôm nay không nói về sự tha thứ, nhưng nói về con người. Không phải có tiền của mới thành người được. Ðiều quan trọng nhất trong cuộc sống, không phải là sự giàu có, nhưng là nhân phẩm con người. Cha ông chúng ta thường khuyên: “Sống sao cho nên người.” Ông nhà giầu kia không bao giờ nhìn nhận La-da-rô như một con người, mà xem anh ta còn tệ hơn một con chó…

Hố sâu ngăn cản không phải giữa Chúa và ông nhà giầu kia mà là giữa con người được tôn trọng và con người bị coi thường, khinh bỉ. Vì thế, phải trả lại cho con người phẩm giá của con người. Đây chính là chiều kích đức tin: phải trả lại cho con người hình ảnh của Thiên Chúa. Ðó chính là lời mời gọi của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay. La-da-rô là hình ảnh và là tiếng nói của Chúa. Nếu ông nhà giầu kia đoái nhìn đến La-da-rô ăn xin và chết đói ngoài cửa, ông ta sẽ nhận ra chính Chúa.

“Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ðó là thông điệp của Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta hãy lắng nghe lời Người và đem ra thực hành, kẻo quá muộn!

Xin Chúa cho chúng ta sức mạnh, can đảm và niềm vui được nhận ra Chúa và yêu mến Chúa qua tất cả những những người mà chúng ta gặp gỡ hôm nay và ngày mai. Amen.

Comments are closed.

phone-icon