Suy tư mục vụ về sự tham gia trên các mạng xã hội – Phần 3

0

Nguồn: vatican.va
Nguyễn Tri Khoan chuyển Việt ngữ

III. Từ gặp gỡ đến cộng đồng
“Hãy chăm sóc cho người này” (x. Lc 10:35) – mở rộng tiến trình chữa lành cho người khác. 

Mặt đối mặt

45) Giao tiếp bắt đầu bằng sự kết nối và hướng tới các mối quan hệ, cộng đồng và hiệp thông.[22] Sẽ không có sự giao tiếp nếu không có sự gặp gỡ thật. Giao tiếp là thiết lập các mối tương quan; là để “ở với”. Trở thành cộng đồng là chia sẻ với người khác những sự thật căn bản về những điều một người nắm giữ và chính con người của họ. Vượt ngoài sự gần gũi về địa lý-lãnh thổ hay sắc tộc-văn hóa, những gì tạo nên một cộng đồng là sự chia sẻ chung về sự thật cùng với ý thức thuộc về, trao đổi lẫn nhau và đoàn kết, trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Khi xét đến các yếu tố sau này, điều quan trọng cần phải nhớ là việc xây dựng sự đoàn kết cộng đồng thông qua các hoạt động giao tiếp, duy trì các mối quan hệ xã hội vượt thời gian và không gian, sẽ luôn là thứ yếu so với việc trung thành với sự thật.

46) Làm thế nào để xây dựng một cộng đồng thông qua các hoạt động giao tiếp giữa những người không ở gần nhau về mặt thể lý thực ra là một vấn đề từ xa xưa. Chúng ta có thể nhận ra sự căng thẳng giữa việc hiện diện thông qua trung gian và sự mong mỏi được gặp gỡ trực tiếp đã có trong thư của các Thánh Tông đồ. Chẳng hạn, Thánh sử Gioan kết thúc thư thứ hai và thứ ba của ngài bằng câu: “Tôi còn có nhiều điều phải viết cho anh em, tôi không muốn dùng giấy mực. Nhưng tôi hy vọng có thể đến với anh em và nói chuyện trực tiếp, để niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (2 Ga 12). Với Thánh Tông đồ Phaolô cũng tương tự, ngay cả khi vắng mặt và “rất ao ước được gặp mặt” mọi người (1 Tx 2:17), đã hiện diện qua các bức thư của ngài trong đời sống của mọi cộng đoàn ngài đã thành lập (x. 1 Cr 5:3). Các thư của ngài cũng được dùng để “kết nối” các cộng đoàn khác nhau (x. Col 4:15-16). Khả năng xây dựng cộng đoàn của Thánh Phaolô được truyền lại cho thời đại chúng ta qua nhiều lá thư của ngài, trong đó chúng ta biết rằng đối với ngài, không có sự phân biệt giữa hiện diện thể lý và hiện diện qua những lời ngài viết được cộng đoàn đọc (x. 2 Cr 10:9-11).

47) Trong thực tại onlife ngày càng gia tăng của thế giới ngày nay, cần phải vượt qua luận lý “hoặc -hoặc” nghĩ về các mối quan hệ của con người trong một luận lý lưỡng phân (kỹ thuật số và con người thực), và giả định một luận lý “cả-cả”, dựa trên tính liên kết và tính tổng thể của đời sống con người và xã hội.

Những mối tương quan cộng đồng trên các mạng truyền thông xã hội phải làm vững mạnh các cộng đồng địa phương và ngược lại. “Việc sử dụng mạng xã hội bổ sung cho việc gặp gỡ trực tiếp trở nên sống động qua cơ thể, trái tim, ánh mắt, cái nhìn và hơi thở của người kia. Nếu Mạng được sử dụng như một phần mở rộng hoặc như sự mong đợi việc gặp gỡ như vậy, thì khái niệm mạng không bị dẫn vào con đường lầm lạc và vẫn là một nguồn lực cho sự hiệp thông.”[23] “Thế giới kỹ thuật số có thể là một môi trường giàu tính nhân văn; một mạng lưới không phải của các đường dây mạng mà là của con người,”[24] nếu chúng ta nhớ rằng ở phía bên kia màn hình không có “các con số” hay chỉ là “tập hợp của các cá nhân”, mà là những con người có những câu chuyện, những ước mơ, những kỳ vọng, những đau khổ. Có một cái tên và một khuôn mặt.

Trên đường đến Giêricô

48) Các phương tiện kỹ thuật số cho phép mọi người gặp gỡ nhau vượt ra ngoài những ranh giới không gian và văn hóa. Mặc dù sự gặp gỡ trong môi trường kỹ thuật số này có thể không nhất thiết dẫn đến sự gần gũi về mặt thể lý, nhưng chúng vẫn có thể có ý nghĩa, có ảnh hưởng và là thật. Ngoài những kết nối đơn thuần, chúng có thể là một con đường để tương tác chân thành với người khác, tham gia vào các cuộc trò chuyện có ý nghĩa, bày tỏ tình liên đới và xoa dịu nỗi đau và sự cô lập của một ai đó.

49) Phương tiện truyền thông xã hội có thể được coi là một “con đường đến Giêricô” khác, với vô vàn cơ hội cho những cuộc gặp gỡ bất ngờ như đã xảy ra với Chúa Giêsu: một người hành khất mù lớn tiếng kêu bên vệ đường (x. Lc 18:35-43), một người thu thuế bất lương ngồi ẩn trên cành cây sung (x. Lc 19:1-9) và một người đầy thương tích bị bọn cướp bỏ lại nửa sống nửa chết (x. Lc 10:30). Đồng thời, dụ ngôn người Samari tốt lành nhắc nhở chúng ta rằng nếu chỉ vì một người nào đó là “nhà tu” (thầy tư tế hoặc thầy Lêvi) hoặc tuyên bố là môn đệ của Chúa Giêsu, thì điều đó không bảo đảm rằng họ sẽ giúp đỡ hoặc tìm kiếm sự chữa lành và hòa giải. Người mù bị các môn đệ của Chúa Giêsu quở trách và bảo im đi; sự tiếp xúc của ông Giakêu với Chúa Giêsu đi kèm với tiếng xì xào của những người khác; người đàn ông đầy thương tích bị thầy tư tế và thầy Lêvi bỏ qua khi họ đi ngang.

50) Trong những giao lộ kỹ thuật số, cũng như trong những cuộc gặp gỡ trực tiếp, là “Kitô hữu” vẫn chưa đủ. Có thể tìm thấy nhiều hồ sơ hoặc tài khoản trên mạng xã hội công bố nội dung tôn giáo nhưng không tham gia vào các động lực tương quan một cách trung thực. Những tương tác mang tính thù ghét và ngôn ngữ bạo lực, hạ nhục, đặc biệt là trong bối cảnh chia sẻ nội dung Kitô giáo, phát ra từ màn hình và là sự trái ngược với chính Tin Mừng.[25]

Ngược lại, người Samari tốt lành chú ý và sẵn sàng gặp gỡ người bị thương, động lòng trắc ẩn dẫn đến hành động và chăm sóc cho người bị thương. Ông ta chăm sóc vết thương cho nạn nhân và đưa người đó đến một nhà trọ để bảo đảm nạn nhân được tiếp tục chăm sóc. Tương tự như vậy, mong muốn của chúng ta là biến mạng xã hội thành một không gian có tính tương quan và nhân văn hơn phải được chuyển thành những thái độ cụ thể và sáng tạo.

51) Nuôi dưỡng ý thức cộng đồng bao gồm sự chú ý đến các giá trị, những kinh nghiệm, niềm hy vọng, nỗi buồn, niềm vui, sự hài hước và thậm chí cả những câu chuyện cười được chia sẻ, và chính những điều đó có thể trở thành điểm tập hợp của mọi người trong không gian kỹ thuật số. Cũng như việc lắng nghe, phân định và gặp gỡ, việc xây dựng cộng đồng với người khác đòi hỏi cam kết cá nhân. Điều được các nền tảng truyền thông xã hội định nghĩa là “tình bạn” bắt đầu đơn thuần từ một kết nối hoặc quen thuộc. Tuy nhiên, ở đó cũng có thể nhấn mạnh đến tinh thần hỗ trợ chung và tình bằng hữu. Để trở thành cộng đồng đòi hỏi phải có ý thức tham gia tự do và hỗ tương; để trở thành một hiệp hội như mong muốn tập hợp các thành viên dựa trên sự gần gũi. Tự do và hỗ trợ lẫn nhau không tự động xuất hiện. Để hình thành cộng đồng, công việc chữa lành và hòa giải thường là bước đầu tiên được thực hiện trên đường đi.

52) Ngay cả trên các mạng xã hội, “chúng ta phải quyết định trở thành người Samari tốt lành hoặc người ngoài cuộc thờ ơ. Và nếu chúng ta mở rộng tầm nhìn về lịch sử đời sống của chính chúng ta và của toàn thế giới, thì tất cả chúng ta đều giống như, hoặc đã từng giống như, từng nhân vật trong dụ ngôn. Tất cả chúng ta đều mang trong mình một chút gì đó của người bị thương tích, một chút gì đó của kẻ cướp, một chút gì đó của những người qua đường, và một chút gì đó của người Samari tốt lành.”[26]

Tất cả chúng ta có thể là người qua đường trên xa lộ kỹ thuật số – chỉ đơn giản là “được kết nối” [27] -, hoặc chúng ta có thể làm việc gì đó giống như người Samari và cho phép các kết nối phát triển thành những cuộc gặp gỡ thực sự. Người qua đường tình cờ trở thành người lân cận khi ông ta chăm sóc cho người bị thương bằng cách băng bó vết thương cho người kia. Khi chăm sóc cho người bị nạn, ông không chỉ nhằm mục đích chữa lành những vết thương thể xác mà còn cả sự chia rẽ và thù hận tồn tại giữa các nhóm xã hội của họ.

53) Như vậy việc “chữa lành” những vết thương trên mạng xã hội có nghĩa là gì? Làm thế nào chúng ta có thể “hàn gắn” sự chia rẽ? Làm thế nào chúng ta có thể xây dựng các môi trường hội thánh có khả năng chào đón và hội nhập “các vùng ngoại vi về địa lý và cuộc sống” của các nền văn hóa ngày nay? Những câu hỏi như vậy là cần thiết để phân định sự hiện diện của người Kitô hữu trên các xa lộ kỹ thuật số.

“Ngày nay chúng ta có cơ hội tuyệt vời để thể hiện tình huynh đệ vốn có của mình, để trở thành những người Samari tốt lành mang lấy nỗi đau trong các vấn đề của người khác chứ không kích động thêm hận thù và oán giận. Giống như người lữ khách tình cờ trong dụ ngôn, chúng ta chỉ cần có một ước muốn rõ ràng và giản dị là trở thành một dân tộc, một cộng đồng, liên tục và không mệt mỏi trong nỗ lực bao gồm, hòa nhập và nâng đỡ những người vấp ngã.”[28]

“Hãy đi và làm như vậy”

54) Tương quan sinh ra tương quan, cộng đồng xây dựng cộng đồng. Ơn phúc của mối tương quan được thiết lập giữa hai người vượt xa hơn sự tương tác của họ. Con người được tạo dựng nên cho các mối quan hệ và cộng đồng. Đồng thời, sự cô đơn và cô lập đang hoành hành trong thực tại văn hóa của chúng ta, như chúng ta đã trải nghiệm cách sâu sắc trong đại dịch COVID-19. Những người đang tìm kiếm cộng đồng, đặc biệt là những người bị thua thiệt, thường chuyển sang không gian kỹ thuật số để tìm cộng đồng, sự hòa nhập và sự liên đới với những người khác. Trong khi nhiều người tìm thấy niềm an ủi khi kết nối với những người khác trong không gian kỹ thuật số, thì những người khác lại thấy điều đó là không đủ. Chúng ta có thể thất bại trong việc cung cấp không gian cho những người muốn tham gia đối thoại và tìm kiếm sự hỗ trợ mà lại không vấp phải những thái độ phán xét hoặc phòng thủ.

55) Từ gặp gỡ chuyển thành mối tương quan và sau đó thành cộng đồng cho thấy những ơn và thách đố của văn hóa kỹ thuật số. Có những lúc các cộng đồng trực tuyến hình thành khi người ta tìm thấy điểm chung trong việc tập hợp các ý kiến chống lại một “người khác” bên ngoài, một kẻ thù chung về hệ tư tưởng. Kiểu phân cực này tạo ra một “chủ nghĩa bộ lạc kỹ thuật số”, trong đó các nhóm đọ sức với những nhóm khác trên tinh thần đối địch. Chúng ta không được quên sự hiện diện của tha nhân, những người anh chị em, những người có phẩm giá trên khắp các dòng tộc này. Chúng ta “không được phân loại người khác để quyết định ai là người lân cận của tôi và ai không phải. Trở thành người lân cận hay không là tùy thuộc vào tôi – vào quyết định là của tôi – trở thành người lân cận với những người mà tôi gặp, những người cần giúp đỡ, cho dù họ là người lạ hoặc có thể là thù địch, là tùy thuộc vào tôi.”[29] Thật đáng buồn, những mối tương quan bị đổ vỡ, những xung đột và chia rẽ không phải là xa lạ đối với Giáo hội. Chẳng hạn, khi các nhóm tự cho mình là “Công giáo” sử dụng sự hiện diện của họ trên mạng xã hội để gây chia rẽ, thì họ đang hành xử không giống như một cộng đoàn Kitô giáo nên làm.[30] Thay vì lợi dụng những xung đột và clickbait (tạm dịch: mồi nhử) gây mâu thuẫn, thái độ thù địch phải trở thành cơ hội hoán cải, cơ hội chứng kiến sự gặp gỡ, đối thoại và hòa giải xung quanh các vấn đề có thể gây chia rẽ.[31].

56) Tham gia mạng xã hội phải vượt xa hơn việc trao đổi ý kiến cá nhân hoặc các hành vi ganh đua. Hành vi xã hội được huy động thông qua phương tiện truyền thông xã hội đã có tác động lớn hơn và thường hiệu quả hơn trong việc biến đổi thế giới so với một cuộc tranh luận hời hợt về các ý tưởng. Những tranh luận thường bị giới hạn bởi số lượng ký tự được phép và tốc độ mọi người phản ứng với các bình luận, chưa kể đến những tranh luận đánh vào cảm tính – những tấn công nhắm vào người đang đưa ra ý kiến, bất kể chủ đề chung đang được thảo luận là gì.

Chia sẻ ý tưởng là cần thiết, nhưng chỉ có ý tưởng thì không hiệu quả; chúng phải trở thành “xác thịt”. Hành động phải làm cho đất đai màu mỡ từng ngày.[32]

Học từ người Samari, chúng ta được kêu gọi phải chú ý đến động lực này. Ông ta không dừng lại ở cảm giác thương hại; ông thậm chí không dừng lại ở việc băng bó vết thương cho một người lạ. Ông đi xa hơn, đưa người bị thương đến một quán trọ và sắp xếp để người đó được tiếp tục chăm sóc.[33] Qua sự sắp xếp này, mối tương quan của sự chăm sóc và hạt giống cộng đồng được thiết lập giữa người Samari và người bị thương được mở rộng đến chủ nhà trọ và gia đình ông ta.

Giống như người thông luật, khi sự hiện diện trên các phương tiện kỹ thuật số, chúng ta cũng được mời gọi hãy “đi và làm như vậy” và từ đó thúc đẩy ích chung. Làm thế nào chúng ta có thể giúp chữa lành môi trường kỹ thuật số độc hại? Làm thế nào chúng ta có thể thúc đẩy lòng hiếu khách và cơ hội hàn gắn và hòa giải?

57) Lòng hiếu khách xây dựng trên sự cởi mở mà chúng ta mang đến khi gặp gỡ người khác; qua đó, chúng ta chào đón Đức Kitô trong thân hình người khách lạ (x. Mt 25:40). Để làm được điều này, các cộng đồng kỹ thuật số phải chia sẻ nội dung và sở thích nhưng cũng phải cùng nhau hành động và trở thành chứng nhân cho sự hiệp thông. Đã có những cách thể hiện mạnh mẽ của các cộng đồng chăm sóc trong bối cảnh kỹ thuật số. Ví dụ: có những cộng đồng tập hợp lại để hỗ trợ người khác trong lúc ốm đau, mất mát và đau buồn, cũng như những cộng đồng huy động vốn từ cộng đồng cho những người gặp khó khăn và những người cung cấp sự hỗ trợ xã hội và tâm lý giữa các thành viên. Tất cả những nỗ lực này có thể được xem là những tấm gương về “sự gần gũi kỹ thuật số”. Những người rất khác nhau có thể tham gia vào một “cuộc đối thoại về hành động xã hội” trực tuyến. Họ có thể hoặc không được truyền cảm hứng bởi đức tin. Dù trong trường hợp nào, các cộng đồng được thành lập để hành động vì lợi ích của người khác là chìa khóa để vượt qua sự cô lập trên mạng xã hội.

58) Chúng ta có thể nghĩ rộng hơn nữa: mạng xã hội không phải được đúc bằng đá. Chúng ta có thể thay đổi nó. Chúng ta có thể trở thành động lực của sự thay đổi, hình dung ra những mô hình mới được xây dựng dựa trên sự tin cậy, minh bạch, bình đẳng và hòa nhập. Cùng nhau, chúng ta có thể thúc đẩy các công ty truyền thông xem xét lại vai trò của họ và để internet trở thành một không gian công cộng thực sự. Những không gian công được xây dựng tốt có thể thúc đẩy hành vi xã hội tốt hơn. Do đó, chúng ta cần xây dựng lại những không gian kỹ thuật số để chúng trở thành những môi trường nhân văn hơn và lành mạnh hơn.

Chia sẻ bữa ăn

59) Là một cộng đồng đức tin, Giáo hội đang trong cuộc lữ hành về Nước Thiên Đàng. Vì phương tiện truyền thông xã hội và rộng hơn là thực tại kỹ thuật số là một khía cạnh rất quan trọng của hành trình này, nên điều quan trọng là phải suy tư về chiều kích hiệp thông và cộng đồng đối với sự hiện diện của Giáo hội trong môi trường kỹ thuật số.

Trong những thời điểm phong tỏa nghiêm trọng nhất của đại dịch, việc phát sóng những cử hành phụng vụ qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác đã mang đến sự tiện lợi nhất định cho những người không thể tham gia trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều cần suy nghĩ trong các cộng đồng đức tin của chúng ta về cách tận dụng môi trường kỹ thuật số theo cách bổ sung cho đời sống bí tích. Những câu hỏi về thần học và mục vụ đã được đặt ra liên quan đến các chủ đề khác nhau: chẳng hạn, việc khai thác thương mại đối với việc truyền phát lại Thánh lễ.

60) Cộng đoàn Hội thánh được hình thành nơi hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Chúa Giêsu (x. Mt 18:20) bất kể nguồn gốc, nơi cư trú hay những đặc tính về địa lý. Chúng ta có thể nhận thấy rằng khi truyền phát Thánh Lễ, Giáo Hội đã đi vào nhà của mọi người, điều cần thiết là phải suy tư về ý nghĩa của việc “tham dự” vào Bí Tích Thánh Thể.[34] Sự xuất hiện của văn hóa kỹ thuật số và kinh nghiệm của đại dịch đã cho thấy các sáng kiến mục vụ của chúng ta ít chú ý đến “Giáo hội tại gia”, Giáo hội quy tụ trong nhà và quanh bàn ăn. Về vấn đề này, chúng ta cần khám phá lại mối liên hệ giữa phụng vụ được cử hành trong các nhà thờ với việc cử hành Chúa bằng những cử chỉ, lời và kinh nguyện trong gia đình. Nói cách khác, chúng ta cần xây dựng lại cầu nối giữa bàn ăn gia đình và bàn thờ, nơi chúng ta được nuôi dưỡng về mặt thiêng liêng qua việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và được thêm sức trong sự hiệp thông của chúng ta với tư cách là người tín hữu.

61) Người ta không thể chia sẻ bữa ăn qua màn hình.[35] Tất cả các giác quan của chúng ta đều hoạt động khi chúng ta dùng bữa: vị giác và khứu giác, ánh mắt ngắm nhìn khuôn mặt của người cùng ăn, lắng nghe những cuộc trò chuyện tại bàn ăn. Ăn chung bàn là bài học đầu tiên của chúng ta về sự quan tâm đến người khác, nuôi dưỡng mối tương quan giữa các thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp. Tương tự như vậy, chúng ta tham dự với trọn vẹn con người tại bàn thờ: tâm trí, tinh thần và thể xác đều tham gia. Phụng vụ là trải nghiệm của giác quan; chúng ta đi vào mầu nhiệm Thánh Thể qua cánh cửa của các giác quan được đánh thức và nuôi dưỡng trong vẻ đẹp, ý nghĩa, sự hài hòa, tầm nhìn, sự tương tác và cảm xúc. Trên hết, Thánh Lễ không phải là việc gì đó mà chúng ta chỉ “xem”; đó thực sự là nguồn nuôi dưỡng chúng ta.

62) Hóa thân là rất quan trọng đối với các Kitô hữu. Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong một thân thể, Người đã chịu đau khổ và chịu chết với thân xác của Người, và Người đã sống lại trong cuộc Phục Sinh trong thân xác của Người. Sau khi về với Chúa Cha, mọi điều Người trải qua trong thân xác đều tuôn chảy vào trong các bí tích.[36] Người bước vào Thánh địa trên trời và mở ra một con đường lữ hành qua đó Nước Trời được tuôn đổ trên chúng ta.

63) Được kết nối vượt ngoài những ranh giới không gian không phải là một thành tựu của “những khám phá công nghệ kỳ diệu”. Đó là điều chúng ta trải nghiệm, ngay cả khi không biết, mỗi lần chúng ta “quy tụ nhân danh Chúa Giêsu”, mỗi lần chúng ta thông phần vào sự hiệp thông phổ quát của thân thể Chúa Kitô. Ở đó, chúng ta “kết nối” với Giêrusalem trên trời và gặp gỡ các thánh của mọi thời đại và chân nhận nhau là các phần của cùng một Thân thể Đức Kitô.Do đó, như Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông, mạng xã hội bổ sung – nhưng không thay thế – cho sự gặp gỡ trực tiếp trở nên sống động thông qua cơ thể, trái tim, đôi mắt, cái nhìn và hơi thở của người khác. “Nếu một gia đình sử dụng Internet để kết nối nhiều hơn, sau đó gặp nhau tại bàn ăn và nhìn vào mắt nhau, thì đó là một nguồn mạch. Nếu một cộng đoàn Hội Thánh điều phối hoạt động của mình thông qua mạng và sau đó cử hành Bí tích Thánh Thể cùng nhau, thì đó là một nguồn mạch. (…) Chính Giáo hội là một mạng lưới được đan kết với nhau bằng sự hiệp thông Thánh Thể, nơi sự hiệp nhất không dựa trên “những lượt thích”, nhưng dựa trên sự thật, dựa trên tiếng “Amen”, nhờ đó mỗi người bám chặt vào Thân thể Chúa Kitô và chào đón tha nhân.”[37]

Comments are closed.

phone-icon