Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong buổi đọc Kinh Regina Coeli, trưa CN III PS, 15.04.2018

0

Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô
trong buổi đọc Kinh Regina Coeli, trưa CN III PS, 15.04.2018

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Kinh nghiệm về Đấng Phục Sinh mà tất cả các môn đệ cùng trải qua đứng trong trung tâm điểm của Chúa Nhật thứ ba Phục Sinh hôm nay. Điều đó được nhấn mạnh một cách đặc biệt bởi Tin Mừng, và bài Tin Mừng hôm nay tái dẫn chúng ta trở lại với Nhà Tiệc Ly, nơi Chúa Giê-su đã hiện ra với các Tông Đồ, và Ngài đã chào các ông bằng những lời sau đây: “Bình an ở cùng anh em” (Lc 24,36). Đó chính là lời chào của Chúa Ki-tô phục sinh, Đấng ban tặng bình an cho chúng ta: “Bình an ở cùng anh em!”. Đó vừa là sự bình an nội tại, vừa cũng là sự bình an mà nó xuất hiện giữa những mối tương quan của những con người với nhau. Đoạn Tin Mừng do Thánh Lu-ca tường thuật nhấn mạnh cách đặc biệt tới thực tại Phục Sinh. Chúa Giê-su không phải là ma. Trong thực tế, đó không phải là một cuộc hiện ra của linh hồn Chúa Giê-su, nhưng đó là sự hiện diện thực sự của Ngài với thân xác đã phục sinh.

Chúa Giê-su nhận ra rằng, các Tông Đồ cảm thấy sợ hãi khi họ nhìn thấy Ngài; họ bị bối rối, vì thực tại phục sinh là điều không thể hiểu được đối với các ông. Họ nghĩ rằng mình đang thấy ma; nhưng Chúa Giê-su phục sinh không phải là ma, Ngài là một con người với cả thân xác lẫn tinh thần. Vì thế, để chứng thực cho điều đó, Ngài đã nói với các ông: “Hãy nhìn tay và chân của Thầy!” Và Ngài chỉ cho các ông thấy những vết thương. “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như Thầy mà anh em đang thấy đây!” (Lc 24,39). Và vì điều đó có vẻ như vẫn chưa đủ để thắng vượt sự thiếu lòng tin của các môn đệ, nên Tin Mừng còn nói thêm một chi tiết nữa rất thú vị: Họ vô cùng vui mừng đến độ không thể tin được niềm vui đó: “Không, đó là điều không thể! Đó là điều không thể! Làm sao mà có thể quá vui như thế được!” Và để chứng thực một lần nữa, Chúa Giê-su lại nói với họ: “Ở đây anh em có gì ăn không?” (Lc 24,41). Họ đưa cho Ngài một mẩu cá nướng. Chúa Giê-su đã cầm lấy và ăn ngay trước mặt họ để làm chứng cho họ.

Sự cấp bách của Chúa Giê-su đối với thực tại phục sinh đã soi sáng cho cách nhìn Ki-tô giáo về thân xác: thân xác không phải là rào cản và cũng chẳng phải là ngục tù của linh hồn. Thân xác được Thiên Chúa sáng tạo nên, và con người sẽ trở nên phiến diện nếu họ không phải là một sự hiệp nhất giữa thân xác và linh hồn. Chúa Giê-su, Đấng chiến thắng sự chết, cũng như đã phục sinh cả trong thân xác lẫn linh hồn, làm cho chúng ta nhận thức được rằng, chúng ta phải có một sự hình dung tích cực về thân xác của mình. Nó có thể là cơ hội để phạm tội hay là công cụ của tội lỗi, nhưng tội lỗi không được gây ra bởi thân xác, mà là bởi sự yếu đuối của chúng ta xét về khía cạnh luân lý. Thân xác chính là một tặng phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, nó được xác định trong sự hiệp nhất với linh hồn để diễn tả về họa ảnh của Ngài cũng như về việc giống như Ngài, trong sự viên mãn. Vì thế, chúng ta được kêu gọi, hãy có một niềm kính trọng cũng như một mối quan tâm đặc biệt đối với thân xác của chúng ta và đối với thân xác của người khác.

Bất cứ sự xúc phạm, sự gây tổn thương hay hành vi bạo lực nào đối với thân xác của tha nhân thì cũng đều là một sự xúc phạm đến chính Thiên Chúa, Đấng sáng tạo! Cha nghĩ một cách đặc biệt tới các em nhỏ, tới những phụ nữ và tới những cụ già đang bị lạm dụng thân xác. Trong thân xác của những con người ấy, chúng ta thấy được thân mình của Chúa Ki-tô: đó là Chúa Ki-tô đang bị gây tổn thương, bị chế nhạo, bị vu khống, bị làm nhục, bị hành hạ và bị đóng đinh. Chúa Giê-su đã dậy cho chúng ta biết về Tình Yêu, mà trong sự phục sinh của Ngài, Tình Yêu ấy đã tỏ ra mạnh mẽ hơn cả tội lỗi và cái chết, và Tình Yêu ấy muốn cứu độ tất cả những ai đang phải trải qua kiếp nô lệ thân xác trong thời đại chúng ta.

Trong một thế giới mà trong đó những kẻ kiêu ngạo xem ra quá nổi trội so với những con người yếu nhược, và đang bị thống trị bởi chủ nghĩa duy vật, tức chủ nghĩa bóp ngạt tinh thần, bài Tin Mừng hôm nay kêu gọi chúng ta hãy trở thành những con người luôn ở trong tình trạng hoàn toàn ngỡ ngàng với một niềm vui lớn vì được được gặp gỡ Đấng Phục Sinh, để thấy được nơi thẳm sâu hơn. Tin Mừng mời gọi chúng ta hãy trở thành những con người biết đón nhận sự mới mẻ của cuộc sống mà Chúa Giê-su đã gieo vào lịch sử, và làm cho sự mới mẻ đó được đơm bông kết trái, để hướng cuộc sống đến một trời mới và đất mới. Cầu xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta trên con đường này. Và với niềm tín thác cậy trông, chúng ta hãy trao phó bản thân chúng ta cho lời bầu cử từ mẫu của Mẹ.

Quảng trường Thánh Phê-rô

Trưa Chúa Nhật III Phục Sinh

Ngày 15 tháng 04 năm 2018

Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon