Loạt bài Giáo lý về Sự nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng – Bài 6: Rao giảng Tin mừng là việc phục vụ của Giáo hội

0

Nguồn: exaudi
Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy “công đồng” đầu tiên trong lịch sử Giáo hội – công đồng, giống như Công đồng Vatican II –, công đồng đầu tiên, được triệu tập tại Giêrusalem về một vấn đề liên quan đến việc rao giảng Tin Mừng, đó là việc loan báo Tin Mừng cho những người không phải là người Do Thái – người ta cho rằng Tin Mừng chỉ nên được công bố cho người Do Thái. Vào thế kỷ 20, Công đồng chung Vatican II đã giới thiệu Giáo hội là Dân tộc Lữ hành của Thiên Chúa theo thời gian, và vì bản chất truyền giáo của Giáo hội (x. Sắc lệnh Ad gentes, 2). Điều đó có nghĩa là gì? Có một cầu nối giữa Công đồng đầu tiên và Công đồng gần đây nhất, dưới ngọn cờ loan báo Tin Mừng, một cây cầu mà kiến trúc sư là Chúa Thánh Thần. Hôm nay chúng ta lắng nghe Công đồng Vatican II để khám phá ra rằng việc rao giảng Tin Mừng luôn là một sự phục vụ của Giáo hội, không bao giờ đơn độc, không bao giờ cô lập, không bao giờ theo cá nhân chủ nghĩa. Việc truyền giáo luôn luôn được thực hiện trong giáo hội, nghĩa là trong một cộng đồng, và không có sự chiêu dụ tín đồ, bởi vì đó không phải là rao giảng Tin mừng.

Thật vậy, người loan báo Tin Mừng luôn truyền đạt những gì mình đã nhận được. Thánh Phaolô là người đầu tiên viết về điều này: Tin Mừng mà ngài loan báo và cộng đồng đón nhận, và nhờ đó họ giữ sự kiên vững, cũng chính là Tin Mừng mà Thánh Tông Đồ đã đón nhận (x. 1 Cr 15:1-3). Đức tin được đón nhận và truyền lại. Sự năng động của Giáo hội trong việc truyền tải Thông điệp này có tính ràng buộc và bảo đảm tính xác thực của việc loan báo Kitô giáo. Cũng vậy, Thánh Phaolô viết cho tín hữu Galat: “Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi” (1:8). Điều này thật đẹp, và điều này rất tốt cho nhiều quan điểm hợp thời…

Tuy nhiên, chiều kích giáo hội của việc loan báo Tin Mừng cấu thành một tiêu chuẩn để khẳng định lòng nhiệt thành tông đồ. Một sự khẳng định cần thiết, bởi vì cám dỗ tiến lên “một mình” luôn rình rập, đặc biệt khi con đường trở nên khó khăn không thể vượt qua và chúng ta cảm thấy gánh nặng của cam kết. Điều nguy hiểm không kém là cám dỗ đi theo những con đường dễ dàng hơn không thực chất của giáo hội, chấp nhận luận lý theo thế gian về những con số và cuộc thăm dò ý kiến, dựa vào sức mạnh của những ý tưởng, chương trình, cấu trúc, “những mối quan hệ có giá trị” của chúng ta. Điều này sẽ không làm được; nó sẽ có một chút hữu ích nhưng vấn đề căn bản là sức mạnh mà Thần Khí ban cho các bạn để công bố sự thật về Chúa Giêsu Kitô, để loan báo Tin Mừng. Những điều khác chỉ là thứ yếu.

Bây giờ, thưa anh chị em, chúng ta hãy đặt mình vào trường học của Công đồng Vatican II, đọc lại một số đoạn của Sắc lệnh Ad gentes (AG), văn kiện về hoạt động truyền giáo của Giáo hội. Các bản văn này của Công đồng Vatican II hoàn toàn giữ nguyên giá trị của chúng ngay cả trong bối cảnh đa dạng và phức tạp của chúng ta.

Trước hết, văn kiện Ad gentes này mời gọi chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa Cha như suối nguồn, “vì quá nhân từ thương xót, Người đã tự ý dựng nên chúng ta, và lại nhưng không mời gọi chúng ta tham dự vào sự sống và vinh hiển với Ngài” – đây là ơn gọi của chúng ta – “Ngài còn rộng rãi đổ tràn lòng nhân từ xuống cho chúng ta và còn đổ mãi không ngừng đến nỗi Ngài là Ðấng tác tạo muôn loài lại trở nên ‘mọi sự trong mọi người’ (1 Cr 15:28), để đồng thời làm vinh danh Ngài và mưu cầu hạnh phúc cho chúng ta. (số 2). Trích đoạn này là cơ sở, bởi vì nó nói rằng tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho mọi người. Tình yêu của Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ, không … dành cho tất cả mọi người. Hãy ghi tạc lời ấy trong tâm trí và trong lòng: tất cả mọi người, mọi người, không loại trừ ai: đây là điều Chúa phán. Và tình yêu này dành cho mọi người là tình yêu đến với mỗi người nhờ sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng trung gian của ơn cứu độ và là Đấng cứu chuộc chúng ta (x. AG, 3), và nhờ sứ mạng của Chúa Thánh Thần (x. AG, 4 ), Đấng – Chúa Thánh Thần – hoạt động trong mỗi người, trong những người được rửa tội và chưa được rửa tội. Chúa Thánh Thần hoạt động!

Hơn nữa, Công đồng nhắc nhở chúng ta rằng nhiệm vụ của Giáo hội là tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô, Đấng “được sai đến rao giảng Phúc Âm cho người nghèo khó”; do đó, văn kiện Ag gentes tiếp tục, “Giáo Hội được Thánh Thần Chúa Kitô thúc đẩy, cũng phải tiến bước trên chính con đường mà Chúa Kitô đã đi, là nghèo khó, vâng lời, phục vụ và tự hiến thân cho đến chết, để rồi toàn thắng nhờ sự sống lại của Người” (AG, 5). Nếu trung thành với “con đường” này, thì sứ mệnh của Giáo hội là “biểu lộ hoặc bày tỏ ý định của Thiên Chúa và hoàn tất ý định đó nơi trần thế và trong lịch sử thế trần” (AG, 9).

Thưa anh chị em, những nhận xét ngắn gọn này cũng giúp chúng ta hiểu ý nghĩa Hội thánh về lòng nhiệt thành truyền giáo của mỗi người môn đệ truyền giáo. Lòng nhiệt thành truyền giáo không phải là sự nhiệt tình; đó là một điều khác, nó là một ân sủng Thiên Chúa, mà chúng ta phải gìn giữ. Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của nó, bởi vì nơi Dân Chúa lữ hành và rao giảng Tin Mừng, không có những cá nhân chủ động hay thụ động. Không có những người rao giảng, những người loan báo Tin Mừng bằng cách này hay cách khác, và những người im lặng. Tông huấn Evangelii gaudium nói: “Tất cả những ai đã được rửa tội, dù ở vị trí nào trong Giáo Hội hay ở mức độ đào luyện nào về đức tin, cũng đều là những nhà truyền giáo” (Tông huấn Evangelii gaudium, 120). Bạn có phải là người Kitô hữu không? “Vâng, tôi đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội”. “Và bạn có truyền giáo không?” “Nhưng điều đó nghĩa là gì?” Nếu bạn không loan báo Tin Mừng, nếu bạn không làm chứng, nếu bạn không làm chứng về Bí tích Rửa tội mà bạn đã lãnh nhận, về đức tin mà Chúa đã ban tặng cho bạn, thì bạn không phải là một Kitô hữu tốt. Nhờ bí tích Rửa tội đã lãnh nhận và do đó được kết hợp vào trong Giáo hội, tất cả mọi người đã được rửa tội đều tham dự vào sứ vụ của Giáo hội, và trong đó, tham gia vào sứ mệnh của Chúa Kitô Vương đế, Tư tế và Ngôn sứ.

Thưa anh chị em, nhiệm vụ này “ở bất cứ nơi đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào, chức vụ đó vẫn chỉ là một chức vụ duy nhất, dầu hoàn cảnh không cho phép thi hành một cách như nhau” (AG, 6). Điều này mời gọi chúng ta không trở nên cứng nhắc hoặc hóa thạch; nó giải thoát chúng ta khỏi sự khắc khoải không phải là sự khắc khoải của Thiên Chúa. Lòng nhiệt thành truyền giáo của người tín hữu cũng thể hiện như một cuộc tìm kiếm sáng tạo những cách thức mới để loan báo và làm chứng, những cách thức mới để gặp gỡ nhân loại bị tổn thương mà Chúa Kitô đã gánh lấy. Tóm lại là về những cách thức mới để phục vụ Tin Mừng và phục vụ nhân loại. Truyền giáo là một sự phục vụ. Nếu một người nói rằng mình là người rao giảng Tin Mừng mà lại không có thái độ đó, tấm lòng của người phục vụ, và tự cho mình là ông chủ, thì người đó không phải là người rao giảng Tin Mừng, không… người đó thật đáng thương.

Trở về với suối nguồn tình yêu của Chúa Cha và sứ mệnh của Chúa Con và Chúa Thánh Thần không khóa chặt chúng ta trong không gian tĩnh lặng cá nhân. Ngược lại, nó dẫn dắt chúng ta nhận ra tính nhưng không của món quà sự sống viên mãn mà chúng ta được mời gọi, một món quà mà chúng ta ngợi khen và cảm tạ Thiên Chúa. Món quà này không chỉ dành cho chúng ta, mà còn được trao cho những người khác. Và nó cũng dẫn chúng ta đến việc sống trọn vẹn hơn những gì chúng ta đã lãnh nhận, bằng cách chia sẻ nó với người khác, với tinh thần trách nhiệm và cùng nhau đồng hành trên những nẻo đường, thường là những chặng đường quanh co và khó khăn của lịch sử, cảnh giác và cần mẫn chờ đợi sự viên mãn của nó. Chúng ta hãy xin Chúa ban ơn này, để nắm lấy ơn gọi Kitô hữu và tạ ơn Chúa vì những gì Người đã ban cho chúng ta, là kho báu này. Và để cố gắng truyền đạt nó cho người khác. 

Comments are closed.

phone-icon