Sr. Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP
Các em Tân Tiền Tập thương mến,
Trong một thế giới đầy biến động và vội vã, nơi mà thành công được đo lường bằng danh vọng, tiền tài, quyền lực thì sự phục vụ với một tình yêu khiêm nhạ dường như là một giá trị lỗi thời. Tuy nhiên, chính những hành động nhỏ bé, khiêm tốn nhưng tràn đầy tình yêu thương lại làm nên điều kỳ diệu, mang đến niềm vui và sự ấm áp thực sự cho những người xung quanh. Tình yêu khiêm hạ giúp các em cảm sâu hơn tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa, nhận biết sự thật về chính mình, chấp nhận những thiếu sót của bản thân để cảm thân với tha nhân hơn và quảng đại dấn thân phục vụ cách vô vị lợi. Tình yêu ấy, dù âm thầm nhưng mạnh mẽ, chính là nguồn lực giúp các em vượt qua mọi thử thách của cuộc đời, kiên vững hơn trong quyết định theo Chúa và hạnh phúc hơn trong sứ vụ rao loan tình thương của Chúa cho tha nhân.
Tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa
Ngược với trào lưu của xã hội tục hoá, Thiên Chúa, Đấng là Chủ muôn loài, Đấng tuyệt đối, phi thời gian, siêu việt trên tất cả, lại chọn biểu lộ tình yêu của Ngài đối với con người qua nẻo đường khiêm hạ. Ngài sẵn sàng xuống tận cùng của phận người của chúng ta để chúng ta được chia sẻ sự sống thần linh của Chúa. Ngài đã ký kết giao ước tình yêu với chúng ta. Dù chúng ta nhiều lần sa ngã, bội phản và bất trung, nhưng Ngài luôn đi tìm và không bao giờ từ bỏ tình yêu của mình dành cho chúng ta. Và dầu cho có người mẹ nào quên đứa con của mình, thì phần Chúa, Chúa sẽ không bao giờ quên chúng ta (x. Isa 49, 15). Và dù chúng ta không trung tín thì Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình (x. 2Tm 2,13). Để có thể đến với con người, từ địa vị của Ngài, Thiên Chúa chỉ có thể hạ mình mà thôi.
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã sai Con Một yêu dấu của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến, sống và ở giữa con người, để cùng đồng cam cộng khổ và chung chia thân phận người với chúng ta. Và vì yêu thương Thiên Chúa Cha và nhân loại, Đức Giê-su Ki-tô “vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6 – 8). “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Còn tình yêu nào cao cả và lạ lùng hơn thế? Một tình yêu hạ cố đến cùng thân phận con người, đến độ hiến cả mạng sống vì con người. Ngài chấp nhận đi xuống để nâng con người lên, Ngài làm người để con người trở thành con Thiên Chúa, Ngài chết để con người được sống, và Ngài đã phục sinh để phục hồi sự sống của Thiên Chúa nơi con người. “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là Đức Ki-tô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải thí mạng vì anh em” (1 Ga 3, 16).
Tình yêu khiêm hạ của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao nơi Đức Giêsu. Ngài ý thức rất rõ căn tính củ mình và biết mình xuất phát từ đâu, là Con Một Thiên Chúa nhưng vì muốn hiệp thông và nên một với con người nên Ngài chọn làm người như chúng ta. Cả cuộc đời Ngài là chuỗi ngày của yêu thương và phục vụ đến nỗi sẵn sàng chịu chết trên thập giá để đem ơn cứu độ cho con người. Chiêm ngắm tình yêu khiêm hạ của Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi sống tình yêu ấy qua ba khía cạnh sau đây:
Sống tình yêu khiêm hạ qua việc nhìn nhận sự thật về mình
Dầu là con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã sống trọn tình yêu khiêm hạ bằng việc đi xuống tận cùng của phận người để nâng con người lên. Với một tình yêu khiêm hạ, các Em ý thức mình chỉ là thụ tạo thấp hèn, đầy tội lỗi và yếu đuối để biết nhìn lên Thiên Chúa, mở lòng đón nhận ân sủng và tình thương của Chúa. Nhờ tình yêu khiêm hạ, các em nhận biết mình trong Thiên Chúa và khám phá chỗ đứng của mình trong Thiên Chúa, một nữ tỳ hèn mọn được Chúa yêu thương. Ý thức mình “có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” và mọi sự tốt đều từ Thiên Chúa, là “phúc lộc hoàn hảo từ trên, tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên mọi tinh tú” (x. Gc 1,17), để rồi các em biết cách sinh lợi các ơn Chúa ban qua cuộc sống vui tươi, bao dung và quảng đại dấn thân phục vụ. “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa” (1Pr 4,10).
Thánh Martinô de Porres – Bổn mạng của lớp các em, là mẫu gương sáng ngời về sự phục vụ trong yêu thương và khiêm hạ. Thánh nhân nhận biết mình và ý thức rất rõ thân phận của mình là kết quả của một cuộc tình không suôn sẻ, bố là một quý tộc Tây Ban Nha, còn mẹ là một phụ nữ da màu gốc Châu Phi. Vì thừa kế màu da của mẹ nên đã khiến cho thánh nhân phải chịu nhiều sự kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử ngay từ khi còn rất nhỏ. Tuy nhiên, sự kỳ thị đó không làm cho thánh Martinô mặc cảm tự ti và cũng không làm cho lòng ngài đóng lại. Thay vì sống trong sự hận thù, cay đắng, thánh nhân đã sống một cuộc đời đầy bác ái yêu thương, tận tâm phục vụ mọi người, kể cả súc vật ngoài đồng. Nhận biết sự thật về bản thân và biết bản thân muốn gì nên khi vào Dòng Đa Minh, thánh nhân khiêm tốn chọn bậc trợ sĩ. Ngài đảm nhận những công việc khiêm tốn như quét dọn và chăm sóc vườn tược. Lòng bác ái của ngài trải rộng với hết mọi người, đặc biệt những người nghèo khổ, các bệnh nhân và những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Với một tâm hồn yêu thương và khiêm hạ, các em sẽ cái nhìn đúng đắn, trung thực và khách quan về bản thân, cả về những điểm mạnh lẫn điểm yếu để tạ ơn, để nỗ lực, để phát triển và cố gắng không ngừng. Khi sống tình yêu khiêm hạ, các em không tự đề cao mình quá mức, không coi mình là trung tâm của vũ trụ và cũng không mặc cảm tự ti vì nghĩ rằng mình kém hơn người khác, nhưng luôn mở rộng con tim và khối óc để luôn nỗ lực, học hỏi và phát triển bản thân theo những khả năng Chúa ban để phục vụ người khác. Thánh Phaolô khuyên: “Anh chị em đừng đi quá mức khi đánh giá mình, nhưng hãy đánh giá mình cho đúng mức, mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho” (Rm 12,3). Một tình yêu chân thật là một tình yêu khiêm hạ, không kiêu ngạo, không tự ti, ích kỷ, không than phiền về những gì mình không có, nhưng tập trung vào những điều tốt đẹp và cơ hội mà chúng ta đang có để thăng tiến, để phục vụ và giúp đỡ người khác. Khi biết mình không là tất cả, các em sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ người khác, các em sẽ trở nên quảng đại hơn, khoan dung hơn và rộng lượng hơn đối với người khác. Chính từ sự chân thành và tấm lòng rộng mở, các em sẽ khám phá ra giá trị thực sự của cuộc sống, nơi mọi người cùng nhau xây dựng một cộng đoàn yêu thương, hiệp nhất trong một lòng một ý.
Tình yêu khiêm hạ hướng đến sự hiệp thông
Tình yêu khiêm hạ là phương thế hữu hiệu dẫn đến sự hiệp thông, giúp chúng ta tôn trọng và lắng nghe ý kiến, quan điểm của người khác mà không áp đặt suy nghĩ của mình lên họ. Thực tế cho thấy, trong xã hội hôm nay, các cuộc xung đột thường bắt đầu từ việc không quan tâm lắng nghe nhau mà mỗi người chỉ lo tìm lợi ích cho riêng mình, lo thăng tiến bản thân và thiếu khoan dung với người khác. Tuy nhiên, với một tâm hồn tràn đầy tình thương và sự khiêm tốn, chị tin rằng các em sẽ có đủ kiên nhẫn để lắng nghe và đón nhận tha nhân như họ “là”, chấp nhận những khuyết điểm của bản thân và của người khác, đồng thời dễ dàng tha tha thứ, cảm thông khi có những bất đồng. Đức Thánh cha Phanxicô trong thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2020 đã nói: “Tình yêu khiêm hạ và vị tha là con đường dẫn đến hoà bình thật sự. Chỉ khi chúng ta đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích cá nhân, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới hoà bình và công bằng”. Trong Thông điệp Fratelli Tutti, số 95, một lần nữa Đức Thánh Cha khẳng định: “Tình yêu thúc đẩy chúng ta hiệp thông với hết mọi người. Không ai có thể trưởng thành và đạt tới mức thành toàn khi sống tách biệt người khác… tình yêu đòi ngày một mở rộng, ngày càng có khả năng đón nhân người khác, bằng cách thực hiện một cuộc phiêu lưu không ngừng nghỉ làm cho tất cả các vùng ngoại vi cùng hướng đến cảm thức thật sự thuộc về nhau. Như Đức Giêsu đã nói với chúng ta: “Tất cả anh em đều là anh em với nhau” (Mt 23, 8)”.
Để có được một tình yêu khiêm hạ hướng đến sự hiệp nhất, các em hãy lắng nghe và thực hiện lời Thánh Phaolô khuyên dạy, các em hãy “chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 13-14). Vì “đức ái thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật” (1Cr 13, 4 – 6). Tuy nhiên, các em sẽ không thể đạt được đức ái như Thánh Phaolô mô tả, cũng không thể yêu thương và trao ban tình thương cho tha nhân nếu bản thân các em không cảm nhận được tình thương vô điều kiện mà Chúa đã dành cho các em. Một khi cảm nghiệm được tình yêu ấy, các em chắc chắn sẽ được thôi thúc dấn thân xây dựng tình hiệp nhất và sẵn sàng yêu tha nhân như Chúa đã yêu thương các em (x. Ga 13,34). Nếu các em yêu mến Chúa Giêsu thì các em cũng sẽ yêu mến và đón nhận chị em sống bên cạnh mình. Nhờ tình yêu, các Em dám tự hạ, dám đặt bàn chân của mình vào dấu chân của chị em để có cái nhìn trung thực về họ, để cảm thông, yêu thương và đón nhận họ như họ là. Chỉ như thế, các em mới cùng nhau tìm kiếm lợi ích lớn hơn thay vì chỉ loay hoay với những tính toán nhỏ mọn của riêng mình. Các em “đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2, 3 – 4). Các em cũng “đừng cho mình là khôn ngoan, đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được, để sống hòa thuận với mọi người” (Rm 12, 16 – 18) và “hãy lấy lòng khiêm nhường mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5, 13).
Để hiệp nhất cần có một tình yêu rất riêng với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phải là trung tâm cho đời sống của các em. Cảm nhận được tình yêu của Đức Kitô dành cho các em và vì Đức Kitô, các em sẵn sàng chịu nhường, chịu nhịn và chịu thiệt. Chiêm ngắm tình yêu tự hạ của Đức Giêsu, các em sẽ cảm nhận sâu sắc rằng “nhượng bộ không phải là thua nhưng là chiến thắng, là đánh bại kẻ thù thực sự của tình yêu là sự vị kỷ của chúng ta, cái ‘tôi’ của chúng ta”[1]. Và “khiêm nhường không phải là sự yếu đuối mà là sức mạnh thực sự của một con người. Chỉ những ai thực sự khiêm nhường mới có thể yêu thương một cách chân thật và sâu sắc” (ĐGH Phanxicô). Chỉ có tình yêu và sự khiêm tốn mới thực sự đem lại sự hiệp nhất giữa các mối tương quan và tạo được sự bình an thật trong tâm hồn.
Tình yêu khiêm hạ hướng đến sự phục vụ
Tình yêu khiêm hạ không chỉ dừng lại ở cảm xúc hay lời nói mà phải thể hiện qua hành động cụ thể qua sự khiêm nhường, kiên nhẫn, sẵn sàng phục vụ người khác mà không mong đợi được đáp lại. Như Đức Giêsu, Đấng đã đi đến cùng của sự phục vụ khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 14 – 15). Các em cũng hãy noi gương Chúa Giêsu, hãy “sống trong tình yêu, như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta và hiến mạng vì chúng ta, như lễ phẩm và hy sinh đẹp lòng Thiên Chúa” (Ep 5,2). Trong thông điệp ngày Thế giới Người nghèo năm 2017, Đức Thánh cha Phanxicô khẳng định: “Chúng ta được mời gọi để nhìn thấy Chúa Giêsu trong những người nghèo và phục vụ họ với tình yêu khiêm hạ. Đó là cách chúng ta sống đúng với Tin Mừng.” Đức Thánh cha nói tiếp: “Chúng ta được kêu gọi để phục vụ lẫn nhau trong sự khiêm nhường và không đòi hỏi đền đáp, theo gương Chúa Giêsu. Ngài đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ”. Vì thế, các em hãy khởi đi từ Đức Kitô, với một tình yêu khiêm hạ để phục vụ lẫn nhau, không chỉ trong những việc lớn mà còn trong những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày. Mỗi hành động nhỏ nếu được làm bởi tình yêu sẽ có giá trị lớn lao trước mặt Chúa và sẽ góp phần làm cho cuộc sống chung quanh các em sẽ vui hơn và thế giới sẽ đẹp hơn.
Ý thức mọi sự mình có đều là ân ban của Chúa và do tình thương của rất nhiều người, các em không thể không dấn thân, không thể không phục vụ. Vì nếu không dấn thân, không phục vụ thì các em sẽ đánh mất căn tính của người môn đệ – đã “được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8). Một tâm hồn tràn đầy tình yêu khiêm hạ sẽ luôn mở ra để đón nhận và cũng luôn sẵn sàng quảng đại cho đi để làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Các em hãy nuôi dưỡng cho mình một tình yêu khiêm hạ để luôn quảng đại cho đi, hiến thân phục vụ anh chị em, nhất là những chị em đang sống bên cạnh. Sự phục vụ này bắt đầu từ những chuyện nhỏ nhặt hằng ngày, từ một ánh mắt cảm thông giúp chị em vượt qua những nỗi buồn phiền, mặc cảm tự ti; những lời nói chân thành và yêu thương giúp chị em cảm nhận được tình thương gia đình, của tình chị tình em; hoặc một bàn tay trợ giúp khi chị em cần đến… Các em cần học để nhận ra gương mặt kiều diễm của Thiên Chúa nơi anh chị em của mình. Gương mặt của Người có khi bị biến dạng nơi những chị em đang thất vọng và cần tình yêu thương, nơi những gương mặt mang đầy những nỗi mặc cảm tự tin và thiếu tự tin, những gương mặt tủi hổ vì thấy mình thấp kém, những gương mặt trẻ thơ bị hành hạ bởi bạo lực gia đình và học đường, những gương mặt người mẹ, người vợ bị xúc phạm và bị lăng nhục, những gương mặt mệt mỏi của những người cha bôn ba kiếm kế sinh nhai cho gia đình, những gương mặt của người già cả cô đơn không có được những điều kiện tối thiểu cần thiết để sống một cuộc sống thích đáng. (x. THĐSTH số 75).
Các em thương mến,
Được thôi thúc bởi tình yêu khiêm hạ của Chúa Giêsu và qua gương sống của Thánh Martinô – bổn mạng, các em hãy can đảm tiến bước, hãy nỗ lực không ngừng để huấn luyện con tim, khối óc và toàn thể con người của mình để trở nên khí cụ bình an và yêu thương của Chúa, luôn “tìm an ủi người hơn được người ủi an; tìm hiểu biết người, hơn được người hiểu biết; tìm yêu mến người hơn được người mến yêu” (Kinh Hoà Bình). Hãy để tình yêu khiêm hạ của Chúa Giêsu thấm nhuần trong cuộc sống của các Em, để mỗi ngày các em trở nên giống Ngài hơn, biết yêu thương và phục vụ tha nhân với một tâm hồn khiêm nhường và chân thành.
Cầu chúc các em luôn được tràn đầy ân sủng và tình yêu của Chúa, để qua tình yêu khiêm hạ, các em sẽ trở nên những chứng nhân sống động của Chúa trong cuộc sống hàng ngày.
Thương mến,
Chị Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP
Tổng Cố vấn I
[1] ĐHY Raniero Cantalamessa,“Cơn Say Từ Tốn Thần Khí”, tr. 55