Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh
Trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa, phụ nữ là tác phẩm cuối cùng, thượng đỉnh, hoàn hảo nhất. Đặc biệt hơn nữa, Thiên Chúa đã lấy chính tình yêu của Ngài để dựng nên trái tim của phụ nữ, ban cho họ ơn gọi làm mẹ để yêu thương một cách vô vị lợi như chính Ngài.
Ai cũng nhận thấy rằng trái tim người mẹ là món quà rất tuyệt vời Thiên Chúa đã ban cho nhân loại. Đó là lý do mà một nhà giáo dục đã phát biểu: “Hãy cho tôi trái tim của các bà mẹ, tôi sẽ biến đổi cả thế giới.” Liên Hiệp Quốc trong năm Quốc Tế Gia Đình 1995 đã tuyên bố: “Tương lai thế giới nằm trong tay các bà mẹ.”
Trên thực tế, rất nhiều các bà mẹ đã xứng đáng với lời ca ngợi trên. Nhìn vào đời sống của tất cả các thánh nam nữ trong Giáo Hội, ai có thể lãng quên vai trò giáo dục của các bà mẹ, cụ thể như đời sống của thánh nữ Monica. Quả thực là “Phúc đức tại mẫu.”
Vâng, ơn gọi làm mẹ là ơn gọi sống yêu; và tình yêu trong trái tim người mẹ đã làm được những điều kỳ diệu! Dù mỗi bà mẹ có một cuộc sống khác nhau với những thách đố, đau khổ muôn hình vạn trạng nhưng điểm chung vẫn là tình yêu vị tha, quên mình vì hạnh phúc cho chồng và các con. Thánh nữ Monica đã sống trọn ơn gọi làm mẹ, đã có một tình yêu kiên nhẫn, hy sinh tuyệt diệu nên bà đã đạt được mục tiêu của mình là chinh phục được người chồng ngoại giáo tin thờ Thiên Chúa và giáo dục được người con có cá tính ngang ngược, hiếu thắng trở nên một thánh nhân.
Xin được chia sẻ một vài gợi ý sau:
- Vai trò giáo dục của người mẹ
- Nỗi lo âu của các bà mẹ hiện nay
- Một vài yếu tố giáo dục hiệu quả
1. Vai trò giáo dục của người mẹ
Người mẹ là cô giáo đầu tiên của con. Trong thiên chức làm mẹ, người mẹ thường xuyên tiếp cận với con từ trong bào thai đến khi con trưởng thành. Vì thế, tất cả mọi tình cảm vui buồn, mọi thái độ sống tích cực hay tiêu cực, mọi lời nói lịch lãm hay thô tục của người mẹ đều ảnh hưởng đến con. Nhiều phụ nữ đã ý thức vai trò giáo dục của mình nên đã cố gắng rèn luyện nhân cách về sức khỏe, năng lực và phẩm chất để trở nên “người mẫu đời thường” của con trong cách bộc lộ tình cảm, thái độ cư xử và công việc hằng ngày. Kết quả là “Mẹ nào con nấy.”
2. Nỗi lo âu của các bà mẹ hiện nay
Nếu gia đình là chốn bình an của con cái thì xã hội lại là môi trường đầy thách đố cho chúng. Điều này đã làm cho một số đông các bà mẹ không yên tâm, nhất là khi thấy chúng có một vài biểu hiện khác thường trong lời nói hay thái độ ứng xử.
– Một giáo viên trường mẫu giáo kể lại câu chuyện tình cờ nghe được từ một vài em bé gái 5 tuổi nói với nhau: “Mai mốt bạn lớn lên, lập gia đình, nếu có bầu bạn sẽ đi phá thai, nuôi con cực lắm.”
– Một bà mẹ bị ngất xỉu khi phát hiện nơi cặp của con gái của mình mới 14 tuổi, học lớp 8, có những mảnh giấy viết thư trao đổi với bạn trai cùng lớp và rủ nhau vào nhà trọ để có thể yêu dễ dàng hơn.
– Nhiều bà mẹ rất lo âu khi con lên thành phố học đại học, nhất là khi con có những tương quan không lành mạnh với các bạn.
Đó là những lý do mà các bậc cha mẹ không thể phó mặc việc giáo dục con cái của mình cho nhà trường. Trái lại, chúng ta cần quan tâm đến chúng từng ngày và từng giai đoạn biến chuyển tâm sinh lý của chúng.
3. Một vài yếu tố giáo dục hiệu quả
Tình yêu luôn mách bảo các bà mẹ cần phải làm những điều sau đây để giáo dục con nên người:
– Dành thời gian gần gũi con: Trong gia đình, nếu cả hai cha mẹ cùng đi làm, thì chúng ta nên trao đổi với nhau, cùng sắp xếp thời gian để một trong hai người có thể ở bên con, đặc biệt là bữa cơm tối và những sinh hoạt buổi tối của gia đình: có thể là cùng xem tivi, cùng đọc một cuốn truyện và trao đổi với con về nội dung các nhân vật trong truyện hoặc phim. Nhất là gợi ý hỏi con về sinh hoạt học tập, bạn bè, vui chơi của chúng trong ngày.
– Con cái là ưu tiên số một: Điều nên nhớ là con cái phải là ưu tiên số một trong những chọn lựa khác. Nếu chúng ta không kiên nhẫn lắng nghe và giải đáp những thắc mắc ngây ngô xem ra vô nghĩa của con chúng ta, chúng ta sẽ bị trả giá là thái độ lạnh lùng, không tin cậy của chúng sau này.
– Là người tin cậy của con: Khi hướng dẫn trẻ em về bổn phận của con cái trong gia đình, tôi thường nhắc đến lòng hiếu thảo thể hiện qua việc nhận ra mình được yêu và biết ơn cha mẹ: “Các con hãy tin rằng cha mẹ là người yêu mình nhất và có nhiều kinh nghiệm hơn mình nên các con hãy bộc lộ, chia sẻ tất cả những vui buồn trong cuộc đời chúng con cho các ngài”. Nhưng điều quan trọng là: chúng ta, những bậc cha mẹ, những nhà giáo dục có thực sự là điểm tin cậy của con cái không? Làm sao con gái hay con trai của chúng ta trong tuổi mới lớn có thể dễ dàng hỏi chúng ta về chuyện thay đổi sinh lý của chúng, về những lạm dụng trong quan hệ bạn bè, nhất là khi chúng đã lỡ có những quyết định sai lầm, nếu trong suốt quá trình sống chúng không cảm được tình yêu gần gũi, cảm thông, tha thứ của cha mẹ?
– Huấn luyện và yêu thương: Trong gia đình cha mẹ nên lưu tâm giúp con nhận ra những chuẩn mực đạo đức để hình thành nơi con những thói quen tốt trong đời sống hằng ngày. Yêu thương không có nghĩa là chiều theo mọi ý muốn của con. Điều cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của con không phải chỉ là đồng ý, nhưng đôi khi phải thẳng thắn không đồng ý với chúng. Điều cần nhớ là tâm sinh lý của con chúng ta chưa quân bình, chúng luôn cần sự uốn nắn hướng dẫn của chúng ta theo chuẩn mực của xã hội và Giáo Hội.
Tóm lại, vinh dự lớn nhất của phụ nữ là thiên chức làm mẹ. Với ơn gọi làm mẹ, chúng ta được mời gọi tham gia vào sứ mạng cứu độ của Đức Kitô. Chúng ta rao giảng Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa ngay trong gia đình của mình, với thái độ an hòa, vui tươi, cảm thông, tha thứ và kiên nhẫn giáo dục, chinh phục từng đứa con của chúng ta trở nên con cái của Thiên Chúa.
Noi gương thánh nữ Monica và người phụ nữ Cana, chúng ta hãy cầu nguyện không ngừng để Thiên Chúa bộc lộ cho chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu cứu độ của Ngài.