Con có yêu mến Thầy không ?

0

Thân tặng các em lớp Tiên Khấn

Trước khi trao trọng trách lãnh đạo Giáo Hội cho Phêrô, Đức Giêsu không hỏi ông có bao nhiêu bằng cấp, nói được bao nhiêu ngoại ngữ, đạt bao nhiêu thành tích, có bao nhiêu tài năng… nhưng chỉ hỏi một điều duy nhất: “Anh có yêu mến Thầy không?” Đức Giêsu không đòi Phêrô phải “mười phân vẹn mười,” nhưng chỉ đòi Phêrô yêu mến Chúa. Đối với Đức Giêsu, yêu mến chính là điều kiện căn bản của người môn đệ đích thực. Vì có yêu mến Chúa, Phêrô mới yêu mến đoàn chiên của Chúa; vì yêu mến Chúa, Phêrô mới dám hy sinh mạng sống vì Chúa và vì Giáo Hội  của Ngài. Như thế, yêu mến Chúa chính là nền tảng ơn gọi và sứ vụ của những ai muốn theo Chúa, đặc biệt trong ơn gọi thánh hiến.

Trình thuật Tin Mừng Ga 21, 1-19 ghi lại cuộc đối thoại thân tình giữa Đức Giêsu Phục Sinh và Phêrô tại biển hồ Tibêria. Thánh Gioan kể rằng, sau một đêm vất vả mà chẳng bắt được con cá nào, Phêrô và sáu tông đồ khác đều thất vọng và mệt mỏi. Ngay lúc ấy, Đức Giêsu hiện đến với các ông và ban cho các ông mẻ cá lạ lùng. Ngài còn đãi các ông một bữa điểm tâm thịnh soạn với bánh và cá nướng trong bầu khí thân mật đượm tình thầy trò. Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu tiến về phía Phêrô và hỏi: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?”  Câu hỏi này xem ra rất đơn giản, nhưng đối với Phêrô lại rất khó trả lời, vì chỉ vài ngày trước đây ông đã công khai chối Thầy đến ba lần. Mới phản bội mà bây giờ lại nói là “thương Thầy” thì khó biết chừng nào cho Phêrô! Tuy nhiên, Phêrô đã vượt qua mặc cảm tội lỗi và tận dụng cơ hội này để nói lên lòng thống hối của ông trước Thầy và trước mặt anh em: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15).

Theo bản văn, Đức Giêsu không chỉ hỏi Phêrô “có yêu mến Thầy không?” một lần nhưng tới ba lần. Hỏi như thế không phải vì Đức Giêsu không biết rõ tấm lòng của Phêrô. Càng không phải là Ngài muốn trách khéo Phêrô về chuyện ông đã chối Thầy ba lần. Trái lại, hơn ai hết Đức Giêsu hiểu rõ Phêrô yêu mến Ngài thật lòng. Nhưng còn các tông đồ khác? Làm sao họ có thể hiểu được lòng yêu mến chân thành của Phêrô dành cho Thầy, để cảm thông cho ông khi họ tận mắt chứng kiến ông đã chối Thầy? Vì thế, Đức Giêsu đã tế nhị tạo cơ hội này để Phêrô có thể giãi bày lòng mình, và để ông lấy lại danh dự của người “Tông đồ trưởng của Nhóm Mười Hai” trước mặt anh em.

Lời chất vấn của Đức Giêsu: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” đã giúp Phêrô nhận ra thân phận mỏng dòn của ông và nhận ra tình thương đặc biệt Chúa dành cho ông. Trước đây Phêrô từng hùng hồn tuyên bố trước Đức Giêsu và mọi người rằng: “Dẫu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã” (Mt 26, 33). Ông còn quả quyết: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26, 34). Tuy mạnh miệng như thế nhưng chỉ vài tiếng đồng hồ sau, khi Đức Giêsu bị bắt và bị kết án tử, Phêrô đã khăng khăng chối: “Tôi không biết người ấy” (Mt 26, 74). Nơi Phêrô, bề ngoài xem ra mạnh mẽ, can trường, nhưng bên trong lại mềm yếu, nghi nan, và nhát sợ. Phêrô tưởng mình sẽ đứng vững nhưng ông đã vấp ngã. Ông tưởng lòng tin của ông nơi Thầy sẽ không bao giờ lay chuyển, nhưng giờ đây đã lung lay tận gốc. Bởi quá dựa vào sức mình nên “Đá tảng Phêrô” ngày nào giờ đây đã nát vụn thành cát …. Từ kinh nghiệm cay đắng ấy, Phêrô ý thức hơn về thân phận yếu hèn của mình, để cậy dựa hoàn toàn vào tình thương và sức mạnh của Chúa.

Một khi nhận ra sự dòn mỏng của mình, Phêrô không dám dựa vào mình để trả lời câu hỏi Đức Giêsu mà khiêm tốn nại đến sự thấu hiểu của Ngài: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Qua lời thưa này, Phêrô nhìn nhận rằng Chúa thấu suốt tâm can của ông, Ngài biết rõ những yếu đuối, những lầm lỗi và cũng biết rất rõ tình yêu của ông. Lời thưa ngày nào “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16) là “do bởi Thần Khí” linh hứng, nhưng lời đáp trả hôm nay chính là tiếng nói phát xuất từ con tim đơn thành của ông dành cho Chúa. Ba lần lặp đi lặp lại lòng mến vào Chúa giúp Phêrô xác tín vào tình thương của Chúa hơn và để Chúa tự do dùng Phêrô cho chương trình của Chúa. Như thế, lòng mến đã trở thành điều kiện tiên quyết Chúa muốn Phêrô phải có trước khi  trao sứ vụ cho ông: “Hãy chăn dắt chiên con… Hãy chăn dắt chiên mẹ của Thầy.”

Khi chọn gọi và trao sứ mệnh cho Phêrô, Đức Giêsu đã chấp nhận ông như ông là. Các trình thuật Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu đã gọi Phêrô khi ông đã lớn tuổi, là một ngư phủ ít học, tính tình nóng nảy, bộc trực, nông nổi, và phản bội. Ngài đã chấp nhận tất cả những bất toàn của Phêrô, chấp nhận ông như ông là, và còn tin tưởng trao cho ông trọng trách lãnh đạo Giáo Hội. Dù theo Chúa đã ba năm, nhưng tính nóng nảy và bộc trực của ông vẫn thế. Tuy nhiên, Chúa không hề thất vọng về Phêrô. Ngài không muốn thay đổi Phêrô hay ra điều kiện Phêrô phải thay đổi tính khí thì Chúa mới thương. Ngài chỉ đòi Phêrô một điều kiện duy nhất là YÊU MẾN Ngài. Chính lòng yêu mến Chúa sẽ giúp giúp Phêrô đứng dậy sau những vấp ngã. Chính lòng yêu mến sẽ giúp Phêrô vượt qua mọi thử thách để can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Chúa bằng cuộc sống và cái chết của mình.

Câu hỏi ngày nào Đức Giêsu đặt ra cho Phêrô thì hôm nay Ngài cũng đang đặt ra cho chính mỗi  người chúng ta, và đặc biệt cho các tân khấn sinh: “Này Kiều, Thanh, Thảo… con có yêu mến Thầy không?” Và tự mỗi người sẽ có câu trả lời của riêng mình! Nhìn lại hành trình ơn gọi chúng ta xác tín rằng, chúng ta được Chúa gọi không phải vì chúng ta xứng đáng, thánh thiện hay tài năng … nhưng đơn giản là vì chúng ta được Chúa thương. Thật vậy, đời tu đặt nền tảng trên kinh nghiệm của những người cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương. Vì được Chúa yêu thương nên chúng ta muốn đáp lại tình yêu của Ngài. Chúng ta tự nguyện theo Chúa trong ơn gọi thánh hiến không phải để tự do hơn, thánh thiện hơn, có nhiều điều kiện phục vụ hơn,… nhưng trên hết, chúng ta theo Chúa vì xác tín rằng chúng ta được Chúa yêu thương tuyển chọn cách huyền nhiệm đến độ chúng ta không thể nào làm khác hơn là mau mắn đáp lại tình yêu ấy bằng chính cuộc sống của mình.

Cũng như Phêrô, chúng ta cảm nghiệm sâu xa sự bất xứng của mình trước lời tình thương vô biên của Chúa. Trong khiêm tốn thẳm sâu, chúng ta chỉ dám thưa lên: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa.” Chúa biết chúng ta yêu Chúa trong thân phận dòn mỏng của mình. Có những lúc chúng ta khao khát Chúa nhưng lại không đủ can đảm để từ bỏ những gì không phải là Chúa. Có lúc chúng ta rất mạnh mẽ, quyết tâm sống chết với Chúa, nhưng rồi cũng có những lúc chúng ta lại nhát đảm chối Chúa…. Tuy chúng ta yếu hèn như thế, nhưng Chúa vẫn yêu thương chúng ta cách đặc biệt. Chúa vẫn mời gọi, tuyển chọn và hiến thánh chúng ta cho Chúa và cho Giáo Hội Chúa. Tình yêu của Chúa lớn hơn sự bất toàn, yếu đuối của chúng ta. Vì thế, với trọn niềm tín thác, chúng ta dám can đảm hiến dâng hiến toàn thân cho Chúa qua việc tuyên giữ ba Lời Khấn: Khiết Tịnh, Khó Nghèo và Vâng Phục, vì chúng ta tin rằng: “Ơn của Chúa đã đủ cho chúng ta, vì sức mạnh của Chúa được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta” (x. 2 Cr 12, 9).

Là những người được hiến thánh cho Chúa, chúng ta biết rằng một khi tuyên xưng: “Con yêu mến Chúa” là chúng ta chấp nhận đi vào con đường hẹp của Tin Mừng, con đường chết đi cho chính mình để sống lại với Chúa trong vinh quang Phục Sinh. Cụ thể, để thể hiện lòng yêu mến Thiên Chúa, chúng ta không chỉ tuyên xưng lòng mến ấy trên môi miệng, nhưng còn bằng chính đời sống của chúng ta, một đời sống chan hòa yêu thương như lời Bài ca Đức Ái diễn tả: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr 13,4-7).

Ơn gọi của chúng ta phát xuất từ Chúa, do lòng yêu thương của Ngài từ thủa đời đời: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16). Như thế, để đáp lại tình yêu của Chúa, chúng ta dâng lên Ngài lòng mến của chúng ta được thể hiện qua sự quảng đại, sẵn sàng dâng hiến toàn thân cho Chúa để Ngài sử dụng chúng ta theo thánh ý Ngài trong công trình cứu chuộc thế giới. Ước gì đời sống của người tu sĩ chúng ta hôm nay từ lời nói, tư tưởng và hành động đều minh chứng lòng mến của chúng ta đối với Chúa và với anh chị em mình. Để như Phêrô, chúng ta hân hoan thưa lên: “Chúa biết mọi sự, Chúa biết con yêu mến Chúa!”

Nt. Maria Đinh Thị Thu Hà 

Comments are closed.

phone-icon