Có nhiều định nghĩa và triết lý sâu sắc về tình yêu, lòng bác ái. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cách ứng xử đánh động con tim nhiều người, bởi nó diễn tả một tình yêu không giả tạo, nhưng chân thực, ngọt ngào và dịu dàng. Tất cả những điều này chỉ tìm được trong khoa học tình yêu, trong cuốn từ điển vừa cổ vừa tân thời. Đó chính là Đức Giêsu thành Nazaret.
Thật vậy, lược lại lịch sử trong suốt hành trình tại thế của Thầy Giêsu – chuyên viên tình yêu, chúng ta sẽ bắt gặp một ông thầy “Rabbi DoThái” thật dễ thương khi dạy môn sinh “đừng chống cự người ác, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 6, 38). Thoạt nghe có vẻ chói tai, dở hơi, thật khùng mới làm như vậy. Nhưng trong tình yêu chẳng có gì lạ lùng, khó đón nhận. Vì một tình yêu mang “chất Giêsu” thật thì không tính toán, dám giơ cả hai tay để nhận phần thiệt về mình. Thật là tuyệt, nếu như trong đời sống cộng đoàn mỗi người biết đón nhận một chút những trái ý nho nhỏ, cố gắng thêm chút nữa để đón nhận phần thân thể đã phục sinh nhưng còn đầy những vết thẹo. Có thế thì làm gì có những áp lực, đổ vỡ về tình huynh đệ, cộng đoàn vắng bóng tiếng cười. Tuy nhiên, nói thì dễ còn thực tế đâu dễ chút nào. Chính vì thế, mỗi người phải có đời sống cầu nguyện, gắn bó với Chúa mới có đủ sức để yêu thương.
Lần dở tiếp cuốn từ điển, chúng ta sẽ bắt gặp ý nghĩa của từ “yêu” trong cách diễn đạt của người môn sinh thu thuế Matthêu: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới” (Mt 6, 3). Trong cuộc sống, nhất là trong cộng đoàn, ít nhiều gì cũng có va chạm, định kiến, đôi khi là sự lên án. Điều này trái ngược với luật yêu thương của Chúa. Đành rằng chúng ta có bổn phận “nói sự thật” để giúp anh chị em mình thăng tiến, hoàn thiện như ý Chúa, chứ không phải là lên án, dán nhãn, xét xử cách bất công không có lòng thương xót; vì “khi chúng ta ngăn chặn lòng thương xót là chúng ta xa rời thế giới của Thiên Chúa, và chính chúng ta sẽ không còn biết đến lòng thương xót là gì nữa” (Phần chú giải Thánh Kinh của Tin Mừng Matthêu).
Tiếp đến, chúng ta sẽ ngạc nhiên, bỡ ngỡ trước thái độ ứng xử thật lạ của Chúa trong bữa ăn cuối cùng với các môn đệ. Khác với những vị thầy khác thường muốn được đồ đệ phục vụ, còn Thầy Giêsu lại đích thân xắn tay áo, cúi xuống như một đầy tớ tự nguyện, không những rửa chân mà còn hôn chân từng người một thật thắm thiết, trìu mến như người cha ôm hôn con mình. Viết tới đây, tôi thấy lòng mình như trùng xuống, nghe xót xa trong lòng, vì tôi chưa dám cúi xuống “rửa chân” cho tha nhân, chưa đủ tình yêu để thực hiện điều Chúa dạy “anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Đây là một thách đố trong đời tu.
Quả thật, “yêu” trong từ điển Đức Giêsu mang một ý nghĩa sâu sắc nhất được giải thích trong bối cảnh cuộc khổ nạn. Trên nền trời tối đen bởi quyền lực của sự dữ, tội lỗi, phản bội, vu cáo …, bỗng sáng rực một góc trời yêu thương, sống động và êm dịu như dòng suối ngọt ngào của lòng tha thứ, lòng thương xót của Người mang tên “Tình Yêu” với lời nguyện cầu: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34). Lời cầu xin tha thứ của Đức Giêsu là lời nhắc nhở chúng ta, trong đời sống, cũng biết mở lòng quảng đại trước những lỡ lầm của nhau, đồng thời giúp chúng ta nhận ra rằng có những hiểu lầm, bất hoà trong cộng đoàn có thể chỉ là sự vô tình hay tai nạn mà thôi.
Với một vài ý nghĩa của từ “yêu” trong cuốn từ điển Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi sám hối và nhìn lại đời sống yêu thương của chúng ta, ít nhất là với những thành viên trong cùng một cộng đoàn. Nguyện xin tình yêu của Chúa luôn tràn đầy tâm hồn để chúng ta dám liều mình yêu cho đến cùng. Dám buông mình trên những nẻo đường yêu thương còn nhiều sỏi đá. Để rồi chúng ta sẽ chạm đến nơi sâu thẳm nhất của con tim anh chị em mình.
Maria Thúy Chang