LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH
LỜI CHÚA: Ga 10, 1- 10
Sống trong môi trường truyền giáo, chị em chúng tôi cảm nhận sâu sa rằng sự hiện diện của người mục tử theo nghĩa chặt và nghĩa rộng rất quan trọng.
Xứ đạo tôi nửa nạc nửa mỡ: vợ có đạo nhưng “ hữu danh vô thực”, chồng không có đạo, bố mẹ đạo phật, con cái người theo bố, người theo mẹ. Niềm tin phức tạp này làm cho chị em chúng tôi thất bại nhiều hơn thành công, buồn nhiều hơn vui. Mỗi lần đi sứ vụ về chị em chúng tôi thở dài não nuột chia sẻ với nhau mối bòng bong rối rắm của các gia đình. Chồng rối, vợ rối, cha mẹ rối, con cái rối. Mối tơ vò khó gỡ này làm chúng tôi đau lòng. Càng đau lòng hơn nữa, khi thấy họ cứ bình thản sống trong cảnh tội lỗi này cách rất vui vẻ. May Chúa còn an ủi chúng tôi qua xóm giáo nhỏ. Tôi gọi là xóm giáo vì có mấy gia đình gốc ở dưới kênh đến đây sinh sống. Họ đem theo đức tin truyền thống để như men như muối giữa một xứ đạo xôi đỗ này. Nhưng con số này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ngày nào những người này bận công chuyện thì ngày đó nhà thờ trống vắng, buồn tẻ. Chúng tôi nói với nhau: Nếu Chúa không sai những người mục tử đến kịp thời thì chắc họ sẽ bỏ đạo hết. Qua đó chúng tôi cảm nhận được vai trò người mục tử quan trọng như thế nào.
Hôm nay Chúa Giê-su tự ví mình như người Mục Tử Nhân Lành. Người dẫn dắt chiên mình đến đồng cỏ xanh tươi. Người là cửa để cho chiên ra vào và Người cũng là tiếng gọi để qui tụ chiên.
Để vào được Nước Trời phải nghe tiếng Ngài và đi qua cửa của Ngài, cửa độc nhất vô nhị. Chính Ngài đã khẳng định: “Ta là cửa”( Ga 10,7). Ngài còn quả quyết: “Ta là chân lý, là đường”. “ Ta là” chứa đựng tất cả mạc khải về tên của Thiên Chúa( Xh 3,14). Chúa Giê-su là Đấng nắm giữ chìa khóa, khi Ngài mở thì không ai có thể đóng lại được ( Kh 3,7). Đó là cửa chật hẹp chỉ có thể đi từng người một ( Lc13,24). Vì mỗi chúng ta được gọi cách cá vị và phải trả lời bằng tên của mình. Tương quan của chúng ta với vị Mục Tử là tương quan tình yêu: “ Người yêu của tôi nói với tôi rằng: Hỡi bạn tình ta, người đẹp của ta ơi! Hãy chỗi dạy và đến đây!”( Nhã ca 2,10). Chúa Giê-su đề nghị với ta một tương quan tình yêu vì mỗi người chúng ta được Thiên Chúa yêu cách cá vị. Ngài gọi tên từng con chiên, Ngài biết rõ chúng ta và Ngài đi trước để dẫn chúng ta theo sau. Ngài chấp nhận nguy hiểm, khó khăn. Ngài đón đường trước những bất trắc xẩy ra cho chiên để bảo đảm sự an toàn cho chiên. Ngài say mê đoàn chiên của Ngài. Ngài chỉ nghĩ đến chiên mà quên mình.
Ngài chỉ muốn chiên của mình nhận biết, lắng nghe và ra khỏi sự an toàn giả tạo của mình để theo Ngài nghênh chiến với những nguy hiểm, sự dữ để tìm sự tự do mới nơi đồng cỏ xanh tươi màu mỡ, tìm lại một đời sống thênh thang thanh thoát, một sự sống dồi dào.
Tin Mừng chỉ cho chúng ta là các tông đồ khi đặt niềm tin nơi Thày đã thúc đẩy họ tò mò tìm hiểu về Thày: “ Thày là ai? Thày ở đâu? Thày từ đâu đến?” Để trả lời câu hỏi này, Chúa Giê-su mời gọi những người muốn lập tương quan tình yêu với Ngài bằng cái biết rất cụ thể và thực tế: “ Hãy đến và xem.” Chính sự tò mò này đã đào nơi các môn đệ một sự gắn bó sâu sa với Ngôi Vị của Ngài: “ Ta biết các chiên Ta và các chiên Ta biết Ta.”Và sau này khi đã cảm nếm Ngài là ai đối với họ, Chúa Giê-su đã bộc lộ tình yêu rất chân tình đối với những người được chọn cách đặc biệt: “ Ta không gọi các con là tôi tớ nhưng là bạn hữu.”Sự gắn bó này đã khiến họ bỏ nhà cửa, ra khỏi gia đình mình, khỏi làng xóm mình, cắt đứt những ràng buộc, quyến luyến của nghề nghiệp, của địa vị, của tham vọng để theo Thày trong sự bấp bênh: “ Chim có tổ, chồn có hang, nhưng Con Người không có chỗ dựa đầu.”
Tò mò , gắn bó, từ bỏ, thử thách, ra đi vô định là kinh nghiệm của các Tông Đồ. Người Mục Tử Nhân Lành cũng đang gọi chúng ta như thế. Đây là kinh nghiệm của những người tin.
Tin là ra đi, là khởi hành, là nhổ neo. Một cuộc hành trình với Đức Ki-Tô và đến với Đức Ki-Tô, một Đức Ki-Tô trần trịu.
Chúng ta có thể ảo tưởng rằng mình đến với Chúa là do công lao tìm kiếm của mình. Nhưng thực ra chúng ta đã được Chúa ban Đức Tin nhưng không: chúng ta sinh trong gia đình công giáo, được giáo dục trong môi trường Đức Tin. Lòng tin của chúng ta có thể chỉ là thói quen, tập quán, chỉ sống niềm tin cách hời hợt. Còn những người theo Chúa Ki-Tô thực sự, họ khao khát kiếm tìm Ngài trong chân lý: “ Hồn tôi khao khát Chúa Trời Hằng Sống.” Và như Thánh Augustino, họ luôn mơ ước được nghỉ yên bên Chúa; “ Tâm hồn con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên bên Chúa. Lạy Chúa, vì chúng con được dựng nên cho Chúa.”
Chúng ta tin và chúng ta nghe nơi mình Chúa Thánh Thần đang hoạt động, đang chiến đấu, đang ưu tư và đang thúc đẩy mình đến với Đấng ban sự sống dồi dào. Đó là điều mà người Mục Tử Nhân Lành mong ước: “ Chiên Tôi nghe tiếng Tôi và theo Tôi đến giòng suối trong mát.
Theo Mục Tử là đi vào con đường của Chúa Giê-su: Bỏ Nazareth để đi về Thập giá, để bị cám dỗ, để đi đến vườn cây dầu và đến đồi Can-vê.
Chúng ta không ngạc nhiên khi đi về với Thiên Chúa, chúng ta luôn luôn bị cám dỗ và phải chiến đấu không ngừng. Đời sống đức tin là một cuộc hành trình dài và chúng ta biết Chúa dẫn chúng ta đi đâu. Người đưa bước chúng ta là Chúa Ki-Tô. Chúng ta sẽ không vào được Nước trời nếu không có Chúa Giê-su dẫn dắt. Lịch sử cứu độ cho chúng ta hiểu được vai trò trung gian quan trọng duy nhất của Chúa Giê-su. Vì Ngài là Thiên Chúa thật, đồng thời cũng là người thật.
Đối với chiên, Ngài là mục tử, Ngài gọi tên từng con chiên, Ngài biết rõ từng con, săn sóc, thuốc thang. Ngài gọi tên không phải để dò xét theo kiểu con người mà là sự dò xét của tình yêu như tâm tình của tác giả thánh vịnh: “ Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ con…”
Đối với người mục tử, Ngài là cửa, Ngài trao sứ mạng cho họ, họ phải là mục tử như Ngài.
Hôm nay chúng ta cũng cầu nguyện cho ơn gọi, đặc biệt ơn gọi thừa tác thánh và tu sĩ. Họ là những mục tử, cánh tay kéo dài của Chúa Giê-su. Giáo hội rất cần những ơn gọi này để xây dựng Giáo hội và làm cho Hội Thánh phát triển. Nhưng ngày nay ơn gọi mỗi ngày một xuống dốc, vì đạo đức của gia đình đã tụt dốc. Hôn nhân suy đồi thì ơn gọi cũng lao dốc. Một quả trứng ung không thể nở ra một con gà. Cũng vậy, gia đình tan nát thì ơn gọi cũng nát tan.
Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện và góp công sức vào công việc hệ trọng này bằng việc sống tròn đầy ý nghĩa ơn gọi của mình. Nếu sống đời hôn nhân, chúng ta hãy vuông tròn ơn gọi Ki-Tô hữu của mình. Hãy ý thức rằng gia đình là chiếc nôi nuôi dưỡng ơn gọi, trường dạy đức tin cho con cái, trường dạy về đời sống chung khi quan tâm đến người già, người đau yếu, bệnh tật. Hãy nhớ rằng trong gia đình, ông bà, cha mẹ, là những người ảnh hưởng nhiều nhất đến đời sống của con cái. Gương sáng của cha mẹ là khí cụ mạnh mẽ nhất đối với con cái.
Xin Chúa cho chúng ta hiểu được tầm quan trọng này để khi bước theo vị Mục Tử Nhân Lành chúng ta có thể chỉ cho anh em bước vào con đường mình đã đi, đã sống, đã cảm nghiệm. Xin Chúa làm cho chúng ta trưởng thành trong chân lý và tình yêu để chúng ta tiến bước vào trong màu nhiệm của Thiên Chúa khi theo vị Mục Tử trong niềm vui, bình an và hi vọng. Hãy để Chúa hướng dẫn chúng ta, để Thánh Thần là ánh sáng của chúng ta. Hãy trao phó cho Người tất cả. Chính Người sẽ bảo vệ và cho chúng ta tất cả những gì chúng ta cần. Amen.
Nữ tu Maria Faustina Lý Thị Báu