Hằng ngày tôi có nhiệm vụ làm sạch con đường để chị em đi, công việc cũng thú vị. Sáng nay sau cơn mưa nặng hạt, con đường dường như bẩn hơn, ngoài lá, còn có thêm cành khô, cộng thêm rác ở đâu tung tóe trên đường. Tôi cố gắng nhanh gọn hết sức có thể…quét xong…Nhìn lại con đường sạch đẹp…thích. Nhìn sang cây chổi…thấy tội nghiệp nó quá…bẩn thật. Rồi nhìn lại cuộc đời, cảm thấy có cái gì nhói nhói trong tim. Khi còn mới, chổi được dùng để quét mọi ngóc ngách trong nhà. Nhưng theo thời gian, cây chổi cũng mòn dần. Để rồi được xếp ngăn nắp vào một chỗ mà thế chỗ cho những cây chổi mới.
Trong các gia đình, không có nhà nào là không có sự hiện diện của cây chổi. Cây chổi nghe qua có vẻ bình thường, thế nhưng cây chổi lại làm những việc rất hữu ích. Dù rất cần, nhưng mấy ai để ý đến sự hiện diện của nó. Đời cây chổi là thế, khi nó giúp cho đời sạch thì nó lại vấy bẩn. Nó phải tiếp xúc với những nhớp nhơ của cuộc đời, khi nó hoàn thành nhiệm vụ của nó là làm sạch cho đời thì chính bản thân nó phải chịu bào mòn và hư hao.
Trong đời sống cộng đoàn, nhiều khi mỗi người là những cây chổi của nhau để giúp làm sạch nhau dù cho chính mình phải vấy bẩn vì những đố kỵ, những khó ưa, khó chịu. Bẩn khi ai đó cứ cho mình là lão làng, là nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm nhiều thích soi mói người khác mà không lo đào luyện mình… Và nhiều kiểu người khác nữa.
Người tu sĩ khấn lời khấn khó nghèo không chỉ để mà nghèo, nhưng là để chia sẻ cho tha nhân trong sự phục vụ, nhiều lúc cũng phải chấp nhận hy sinh để người khác được sạch. Khi Ta biết đón nhận sự giúp đỡ của người khác thì cũng biết cho đi những gì mình có. Bởi thực sự chúng ta không phải được sinh ra chỉ để sống cho chính mình, chỉ quan tâm đến vẻ đẹp và sự sạch sẽ cho riêng mình, nhưng hãy như cái chổi kia biết sống với nhau, cho nhau và vì nhau.
Nt. Isave Nguyễn Thị Phúc (HV)