Thoạt nhìn, có vẻ đó tựa như một câu hỏi quá đơn giản phải không? Gọi Đức Giêsu là bạn của mình có nghĩa là gì?
Hay vấn đề quan trọng hơn, điều này có nghĩa gì khi Ngài gọi chúng ta là bạn của Ngài?
Đôi khi ta loay hoay với vấn đề, và đơn giản hóa đến mức nói huyên thuyên vấn đề mà không dám đi vào trọng tâm. Chúng ta đã giảm thiểu khái niệm sâu sắc về việc làm thế nào để trở thành “bạn bè” của Ngài.
1. Có lẽ con đường đơn giản và trực tiếp nhất là đi đến các Tin Mừng và chỉ cần nói chuyện với người bạn thân nhất của Đức Giêsu.
Tất nhiên, người đó là Simon Phêrô. Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của họ trên bờ hồ Galilê ở Tin Mừng Gioan (Ga 1,42), có vẻ như Simon hiếm khi rời khỏi Chúa Giêsu. Thậm chí có thời gian Ngài đã chuyển đến ngôi nhà lớn của Simon ở Capharnaum, nơi có nhạc mẫu của ông và không xa hội đường tại đây. Nếu Đức Giêsu có thể được cho là đã có một ngôi nhà, thì đó chính là nhà của Simon.
Có một tình bạn chân chính giữa họ với những thăng trầm tựa như những tình bạn khác trên trần gian. Phêrô có lẽ là môn đệ duy nhất đã từng dám nói “không” với Thầy Giêsu, và ngăn cản Ngài lên Giêrusalem. Đức Giêsu đã dành những lời khen ngợi có cánh, đưa ông đến tận mây xanh khi tuyên bố ông được Chúa Cha Ngài mạc khải về thân phận của Ngài (Mt 16,17), nhưng cũng đã từng khiển trách nặng nề đại đệ tử yêu dấu của mình khi gọi ông là “Satan” (Mt 16,23).
Mặc dù Chúa Giêsu chắc chắn cũng gần gũi và cận kề với nhiều môn đệ khác của Ngài, nhưng tình bạn của Ngài với Phêrô là duy nhất và được trình bày đầy đủ nhất trong các Tin Mừng.
Chúng ta hãy xem xét cách ngắn gọn tình bạn này như một mô hình và xem những gì chúng ta có thể tìm thấy để trả lời cho câu hỏi ban đầu của chúng ta: Làm bạn với Đức Giêsu có nghĩa là gì?
2. Làm bạn với Đức Giêsu có nghĩa là cho phép bản thân mình được Ngài không ngại đặt vấn đề tế nhị với mình (Cf. Mt 16,13-23).
Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Anh em nói thầy là ai?” Chính Phêrô nhanh chóng là người trả lời: “Ngài là Đấng Messiah, là Con Thiên Chúa hằng sống.” Trong một vài khoảnh khắc Đức Giêsu đáp trả lại: “Anh là Phêrô, đá tảng.” Bạn bè là như thế, tình thân ái giữa họ thực sự giúp xác định tính cách bạn mình. Trong sự cho và nhận của mối quan hệ chân chính, như “sắt mài sắt,” dấu ấn của người bạn thật sự trở nên không thể xóa nhòa trong tâm hồn của người kia.
Trở thành bạn của Chúa Giêsu có nghĩa là nghe Ngài nói: “Đừng sợ” (Mt 17,7).
Tin Mừng Nhất Lãm nói với chúng ta rằng ba vị tông đồ trên núi đã trở nên kinh hoàng khi chứng kiến sự Biến Hình của Thầy Giêsu của họ. Đó là lần duy nhất bất kỳ môn đệ nào của Ngài nhìn thấy vinh quang chưa được tiết lộ của Ngài. Marcô nói với chúng ta rằng Phêrô không biết phải nói gì, ông ấy đã quá sợ.
Thông thường nhất các tác giả Tin Mừng cho thấy, khi Ngài tỏ mình ra bất ngờ trong một chiều kích mới, mà họ không sẵn sàng trực diện, Đức Giêsu thường an ủi họ bằng những lời đó.
Trong mẻ lưới lạ lùng đầy cá lần đầu tiên trong Tin Mừng Luca chương 5, Đức Giêsu cũng nói: “Đừng sợ, từ giờ trở đi Anh Em sẽ đi lưới người.”
Cũng vậy, khi suốt đêm các môn đệ chèo chống khó nhọc giữa khơi không vào bờ được, còn Ngài đang ở trên núi cầu nguyện đắm mình trong Chúa Cha, Đức Giêsu thấy anh em Ngài gặp khó khăn, Ngài đi đến với họ, đạp trên sóng nước mà đi và họ sợ hãi tưởng là Ma. Nhưng Ngài đến gần thuyền, và gọi to: “Thầy đây, đừng sợ” (Mc 6,50).
Tương tự những lời Ngài nói với những người phụ nữ ở ngôi mộ (Mt 28,10).
3. Trong cuộc đời, nếu chúng ta rong ruổi với Thầy Giêsu đủ lâu như là bạn của mình, Ngài sẽ tiết lộ chính Ngài theo những cách mới hơn, sâu hơn, quyến rũ hơn nhưng đôi khi cũng gây hãi hùng.
Nhà thần học người Đức Otto Rudolf cũng thường nói tương tự “hãi hùng nhưng quyến rũ”. Ngôn sứ Giêrêmia cũng thường trải nghiệm như thế. Nhưng rồi chúng ta cũng có thể lắng nghe tiếng thì thầm của Ngài ở bên tai: “Thầy đây, đừng sợ.”
Chúng ta không phải sợ khi đến gần Thiên Chúa, chúng ta không phải sợ bất cứ điều gì, vì khi Đức Giêsu là bạn của ta, ta sống với cảm nhận một cách tin tưởng và nhẹ nhàng trong cuộc đời của ta, có một con người đang dõi theo ta, thấu cảm mình và hiểu được sự mong manh, cũng như những vật lộn và đau đớn của ta (Dt 2,18).
Thầy Giêsu không bao giờ sai Phêrô hay bất kỳ ai khác làm bất cứ điều gì hoặc đi bất cứ nơi nào mà Ngài chưa từng đến. Trước khi Ngài kêu gọi họ trở thành “ngư phủ con người,” Ngài đã cho họ thấy Ngài thực hiện bằng cách gọi họ thế nào. Trước khi Ngài sai họ đi rao giảng để nói lời của Ngài và thực hiện công việc của Ngài, Đức Giêsu đã gọi các môn đệ đến với Ngài, ở với Ngài, dạy dỗ họ, dành một khoảng thời gian tập trung để chuẩn bị cho họ. Ngài sẽ không kêu gọi họ vác thập tự giá cho đến khi Ngài lần đầu tiên chứng minh rằng Ngài quyết tâm đi tiếp trước khi họ đến Golgotha.
Khi chúng ta đến gần với Chúa Giêsu như là bạn của chúng ta, khi chúng ta hiểu rõ hơn về Ngài qua Lời của Ngài dạy dỗ, chúng ta hiểu ra rằng Ngài đã trải nghiệm đầy đủ các yếu đuối của con người ngoại trừ tội lỗi, như tác giả sách Hibri nói đến. Trong các Tin Mừng chúng ta thấy Ngài đã đói và khát, bị hiểu lầm bởi chính gia đình mình. Chúng ta thấy một con người đã nếm trải tất cả những đau khổ của chúng ta trong suốt cuộc đời của Ngài trên trái đất và người đã tự mình gánh lấy tất cả tội lỗi và nỗi buồn của chúng ta trên thập tự giá.
Khi Đức Giêsu là bạn của ta, ta biết ta sẽ không bao giờ bị loại trừ bởi những thất bại hay thiếu sót của ta (Rm 8,38). Thật vậy, mặc dù Phêrô đã từ chối biết Chúa Giêsu ngay cả với những tớ gái, những tên lính vô danh đi lang thang trong sân của dinh Caipha, sau đó, khi Ngài được sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu vẫn vẫn yêu thương nhắn gửi lời trấn an an ủi: “Hãy nói với các môn đệ … và Phêrô, thầy sẽ đi đến Galilê trước các bạn ” (Mc 16,7). Ngài làm như không có chuyện gì xảy ra. Ngài vẫn tỏ ra một người Thầy yêu thương của họ.
Ta biết, đặc biệt thánh sử Luca đã kể lại một chi tiết nói lên tầm ảnh hưởng của cái nhìn của một người bạn thân như thế nào. Trước khi chịu nạn, Thầy Giêsu đã cảnh báo Phêrô (cũng như các môn đệ) rằng Ác Thần đã xin sàng họ như người ta sàng gạo, nhưng Ngài đã “cầu nguyện cho Phêrô để anh ta khỏi mất lòng tin…” Vậy mà Phêrô vẫn tự tin thái quá “Lạy Chúa, dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng.” Và hậu quả Phêrô đã chối Ngài (Lc 22, 31.32.33). Và Chúa trong phòng xử án đã quay nhìn ông, và Phêrô đã ra ngoài khóc thảm thiết hối hận (Cf. 22, 61-62). Ánh mắt của người bạn thân đã cho thấy sự hèn yếu của ông. Và ông đã ăn năn. Một cách nào đó, Đức Giêsu vẫn luôn sẵn sàng quay đi từ nơi tồi tệ nhất trong tất cả chúng ta và vẫn đón nhận chết trên thập tự giá cho Phêrô, cho bạn, cho tôi và cho chúng ta.
Chúng ta không thể tìm kiếm đâu ra tình yêu của ai với hành vi tốt lành như Thầy Giêsu, nhân hậu. Ngay cả khi chúng ta không đáp ứng được tình yêu của Ngài, Ngài vẫn yêu chúng ta như chúng ta đang là, chớ không phải như chúng ta phải trở nên như thế. Không phải vấn đề là chúng ta không thay đổi để Ngài sẽ yêu thương chúng ta hơn, mà là Ngài yêu chúng ta để chúng ta có thể thay đổi. “Chính lòng nhân hậu của Ngài dẫn chúng ta đến sự ăn năn” (Rm 2,4).
Tóm lại
Đây chỉ là một vài nỗ lực phân mảnh để trả lời câu hỏi ban đầu của chúng ta. Có lẽ, bây giờ mỗi bạn cũng có thể đọc lại câu hỏi cho các bạn và mời gọi bạn cũng dựa vào Lời Chúa để trả lời cho bản thân.
Lắng nghe cuộc sống của bạn và tìm ra câu trả lời nhiều hơn và tốt hơn trên của riêng bạn. Chúa Giêsu đã nhìn bạn và định nghĩa bạn như thế nào? Khi bạn đã nghe Ngài nói “Đừng sợ?” Ngài đã gặp bạn trong sự yếu đuối của bạn? Bạn đã trải nghiệm tình yêu không đủ phẩm chất như Ngài muốn?
Thân mời các bạn xem xét câu trả lời của Chúa Giêsu cho câu hỏi này. Bạn có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào Gioan 15,8-17.
Nt. Maria Bùi Thủy