“Các bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng”.
Cha William thăm một cô gái sắp mổ mắt. Nỗi sợ mù loà bao trùm cô gái trẻ. Quay về phía vị linh mục, cô nói, “Ôi, Chúa đang lấy đi thị giác của con!”. Cha William nghiêng mình thì thầm, “Đừng để Ngài lấy nó; con hãy dâng nó cho Ngài!”. Khuôn mặt cô gái rạng rỡ, “Con ước ao được như vậy!”.
***
Nỗi sợ hãi xen chút vui mừng, dẫu ít ỏi, nơi người bạn trẻ đưa chúng ta về với câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Hai phụ nữ ra khỏi mồ Chúa, “vừa sợ” lại vừa “hớn hở vui mừng”. Thật lý thú, hai trạng thái tâm lý đan xen! Làm sao một người “vừa sợ” lại vừa “hớn hở vui mừng?”. Không phải sợ hãi xói mòn niềm vui sao? Không phải niềm vui chẳng triệt tiêu được sợ hãi sao? Đặt mình vào tâm trạng của hai con người vốn đã có một ‘trải nghiệm đáng ao ước’, chúng ta sẽ có câu trả lời.
Làm sao có thể không sợ khi một thi thể lạnh ngắt và nát bươm nay sừng sững như một người chết hiện về đứng trước họ? Làm sao có thể không sợ khi một ‘thây ma’ bị chôn chặt bởi tảng đá nay chào đón họ? Ấy thế, nỗi sợ tự nhiên nay được niềm vui của ân sủng thế chỗ. Lời “Chào các bà!” tiếng Hy Lạp theo tiếng Latin là “Exsultet”; và với tâm tình của mùa Phục Sinh, sẽ được dịch là “Mừng vui lên!”. Đây là lời sứ thần nói với Đức Mẹ trong ngày truyền tin, “Mừng vui lên, đấng đầy ân sủng!”; giờ đây, không phải là lời thiên thần nhưng là lời Chúa của các thiên thần, “Mừng vui lên!”, lời Đấng Phục Sinh loan báo cho cả nhân loại biết rằng, nó đang được đầy tràn ân sủng.
Như vậy, có vẻ như nỗi sợ mà hai cô trải qua là một trong bảy ơn của Chúa Thánh Thần, ơn kính sợ thánh thiện. Đây không phải là một nỗi sợ theo nghĩa thông thường; đúng hơn, đó là nỗi sợ vốn sẽ được định nghĩa tốt hơn khi nó là một sự tôn kính, kinh ngạc, một sự thán phục choáng ngợp. Họ kinh ngạc tột độ, một kinh ngạc gây sốc thánh thiện và cùng lúc, ngập tràn niềm vui. Bỗng nhiên, họ chợt hiểu biết, một sự hiểu biết chợt đến khiến họ ngộp thở nhưng đầy hy vọng rằng, Thầy đã sống lại, đã ra khỏi mồ. Hẳn họ phải sợ, nhưng cùng lúc, đầy niềm tin và như thế, ‘trải nghiệm đáng ao ước’ này cho phép họ tin chắc, một điều gì đó rất phi thường vừa mới xảy ra.
Đây phải là một ‘trải nghiệm đáng ao ước’ nơi chúng ta ngay hôm nay; điều đó có nghĩa là, một lần nữa, ngày Phục Sinh, ‘ngày Chúa biến đổi tôi’, ‘ngày Chúa đã làm ra’, ngày mà tôi sẽ hỷ hoan mừng kính trong tám ngày liên tiếp và cao điểm là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa. Vì thế, tám ngày tiếp theo là những ngày mà chúng ta sẽ cố gắng thâm nhập và trải nghiệm những gì mà các phụ nữ thánh thiện ấy đã có như lần đầu tiên họ trải nghiệm. Rằng, Chúa Giêsu không còn ở trong ngôi mộ và tôi cũng đã ‘ra khỏi mộ’ với Ngài. Hãy chìm sâu vào mầu nhiệm Phục Sinh; học biết mầu nhiệm này đúng như ý nghĩa tràn đầy của nó. Hãy cố gắng hiểu cho được ý nghĩa của quà tặng tuyệt vời này và thực tế là, trong sự phục sinh của mình, Chúa Giêsu đã tiêu diệt hậu quả của tội lỗi; Ngài huỷ diệt cái chết, sự ác nhưng đồng thời, đang huỷ diệt tội lỗi của tôi, hầu ban cho tôi một sự sống mới, một sức sống mới trong sức mạnh Phục Sinh của Ngài. ‘Tác động Phục Sinh’ thay đổi, làm mới tâm hồn, mời gọi chúng ta tham gia vào sự sống mới mẻ ngay ‘hôm nay và lúc này’. Đó là một ‘trải nghiệm đáng ao ước’ sinh ích nhất, và cũng cấp bách nhất. Không thể tuyệt vời hơn!
Tin Mừng cho biết, “Chúa Giêsu đón gặp các bà”. Như thế, ‘trải nghiệm đáng ao ước’ thánh thiện đích thực sẽ dẫn đến việc nhận ra Đấng Phục Sinh, ‘Đấng đón đường’ những ai sắp được biến đổi; để sau đó, sai họ đi. Phản ứng của họ bấy giờ là muốn ôm lấy Ngài, một tất yếu, “Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy”. Người ta chỉ phục lạy người họ tôn kính, mến yêu; hành động thờ phượng và tôn thờ này cho thấy họ không chỉ tin mà còn hành động bằng thờ phượng. Chúng ta cũng hãy làm vậy, theo nghĩa đen, những ngày hôm nay. Hãy quỳ gối thờ lạy Ngài! Tiếp đến, Ngài biến các cô thành sứ giả, “Hãy đi báo tin cho các anh em Ta”, quả là một ‘trải nghiệm đáng ao ước’, một trải nghiệm rằng, Ngài coi họ như bạn và sẵn sàng sai đi những ai thật sự yêu mến Ngài.
***
Chúa Giêsu ước ao mỗi chúng ta có được trải nghiệm ấy mỗi ngày; trong Lời Chúa, trong Thánh Thể, trong những con người, trong các biến cố lớn nhỏ, Ngài ‘đón đường’ từng người chúng ta, Ngài nói với chúng ta, “Mừng vui lên!” bởi cả vũ trụ này đang được đổi mới, ‘Con đang được đổi mới!’; ‘Hãy vui lên vì Thiên Chúa toàn thắng!’. Nhưng hãy cam kết một điều, như các bà, chúng ta phải ra khỏi nhà, ra khỏi suy nghĩ những gì thuộc tầm thấp, ra khỏi những ước muốn toan tính trần tục; nhờ đó, may ra có thể nhận ra ‘Đấng đón đường’. Làm được điều đó, chúng ta mới thật sự có được một ‘trải nghiệm đáng ao ước’ mà Đấng Phục Sinh mang lại.
“Lạy Chúa, trong tuần Bát Nhật này, xin cho con biết chìm mình trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa; cho con có được một trải nghiệm choáng ngợp với Đấng Sống Lại, cũng là ‘trải nghiệm đáng ao ước’, hầu con nhận ra Chúa mỗi ngày, và nhất là, con được biến đổi và được sai đi”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế