Sr. Faustina Lý Thị Báu
Cha tôi, lúc sinh thời rất thích nói về sự chết, nghĩ đến sự chết. Những bài giảng, câu đối của Ngài về sự chết rất sâu sắc, có sức thuyết phục khác thường, nhưng Ngài lại chẳng có kinh nghiệm nào về nó cả. Khi ngài có được kinh nghiệm quý báu này thì cũng là lúc ngài chẳng thể trao gửi cho ai được nữa. Nhưng thực ra, lúc ngài câm lặng, lại là lúc ngài nói với chúng tôi cách hùng hồn hơn bao giờ hết.
Những ngày cuối đời trên giường bệnh, mặc dù phải chiến đấu với những xung khắc nội tâm và cơn đau của bệnh tật, nhưng nét mặt ngài vẫn chiếu tỏa một sự bình lặng của một tâm hồn bình an, thanh thản, giản dị, hiền hòa, khó nghèo và khiêm tốn. Với cuộc sống khiêm nhu, đơn sơ, ngài đã nhìn cái chết cách sáng suốt và đón nhận nó với tinh thần đầy trách nhiệm. Ba đức tính: hiền lành, khó nghèo và khiêm tốn đã khiến ngài sống hoàn toàn phó thác trong tay Chúa. Không đòi hỏi, không cao vọng, không chối từ nhưng là đón nhận tất cả. Lời xin vâng đó, ngài đã thốt ra trên giường bệnh: “Việc của Chúa, xin phó thác cho Chúa.”
Cha tôi quý sự khiêm nhường. Đối với ngài, tâm hồn khiêm hạ không dành quyền lợi cho mình nhưng là quy hướng mọi sự về vinh danh Chúa. Không tìm lợi ích cho mình nhưng tìm lợi ích của tha nhân. Người khiêm hạ là người khước từ sự khôn sáng của trần gian, chấp nhận sự điên rồ và khinh chê của Thập Giá.
Khiêm nhường là chính ngôn ngữ của Chúa Giêsu, là con đường Chúa chọn, là hướng Chúa yêu thích. Cũng trên con đường này, Chúa đã giới thiệu cho những người nhỏ bé, nghèo nàn, những người từ bỏ sự giàu sang, quyền lực… (Mt 5, 3; Lc 6, 20), những người được Chúa an ủi (2Cr 7, 6), được Chúa ban ơn: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo và ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (Ga 4, 6). Khiêm nhường còn là thái độ đặc biệt của Chúa: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng…” (Mt 11, 29; 21,5), “Hãy báo cho nữ tử Sion: này Vua ngươi đã đến nơi rồi, Người khiêm nhu chỉ cưỡi mình lừa…” (Mt 21, 5). Đó là con đường Chúa đi đến cùng: Ngài đã hạ mình thấp hèn, vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. (Pl 2, 8). Khiêm nhường là đặc tính của con cái Sion, của dân Chúa, của Đức Maria: “Vì Người đã đoái nhìn phận hèn tớ nữ Người” (Lc 1, 48). Khiêm nhường cũng là thái độ của Thánh Phaolô khi phục vụ Chúa: “Tôi đã hết lòng khiêm tốn làm tôi Chúa trong nước mắt và giữa những thử thách xảy đến cho tôi do âm mưu của người Do Thái.” (Cv 20, 19)
Chính vì thấu hiểu điều Chúa dạy, điều các Tông Đồ bắt buộc phải giữ “cùng nhau tâm đầu ý hợp, đừng quá cao vọng về mình, trái lại hãy biết bỏ mình, chuộng phần hèn kém” (Rm 12, 6) mà cha tôi đã đi vào con đường của Thánh Phaolô “Hãy hết lòng khiêm nhường và hiền từ với đức đại lượng” (Ep 4, 2). Những công việc Ngài làm không lẫy lừng, ầm ĩ như thanh la não bạt nhưng là một nắm men âm thầm hòa trộn trong những đấu bột. Một chút men vô danh đó đang làm dậy cả khối bột: từng năm, từng tháng, từng ngày, từng giờ miệt mài trên những trang sách để phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn, điều đó ai ai trong chúng tôi cũng phải xác nhận.
Cha tôi đã sống khiêm nhường và ngài luôn dạy chúng tôi về con đường này. Cha dùng tâm tình của Thánh Phaolô mà nhủ khuyên chúng tôi: “Vậy theo tư cách là thánh, được Thiên Chúa chọn và yêu mến, anh em hãy học lấy lòng lân mẫn, biết chạnh thương, đức nhân hậu, khiêm nhu, hiền từ, đại lượng” (Cl 3, 12).
Từ cuộc sống khiêm hạ đó, cha ăn ở hiền hòa với mọi người. Không khi nào ngài tỏ ra bất mãn, nóng giận trước những cử chỉ khờ khạo, vụng về của chúng tôi. 25 năm -1/3 cuộc đời cha với đầy sinh lực và nhiệt thành đã được dành cho chúng tôi với những đức tính nhẫn nại, dịu dàng, hiền từ, cẩn thận, mực thước và thâm trầm. Trong suốt thời gian dài ở với chúng tôi, ngài chưa một lần to tiếng, không dễ có những thái độ nóng nảy, cho dầu nhiều lần chúng tôi không biết vâng lời Ngài do còn non yếu và cạn nghĩ. Ngài đã sống âm thầm theo Tin Mừng, chúng tôi không nghe thấy tiếng ngài nơi phố xá. Nét mặt Ngài hiền hậu, tươi vui và ân cần với mọi người.
Song song với đức khiêm tốn là con đường Chúa chọn. Cha tôi rất quý trọng đức hiền lành, vì nhân đức này làm cho Ngài nên giống Chúa. Vì những ai giống Chúa thì thuộc về Chúa. Những người giống Chúa là lấy thiện báo ác: “Hãy yêu kẻ thù các con, hãy cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các con, để các con trở nên con cái Cha các con ở trên trời, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ ác cũng như người công chính” (Mt 5, 44). Ngài hiểu giá trị của nhân đức này, một nhân đức tuyệt hảo của đời sống Kitô hữu và nhân loại nên Ngài sống hiền lành chịu đựng những khuyết điểm của người khác. Thánh Phanxico de Sale nói: “Dịu hiền là hoa của bác ái” và Ngài thêm:“Dịu hiền là nhân đức của các nhân đức”. Ngài am tường chân lý mà thánh Chrysostoma nói: “Đừng dập tắt lửa bằng lửa, dập tắt sự giận dữ bằng giận dữ”. Ngài rất chân tín lời thánh Bênađô: “Sự giận dữ làm cho mù quáng, sự êm dịu chiếu sáng con đường đi”. Ngài thường áp dụng lời sách Huấn Ca: “Một lời êm dịu gây được nhiều bạn hữu, nó làm dịu vợi quân thù” (Hc 6, 5)
Cha đã đan kết đức khiêm nhường và hiền lành trong hữu thể ngài để sống mẫu gương của cộng đoàn tiên khởi: “Hết lòng khiêm nhường và hiền từ với đức đại lượng, chịu đựng lẫn nhau trong lòng mến” (Ep 4, 2).
Chúng tôi cũng không thể quên một nhân đức nổi bật khác của cha tôi trong bộ ba nhân đức của ngài, đó là khó nghèo. Đây không phải là nhân đức “chịu vậy” của kẻ tiểu nhân, cũng không phải là thuốc ngủ hay thuốc giảm đau để xoa dịu nỗi khốn cùng của nhân loại đói khổ, nhưng là một nhân đức để có thể hiểu và cảm thông với anh em nghèo của tôi cách hiện sinh hơn. Cha tôi, người có thể sống cuộc sống xứng với địa vị mình, nhưng ngài đã chọn cuộc sống tầm thường, nghèo khó, bữa ăn thanh đạm của người nghèo, y phục và đồ dùng rất giản dị và cần thiết. Ngài thâm tín, người nghèo khó là người sống phó thác trọn vẹn. Chúa Giêsu đã đòi hỏi những người theo Chúa thì phải từ bỏ tất cả: “Hãy bán tất cả những gì anh có và hãy theo Ta” (Mt 19, 21). Ngài ao ước sống hoàn thiện để theo Người Tôi Tớ nghèo nàn của Isaia: “Ngài trở nên nghèo khó để chúng ta được trở nên giàu có vì sự cùng khốn của Ngài” (Pl 2, 7; 2Cr 8,9).
Người nghèo khó là người bằng lòng với những nhu cầu cần thiết và hớn hở mừng vui khi bị thiếu thốn, vì họ chờ đợi nơi Chúa quan phòng sẽ tiên liệu những sự cần thiết cho những ai đã chọn Người. Người nghèo khó thật luôn tìm kiếm nước Chúa và chính sự nghèo khó sẽ là thành lũy bảo vệ họ, nên càng nghèo, họ càng hoàn thiện. Người nghèo bỏ lòng quyến luyến sự đời, sống ẩn dật, hy vọng và chết cho mình. Họ không có gì cũng không sợ gì. Vì vậy, người nghèo khó sống bác ái hơn, dễ chia sẻ hơn, họ đồng số phận với anh em mình để cảm thông.
Cha tôi không chỉ giảng nghèo khó, Người không như người lý thuyết viện trợ cho chúng tôi những “lời hay ý đẹp” về nhân đức này. Ngài đã sống thật khó nghèo.
Ba nhân đức: “Hiền Lành – Khiêm Nhường – Khó nghèo” là bộ ba nhân đức của cha tôi. Trong những ngày cuối đời, ba nhân đức này càng hiển hiện rõ nét hơn nữa.
Cha tôi đã ra đi gần 30 năm rồi, nhưng sự nghiệp của Cha vẫn còn mãi mãi trong Hội dòng chúng tôi như mạch nước ngầm lưu chuyển, như sức mạnh của men đang âm thầm dậy khối bột. Sức mạnh đó không ai nhìn thấy, nhưng nó vẫn từ từ biến đổi…
Thưa cha Tuyên úy khả kính,
Lời cha dạy bảo, những trang sách cha đã viết, những bản văn cha đã dịch, những đức tính cha đã thể hiện trong cộng đoàn chúng con, những di sản tinh thần quý báu nay vẫn còn đậm nét nơi mỗi người chúng con. Di sản mà chúng con không mất tiền mua, nhưng Chúa quan phòng đã gửi đến cho chúng con cách nhưng không. Cha đã không tiếc gì với chúng con: sức lực, thời giờ, khả năng của cha… nghĩa là tất cả.
Trước những hồng ân trời bể đó, chúng con con chỉ biết đền đáp theo ý cha là thực hiện lời cha: Sống khiêm nhường, nghèo khó và hiền lành, đi con đường mà Chúa Giêsu đã chọn cho mình, để trên đường khiêm hạ đó, chúng con sống trọn vẹn sứ mạng ngôn sứ của mình. Đó là những nghĩa cử đền ơn cao đẹp nhất mà cha mong muốn.
Chúng con hiểu rằng đối với cha, điều cao đẹp nhất, mong ước nhất là thấy sự nghiệp tinh thần văn hóa của mình còn sống mãi nơi những người con thân yêu của mình.
Hẹn gặp cha trong “Bữa tiệc Chiên Con” trên Jêrusalem thiên quốc.