Vương quốc tình yêu – Lễ Chúa Kitô, Vua Vũ Trụ

0

Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Lu-ca (Lc 23, 35-43):

Khi Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

****************

Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, chúng ta mừng lễ Chúa Kitô-Vua, Chúa của thời gian và lịch sử. Nhưng Tin Mừng hôm nay lại dẫn chúng ta vào khung cảnh thật mâu thuẫn: Khi Chúa Giêsu khai mở triều đại của Người, chúng ta thấy một vị vua phải đội vương miện làm bằng vòng gai, bị đóng đinh trên thập giá giữa hai tên gian phi; dân chúng đứng nhìn, cảm động, thất vọng, không hiểu những gì đã xảy ra; còn các thủ lãnh và lính tráng thì buông lời cười nhạo, chế giễu Người; một trong hai tên gian phi cũng nhục mạ Người. Phía trên đầu Người, có đặt bản án xử tội: “Ðây là vua người Do-thái.

Ðọc kỹ bài Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu trên thập giá bị chất vấn ba lần về tước vị Ðấng Kitô (cũng được gọi là Ðấng Mêsia, Ðấng được xức dầu, Ðấng Thiên Sai do Thiên Chúa tuyển chọn để thực hiện công trình cứu độ) hoặc tước vị vua của Người, đó là khi các thủ lãnh cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Ðấng Kitô của Thiên Chúa; khi lính tráng chế giễu: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi !; và khi một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá sỉ vả: “Ông không phải là Ðấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !

Ba câu chất vấn này giống câu chuyện Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc một cách lạ lùng, khi Người chuẩn bị thi hành sứ mệnh (Lc 4, 1-13). Cũng ba câu, nhưng lần này do quỷ chất vấn: “Nếu ông là con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!; “Nếu ông là con Thiên Chúa thì đứng đây mà gieo mình xuống đi!… Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ nâng đỡ ông. Lần thứ ba, lời cám dỗ liên quan đến tước vị vua: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của tất cả các nước thiên hạ, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.

Trong cả hai đoạn trên, chỉ có một câu hỏi: đâu là vai trò của Ðấng Kitô? Vị đó là thủ lãnh chính trị hay tôn giáo? Có phải đó là vị vua toàn năng?

Chúa Giêsu không làm gì để bày tỏ quyền năng của Người cả. Trái lại Người đi theo con đường Chúa Cha muốn: bị kết án tử hình, treo trên thập giá như một tên gian phi, không có một chút nào giống vị vua trời.

Ðấng Kitô là Ðấng cứu độ loài người. Hơn nữa, tên của Người “Giêsu”có nghĩa là “Chúa Cứu Ðộ. Như thế Người sẽ phải tự cứu lấy mình chứ! Tất cả những điều đó là logic của con người, logic của những người đối thoại với Người. Chính vì vậy mà Người bị kết án: Người phải chết vì không đúng với logic của họ, không đúng với quan niệm của họ về Ðấng Mêsia.

Trên thập giá, bị tước đoạt hết mọi danh dự, vinh quang và quyền năng, Chúa Giêsu đã tỏ lộ vương quyền đích thật của Người. Người chính là vua, Người đón nhận lời sám hối của kẻ gian phi, và bảo đảm hắn sẽ được ở với Người trên thiên đàng ngay ngày hôm đó.

Cách thể hiện quyền năng trong vương quyền của Người là tha thứ cho mọi người, ngay cả kẻ thù của Người: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23, 34).

Nếu thiên đàng bị mất đi vì tội của Ađam, thì Chúa Kitô là Ađam mới, khai mào Nước Trời và đón nhận tất cả những ai ăn năn trở lại và tin vào Tin Mừng của Người.

Cuối cùng, chính trong tình yêu, Chúa Kitô mới thật sự là vua! Người là vua vì tập hợp mọi sức mạnh tình yêu của loài người.

Chúa Kitô là vua! Vì Người tái thiết trong mọi tâm hồn vương quốc tình yêu và bình an, và vương quốc này đã và đang được tỏ lộ ra cho những ai đang tin vào Người.

Chúa Kitô là vua! Vì Người tổ chức trong Người, chung quanh Người, với Người, bởi Người những cách thức mới trong các mối liên hệ giữa người với người và giữa con người với Thiên Chúa.

Chúa Kitô là vua! Vì Người tụ họp những người sống và kẻ chết trong ánh sáng phục sinh của Người. Sự phục sinh của Người loan báo sự phục sinh sau này của chúng ta.

Chúa Kitô là vua! Vì Người ban sức mạnh cho những ai kêu xin Người để chiến đấu chống lại sự dữ, chống lại những gì xúc phạm đến phẩm giá con người.

Vị vua này không gây áp lực, không thống trị ai. Người tiếp tục đi qua các thành phố, qua đời sống của mỗi người; Người tiếp tục gõ cửa tâm hồn chúng ta, dù biết rằng Người có thể bị từ chối; Người mời gọi chúng ta thông phần vào vương quyền và vinh quang của Người, nếu chúng ta nghe tiếng Người, nếu chúng ta muốn điều đó. Vậy, tất cả chúng ta hãy chứng tỏ bằng đời sống và hành động rằng chúng ta đang thuộc về Chúa Kitô-Vua, đang thuộc về Vương Quốc Tình Yêu của Người.

Comments are closed.

phone-icon