Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu (5,1-12a)
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.
***
Các câu chuyện cổ tích thường bắt đầu bằng: “Ngày xửa, ngày xưa…” và có cái kết tuyệt vời: “Họ sống hạnh phúc bên nhau và có nhiều con cái.” Nhưng những chuyện cổ tích luôn diễn ra trong một thế giới, nơi các ông thần, bà tiên và cây đũa thần của họ can thiệp để sửa đổi tiến trình của các sự kiện và dẫn nó đến một kết thúc tốt đẹp. Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta ngày nay không phải là một câu chuyện cổ tích. Vậy chúng ta sẽ tìm thấy hạnh phúc ở đâu?
Cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu đã loan báo cho đám đông Tin Mừng, một Tin Mừng về hạnh phúc: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ! Phúc thay…! Phúc thay…!”
Thế nhưng Tin Mừng của Chúa Giêsu, Tin Mừng hạnh phúc này mâu thuẫn với những tin mừng khác mà đám đông thường nghe. Thật vậy, Tin Mừng này không liên quan gì đến chiến thắng của vũ khí và tự do chính trị, vì những người La-mã chiếm đóng vẫn còn đó. Tin Mừng này không liên quan gì đến tiền bạc, vì sự khốn khổ vẫn luôn là vấn đề thời sự. Tin Mừng này không liên quan gì đến sức khỏe, vì bệnh tật vẫn tồn tại. Tin Mừng này không liên quan gì đến sự tiện nghi và thoải mái, vì người ta vẫn không bao giờ thỏa mãn. Vậy nguyên nhân đến từ đâu?
Chúa Giêsu biết rất rõ điều đó. Nhưng nếu Người tuyên bố hạnh phúc cho những người nghèo khổ hay đau khổ, thì không phải là để họ tin rằng nghèo đói hay đau khổ tự động làm cho họ hạnh phúc, mà là để biểu lộ cho họ dung mạo của hạnh phúc đích thật, hạnh phúc trường tồn. Hạnh phúc này không chỉ dành cho người giàu, người chiến thắng, những người mạnh khỏe, xinh đẹp. Hạnh phúc đích thật cũng nằm trong tầm tay của người nghèo, người bệnh và người đau khổ. Bởi vì, đối với Chúa Giêsu, hạnh phúc chỉ có một khuôn mặt, đó là khuôn mặt của tình yêu.
Người ta thường thắc mắc tại sao trong các nhà thờ Kitô giáo, có thấy hình ảnh hoặc tượng một người bị kết án tử hình treo trên thập giá. Điều mà người Kitô hữu quan tâm trước tiên, không phải là sự đau khổ về thể xác của Chúa Giêsu, mà là tình yêu bao la của Người dành cho tất cả mọi người, cho mỗi chúng ta. Người đã mời gọi chúng ta yêu thương như Người vì tình yêu là con đường duy nhất của hạnh phúc đích thật, của hạnh phúc vĩnh cửu. Thật vậy, người bị đóng đinh trên thập giá cũng là khuôn mặt hữu hình của Thiên Chúa Tình yêu và là người của Tám mối Phúc. Mối phúc, hạnh phúc, đều cùng một từ, từ của niềm vui. Đó là trọng tâm sứ điệp của Chúa Giêsu, là tóm tắt toàn bộ Tin Mừng của Người, là chương trình sống mà Người đề nghị cho tất cả các môn đệ của mình.
Nói thế, nhưng dưới trần gian, tình yêu thường đi kèm với đau khổ. Tại sao vậy? Bởi vì, khi muốn yêu thương thực sự, ta phải vượt lên chính mình, quên đi chính mình, phải cho đi, cho đi chính mình, tha thứ và thậm chí chiến đấu chống lại sự thờ ơ của người khác. Chúa Giêsu nói: “Không ai có tình thương lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu” (Gioan 15,13). Tất cả ở chỗ đó! Nhưng nếu con đường dẫn đến hạnh phúc phải đi qua thập giá, nó sẽ không kết thúc ở đó! Đối với các Kitô hữu, Thứ Sáu Tuần Thánh luôn luôn loan báo Lễ Phục Sinh! Thật vậy, các Kitô hữu tin rằng ở cuối con đường, “Thiên Chúa sẽ ở cùng họ. Người sẽ lau sạch nước mắt của họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa”, như thánh Gioan viết trong sách Khải Huyền (chương 21, câu 3 và 4).
Các bạn có để ý rằng trong Tin Mừng hôm nay, sáu mối Phúc, ở thì tương lai, được bao quanh bởi hai mối Phúc ở thì hiện tại: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời LÀ của họ… Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời LÀ của họ”? Có nghĩa là Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta!
Trong Kinh Lạy Nữ Vương, được sáng tác vào khoảng thế kỷ 12, mà chúng ta thường đọc, có câu sau đây: “Chúng con ở nơi khóc lóc, than thở kêu khẩn Bà thương”. Nếu dịch đúng theo bản gốc “Salve Regina”, sẽ phải là: “Đến với Bà, chúng con thở dài, rên rỉ và khóc lóc trong thung lũng nước mắt này.” (1)
Như vậy, Kinh truyền thống này của Giáo Hội vẫn chưa lột tả hết tinh thần Tám mối Phúc của Chúa Giêsu, đó là ngay từ bây giờ, chúng ta có thể vui mừng và sống hạnh phúc! Trên trần gian này, không chỉ có nước mắt, đau khổ, mà còn có niềm vui đích thật và hạnh phúc đích thật! Hạnh phúc được hứa ban trong Tám mối Phúc nằm trong tầm tay của chúng ta! Những gì thế gian không thể cho chúng ta, Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta ngay hôm nay. Món quà này, đó là tình yêu của Người. Tình yêu là bí mật hạnh phúc của Thiên Chúa.
Dĩ nhiên, hạnh phúc này mới chỉ là khúc dạo đầu: nó mở ra một chân trời rộng lớn cho hạnh phúc trọn vẹn, chưa đạt được, nhưng trong hy vọng, bởi vì, đối với Kitô hữu, Hạnh Phúc Tuyệt Vời không phải là một công thức, một món quà, một đồ vật, mà là chính Thiên Chúa!
______________
(1) “Ad te suspiramus, gementes et flentes in hac lacrimarum valle.”