Lm. Đa Minh Đinh Viết Tiên, OP
I. NIỀM VUI DÂNG HIẾN
1. Đời sống cộng đoàn là một gia đình
Trong đó các thành phần đã hiến dâng mình cho Thiên Chúa và dành trọn cuộc sống để sống chung với các chị em, cùng nhau thực thi bác ái yêu thương, cùng tiến tới lý tưởng, chia sẻ và cầu nguyện cùng nhau, giúp đỡ nhau thăng tiến trong đường tu đức, băng bó những vết thương, nâng nhau dậy và tự do đáp lại ơn gọi của Chúa.
Mỗi khi chị ngã em nâng: Chỉ một lời nói, một cử chỉ, một ánh nhìn cảm thông có thể giúp nhau vơi nỗi niềm, cùng chung chia với nhau niềm vui nho nhỏ: “Chị ơi, chị nhận được tin gì mà vui thế?” hay “Chị à! Chị để em xách đỡ thùng nước cho” hoặc “em này, chị chia sẻ phương pháp này xem có hay hơn không nhé”…
Những lúc chia sẻ chan hoà như thế sẽ giúp chị em nhận được niềm vui, tình thương, ấm tình Chúa chan tình người. Trong đời sống cộng đoàn, có người tự nhiên cảm thấy mình hợp tính với số người này, đồng thời cảm thấy số người khác sao mà khó tính, khó nết quá đi. Nhưng không phải hợp tính nhau mới làm nên cộng đoàn, các khác biệt cho thấy sự giàu có và phong phú của một Thánh Thần duy nhất.
2. Với tất cả tâm tình
Nhờ đời sống cầu nguyện và được nuôi dưỡng bằng Thần lương Mình và Máu Đấng Hằng Sống, những giây phút thinh lặng trước Thánh Thể, ta có được nguồn sức mạnh thiêng liêng, để thắng vượt những cám dỗ về tình cảm xác thịt, những đòi hỏi tình yêu phái tính, được thanh thoát và quân bình trong đời tu và những ham muốn.
3. Niềm vui phục vụ
Đời sống khiết tịnh là một chứng tá, nhưng đồng thời cũng là một động lực khích lệ, mời gọi hãy gắng đạt được sự tự chủ nhiều hơn về tâm trí và thân xác, một điều cần thiết cho hết mọi người, kể cả những người sống bậc gia đình, nhưng cần thiết hơn cho người tu sĩ.
Đời sống Khiết tịnh là một phương tiện thích hợp nhất cho các tu sĩ hân hoan hiến mình phụng sự Thiên Chúa và làm việc tông đồ. Có thể nói rằng có một mối tương giao gần gũi giữa đời sống độc thân thánh hiến với việc tông đồ. Vì khi tuyên khấn Khiết tịnh vì Nước Trời người thánh hiến khước từ tình yêu đôi lứa, tình yêu chiếm hữu người bạn đời và những đứa con (nếu có), nhưng lại mở cửa cho tình yêu đại đồng tăng triển phong phú hơn và quảng đại chia sẻ tình yêu cho tha nhân cách vô vị lợi.
Chúng ta có thể đưa Chúa đến cho tất cả mọi người qua những lời kinh nguyện, những cảm thông đồng cảm, những hy sinh, hay qua chia sẻ Lời Chúa, chia sẻ đời thường, những giờ tập hát, dạy Giáo lý, giúp giáo dân biết ca tụng tình thương của Chúa. Tất cả những hoạt động ấy giúp ta đem tình thương của Chúa đến cho mọi người và nhận lại được niềm vui, hạnh phúc giúp ta sống đức khiết tịnh cách dễ dàng hơn.
Chúng ta có nhiều cơ hội học hỏi, hiểu sâu rộng hơn về tâm lý – thể lý – sinh lý của mình hầu sống đức khiết tịnh cách hữu hiệu hơn.
II. NHỮNG KHÓ KHĂN
Đời thánh hiến hôm nay, dù muốn dù không cũng bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Cái khó cho tu sĩ là phải sống nhập thế, sống cùng với anh chị em chúng ta ở giữa đời. Đời sống xã hội ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tu trì khiến tu sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tuân giữ lời khấn.
1. Ảnh hưởng của việc hội nhập văn hóa
Ngày xưa Khiết tịnh được coi như khuôn vàng thước ngọc để đo phẩm giá của người phụ nữ, nhưng ngày nay trong thời buổi “hội nhập văn hóa”; thời buổi của “khoái lạc điên cuồng”; của “lạm dụng tự do” và trong một thế giới có quá nhiều lối mở để chọn lựa thì đức Khiết tịnh là một thứ yếu trong xã hội. Hầu như trước mắt chúng ta không nhìn thấy được môi trường thuận lợi cho việc nuôi dưỡng đời sống Khiết tịnh mà chỉ nhìn thấy những khó khăn trong việc bảo vệ đức Khiết tịnh.
Sau đây là một vài những lý do làm cản trở cho đời sống Khiết tịnh trong xã hội Việt Nam hôm nay: trước hết phải kể đến vấn đề “hội nhập văn hóa”, việc hội nhập văn hóa trong thời gian qua của Việt Nam đem lại những đổi thay lớn lao cả về tinh thần lẫn vật chất cho xã hội và con người. Nhưng việc hội nhập đó cũng du nhập vào Việt Nam không ít những tệ nạn làm ảnh hưởng không tốt đến giới trẻ, hủy hoại một số những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chẳng hạn như ngày xưa quan niệm “nam nữ thụ thụ bất thân” nhưng ngày nay thì nếp nghĩ đó đã đổi thành “nam nữ thụ thụ rất thân” hay ngày xưa coi “cái nết đánh chết cái đẹp” nhưng ngày nay nhiều người cho rằng “cái đẹp đè bẹp cái nết” và còn rất nhiều những tiêu chuẩn khác bị thay đổi. Những cái đó làm cho đức Khiết tịnh bị coi nhẹ và thiếu ý thức bảo vệ.
2. Lối sống hưởng thụ
Song song với vấn đề hội nhập văn hóa thì lối sống hưởng thụ cũng là nguyên nhân sâu xa làm cản trở cho đời sống khiết tịnh. Chính tư tưởng vô thần đã làm cho nhiều người, nhất là giới trẻ không có quan niệm về sự sống đời sau. Do đó họ lo tìm thỏa mãn bản năng tính dục và hưởng thụ ở đời này.
3. Quá chú trọng hiệu năng công việc
Ngoài những nguyên nhân xã hội vừa kể trên thì trong cộng đoàn Giáo hội đôi khi do nhu cầu mục vụ, cũng ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống khiết tịnh. Tại các môi trường Giáo xứ đa số đòi hỏi các tu sĩ phải đàn, hát, múa giỏi, sinh hoạt giáo xứ cũng phải thế này thế kia. Để thỏa mãn được lòng dân và gây được tiếng vang ở đời nhiều tu sĩ đã dốc hết tâm lực, thời gian để trau dồi những khả năng, những kiến thức đó mà bớt xén và đôi khi lơ là hoặc thậm chí bỏ cả cầu nguyện, thiếu tình liên đới trong cộng đoàn dẫn đến lỗi lời khấn Khiết tịnh khi nào mà chẳng hay. Vì lời khấn Khiết tịnh được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện và được bảo vệ bằng tình thân ái trong cộng đoàn.
4. Khó khăn từ phía cộng đoàn
Khó khăn nữa đến từ phía cộng đoàn: Sống trong cộng đoàn đông người nhưng vẫn cảm thấy cô đơn, do thiếu sự yêu thương, cảm thông chân thành, không hiểu nhau, không chấp nhận những khác biệt, thiếu sự tin tưởng nâng đỡ, thiếu lòng chân thành, không cho nhau cơ hội sửa sai để tiến lên bắt đầu lại, còn xét đoán phiến diện, ganh tị, không tìm được niềm vui nơi công việc. Những điều đó gây cho chúng ta rất nhiều đau khổ, khiến ta dễ sinh phiền lòng, rồi mong muốn được tìm ai ngoài cộng đoàn để sẻ chia, đồng cảm. Ban đầu là những ý tưởng tốt lành nhưng sau đó thường kết thúc bằng một tình yêu tính phái.
Môi trường mục vụ có khi cũng gây khó khăn cho người tu sĩ: thường chỉ có hai chị em, hoặc có khi chỉ có một mình. Hai chị em lại không thuận hoà, những người có trách nhiệm thiếu quan tâm, động viên, nâng đỡ, khiến họ cứ phải lùi lũi một mình nên dễ sa ngã khi có bàn tay khác phái cảm thông, an ủi. Lại có khi dễ bị người khác tấn công nữa.
III. THỰC HÀNH VÀ BẢO VỆ THANH KHIẾT
1. Củng cố đời sống nội tâm
Hạnh phúc đời dâng hiến chỉ có thể đạt được khi chúng ta biết cách giải quyết những khó khăn cho đời sống khiết tịnh.
Điều không thể thiếu đó là chúng ta phải sống tâm tình cầu nguyện, sống mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa, tín thác nơi Thiên Chúa, phó thác cuộc đời cho Chúa, đặc biệt qua lòng yêu mến Thánh Thể, những giây phút thinh lặng trước Thánh Thể và để Thánh Thể Chúa hiện diện thực sự trong cuộc đời mỗi chúng ta, chi phối chúng ta, giúp chúng ta sống tốt đức khiết tịnh và thoát khỏi những cám dỗ.
Vì chính Chúa đã dạy “anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn để khỏi sa chước cám dỗ, vì tinh thần nhẹ nhàng hăng hái nhưng thể xác lại nặng nề yếu đuối” (Mt 26,41).
2. Trưởng thành trong đời tu
Để sống đức khiết tịnh cách hoàn hảo và thánh thiện, người tu sĩ phải chiến đấu không ngơi nghỉ, phải rướm máu trước bao khó khăn thử thách.
Khi tuyên khấn, chúng ta được gọi là người bạn trăm năm của Đức Kitô, nhưng chúng ta vẫn còn vương mang nhiều yếu đuối và giới hạn của phận người. Cuộc đời chúng ta không biến hình để trở thành người của thế giới siêu phàm. Dâng hiến không có nghĩa là biến trái tim trở nên khô cứng lạnh giá, không còn biết rung cảm trước những vẻ đẹp.
Dâng hiến cũng không phải là trở nên lạc lõng, cô độc, khinh thường tình yêu trần thế. Trái lại, khi sống đời sống khiết tịnh, chúng ta vẫn là người trước cuộc đời, vẫn tiếp nhận những làn sóng yêu thương mời gọi trong rung động trái tim, vẫn có thể bị dao động trước một đối tượng mình tiếp xúc, vẫn nhìn thấy những điều kỳ lạ trong tình yêu đi tìm một nửa hồn mình. Nhưng chúng ta dám từ bỏ tất cả, chỉ để dâng tình yêu cho Thiên Chúa và chọn Chúa làm gia nghiệp đời mình.
3. Biết hội nhập và biết phân định
Để sống sung mãn đức khiết tịnh cũng đòi hỏi chúng ta phải có tấm lòng yêu thương thực sự, yêu thương mọi người, đặc biệt yêu thương chị em trong Hội dòng. Cùng nhau chia sẻ sứ vụ, công việc, không gây áp lực cho nhau, nhưng biết sống chân thành, cởi mở, quảng đại, nâng đỡ nhau qua việc chia vui sẻ buồn, động viên khích lệ tinh thần và tạo cơ hội để sửa sai, vì đời sống cộng đoàn chính là điểm tựa giúp ta sống tốt đức khiết tịnh.
Bên cạnh đó sự thông cảm, kính trọng và yêu thương nhau giữa các phần tử trong cộng đoàn sẽ tạo nên một sức mạnh không gì có thể thay thế được, giúp người tu sĩ vượt qua những cám dỗ của sự chán chường, cô đơn và ngăn ngừa được nguy hiểm kiếm tìm bù trừ trong những giao tiếp với người ngoài. Phải có một thời khóa biểu hợp lý để làm việc, nghỉ ngơi, một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tuân giữ các nguyên tắc vệ sinh cũng có thể ngăn ngừa và giúp tu sĩ vượt thắng được nhiều khó khăn trong đời sống thánh hiến.
Chúng ta còn cần phải trưởng thành trong đời tu, trong nhân cách, trong các mối quan hệ, biết làm chủ tình cảm cũng như dục tình. Biết sử dụng trưởng thành các phương tiện truyền thông, xa tránh những cơ hội dễ làm ta phạm đến đức khiết tịnh như khi giao tiếp quá thân thiện, trong thời gian lâu giờ, khoảng cách quá gần và nơi kín đáo riêng tư với người khác phái.
Hội nhập văn hoá với dân tộc nhưng không được “đánh mất mình”. Bối cảnh xã hội hôm nay có nhiều vấn đề phức tạp liên quan tới tình cảm, đòi hỏi Giáo hội cũng như các Dòng, các vị hữu trách cần có những phương pháp giáo dục trưởng thành hơn, quan tâm hơn tới chị em bằng sự yêu thương, giúp đỡ, tạo cơ hội cho chị em yên tâm sống đời tu.
KẾT LUẬN
Xin lòng thương xót của Chúa và của cộng đoàn
Khước từ cuộc sống có sức hấp dẫn dường như trở thành điều nghịch lý trong cuộc sống nhân trần. Do vậy đời sống dâng hiến nơi người tu sĩ càng trở nên một phản chứng cho những gì thế giới bên ngoài đang tôn thờ. Thế nhưng nó lại trở thành lời hùng biện vĩ đại, có sức lôi cuốn con người nhìn đến thực tại cao hơn.
Người Thánh Hiến hôm nay được mời gọi đạt tới sự trưởng thành cần thiết để có sự quân bình chín chắn trong cách suy nghĩ, cách chọn lựa và quyết định, cách phán đoán và hành động sao cho toát lên vẻ đẹp chứng tá vui tươi và thuyết phục của đời sống Thánh Hiến. Chính vì những yếu tố này chưa hội đủ nơi người Thánh Hiến nên nó cũng làm cản trở cho việc giữ đức Thanh khiết hôm nay.