Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Ga 14, 15-21)
15 Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.16 Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi.17 Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.
18 Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em.19 Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống.20 Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em.
21 Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.”
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*****************
1. Điều răn
Để hiểu điều mà Đức Giê-su gọi là “điều răn”, chúng ta hãy so sánh với “lề luật”. Lề luật (tiếng Hi-lạp: nomos) là một nguyên tắc vô hồn, trong mức độ đó là chữ, chứ không phải lời, dành cho nhiều người, và trong mọi tình huống không gian và thời gian. Trong khi điều răn (tiếng Hi-lạp: entolê) là lời dặn dò sống động của một người dành cho một người trong một mối tương quan đặc thù và có chiều dày lịch sử (x. St 2, 5-9. 15-17). Vì thế, Đức Giê-su không ban lề luật, nhưng ban điều răn, nghĩa là những lời dặn dò Người dành cho các môn đệ trong bối cảnh bữa tiệc li, nghĩa là bối cảnh “tình yêu đến cùng”, và sau một hành trình đồng hành với nhau đủ dài, được ghi khắc bởi tình yêu nhưng không và lòng tin tưởng. Vì thế, Đức Giê-su nói:
Nếu anh em yêu mến Thầy,
anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.
Lời nói này của Đức Giê-su thật đơn sơ và thật nhân tính; thật nhân tính, là bởi vì ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: yêu nhau thì giữ lời nhau; giữ lời nhau thì là yêu nhau! Lời nói đơn sơ và nhân tính, nhưng lại mặc khải cho chúng ta căn nguyên sâu xa của tội nguyên tổ, và vì thế, căn nguyên sâu xa của mọi tội của loài người và của chính chúng ta: đó là không yêu mến.
Thậy vậy, chúng ta thường hiểu tội là không tuân giữ lời Thiên Chúa, như chúng ta thường nói, là vi phạm lệnh truyền (x. St 3, 1-7). Nhưng Đức Giê-su nói cho chúng ta biết rằng, chúng ta không giữ lời Thiên Chúa, là vì chúng ta không yêu mến Thiên Chúa. Mặc khải thật đơn sơ, nhưng đụng chạm đến gốc rễ của con tim, và của mọi khó khăn của chúng ta có với Chúa và có với nhau. Nhưng tại sao chúng ta không yêu mến Thiên Chúa? Bởi vì chúng ta không nhận ra, hay đúng hơn ma quỉ làm cho chúng ta mù quáng không nhận ra, tất cả những gì Thiên Chúa đã, đang và sẽ làm cho chúng ta ngang qua những ơn huệ chúng ta nhận được trong cuộc đời và nhất là ngang Ơn Huệ của mọi ơn huệ là Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, như Người nói với người phụ nữ Samari: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị…” (Ga 4, 10).
2. Lề luật
Đức Giê-su không ban cho chúng ta lề luật, đó là bởi vì lề luật được lập ra là để phục vụ cho tương quan tình yêu và sự sống, nhưng trong thực tế, có người dùng lề luật để hại người và kẻ đầu tiên là “Con Rắn”, vì nó đã dùng chính lệnh truyền của Thiên Chúa để gieo rắc sự quên ơn, nghi ngờ, ghen tị va ham muốn (x. St 3, 1-7). Chính vì thế, Sách Khải Huyền gọi Satan lả Kẻ Tố Cáo: gài bẫy để con người phạm tội, sau đó lên tiếng tố cáo (Kh 12, 7-10). Như thế, lề luật có nguy cơ bị cắt đứt khỏi cùng đích là tương quan tình yêu và sự sống. Chẳng hạn, có người dùng luật “chớ giết người” để giết người bằng cách vu cáo. Bởi lẽ, để hại người mà mình vẫn an toàn, thì không có cách nào khác là phải dựa vào luật. Chính Đức Giê-su sẽ là nạn nhân tuyệt đối của hành vi kết án nhân danh Lề Luật, bởi vì Ngài là Con Chiên Vô Tôi tuyệt đối: “Chúng tôi có Lề Luật ; và chiếu theo Lề Luật, thì nó phải chết” (Ga 19, 7)[1].
Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người nhân danh lề luật! Thật hợp lý, khi đã đưa ra luật, và trong thực tế, có hành vi vi phạm, thì phải tố cáo, xét xử và đề nghị hình phạt; nếu không, luật sẽ không còn là luật. Tuy nhiên, phải chăng lề luật được lập ra với chức năng chính yếu là trở thành như “phương tiện”, để tố cáo và kết án (x. Rm 7, 7-13)? Ngoài ta, người ta còn dùng Luật, để “rình mò” xem người khác có phạm Luật hay không, hay để “gài bẫy” cho người khác vi phạm, nhằm tố cáo và kết án.
Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài.
Còn con đây, thì được thoát khỏi. (Tv 141, 10)
Chắc chắn, đó không phải là mục đích chính của luật hay tinh thần của lề luật, và càng không phải là ý định của Thiên Chúa, và cũng không phù hợp với con tim, khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa. Ơn huệ sáng tạo và sự sống mời gọi chúng ta xác tín điều này: Luật phát xuất từ tương quan tình yêu và sự sống và hướng tới tương quan tình yêu và sự sống!
Trong lịch sử cứu độ, quả là Thiên Chúa đã dựa vào lề luật để xét xử những người vi phạm lề luật. Nhưng nơi Đức Ki-tô, không còn xét xử và lên án nữa (Rm 8, 1), nhưng chỉ còn tình yêu và luật tình yêu:
Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 13, 34)
Như thế, trong Đức Ki-tô, không còn lề luật nữa, vì thế không còn lên án nhân danh lề luật nữa (x. Rm 8, 1), nhưng chỉ còn giới răn yêu thương khởi đi từ tình yêu đến cùng Người dành cho chúng ta. Vì vậy, Con Rắn, không biết dựa vào đâu để “thừa cơ”! (x. Rm 7, 7-13) Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa ẩn mặt dưới bản văn lề luật, nên con Con Rắn thừa cơ, làm con người hiểu sai về Thiên Chúa; nhưng nơi Đức Ki-tô chịu thương khó, khuôn mặt của Thiên Chúa trở nên rạng ngời; và Con Rắn cũng bị lộ chân tượng nguyên hình[2].
3. “Đấng Bảo Trợ khác đến…”
Nhưng để giữ điều răn của Đức Giê-su, điều răn chứ không phải lề luật, chúng ta phải có điều răn; như Người nói:
Ai có và giữ các điều răn của Thầy,
người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. (c. 21)
Và để “có” giới răn của Người, Đức Giê-su xin Chúa Cha để Người ban cho chúng ta “Bảo Trợ Khác” để Người ở với chúng ta luôn mãi’; và:
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em. (c. 26)
Thánh Thần được ban cho chúng ta, chính là để làm chúng ta nhớ lại lời của Đức Giê-su; và Thánh Thần cũng làm cho lời hứa này của Đức Giê-su được thực hiện: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em”. Bởi vì, Đức Giê-su hiện diện trọn vẹn trong Lời của Người.
Như thế, chính khi chúng ta nhớ, hiểu và cảm nếm Lời Chúa trong cầu nguyện hằng ngày, trong thời gian tĩnh tâm, trong Thánh Lễ, chính khi chúng ta để cho Lời Chúa trở thành lương thực, trở thành sự sống hằng ngày của chúng ta, thì chính lúc đó, Đức Giê-su hiện diện và làm cho chúng ta sống và cũng chính lúc đó, chúng ta đang chịu ơn của Chúa Thánh Thần, chính lúc đó Thánh Thần đang hoạt động nơi chúng ta, đang nối kết chúng ta nên một, không chỉ với nhau, nhưng với Chúa Cha và Chúa Con, như Đức Giê-su nói:
Mà ai yêu mến Thầy,
thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến.
Thầy sẽ yêu mến người ấy,
và sẽ tỏ mình ra cho người ấy. (c. 21)
Như thế, lời của Đức Giê-su: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”, mở ra cho chúng ta cả một con đường đi vào cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi Tình Yêu, là Đấng sẽ luôn yêu thương chúng ta và đã luôn yêu thương chúng ta trước, trước từ khởi nguyên và trước cả khởi nguyên (x. Tv 136; Ep 1, 3-14).
_______________________
[1] Và trước đó, đã biết bao lần, họ nhân danh luật Sabat, trung tâm của Mười Điều Răn (Xh 20, 8-11), họ rình mò, lên án và lập mưu giết Đức Giê-su (x. Mc 3, 1-6).
[2] Có thể đọc bài “Tội Nguyên Tổ” (St 3, 1-7), “Luật và Tội” (St 3, 1-7 và Rm 7, 7-13) và Sự Dữ.