Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG (Ga 14, 1-14)
1 Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi.”
5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? “6 Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. 7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.”
8 Ông Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện.”9 Đức Giê-su trả lời: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: “Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình. 11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.
12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.13 Và bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con.14 Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
**********
1. “Thầy đi dọn chỗ cho anh em”
Trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su nhiều lần nói về hành trình đi về cùng Chúa Cha của mình (x. Ga 13, 3 và 33), nhưng hành trình này lại đi “ngang qua” con đường, nghĩa là trở thành nạn nhân, của hành vi phản bội, dẫn đến cuộc Thương Khó và cái chết trên Thập Giá. Chính vì thế, các môn đệ xao xuyến, nhưng thực ra chính Người cũng xao xuyến: “Nói xong, Đức Giê-su cảm thấy tâm thần xao xuyến” (c. 21), vì sự phản bội mà Đức Giê-su tự nguyện đón nhận, tượng trưng cho mọi tội lỗi, sự dữ và cả Satan nữa, như thánh sử Gioan nói về Giu-đa: “Xa-tan liền nhập vào y” (c. 27 và c. 2).
Tuy nhiên, đó lại là con đường làm cho “mọi sự được hoàn tất”. Mọi sự là toàn bộ Kinh Thánh kể lại lịch sử cứu độ, hình ảnh của lịch sử loài người và từng người, trong đó diễn ra thân phận, số phận con người, tội và sự dữ. Đó chính là tâm tình của Đức Giê-su, khi Ngài nói trên Thập Giá: “Ta khát”, Ngài khát mong cho lời Kinh Thánh được hoàn tất (Ga 19, 28; Tv 69, 22) và Ngài cũng khát mong cho toàn bộ Kinh Thánh được hoàn tất, cho sáng tạo và lịch sử của loài người và của từng người chúng ta được hoàn tất.
Vì thế, con đường Thập Giá, gây ra bởi tội lỗi, sữ dữ và Satan, lại là con đường diễn tả:
– Tình yêu đến cùng Thiên Chúa dành cho loài người và từng người chúng ta nơi Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta (x. Ga 13, 1).
– Hành trình Người đi “dọn chỗ” cho các môn đệ, các môn đệ đang diện diện với Người và các môn đệ của Người thuộc mọi thời, để cho, như Người nói: “Thầy ở đâu, anh em cũng sẽ ở đó” (c. 2-3).
– Và cách thức Người chọn để được tôn vinh, như người nói: “Khi Giu-đa đi rồi, Đức Giê-su nói: Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Ga 13, 31-32).
Nhưng thực ra, chính hành vi rửa chân, cũng như mầu nhiệm Thánh Thể, đã loan báo tình yêu đến cùng, hành trình đi dọn chỗ và cách Người được tôn vinh rồi. Như Đức Giê-su nói với thánh Phê-rô: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu”; và “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” (Ga 13, 7-8).
Vì thế, Đức Giê-su mời gọi các môn đệ, trong đó có chúng ta hôm nay, vượt qua sự xao xuyến bằng lòng tin vào Thiên Chúa và tin vào Người, dù cuộc đời thăng trầm, thử thách, đau khổ và lỗi lầm như thế nào, và cùng đi trên con đường của Người, như Người mời gọi thánh Phê-rô: “Nơi Thầy đi, bây giờ anh không thể theo đến được; nhưng sau này anh sẽ đi theo.” (Ga 13, 36).
2. “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống”
Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. Như thế, trong tâm trí của Đức Giê-su, các môn đệ đã phải biết Ngài đi đâu, và vì biết Ngài đi đâu, nên cũng phải biết luôn đường đi rồi. Tuy nhiên, ông Tô-ma, đại diện cho các môn đệ, lại nêu câu hỏi:
Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu,
làm sao chúng con biết được đường?
Như thế, xem ra các môn đệ vẫn chưa biết gì hết: Thầy thì đinh ninh các học trò của mình đã biết; nhưng học trò của Thầy thì, điều căn bản nhất cũng không biết !
Chắc chắn, vấn đề không phải là các môn đệ kém trí nhớ, nhưng là chậm hiểu; và không phải là chậm hiểu ở bình diện trí năng, nhưng ở bình diện “tin năng”; như sau này, Đức Ki-tô phục sinh sẽ trách hai môn đệ Emmau: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24, 25-27).
Nơi đến của Thầy, các môn đệ đã biết, vì Thầy vừa nói và cũng sẽ nói đi nói lại: “Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy sẽ trở về cùng Cha”. Và con đường Thầy đi, Thầy cũng đã từng loan báo, dạy dỗ và hơn nữa, “giờ” cũng đã đến rồi: “Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.” (13, 1); thực vậy, ngay sau khi Ngài nói những lời này xong, Ngài sẽ để cho mình bị bắt (18, 1-11).
Vậy, đâu là vấn đề của các môn đệ? Vấn đề là đây: điểm đến của Thầy là Thiên Chúa Cha, nhưng đường đi không phải là con đường “thăng thiên” trực tiếp quang vinh, nhưng là con đường đi ngang qua cái chết, và là cái chết bi đát nhất, như Ngài đã nói: “Phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con” (13, 18). Nhưng thật ra, đó chính là con đường mà Tô-ma đã từng nói tới, nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa: “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16). Và chắc chắn, đây cũng là vấn đề của các môn đệ thuộc mọi thời, là vấn đề của chúng ta: chúng ta có tin và hiểu rằng, thân phận con người của chúng ta như thế đó, số phận đôi khi bi đát của riêng chúng ta như thế đó, là đường đi về với Thiên Chúa Cha không?
Nếu chúng ta còn chưa “chịu”, thì câu trả lời của Đức Giê-su mang lại cho chúng ta một luồng sáng và một sức mạnh hoàn toàn mới, mới đến độ, Ngài chưa từng tỏ bày với các môn đệ, và cũng luôn luôn mới đối với chúng ta nữa, mỗi khi chúng ta lắng nghe và lưu lại trong điều mình lắng nghe:
Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.
Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy…
Và ai thấy Thấy là thấy Chúa Cha.
Như thế, con đường Thầy đi và điểm đến là Chúa Cha đều hội tụ nơi ngôi vị của Đức Giê-su. Nhưng tất cả vấn đế là ở chỗ, con đường Thầy đi là con đường Thập Giá, là con đường “điên rồ và sỉ nhục”, nhưng, đối với Thiên Chúa, lại là con đường của “sự thật và sự sống”, là con đường của sức mạnh và khôn ngoan, là con đường diễn tả chính Thiên Chúa, diễn tả dung nhan rạng ngời của Ngài, có khả năng làm cho chúng ta no thỏa.
Đây là điều không thể biết, chúng ta chỉ có thể cảm nếm đích thân mà thôi. Xin cho chúng ta kinh nghiệm được rằng mình đang ở trong sự thật và sự sống, đang ở trong Thiên Chúa Cha, khi đi trên con đường Đức Giê-su đã đi, để nhận ra rằng, không chỉ mai sau, nhưng ngay hôm nay, lời sau đây của Đức Giê-su được thực hiện:
Thầy ở đâu anh em cũng ở đó,
trong cung lòng của Thiên Chúa Cha.
3. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”
a. Ước ao Thiên Chúa
Tông đồ Phi-líp-phê nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện”. Lời nguyện xin này của tông đồ Phi-líp-phê diễn tả cho chúng ta lòng ước ao Thiên Chúa; và lòng ước ao Thiên Chúa không chỉ có nơi tông đồ Phi-líp-phê và nơi các tông đồ và các môn đệ, nhưng còn nơi mọi con người, nơi mỗi người chúng ta. Bởi vì, một khi đã hiện hữu, chúng ta luôn ước ao hiện hữu vô hạn, nhất là khi chúng ta đón nhận hiện hữu hữu hạn của chúng như một ơn huệ từ Hiện Hữu Vô Hạn (x. St 3, 1-7). Ước ao Thiên Chúa được thể hiện một cách rõ nhất, đó là khi chúng ta có kinh nghiệm tình yêu ngay trong hiện hữu giới hạn của chúng ta: hữu hạn không tương hợp với năng động của tình yêu, vì tình yêu luôn hướng tới chiều kích mãi mãi và viên mãn, và hữu hạn không thể chứa đựng được tình yêu; vì thế tình yêu chỉ có thể đến từ Thiên Chúa và tìm được no thỏa trong Thiên Chúa mà thôi. Lòng ước ao Thiên Chúa rốt cuộc là lòng ước ao Tình Yêu Vô Biên, và Thiên Chúa là Tình Yêu Vô Biên (x. 1Ga 4, 8).
Hơn nữa, con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên con người không thể không khát khao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức: “Lạy Chúa, chúng con được dựng nên cho Chúa; vì thế, chúng con luôn thao thức cho đến khi được nghỉ ngơi hoàn toàn trong Chúa mà thôi” (Sách Tự Thuật của thánh Augustinô). Thiên Chúa dựng chúng ta theo hình ảnh của Ngài, để chúng ta khao khát Ngài; và khi chúng ta khao khát Ngài, Ngài sẽ đáp lại. Thực vậy, để đáp lại lòng khát khao Ngài, Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta qua nhiều dấu chỉ. Trước tiên, đó là những điều tốt đẹp trong sáng tạo (Tv 19, được dùng trong Thánh Lễ hôm nay):
Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung kể lại việc tay Người làm…
Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh,
mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. (Tv 19, 2-5b)
Thiên Chúa còn tỏ mình cho chúng ta qua những dấu chỉ trong cuộc đời và trong hành trình ơn gọi của chúng ta, nhưng nhất là qua Dấu Chỉ lớn nhất, là chính Đức Giêsu Kitô: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2). Xin Thiên Chúa khởi dậy lòng khát khao Người nơi chúng ta, để chúng ta biết hướng về Người trong mọi sự, biết nhận ra mọi sự trong sự thật, biết bình tâm với mọi sự, biết tương đối hóa mọi sự, biết định hướng mọi sự và nhất là để nhận biết Người nơi Đức Giê-su Ki-tô.
b. “Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy”
Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong nỗ lực thoả mãn lòng ước ao Thiên Chúa, bởi vì Thiên Chúa muốn chúng ta “hiểu biết thâu sâu” Đức Giê-su, như chính Người trách tông đồ Phi-líp-phê: “Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư?”, và tin rằng, Đức Giê-su ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong Đức Giê-su (c. 10 và 11). Tuy nhiên, đối với tông đồ Philiphê và các môn đệ, Đức Giêsu mới chỉ được nhận biết như là một vị Thầy, một Ngôn sứ… nghĩa là một con người rất đặc biệt, nhưng dù sao cũng là một con người; làm sao nhìn ra Thiên Chúa nơi Thầy Giê-su, quê ở Nazareth được? Như thế, Thiên Chúa đã bày tỏ chính mình cho loài người chúng ta cách minh nhiên nhất nơi Đức Giê-su Ki-tô, nhưng lại gây ra cho các môn đệ, cho loài người và cho chính chúng ta khó khăn lớn nhất.
– Thật vậy, khi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi”. Thì tông đồ Tô-ma, đại diện cho các môn đệ, lại nêu câu hỏi: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”
– Và khi Đức Giê-su nói: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người”, thì tông đồ Phi-líp-phê nói: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha”!
Khó khăn này tăng lên gấp bội, một khi chúng ta có sẵn một hình ảnh về Thiên Chúa: Thiên Chúa phải là uy hùng, mạnh mẽ, sẵn sàng ra tay quyền lực, Thiên Chúa phải là Thiên Chúa của những điều lạ lùng “từ trời xuống”, theo quan niệm của người Do Thái; Thiên Chúa phải thật thượng trí, thật công bằng, theo quan niệm của người Hy lạp. Trong khi nơi Đức Giêsu, chúng ta được mời mọi nhận ra một Thiên Chúa của đời thường, hoà mình vào cuộc sống hằng ngày, nhất là với những người nhỏ bé, đau khổ, tội lỗi; một Thiên Chúa trao ban nhưng không, tha thứ nhưng không; và nhất là một Thiên Chúa bày tỏ mình qua phục vụ, qua sự hiến dâng chính mình trong mầu nhiệm Thương Khó và nơi Thập Giá. Chính ở nơi Đức Giê-su, chúng ta được mời gọi nhận ra, hiểu và gặp gỡ Thiên Chúa, Thiên Chúa đích thật vượt xa mọi hình ảnh có sẵn của chúng ta.
Tông đồ Phi-líp-phê ngỏ lời xin Đức Giê-su: “Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện” (c. 8). Kết thúc bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói: “Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (c. 14). Xin cho chúng ta biết xin điều tông đồ Phi-líp-phê đã xin. Và như Đức Giê-su đã nói, chắc chắn Ngài sẽ ban cho chúng ta, và ban cho chúng ta cách dư tràn mỗi ngày ngang Lời và Mình Thánh của Ngài; bởi vì Ngài và Thiên Chúa là một. Kinh nghiệm “thấy” Chúa Cha nơi Chúa Giê-su chỉ có thể là một kinh nghiệm đích thân; và vì thế, không thể chứng minh, và không thể thay thế bằng những suy tư khúc chiết hay những kiến thức lịch sử chính xác. Chúng ta chỉ có thể “đến mà xem”, “đến học với Ngài”, tin và đón nhận tình yêu đến cùng Ngài dành cho chúng ta: “Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.”