Con đường khiêm hạ Gioan Tẩy Giả

0

Lm. Giuse Hoàng Kim Toan

Thánh Gioan Tẩy Giả nhận mình là tiếng hô trong hoang mạc, là người không xứng đáng cởi dép cho Đấng đến sau. Bài học quan trọng Thánh Gioan để lại là bài học khiêm nhường, để biết mình và biết Chúa, cùng biết anh chị em của mình.

Tiếng hô nơi hoang địa

Tiếng hô nơi không người, chẳng khác nào tiếng hô vô ích, hoặc chỉ là tiếng hô trút xả bế tắc. Không gặp gỡ Chúa thì thực sự bao nhiêu sứ vụ thi hành chỉ là tiếng hô trong hoang địa. Tiếng hô nơi hoang vắng, không giúp ích gì được ai, chỉ để thỏa mãn cho mình, mà còn là tiếng hô đơn độc trong ích kỷ, ngạo mạn. Người Kitô hữu khi tham gia vào các sứ vụ trong Giáo Hội, nếu không gặp gỡ Chúa, trở nên người phục vụ Chúa trong anh chị em với lòng khiêm nhượng, thì tất cả công lao khó nhọc, tài năng thực thi, đều trở nên vô ích.

Đối với Gioan Tẩy Giả, sứ vụ của ngài “Lên tiếng khi thuận lợi cũng như không thuân lợi” (2 Tm 4, 2), người ta có thể lòng chai, dạ đá, như hoang mạc; tiếng hô của người thức tỉnh lòng họ, để họ có thể được nghe sứ điệp yêu thương của Chúa mà được biến đổi thành “trái tim thịt mềm” (Ed, 11, 19).

Nhận ra sứ vụ của mình là bước đệm cho người đến sau

Thánh Gioan tại bờ sông Gio đan, đang được người ta kéo đến đông đảo để lãnh nhận phép rửa để tỏ lòng sám hối. Người ta thắc mắc về ông Gioan: “ông là ai?”. Ông nhận mình là người dọn đường cho Đấng đến sau.

Người Kitô hữu cũng vậy, nếu việc phục vụ của mình không nhằm để tôn vinh Thiên Chúa, phục vụ Chúa trong anh chị em và các linh hồn thì tầt cả việc làm đều thất bại. Những việc làm ấy Thánh Gioan Tông Đồ gọi: “họ tìm vinh quang lẫn nhau” (Ga 5, 44). Bởi thế, sự khiêm tốn còn là chiến thắng của tâm trí đối với những lời xu nịnh, bớt đi tính kiêu căng, giảm đi những lần khoe chiến tích… Khiêm nhường, nhận ra chỗ đứng của mình trong việc phục vụ và còn làm cho người khác nhận ra chính Chúa là Đấng đến sau.

Nhận ra mình là tội nhân khốn cùng

Khi Chúa Giêsu đến nhận phép rửa của Gioan, chính Gioan đề nghị: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! ” (Mt 3, 14). Nhận ra mình là tội nhân để gặp được lòng thương xót, đó là lối đi của đức khiêm nhường. Đức khiêm nhường giúp con người biết cúi xuống không để ban ơn nhưng biết cúi xuống để chia sẻ phận người mỏng dòn đầy yếu đuối. Chúa Giêsu là “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2Cr 5, 21).

Đức khiêm nhường dạy cho biết lòng Chúa thương xót

Các bậc thánh nhân đều biết điều quan trọng này: Nhận biết ra mình được Thiên Chúa giữ gìn khỏi những tội trọng, mà giúp các tội nhân gặp được lòng thương xót của Thiên Chúa. Khiêm nhường giữ cho các thánh nhân lòng yêu mến tồn tại, như Thánh Phaolô cảm nghiệm: “Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi” (1Cor 13, 1 –4).

Đức Khiêm nhường không làm cho người ta sợ mình, cũng không làm cho người ta khinh mình nhưng làm cho người ta yêu mến mình. Hãy học nơi Thánh Gioan Tẩy Giả. Xin Chúa ban phúc lành cho tất cả những người mang thánh bổn mạng hôm nay và cho chúng con hiểu và sống được khiêm nhường.

Comments are closed.

phone-icon