Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (6,51-58)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”. Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời”.
***
Nếu đặt câu hỏi: “Tại sao ông, bà, anh, chị tham dự thánh lễ?”, chúng ta sẽ có nhiều câu trả lời khác nhau: nào là để gặp lại anh chị em Kitô hữu để làm thành một cộng đoàn, hiệp nhất trong một niềm tin, nào là để cầu nguyện, để nuôi dưỡng tinh thần, để lắng nghe Lời Chúa… Qua tất cả những câu trả lời này, chúng ta thấy rằng việc đi lễ đem lại rất nhiều ích lợi. Điều đó tốt! Nhưng có lẽ chúng ta chưa đề cập đến điểm chính yếu của thánh lễ.
Thánh lễ là một bí tích, một hiện thực cứu độ trong đó Chúa Kitô tự hiến mình cho chúng ta qua nghi thức phụng vụ. Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Khi Chúa Giêsu nói về thịt Người làm lương thực, đó không phải là xương, thịt, gân cốt hoặc một phần thân thể nào đó, mà là toàn diện bản thân Người. Khi Chúa Giêsu nói đến việc cho máu của Người làm thức uống, không phải Người nói đến thứ chất lỏng màu đỏ mà là sự sống làm cho con người được sống. Nói về Mình và Máu Chúa Kitô tức là nói về chính Người, chính bản thân Người, chính sự sống của Người.
Chính bởi thân thể và máu của mình, Chúa Giêsu đã đi vào lịch sử loài người. Thánh lễ là mầu nhiệm nhập thể luôn tiếp diễn. Thánh Tôma Aquinô nói: “Thánh lễ là phép lạ lớn nhất của Chúa Giêsu.”
Trong thánh lễ, chúng ta cử hành việc hiến mình của Chúa Kitô, cử hành lễ dâng Chúa Kitô cho Chúa Cha, và cùng với Người, chúng ta dâng hiến bản thân mình. Chúng ta dâng bánh và rượu, là hoa màu ruộng đất và cũng là thành quả lao động con người. Bánh và rượu là những thức ăn đã được chế biến, vì vậy thuộc về con người. Do đó, khi dâng lên Chúa Cha bánh và rượu để trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta dâng lên Người những hoạt động thể lý và tinh thần, dâng lên Người đời sống của chúng ta, với mọi niềm vui, nỗi buồn. Kết hợp lễ dâng của chúng ta với hy lễ của Chúa Kitô, Chúa Cha làm cho lễ dâng này có tầm vóc thần linh và vĩnh cửu. Từ lúc đó, bánh và rượu biểu tượng cuộc sống toàn diện của chúng ta, tất cả những hoạt động và các mối tương quan. Tóm lại, bánh và rượu đại diện cho chính chúng ta.
Ðối với chúng ta, trong đức tin, bánh và rượu này, tuy không thay đổi thành phần vật chất và hóa học, bây giờ trở thành chính Chúa Kitô, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần.
Thánh lễ là sự chuẩn bị cho hiệp lễ, hay nói một cách chính xác hơn, toàn thánh lễ trở thành hiệp lễ. Thánh lễ phát triển hành động của Chúa Kitô làm cho chúng ta trở nên thân thể huyền nhiệm của Người, tức là Giáo Hội. Vậy là chúng ta đã hiểu hiệp lễ quan trọng như thế nào: hiệp lễ tóm lược toàn bộ thánh lễ.
Có một số người không dám lên rước lễ vì nghĩ rằng mình không xứng đáng. Thực ra, rước lễ không phải là một công trạng hay phần thưởng cho những ai sống gương mẫu, thánh thiện. Rước lễ là một lương thực. Chúng ta hãy nhớ lại câu mà mọi người đều đọc trước khi rước lễ: “Lạy Chúa, con chẳng (xứng) đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.” Chúng ta thấy vấn đề ở đây không phải là việc nêu lên phẩm giá của mình, mà ngược lại, ý thức được rằng rước lễ không phải là một quyền lợi, nhưng là một ân huệ. Hơn nữa, thánh lễ không phải là một ân huệ trong số những ân huệ khác. Thánh lễ là chính Chúa, Ðấng ban ân huệ. Khoảng cách giữa sự thánh thiện của Chúa và của chúng ta lớn đến mức không thể nào nêu lên vấn đề chúng ta có xứng đáng hay không để rước Chúa Kitô vào lòng.
Lời nguyện trên lập lại lời của viên sĩ quan đã không dám tiếp đón Chúa Giêsu vào nhà mình: “nhưng xin Ngài phán một lời” (Lc 7,7). Trong Chúa Giêsu, Lời và bản thân Người chỉ là một. Ðể ý đến lời mời của Chúa Giêsu “Hãy cầm lấy mà ăn” quan trọng hơn là việc tìm kiếm phẩm cách của chúng ta.
Tuy nhiên, có một vài ngoại lệ. Ngoài vấn đề những người bị vạ tuyệt thông hoặc phạm tội nặng không được rước lễ, có thể vào lúc rước lễ, một số người cảm thấy thực sự chưa sẵn sàng trong nội tâm để tiến lên đón nhận Mình Thánh Chúa. Trong trường hợp đó, họ không rước Chúa một cách trọn vẹn, nhưng vẫn có thể rước Lời Chúa, kết hiệp với Chúa, kết hiệp với nhiệm thể của Người là Giáo Hội. Rước lễ là một cử chỉ biểu hiện đức tin cao độ, vì thế phải cố gắng làm sao tránh rước lễ một cách máy móc và nhàm chán.
Khi chia sẻ tấm bánh duy nhất, Chúa Kitô thực hiện dự định của Người, đó là làm cho chúng ta thành một thân thể, thân thể của chính Người. Rồi Người sai chúng ta đến với anh chị em của chúng ta. Chúa cần chúng ta và mong chờ chúng ta xây dựng một thế giới công bằng và bác ái như Người mong muốn.
Ước gì trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta luôn sống kết hiệp với Thiên Chúa và kết hiệp với mọi anh chị em chúng ta. Amen.