Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin Mừng (Mc 1, 21-28)
21 Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy.22 Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.
23 Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên24 rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “25 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! “26 Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.
27 Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! “28 Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
*******
Đọc lại đời mình hay một giai đoạn sống dưới ánh sáng của Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta thấy mình còn nhiều thiếu sót trong việc nghe và sống Lời Chúa. Và đó chính là nguyên nhân sâu xa làm chúng ta vẫn còn bị chi phối bởi Sự Dữ và những gì thuộc về Sự Dữ, như vô ơn, nghi ngờ, không tín thác, ham muốn, kêu trách, ghen tị và bạo lực trong tâm hồn, lời nói, việc làm…
Xin Chúa thương xót tha thứ cho chúng ta và giải thoát chúng ta khỏi những năng động xấu, những thần ô uế bằng Lời của Ngài.
1. Lời của Người có uy quyền
Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe mở đầu và kết thúc với kinh nghiệm sửng sốt của người nghe, về sự kiện Lời của Đức Giê-su có uy quyền:
Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. (c. 22)
Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. (c. 27)
Đức Giê-su vẫn tiếp tục giảng dạy qua trung gian Giáo Hội trong Thánh Lễ, trong các buổi cử hành phụng vụ và nhất là trong những lần tĩnh tâm, vì trong thời gian này, chúng ta được nuôi sống bằng Lời Chúa một cách cụ thể và thực sự hơn bất cứ điều gì khác.
Chắc chắn chúng ta đã từng có kinh nghiệm này: “Lời của Người có uy quyền”. Xin cho kinh nghiệm thiêng liêng này trở nên sâu đậm và không thể phai nhòa đối với chúng ta.
2. Sự Dữ mạnh hơn con người
Chúng ta hãy hình dung ra người bị quỷ thần ô uế nhập trong hội đường. Ngày nay, hầu như chúng ta không còn thấy sự kiện con người bị quỉ ám nữa. Thỉnh thoảng chúng ta còn nghe kể lại trường hợp hay trường hợp kia, nhưng đa số là chỉ nghe kể lại thôi. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ma quỉ, thần xấu, thần ô uế không còn nữa, hay không hoạt động nữa. Bằng chứng là tâm hồn của chúng ta, môi trường sống của chúng ta vẫn bị chi phối bởi Ma Quỉ và những gì thuộc về Ma Quỉ: đó là lòng ham muốn, ghen tị, giận dữ, thù ghét, buồn bực, nghi ngờ, đóng kín, tuyệt vọng, bóng tối và cả sự chết chóc nữa[1]. Trong những năng động xấu này, một đàng con người có phần trách nhiệm, nhưng đàng khác, chúng lại mạnh hơn con người. Như thánh Phao-lô nói:
Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. (Rm 7, 19-20)
3. Lời Chúa mạnh hơn Sự Dữ
Trong bài Tin Mừng, chính ma quỉ lên tiếng chứ không phải người bị quỉ ám, người này không làm chủ được mình nữa. Hơn nữa, dường như ma quỉ còn muốn thỏa hiệp với Đức Giê-su:
Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? (c. 24)
Nói cách khác, ma quỉ như muốn nói với Đức Giê-su: “nước giếng không phạm nước sông” ! Nhưng Đức Giê-su là Ánh Sáng, là Chân Lý, là Sự Sống tuyệt đối ; vì thế Bóng Tối, Lừa Dối và Sự Chết tất yếu phải tiêu tan. Hình ảnh ánh sáng đẩy lùi một cách tự nhiên bóng tối minh họa rất cụ thể cuộc chiến này. Sự Dữ mạnh hơn con người, nhưng Lời của Đức Giê-su, “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, thì mạnh hơn Sự Dữ ; như bài Tin Mừng kể lại cho chúng ta:
Đức Giê-su quát mắng nó
“Câm đi, hãy xuất khỏi người này!’”
Thần ô uế lay mạnh người ấy,
thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. (c. 25)
Lời của Đức Giê-su vẫn luôn được ban cho chúng ta hằng ngày, để giải thoát chúng ta khỏi mọi ác thần, để làm cho chúng ta trở nên tự do, hiền lành, bình an và tín thác. Chúng ta hãy kiên nhẫn đón nhận Lời Chúa vào trong lòng chúng ta, vào trong gia đình, vào trong giáo xứ, trong cộng đoàn, để chúng ta cũng có thể làm chứng rằng:
Thế nghĩa là gì? Lời giảng thì mới mẻ,
người dạy lại có uy quyền.
Người ra lệnh cho cả các thần ô uế
và chúng phải tuân lệnh. (c. 27)
* * *
Khi nhìn lại bản thân chúng ta, chúng ta thấy mình thật yếu kém, đã từng để cho Sự dữ và những năng động của Sự Dữ ám chúng ta, nhập vào người chúng ta và thúc đẩy chúng ta hành động.
Nhưng Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta bình an và tin tưởng hơn, bởi vì, nếu chúng ta yếu đuối và bất lực, thì Lời Chúa có sức mạnh đẩy lùi Sự Dữ ra khỏi nội tâm và cuộc sống của chúng ta và làm cho chúng ta được tái sinh trong tương quan mới của Nước Trời, làm con Thiên Chúa và làm anh chị em của nhau.
[1] Có thể đọc Tông Huấn GAUDETE ET EXSULTATE của ĐTC Phanxicô, về lời kêu gọi nên thánh trong thế giới hôm nay (19/03/2018), chương năm: CHIẾN ĐẤU, TỈNH THỨC và PHÂN ĐỊNH, số 158-175.