Sr. Anna Lệ Thủy, OP
Càng tu, càng dấn thân vào sứ vụ đến với những người cùng khổ, tôi càng cảm sâu hơn câu nói thâm thúy của ĐTC Phanxicô: “CUỘC SỐNG LÀ THỜI GIAN ĐỂ TRAO BAN, KHÔNG PHẢI ĐỂ SỞ HỮU”. Ngài còn nói: “Điều khiến chúng ta giàu có không phải là tài sản mà là tình yêu. Sống là để yêu thương”. Thật vậy, qua sứ vụ mà Hội dòng trao, tôi có được may mắn sống giữa và sống cùng những mảnh đời bất hạnh, những người mà Chúa coi họ là “người nhà của Chúa”. Quả thật, có đặt mình vào hoàn cảnh của họ ta mới có thể hiểu được tận cùng của nỗi đau, của tuyệt vọng; lúc đó ta dễ dàng hiểu được nguyên nhân vì sao có đầy những bức xúc, hận thù và giết chóc trong thế gian này.
Có những lúc nghĩ lại, tôi thấy thật buồn cười. Đường đường là một nữ tu, nhưng cũng đã có lúc tôi vừa khóc vừa cầu xin Chúa cho tôi sinh thay cho một sản phụ vừa bị câm và bị bại liệt. Cuộc đời em thật trớ trêu, sau ngày cất tiếng khóc chào đời đến lúc 21 tuổi, em chưa hề nói với người thân được một câu, và dù có đôi chân nhưng vì quặt quẹo đến nỗi em không thể tự đặt được một bước chân trong cuộc đời, mọi sinh hoạt cá nhân đều cậy vào người thân. Ba mẹ thì làm mướn kiếm cơm từng bữa, một mái nhà để che nắng che mưa cho lũ con cũng còn không dám mơ… Thế mà đứa con gái xanh xao gầy gò tật nguyền của họ còn bị kẻ “không còn tính người” hãm hiếp trong một lần bố mẹ gởi con để đi làm mướn. Đọc tới đây, chúng ta có thể đặt mình vào hoàn cảnh của họ để hiểu được họ đã phải trải qua những gì. Đó cũng là lí do vì sao tôi vừa gào khóc, vừa nài xin cho tôi đẻ thay cho sản phụ đó, vì từ ngày biết chuyện em cấn thai, tôi đã vào cuộc và đồng hành với em, nên khi em có dấu hiệu sinh gia đình họ đã gọi cho tôi. Lúc đó tôi chẳng biết làm gì, tôi chẳng khác gì một đứa trẻ chạy vòng quanh chân Chúa xin điều chẳng nên xin. Thế mà, điều mà các bác sĩ chuyên khoa sản nghĩ là không thể thì Chúa đã thực hiện như một phép lạ. Quả thật, em đã sinh thường và sinh được một đứa con lành lặn xinh xắn. Một điều khác thường chưa từng nghe thấy là em vừa sinh vừa cười rất tươi, sinh xong thì cánh tay tật nguyền của em quờ quạng kéo cỗ tràng hạt lên hôn. Cỗ tràng hạt này mẹ em đã đeo cho trước khi em vào phòng sinh. Qua sự kiện này, ba mẹ em đã tìm lại được niềm tin và hứa cùng nhau chung lưng đấu cật để tiếp tục sống, tiếp tục cày để nuôi các con và cháu.
Thành ngữ Việt Nam có câu: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và trong thế giới phim ảnh cũng đã từng trình chiếu bộ phim: Người giàu cũng khóc. Thật thế, có những gia đình, nhìn vẻ ngoài của họ, có khối kẻ ước, vạn người mơ; thế nhưng những kẻ trong cuộc lại tự nhủ: “Chưa được thì ước với ao, được rồi trắng mắt như tao mới chừa”; “con trong đỏ hoe con mắt, con ngoài ngúc ngoắc muốn vô”. Vì con cái, vì danh dự dòng tộc và vì mình là người Công giáo nên họ phải tự an ủi mình cố gắng an vui trong địa vị Chúa đã đặt…
Trong chương trình phát thanh của đài truyền hình Việt Nam có mục Gỡ rối Tơ lòng, tại các Giáo phận có kế hoạch gỡ rối cho các gia đình, còn tôi thì có cơ duyên lắng nghe cảnh sống rối của các gia đình, nghe mãi mới hiểu ra chứ đừng nói bắt đầu từ đâu để gỡ. Với một môi trường sống ngập tràn đồi bại, khó tìm thấy bóng dáng của chuẩn mực luân lý. Mẹ bỏ con thơ chạy theo tình; chồng cặp bồ trêu ngươi trước mặt vợ đang mang thai; con trai vác mã tấu về nhà xử lý người tình của mẹ và cứa luôn cổ mẹ khi họ đang quay cuồng trong cơn lốc của dục vọng… Nam, nữ theo nhau ở vì nhu cầu, không có một danh phận gì khi sống với nhau… hay thì ở, dở thì đi, anh đi đường anh, tôi đi đường tôi, hậu quả đổ dồn hết lên những đứa trẻ vô tội và rồi những ông bà nội, ông bà ngoại hết tuổi lao động, khệnh khạng trong cơn đau đớn cơ khớp và lọm khọm với tuổi đời xế bóng, phải chăm bẵm từng ngụm sữa, thìa cháo cho mầm sống – cái được gọi là máu mủ của mình bị vứt lại. Giờ thì chúng ta đã còn chẳng lạ gì với cụm từ: phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, trẻ tự kỉ, trẻ tăng động….
Để sống được lời mời gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô: “Kẻ chăn chiên thì phải nhiễm mùi chiên” quả thật không dễ chút nào. Cái cảm giác thức đêm của sinh viên thi rớt thì khác với thức đêm vì đau răng, và càng khác xa với cái thức đêm trằn trọc vì sứ vụ và trăn trở trên những phận nghèo. Muốn có được mùi chiên tôi cũng đã phải chịu bị tổn thương, bị đàm tiếu, bị tẩy chay, phải chấp nhận cảnh bị cô lập và có những lúc tôi cảm thấy bất lực trước tất cả. Cũng đã có những lúc mà cách tốt nhất tôi có thể làm là ức quá thì khóc và cuối cùng là im lặng, những lúc đó mở những bài hát thánh ca “Bờ vai Giêsu”; “Một mình con với Chúa”; “Xin cho con thấy Chúa” hay “Xin lỗi Chúa”… là điều tôi có thể làm và để lòng mình trôi nhẹ theo lời ca. Là con người tôi cũng có cảm giác sợ ma, là phận nữ tôi cũng sợ bị hại, trông coi tài sản cho người nghèo tôi cũng sợ bị thiệt hại chứ…
Trước đây đọc thư thánh Phaolo tôi còn hài hước bảo: “Ông này có dấu hiệu của người tâm thần, bị đòn vọt mà còn cảm thấy hân hoan…” Bây giờ trải qua những khó khăn đó tôi mới lờ mờ hiểu được phần nào tâm trạng của Thánh Phaolo ngày ấy. Thật thế, như Thánh Phaolo tôi cũng có thể thốt lên lời tạ ơn. Tạ ơn Chúa đã cho tôi được trải nghiệm tất cả để xác tín hơn niềm tin và ơn gọi của tôi. Cám ơn Mẹ Hội Dòng đã tín nhiệm trao sứ vụ và luôn đồng hành để tôi có được cơ hội “nhiễm mùi chiên”. Tôi cảm nhận được sức mạnh từ Chúa để tôi chịu đựng tất cả, và có được động lực từ Mẹ Hội Dòng và những phận nghèo để ôm lấy tất cả. Điều tôi cần lúc này là ơn Chúa, lòng nhiệt thành, một trái tim biết trắc ẩn và sức khỏe để phục vụ, để yêu thương. Và điều tôi có thể tự hào lúc này là sống chính kinh nghiệm của thánh Phaolo, trong thân phận yếu đuối và khiếm khuyết của mình. Dựa vào niềm xác tín của Thánh Phaolo tôi cũng can đảm thưa lên rằng: Với Đấng ban sức mạnh cho tôi, tôi chịu được hết (Pl 4,13).