Hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần – Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống

0

 Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (20,19-23)

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa.

Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”.

***

Trước khi về trời, Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Để có thể hoàn thành sứ mạng cao cả đó, các môn đệ đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như Chúa Giêsu đã hứa với họ.

Lịch sử Giáo Hội khởi đầu từ đây: từ một nhóm người Galilê nhút nhát và đầy sợ hãi, sức mạnh của Chúa Thánh Thần đã làm cho họ trở thành những chứng nhân can đảm, kiên cường, không sợ gian nguy, thậm chí sẵn sàng hiến cả mạng sống của mình để Tin Mừng Chúa được loan báo trên khắp hoàn cầu, để Danh Chúa được truyền tụng cho mọi người, mọi dân tộc và mọi thời đại.

Như thế, Giáo Hội của Chúa được khai sinh vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Bài tường thuật về lễ Ngũ Tuần của thánh Luca trong bài đọc I mang nhiều ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.

Trước tiên, lễ Ngũ Tuần là lễ tưởng niệm việc Thiên Chúa ban bố lề Luật và thiết lập giao ước Xinai với dân Người. Nói cách khác, đây là lễ của người Do Thái mừng việc thành lập dân Israel. Ở đây, ta thấy rõ mối liên hệ giữa ý nghĩa của lễ này với việc thành lập Dân mới của Chúa dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Dấu chỉ của Ngôi Ba Thiên Chúa được thể hiện rõ ràng qua gió và lửa, và đây cũng là hai dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong Kinh Thánh.

Tiếp đó, đám đông quy tụ lại, dù ngôn ngữ bất đồng, họ vẫn hiểu những gì các Tông Đồ nói. Điều này nhấn mạnh đến lời mời gọi tất cả các dân tộc, không phân biệt ngôn ngữ, mầu da hoặc giai cấp, mọi người đều được Thiên Chúa mời gọi gia nhập Dân Chúa, cùng hiệp nhất trong Chúa Thánh Thần.

Trong Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa, là Cha toàn năng… Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô… Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa…” Đó là ba lời tuyên xưng chính yếu của Kinh Tin Kính. Ba Ngôi Thiên Chúa, quan trọng như nhau. Nhưng, chúng ta có nhớ rằng Chúa Thánh Thần là Đấng “cùng được phụng thờ và tôn vinh với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con” không? Nói cách khác, trong cuộc sống, chúng ta có thường cầu nguyện Chúa Thánh Thần không?

Khách quan mà nói, người ta thường cầu nguyện với Chúa Giêsu, ít khi cầu nguyện với Chúa Cha, và dường như rất hiếm khi cầu nguyện với Chúa Thánh Thần. Chúng ta thường được nghe nói vui rằng Chúa Thánh Thần là vị Thiên Chúa bị quên lãng. May thay, ngày nay, các nhóm Canh Tân Ðặc Sủng giúp chúng ta khám phá lại tầm quan trọng của việc cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa Cha, như Người đã nói với Philipphê: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Còn Chúa Thánh Thần thường được biết đến dưới hình ảnh các biểu tượng như gió, hơi thở, lửa, nước và chim bồ câu. Tác động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội và trong thế giới được chứng minh qua những kinh nghiệm sống của các Kitô hữu mọi thời đại. Người được kêu cầu như Đấng an ủi, Đấng ban sức mạnh, Đấng Khôn Ngoan,… Người là biểu hiệu tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. Vì là Ân Huệ, Người không giữ cho mình gì cả: “Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn… tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại…” (Ga, 16,13). Như vậy, Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng ta đến sự hiểu biết chân thật về Thiên Chúa, như Thánh Phaolo nói trong bài đọc II: “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu người ấy không ở trong Thánh Thần” (1 Cr 12,3b). Và cũng nhờ Thánh Thần mà chúng ta có thể gọi Thiên Chúa “Abba-Cha ơi” (Rm 8,15).

Từ lễ Hiện Xuống đầu tiên, Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong Giáo Hội cũng như trong thế giới. Dù không nhận thức được cách thức hoạt động của Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta không thể không thấy được hoa trái mà Người mang lại. Như lời thánh Phaolô, những ai để Chúa Thánh Thần hướng dẫn sẽ nhận được hoa trái của Người là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23). Theo Đức Hồng Y Urs von Balthasar, một thần học gia Thụy Sĩ nổi tiếng: “Điều mà Chúa Thánh Thần muốn, không phải là để người ta nói về Người, mà là để Người hoạt động”.

Với một đoạn trích trong bài Ca tiếp liên của lễ Hiện Xuống hôm nay, một lần nữa, chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện với Chúa Thánh Thần: “Muôn lạy Chúa Thánh Thần, cúi xin Ngài ngự đến! Xin chiếu giãi ánh hồng vào tâm hồn tín hữu cho rực rỡ trinh trong. Hết những gì nhơ bẩn, xin rửa cho sạch trong, tưới gội nơi khô cạn, chữa lành mọi vết thương. Cứng cỏi uốn cho mềm, lạnh lùng xin sưởi ấm, những đường nẻo sai lầm, sửa sang cho ngay thẳng.” Amen.

Comments are closed.

phone-icon