Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Ca tiếp liên (tiếng Anh Sequence, tiếng Pháp Séquence), xuất phát từ tiếng La Tinh sequentia, nghĩa là theo sau. Ca tiếp liên là bài thánh ca có nhịp điệu đi “theo sau” lời tung hô Halêluia trước Tin Mừng trong Thánh lễ. Nội dung bài ca này phù hợp với ý nghĩa của ngày lễ. Bên cạnh đó, bài thánh ca này còn nhằm hỗ trợ và kéo dài bài ca Halêluia. Trước đây, bài này nhằm giúp cho thầy phó tế có thời giờ đi vòng gian cung thánh và bước lên các bậc của giảng đài.
Vào thời trung cổ, người ta đếm được khoảng 5.000 bài ca tiếp liên, cho thấy bài thánh ca này rất thịnh hành trong phụng vụ. Tuy nhiên, vì rất nhiều bài ca tiếp liên có nội dung nghèo nàn hoặc sai thần học, nên cuộc canh tân phụng vụ của Đức Giáo Hoàng Piô V (1570) chỉ giữ lại… bốn bài:
1/ “Victimac paschali laudes” của lễ Phục Sinh (“các Kitô hữu hãy tiến dâng lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua”)
2/ “Veni Sancte Spirtus” của lễ Hiện Xuống (“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến”)
3/ “Lauda Sion” của lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (“Hỡi Xion, hãy ngợi khen…”)
4/ “Dies iræ” của lễ an táng và cầu hồn
Năm 1727, ca tiếp liên thứ năm “Stabat Mater” của lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ngày 15 tháng chín, được thêm vào Sách lễ.
Đến cuộc canh tân phụng vụ Vaticanô II (1969) thì chỉ buộc hát ca tiếp liên trong lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống mà thôi ; trong lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô và lễ Ðức Mẹ Sầu Bi thì được tuỳ ý; còn ca tiếp liên “Dies iræ” của lễ an táng và cầu hồn bị loại bỏ.
Quy chế Tổng quát (QCTQ) Sách lễ Rôma 1975, số 40 nói như sau: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý”.
Trong tiến trình canh tân sách lễ Rôma, ấn bản số 3, QCTQ 2000, số 64 nói rằng: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát SAU Halleluia”. Còn QCTQ 2002, số 64 thì đổi lại: “Ca tiếp liên, ngoài lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống thì được tùy ý, và được hát TRƯỚC Halleluia”.
Điều này khá ngạc nhiên vì đi ngược lại với nguồn gốc và mục đích của bài ca này!
1/ Nếu hát TRƯỚC Halêluia thì bài ca này không còn được gọi là “ca TIẾP liên” nữa, mà phải gọi là “ca TIỀN liên” mới đúng!
Thánh Bộ Phụng Tự không giải thích lý do tại sao lại chuyển ca tiếp liên lên trước Halêluia, nhưng ta có thể giải thích như sau: Giáo Hội cho phép hát ca tiếp liên trước Halêluia vì không muốn cộng đoàn phải đứng lâu nếu hát sau Halêluia (ca tiếp liên của lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô rất dài); hoặc vì để nhấn mạnh việc cộng đoàn chỉ đứng lên để tôn kính Chúa Kitô khi Người nói trực tiếp với cộng đoàn qua việc công bố Tin Mừng.
2/ Bản chất của ca tiếp liên là một bài hát, và trong QCTQ số 64 cũng nói rõ là HÁT ca tiếp liên. Nhưng trong thực hành, đại đa số các nhà thờ Việt Nam chỉ đọc chứ không hát bài thánh ca này bao giờ! Cũng nên nhắc lại, bài thánh ca này được gọi là “CA tiếp liên” chứ không phải là “ĐỌC tiếp liên”! Vì vậy chúng ta nên hát để giữ đúng tên gọi và mục đích của bài ca này.
Hai bài ca tiếp liên của lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc. Mong rằng các ca trưởng tập cho ca đoàn của mình để hát trong hai lễ này.