Sr. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP
Trong thinh lặng nội tâm, khi nhìn lại hành trình đời tu của mình, chúng ta có thể tự hỏi: tại sao tôi đang ở đây, trong Hội dòng này và làm công tác như hiện nay? Phải chăng chính những việc tôi đang làm đã hình thành nên chân dung người nữ tu của tôi? Như vậy phải chăng chân dung của tôi là người nữ tu với nếp sống cầu nguyện, dạy giáo lý, dạy học hay chăm sóc bệnh nhân, thăm viếng người nghèo và nuôi dưỡng người già neo đơn? Hay phải chăng hình ảnh mà tôi hằng ước mơ là người nữ tu miệt mài học tập trong các trường đại học, những trung tâm ngoại ngữ hay du học về giảng dạy nơi một số Học viện Thần học? Nếu thế thì những lúc tôi đau yếu chỉ làm được những việc lặt vặt hay khi phải nằm bất lực trên giường bệnh thì sao? Vậy, đâu là chân dung đích thực của người nữ tu Đa Minh?
Thực ra, những gì chúng ta đã làm đều là những công việc của người nữ tu Việt Nam hôm nay; và nhiều người khác trong xã hội cũng có thể làm còn tốt hơn chúng ta. Vì thế chúng ta cần có một định hướng rất rõ cho đời thánh hiến của mình trong ơn gọi Đa Minh. Chúng ta nên xác tín rằng: cũng như Mô-sê, Êli-a, Đức Maria, và các thánh; đặc biệt là thánh Gia Thịnh, mỗi chị em chúng ta đã được gọi và tuyển chọn cho một sứ mạng. Cụ thể hơn trong linh đạo thuyết giáo, chúng ta cần thể hiện chân dung của người lữ hành phục vụ Lời, loan báo sứ điệp niềm hy vọng Nước Trời bằng chính cuộc đời yêu thương phục vụ của mình; dù chúng ta chỉ là một nữ tu bình thường, một bệnh nhân hay một tội nhân. Điều cần thiết là mỗi chị em ý thức trở nên chứng nhân Đức Kitô Phục sinh trong nếp sống tự do, đơn giản giữa nền văn hóa vô thần và lối sống hưởng thụ hiện nay.
Với ý nghĩa và mục đích trên, chúng ta có thể chiêm ngắm cuộc đời của thánh Gia Thịnh, một người anh em thánh thiện trong gia đình Đa Minh. Ngài chính danh là một người lữ hành phục vụ Lời. Nguyện xin thánh nhân, hướng dẫn chúng ta sống đức tin: nhạy bén lắng nghe Lời Chúa, mau mắn thi hành ý Chúa, nhiệt tâm loan báo Lời cứu độ của Chúa và lan toả hương thơm của Chúa Kitô trên mọi nẻo đường sứ vụ.
1. Người lữ hành
Đời sống của Thánh Gia Thịnh được đan dệt từ những chuyến đi, mỗi chuyến đi của thánh nhân đều để lại những dấu ấn tỏa ngát hương thơm Đức Kitô. Ngài sinh năm 1185 trong một gia đình quí tộc, đạo đức ở Balan, được giáo dục đức tin và văn hóa từ gia đình và qua sự hướng dẫn của bác linh mục Ivo tại Vương cung Thánh đường Odrowatz, du học tại Prague, Bologna và Paris. Sau khi thụ phong linh mục, ngài làm cố vấn và kinh sĩ đoàn giáo phận Cracow. Năm 1220 ngài tháp tùng Đức Cha Ivo sang Roma, gặp Cha Đa Minh tổ phụ Dòng Anh Em Thuyết Giáo, gia nhập Dòng năm 35 tuổi và được khấn sau khóa tập 3 tháng. Trên đường về Balan trong chức vị Bề trên cùng với 3 người anh em, các vị đã đi bộ ngang qua các nước: Áo, Đức, Tiệp Khắc. Như những người lữ hành phục vụ Lời, đi tới đâu, các vị luôn lắng nghe tiếng Chúa qua lời mời gọi của các Giám mục địa phương, các vị rao giảng Tin Mừng và được giáo dân mến phục, nhiều bạn trẻ tình nguyện xin gia nhập Dòng. Vì thế, mỗi nước thánh Gia Thịnh đã để lại một người anh em làm Bề trên một tu viện ở đó và trở về Cracow – Balan một mình. Nơi quê hương, thánh nhân được phép các Đấng bản quyền thiết lập các tu viện; rồi ngài lại được Chúa sai đi rao giảng tình yêu cứu độ của Thiên Chúa tại nhiều nước vùng Bắc Âu như: Na-Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Esconia, Bulgary, Hungary, Phổ, Nga và một số nước Đông Âu…
Trong ơn gọi giảng thuyết, chúng ta cũng luôn được mời gọi lên đường: hằng năm theo bài sai sứ vụ, hằng ngày trong từng bổn phận; và mỗi giây phút sống, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta ra khỏi mình để yêu thương phục vụ tha nhân. Tuy nhiên, chúng ta đang thi hành sứ vụ với tâm trạng an vui hay sầu khổ và kết quả chúng ta gặt hái được như thế nào đều tùy thuộc vào mối tương quan của chúng ta với Chúa. Chúng ta đang tìm gì hay tìm ai trong sứ vụ hiện nay của mình? Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh có là sứ điệp trung tâm của lời rao giảng và đời sống chứng nhân của chúng ta không? Lòng khao khát phần rỗi các linh hồn có là động lực hối thúc chúng ta ra đi đến với những anh em chưa nhận biết Chúa là Cha, những anh em lầm lạc, mất đức tin, sống trong tệ nạn, tội lỗi, tuyệt vọng với cuộc sống trỗng rỗng vô nghĩa không? Quả thật, lên đường luôn đồng nghĩa với thái độ vét rỗng mình đi, buông bỏ danh dự bản thân và nếp sống ổn định để hoàn toàn tín thác nơi Thiên Chúa. Đó là hình ảnh của thánh Gia Thịnh, người lữ hành đức tin, đã thay đổi nếp sống, từ một linh mục tuổi trung niên, từ bỏ chức vị kinh sĩ và cố vấn của mình, chọn sống như một tập sinh của thánh Đa Minh, với hy vọng trở thành tu sĩ giảng thuyết nghèo khó Tin Mừng.
2. Phục vụ Lời
Sau khi được thụ huấn với thánh phụ Đa Minh trong khoá Tập, thánh Gia Thịnh đã triệt để sống linh đạo của Dòng Thuyết Giáo: “Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”. Ngài chuyên chăm cầu nguyện dưới ánh sáng Lời Chúa và sống tinh thần của người môn đệ được sai đi làm chứng nhân Lời Chúa cho các dân tộc. Nhờ đời sống đức tin kiên vững và niềm xác tín vào căn tính của ơn gọi loan báo Tin Mừng ân sủng của Dòng, thánh Gia Thịnh luôn cảm sâu tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, lắng nghe tiếng Chúa mời gọi từ những cảnh khốn cùng lầm lạc của những anh em trong những quốc gia chưa được biết về Danh Chúa Giêsu và tình yêu của Cha. Trong mọi hoàn cảnh, ngài khôn ngoan phân định và mau mắn phục vụ Lời Chúa bằng chính đời sống hy sinh quên mình, vượt qua mọi chướng ngại, khó khăn từ phía chính quyền, dân chúng cũng như những vị lãnh đạo các tôn giáo khác, miễn sao người nghèo khó được nhận biết Đức Giêsu. Trên mọi nẻo đường rao giảng, Chúa Giêsu luôn đồng hành với thánh nhân, với những lời giảng dạy hấp dẫn kèm theo nhiều phép lạ kỳ diệu – chữa lành bệnh nhân, người mù được thấy, người chết sống lại, xua trừ ma quỉ và có thể đi trên nước – dân chúng được Lời Chúa biến đổi và nhiều bạn trẻ tình nguyện sống ơn gọi Đa Minh. Hạnh tích của thánh Gia Thịnh cho thấy, mọi nơi ngài đi qua đều để lại những cộng đoàn vang lời ngợi khen danh Chúa và lan tỏa hương thơm Đức Giêsu Kitô.
Để họa rõ hơn cho chân dung của người lữ hành phục vụ Lời, chúng ta cần lắng nghe những tiếng kêu đau thương tha thiết của người nghèo trong môi trường xã hội hiện nay. Vâng, đứng trước tội ác, bóng tối sâu thẳm của lòng người và cơn đói khát rất mãnh liệt của nhân loại, hướng về chân lý và tình yêu, chúng ta sẽ được thúc đẩy lên đường mỗi ngày. Lên đường tìm về với nguồn hy vọng đang hiện diện giữa chúng ta – Đức Giêsu Kitô phục sinh, Tin Mừng hy vọng nguồn nội lực cho những thao thức dấn thân của chúng ta; và cũng là nguồn nương tựa cho chúng ta trong sứ vụ loan báo niềm hy vọng của người nữ tu Đa Minh. Sau đó, chúng ta sẽ lên đường hiệp thông với nhau để chia sẻ niềm hy vọng cho những anh em đang đau khổ và tuyệt vọng bên cạnh chúng ta. Chính trong thái độ hiện diện khiêm tốn, lắng nghe, cảm thông và yêu thương, phục vụ của chúng ta, anh chị em sẽ được khơi dậy và thắp sáng niềm hy vọng của họ vào Đức Giêsu, Đấng giải phóng họ khỏi mọi hình thức nô lệ để trở nên những người con lành mạnh, hạnh phúc và tự do của Thiên Chúa.