Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Tin Mừng (Ga 1, 19-28)
19 Và đây là lời chứng của ông Gioan, khi người Dothái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi ông: “Ông là ai? “20 Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Kitô.”
21 Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Êlia không? ” Ông nói: “Không phải.” “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.”
22 Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? “23 Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.
24 Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pharisêu. 25 Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Kitô, cũng không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ? “26 Ông Gioan trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết.27 Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
28 Các việc đó đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
****
1. Lời chứng của ông Gioan
Trong Thánh Lễ hôm nay và trong những ngày sắp đến, trước Lễ Chúa Hiển Linh, Giáo Hội tiếp tục mời gọi chúng ta chiêm ngắm chân dung của thánh Gioan Tẩy Giả, được kể lại trong sách Tin Mừng theo thánh Gioan, như là chứng nhân của Đức Kitô, Đấng là Sự Sống và Ánh Sáng.
Xin Chúa cũng khơi dậy nơi chúng ta lòng ước ao trở thành chứng nhân của Đức Giêsu Kitô, bằng cách đón nhận sự sống mỗi ngày của chúng ta từ chính Người, Ngôi Lời Sự Sống, như lời nguyện Thánh Vịnh 104 và Kinh Lạy Cha mời gọi:
Hết mọi loài ngửa trông lên Chúa
đợi chờ Ngài đến bữa cho ăn.
(Tv 104, 27)
Xin Cha cho chúng con lương thực hàng ngày. Và xin Chúa cho chúng ta sống sự sống của chúng ta như là ánh sáng, thay vì như là bóng tối. Bởi vì Ngôi Lời là Sự Sống và ở nơi Người Sự Sống là Ánh Sáng.
2. “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa”
Trả lời cho câu hỏi về căn tính “ông là ai?”, thánh Gioan tuyên bố thẳng thắn, mình không phải là Đấng Kitô. Nhưng điều phải làm cho chúng ta ngạc nhiên, đó là ông cũng không tự cho mình là ngôn sứ Elia hay là một ngôn sứ nào khác:
Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào?
Ông có phải là ông Êlia không?”
Ông nói: “Không phải.”
Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”
Ông đáp: “Không.” (c. 2021)
Trong khi đó, Đức Giêsu sẽ nói về ông như là vị ngôn sứ lớn nhất và như chính ngôn sứ Elia trở lại: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả… Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến (x. Mt 11, 1115 và 17, 1013).
Tâm tình của thánh Gioan Tẩy Giả nhắc nhớ chúng ta tâm tình của Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và giúp chúng ta hiểu tâm tình của thánh nhân, khi Mẹ luôn nhận mình là “Nữ Tì”, và là “Nữ Tì hèn mọn” của Đức Chúa (x. Lc 1, 38 và 48). Và vì là Nữ tì, nên tất cả những gì Mẹ có và Mẹ là đều là ân huệ Thiên Chúa ban, đều là “những điều cao cả” Chúa làm cho Mẹ cách nhưng không. Như thế, ngôi vị và cuộc đời của Mẹ là một bài ca tuyên xưng tình yêu và lòng thương xót của Chúa.
Và cũng tương tự như thế nơi thánh Gioan, ngôi vị và cuộc đời của thánh nhân là “Một Tiếng Hô” hướng hoàn toàn về Đức Chúa:
“Tôi là tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy sửa đường cho thẳng
để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.”(c. 23)=
2. “Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Thánh Gioan đã trở thành điều mà lời ngôn sứ Isaia đã loan báo trước đó; thật vậy, ông nói: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói” (c. 23). Cũng vậy, chúng ta được mời gọi để cho lời Kinh Thánh được ứng nghiệm nơi cuộc đời của mình. Xin cho Lời Chúa mà chúng ta “ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”, lời nguyện Thánh Vịnh mà chúng ta đọc và hát dâng lên Chúa hàng ngày cũng được ứng nghiệm, được thực hiện nơi cuộc đời và trong mỗi ngày sống của chúng ta.
Thánh Gioan đã hoàn toàn hướng về và sống cho Đức Kitô, như ông tuyên bố: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (c. 2627). Cũng vậy, chúng ta được mời gọi sống sự sống của mình, sống thời gian Chúa ban, sống đời mình và ơn gọi của mình như một lời mời gọi, không phải mời gọi qui về mình, nhưng là qui về Đức Kitô.
Cuộc đời của thánh Gioan, sự sinh ra, sự sống và sự chết của ông đều loan báo Đức Kitô và trở nên một với Người. Cũng vậy, với tư cách là Kitô hữu nhờ phép Thanh Tẩy, trong ơn gọi độc thân, gia đình hay tu trì, chúng ta cũng được mời gọi trở nên một Gioan khác, nghĩa là sự sinh ra, sự sống và sự chết của chúng ta cũng phải loan báo Đức Kitô và trở nên một với Đức Kitô.
* * *
Xin cho chúng ta cũng ước ao có được tâm tình khiêm tốn này của Đức Mẹ và của thánh Gioan. Nhưng thực ra, Đức Kitô đã trở nên một với chúng ta trước rồi, qua sự sinh ra, sự sống và sự chết của Ngài; và mỗi ngày, Ngài tiếp tục trở nên một với chúng ta ngang qua Lời của Ngài, ngang qua Mình và Máu Thánh của Ngài. Chúng ta chỉ cần đáp lại thôi, nghĩa là ở lại và trở nên một với Đức Kitô, như lời Người mời gọi:
Anh em hãy mang lấy ách của tôi,
và hãy học với tôi,
vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.
(Mt 11, 29)