Nhìn người mà nghĩ đến ta

0

Sr. Mary Phạm. OP

Tuần Thánh, chúng ta được chiêm ngắm dung nhan đích thực của người tôi tớ Gia-vê, khiêm nhu, bình thản, sáng suốt nhưng cũng không kém phần tế nhị, hóm hỉnh khi đối diện với cái chết, với tình yêu bị phản bội… Và hôm nay, thứ Ba Thánh, chúng ta lại được mời gọi nhìn vào 3 khuôn mặt đại diện cho Nhóm Mười Hai, nhóm những người môn đệ, những người mang danh Kitô hữu… để thấy thấp thoáng đâu đó, hình ảnh của chính mình khi đứng trước Chúa Giêsu và bản án mà người ta kết cho Ngài, chúng ta thấy gì và nhận được gì?

1. Giuđa, một trong Nhóm Mười Hai

Một Giuđa được Thầy cầu nguyện-cân nhắc-yêu thương-tuyển chọn vào Nhóm Mười Hai, Nhóm môn đệ thân tín được cùng Thầy đi khắp nơi rao truyền tình yêu của Cha (x. Lc 6,12-16); được yêu thương tín nhiệm đặt làm thủ quỹ-giữ túi tiền-tài sản cho Nhóm (x.Ga 13,29). Được yêu thương là thế, nhưng Giuđa đã đáp trả thế nào?

Trước lời nhắc khéo, rất tế nhị và tinh tế của Thầy trong bữa ăn cuối cùng với Nhóm môn đệ thân tín: “”Thật, Thầy bảo thật anh em : có một người trong anh em sẽ nộp Thầy.”( Ga 13,21b), ông vẫn thản nhiên hỏi lại “thưa Thầy chẳng lẽ con sao”, Người trả lời “chính anh nói đó” (x.Mt 26,20-25). Ngay cả khi chứng kiến Thầy cúi xuống rửa chân cho ông và các Bạn đồng môn, dù biết ông phản bội, Thầy vẫn trân trọng nâng niu bàn chân ông, nhấc ông lên và rửa cho sạch khỏi vũng lầy tội lỗi mà ông đã và đang đi vào; ông cũng chẳng tỏ ra hối hận ăn năn. Một Giuda trơ trẽn, trâng tráo, chai lỳ và cố chấp trước tình nghĩa Thầy trò bao năm qua.

Hành vi yêu thương và tha thứ Thầy trao cho ông giờ phút này sẽ là phao cứu sinh cho ông khi ông gặp nguy biến. Một Tình Yêu luôn đi bước trước, trao dâng đến cùng, yêu không giới hạn và vô điều kiện. Tha trước cả khi ông nhận ra tội mình đã phạm, trước cả khi ông hối hận, thấy cần làm lại và trở về, thấy cần được tha thứ và đón nhận ơn tha thứ. Nhưng không, Giuda đã chọn hướng đi khác. Ông đã ăn miếng “bánh tình nghĩa Thầy trao”, (Ga 13,30), và ra đi, bước vào đêm tối. Đêm tối của cuộc đời, đêm tối của lòng người. Một bóng đêm không có Thầy và anh em. Tình yêu của Thầy vẫn không lay được trái tim ông. Lời Thầy nhắc vẫn không động đến lương tâm ông. Anh em đưa mắt nhìn nhau vẫn không làm ông chột dạ, không áy náy, không một chút biểu cảm để anh em có thể quan sát thấy hay nghi ngờ. Bỏ Thầy và xa anh em.,ông âm thầm rời phòng tiệc. Đi vào ngõ cụt, vào bóng tối của ý riêng mình, mà không ai ngăn cản, không ai giúp đỡ, không ai chia sẻ nỗi niềm.

Bước chân lầm, nối tiếp con đường lạc. Khi thấy cái chết của Thầy Giêsu không theo ý mình, Thầy vẫn âm thầm đón nhận án oan mà không chống trả, ông biết mình đã đi sai đường, nhưng thay vì nghĩ đến Thầy mà hối lỗi, ông lại nhìn vào bản thân mình, cho tội mình quá lớn, không thể tha thứ, không đáng để tha thứ, và một lần nữa, ông lại âm thầm đi vào con đường của ý riêng, con đường ông tự chọn-tự quyết: đường tự tử (x.Mt 27,5)

2. Gioan – người môn đệ Chúa yêu

Nhân vật thứ hai là Gioan, cũng là một trong Nhóm Mười Hai, lại là người được mệnh danh là người môn đệ Chúa yêu, được Chúa cho đồng hành với Chúa trong nhiều hành trình quan trọng (là một trong 3 ông được chứng kiến nhiều phép lạ hơn các tông đố khác, chứng kiến Thầy biến hình trên núi Tabor, vào sâu hơn trong Vườn Gietsimani với Thầy); và tại bữa tiệc này, lại được nằm sát bên Chúa. Ông đã hỏi và được Chúa mạc khải, nhưng ông không phản ứng, không tiết lộ, cũng không nói lại cho Phêrô, Nhóm trưởng, người vừa nhờ ông hỏi Thầy xem ai là kẻ nộp Thầy.

Tại sao khi được Thầy cho biết, ông không phản ứng hay tìm cách giúp đỡ người anh em mình? Hay chính ông cũng không hiểu nổi tình cảnh của mình, của Thầy và của người anh em lúc này, trước những diễn biến đang xảy ra. Phải chăng ông không hiểu nổi Tình Yêu Chúa Cha đối với nhân loại và được thi hành qua Thầy mình, Tình Yêu khiêm hạ mà Thầy vừa cúi xuống rửa chân cho các ông, Tình Yêu tha thứ mà Thầy luôn nhắc các ông, Tình Yêu hiến mình phục vụ mà Thầy vừa trao cho các ông: “nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( Ga 13,14-15). Và đặc biệt, qua miếng bánh tình nghĩa Thầy vừa chấm chung chén với Thầy, rồi trao cho người anh em-người phản Thầy, như trao cả nghĩa tình, thế mà… Gioan không hiểu nổi. Gioan để tâm suy gẫm. Và Gioan đã thú nhận điều đó với chúng ta khi diễn tả: “Trời tối”. Tối trong suy nghĩ, tối trong hành động, tối trong Đức tin? Không hiểu nhưng ông vẫn để tâm, vẫn gẫm, vẫn theo đến cùng trong yêu mến và tin nhận.

Vì thế, trong suốt hành trình thương khó của Thầy, ông vẫn âm thầm bước theo, trong thinh lặng-suy gẫm-tìm cầu Thánh ý như Thầy; và ông cảm nhận sâu sắc mọi diễn biến xảy ra quanh Thầy, nên ông đã tin khi nhớ lại những gì Thầy đã nói trước và nay đang dần ứng nghiệm (x.Ga 20,8)

Giữa lúc mọi người chống đối, môn đệ trốn chạy, Nhóm Mười Hai dường như tan tác, thì ông vẫn ở đó, với Thầy, không nói, không hành động. Chỉ lặng nhìn và chiêm ngắm. Lòng trung thành tin yêu của ông đã được Thầy nghĩ đến và ban thưởng, dù giữa những hơi thở còn sót lại cuối cùng của Thầy trên thập tự giá: ông được mời gọi trở thành gia đình thân thương của Thầy thay vì chỉ là môn đệ, được chính thức đón nhận người mẹ dấu yêu của Thầy làm mẹ đích thực của mình:“thưa bà, đây là con Bà… Đây là mẹ anh” (Ga 19, 26-27) Một lần nữa, ông chứng tỏ mình là người môn đệ Thầy yêu, dù khi an vui hay lúc đau khổ tột cùng.

3. Phêrô – nhóm Trưởng của Nhóm Mười Hai

Sau cùng, là Phê-rô, cũng là một trong Nhóm Mười Hai. Một con người năng động, mau mắn, bộc trực, đầy nhiệt huyết và lòng yêu mến, nhưng có vẻ tự phụ. Ông đã từng cản ngăn Thầy thi hành ý Cha khi Thầy tiên báo về Đấng Mesia chịu đau khổ (x. Mt 16,21-23). Qua những tháng ngày theo Thầy, được Thầy tín nhiệm trao quyền nhóm trưởng, và cũng như Gioan, ông luôn được sát cánh cùng Thầy trong nhiều biến cố.

Nhưng giờ đây, ông lại không được Thầy cho biết ai là kẻ nộp Thầy, phải chăng vì tính khí của ông, Thầy sợ ông lại bộc trực nói ra, hay có thái độ nào đó với người anh em phản Thầy; trong khi chính ông cũng cần được Thầy tha thứ, chữa lành-rửa chân. Chính ông cũng không thể chấp nhận được việc Thầy tiên báo ông sẽ chối Thầy, trước mặt anh em, ông mạnh miệng tuyên bố: “Dù có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy.” (x.Mt 26,30-35). Và rồi, lời Thầy nói đã nên ứng nghiệm. Ông đã chối Thầy không chỉ một lần mà những ba lần, không phải trước quan quyền mà trước người đầy tớ, trước người tớ gái canh cổng (x.Ga 18,15-27)

Phêrô đã sa ngã, đã thảm bại, không chỉ trước mặt Thầy mà còn mất uy thế trước mặt anh em đồng môn. Ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết (Mt 26,75). Như Giuđa, ông cũng đã hơn một lần chối Thầy; nhưng ông không tự quyết cho số phận đời mình, ông lục tìm lại những gì Thầy đã làm-đã nói với ông và với Nhóm thân tín của ông: Thầy biết ông chối Thầy mà Thầy vẫn rửa chân cho ông, Thầy biết ông sẽ sa ngã nhưng vẫn nhắc nhở ông: “Simon, Simon ơi, kìa Xa-tan đã xin được sàng anh em như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh.”(Lc 22,32). Càng yêu, người ta càng hối hận vì đã làm mất lòng tin của nhau; và nếu yêu thật, người ta sẽ tìm mọi cách để được chứng minh tình yêu cũng như chờ cơ hội để đền đáp tình yêu.

Tấm lòng của Phêrô đã được Chúa đoái nhìn. Ông đã có cơ hội sửa sai và khiêm tốn chân nhận: “Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Ông đã để cho Thầy biến đổi, đã để tình yêu của Thầy dẫn lối đời ông (Ga 21,15-19), ông đã hiên ngang làm chứng về Thầy và vui chịu sỉ nhục vì Danh Thầy (x.Cv 5,41).

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết đặt mình trước Tình yêu của Chúa, để có thể nhận biết mình là ai trong gia đình nhân loại-gia đình của Chúa, nhận biết mình đang ở đâu trên hành trình dương thế này và đang cùng đi với ai, và nhận biết mình đang làm gì trước lời mời gọi Tình Yêu Chúa gửi… nhờ đó, chúng con có thể trở thành những người lữ hành hy vọng, vì luôn được Tình yêu Chúa đồng hành. Amen.

Comments are closed.

phone-icon