Cầu nguyện trong đời tu Đa Minh

0

Cuộc đời thánh hiến của chúng ta không thể kéo dài và mang ý nghĩa cánh chung nếu không có một đời sống cẩu nguyện sâu xa, vừa có tính cách cá nhân, vừa mang tính cách cộng đoàn và phụng vụ cụ thể.

Đối với Đức Giêsu, cầu nguyện có một vị trí trọng yếu trong đời sống của Người. Vì thế, người tu sĩ cũng cần cầu nguyện để có thể kết hiệp với Thiên Chúa thâm sâu hơn (Lc 5,16). Hơn nữa, cầu nguyện là điều kiện cần thiết để ra đi công bố Tin Mừng (Mc 1,35-38). Cầu nguyện để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong những biến cố thường nhật của cuộc sống. Do đó, người tu sĩ cần được đào sâu bằng những thời gian hoàn toàn dành để tôn thờ, yêu mến và thinh lặng lắng nghe Lời Chúa. Vì chỉ trong Đức Kitô và với Đức Kitô chúng ta mới có thể sinh được hoa trái cho Giáo hội và xã hội: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5).

Đối với người tu sĩ nói chung, sự trung thành cầu nguyện mỗi ngày là một nhu cầu thiết yếu và chiếm vị trí ưu tiên, và chiều kích chiêm niệm phải được thể hiện trọn vẹn cả cuộc sống, mọi công việc và mọi suy nghĩ. Nhờ đó, trong mọi giây phút chúng ta luôn cảm nhận được niềm vui, một niềm vui vừa đượm nét linh thiêng của cuộc sống thần linh vừa gắn bó với thế gian mà Thiên Chúa đã thân hành đến cứu chuộc. Chúng ta phải công nhận vị thế ưu việt của việc cử hành Hiến lễ Tạ ơn mà Bí tích Thánh Thể là trung tâm đời thánh hiến.     

Nơi đó, người tu sĩ được hiến tế mỗi ngày và được thanh luyện để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

Rao giảng cũng là một hành động chiêm niệm theo truyền thống của Dòng Đa Minh. Don Georgen viết: Trong rao giảng, người đi tìm và người được tìm gặp gỡ nhau, kẻ mất và người tìm gặp nhau. Thiên Chúa tìm thấy chúng ta giữa lúc chúng ta cố gắng diễn tả Người. Thiên Chúa không bao giờ rời bỏ chúng ta”. Rao giảng không phải là chỉ mở miệng nói, nhưng nó bắt đầu bằng sự thinh lặng chú ý lắng nghe lời Phúc âm, cố gắng hiểu, cầu nguyện để được ơn soi sáng và kết thúc bằng phản ứng của người nghe. Chiêm niệm không phải chỉ trước khi giảng mà ngay cả khi giảng và sau khi rao giảng nữa. Thánh Đa Minh dâng hiến cho con người ban ngày và ban đêm cho Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là: ban ngày Người nói cho con người biết Thiên Chúa, còn ban đêm Người lại nói với Thiên Chúa về những tội nhân, những người nghèo khó, những người đau khổ mà Người gặp ban ngày. Cùng với thánh Đa Minh, chúng ta đặt mình dưới chân Thập Giá để kín múc nguồn sinh lực cho đời chiêm niệm.

Một hình thức chiêm niệm khác của đời tu Đa Minh là học tập. Chắc chắn việc học Lời Chúa là vấn đề ta phải chú ý hàng đầu. Truyền thống Dòng kể lại rằng, Thánh Đa Minh luôn mang theo mình Tin Mừng thánh Matthêu và các thư Thánh Phaolô. Qua việc học, chúng ta tái tạo trái tim con người, chúng ta khám phá ra rằng  “ánh sáng trí tuệ sẽ dẫn tới tình yêu” giúp chúng ta trở thành những môn đệ đích thực của Đức Kitô, trong sự trưởng thành tiệm tiến về đức tin, chuyên cần lắng nghe Lời Người, nhiệt thành tìm kiếm chân lý là Thiên Chúa.

Là tu sĩ Đa Minh, dù lúc học hành hay khi rao giảng, khi hiện diện tại biên cương sứ vụ hay sống trong cộng đoàn, tất cả chúng ta đều kín múc sinh lực thẳm sâu nơi đời sống cầu nguyện, là kết quả của sự gặp gỡ với Chúa từ đáy lòng mình: “Lòng nhiệt thành thúc đẩy người tu sĩ Đa Minh mang đến cho con người hôm nay một sứ điệp đã được sung mãn trong suy niệm trước nhan Thiên Chúa, một sứ điệp đã được hình thành nơi cung thánh, cung nguyện và tu viện“(Linh đạo Đa Minh, trang 41).

Như thánh Tôma đã học dưới chân Thánh Giá; thánh Catarina kín múc nguồn mạch sự sống từ căn phòng riêng tư, nơi gặp gỡ thân mật với Chúa Giêsu; và Cha thánh Đa Minh, dù ở nhà hay đi đường, Người vẫn chuyên cần cầu nguyện chung với anh chị em hay với các cộng đoàn tu trì Người gặp, và cầu nguyện với lòng khiêm nhường, tín thác và chìm ngập trong bầu khí ân sủng (x. HPDT, số 42), chúng ta cần có thời gian và phải dành thời gian để cầu nguyện, để sứ vụ chúng ta mang đậm nét yêu thương của chiều kích chiêm niệm theo linh đạo Đa Minh.         

Trích từ tập “Kỷ yếu 50 năm Thành lập Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp” trang 77

Comments are closed.

phone-icon