Người được yêu – Gởi các em Lớp Tiên Khấn 2024

0

Trong tiểu thuyết “Những người khốn khổ” (Les Misérables) của Victor Hugo kể lại câu chuyện về nhân vật chính có tên là Jean Valjean. Sau khi bị giam cầm 19 năm vì ăn cắp một mẩu bánh mì để nuôi gia đình, Valjean trở thành một con người cay đắng và bất hạnh. Vừa ra tù, anh đã lẻn vào nhà thờ ăn cắp chén thánh và một số đồ đạc quý giá của nhà thờ. Tuy nhiên, nhờ tình thương, lòng nhân hậu và sự tha thứ của Giám mục Myriel, Valjean đã được biến đổi nhờ cảm nhận được tình yêu và lòng nhân ái. Từ một người từng bị xã hội ruồng bỏ, Valjean trở thành một người hùng, sẵn sàng hy sinh bản thân vì người khác.

Nelson Mandela, trước khi trở thành một người được cả thế giới biết đến như một biểu về sự đấu tranh cho tự do và công lý, là một nhà hoạt động chống lại chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi. Ông bị bắt giam vào năm 1962 và sau đó bị kết án tù chung thân vào năm 1964 vì các hoạt động chống chính phủ Apartheid. Mandela đã trải qua 27 năm trong nhà tù, chủ yếu tại nhà tù Robben Island, nơi điều kiện sống rất khắc nghiệt. Tuy nhiên, cũng chính nơi đây, ông đã được biến đổi nhờ tình thương và sự tín nhiệm của các bạn tù, của những đối thủ chính trị, đặc biệt là của tổng thống F.W. de Klerk và của cộng đồng quốc tế. Kết quả là sau khi được thả tự do vào năm 1990, bốn năm sau, ông đã trở thành Tổng thống đầu tiên của Nam Phi được bầu một cách dân chủ. Ông đã lãnh đạo đất nước vượt qua giai đoạn chuyển đổi từ chế độ phân biệt chủng tộc sang một nền dân chủ đa chủng tộc, thúc đẩy hòa giải và xây dựng một nền tảng hòa bình, thịnh vượng cho tất cả mọi người dân Nam Phi. Mandela đã trở thành một biểu tượng toàn cầu về sự tha thứ, hòa giải và lòng nhân ái.

Ngôn sứ Giêrêmia khi đối diện với những đau khổ, thử thách và chịu bách hại tứ phía, một đàng ông cảm thấy mệt mỏi chán chường, nhưng đàng khác ông lại không thể cưỡng lại tình yêu của Thiên Chúa. Ông cảm nghiệm cuộc đời ông được bao bọc bởi tình yêu, ngay cả trước khi được thành hình trong bụng mẹ: “Trước khi cho ngươi hình thành trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi, Ta đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân” (Gr 1, 5). Cái biết này chính là tình yêu, một tình yêu quá lớn đến nỗi Giêrêmia phải thốt lên: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh sức hơn con, và Ngài đã thắng.” (Gr 20, 7). Chính tình yêu Thiên Chúa đã cho Giêrêmia sức mạnh, giúp ông luôn trung thành, hết lòng tín thác vào Chúa và tiếp tục sứ mạng mà Thiên Chúa giao phó cho ông.

Cảm nghiệm sâu xa tình yêu và sự tín nhiệm của Thiên Chúa qua biến cố ngã ngựa trên đường Đamas, Thánh Phaolô đã dâng lời tạ ơn Chúa: “Tôi tạ ơn Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta, Đấng đã ban sức mạnh cho tôi, vì Người đã tín nhiệm mà gọi tôi đến phục vụ Người” (1Tm 1,12). Ngài cũng không ngần ngại thú nhận: “Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,9). Chính tình yêu của Đức Kitô giúp Thánh Phaolô vượt thắng tất cả và không có gì có thể tách ngài ra khỏi tình yêu ấy. “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Như có lời chép: Chính vì Ngài mà mỗi ngày chúng con bị giết, bị coi như bầy cừu để sát sinh. Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta. Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta. ” (Rm 8,35-39). Và rồi, những gì xưa kia ngài coi là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, ngài coi “tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,7-9).

Các em thương mến, trên đây là một vài câu chuyện điển hình cho thấy chính tình yêu và sự cảm nhận mình là người được yêu tạo nên sức mạnh thay đổi to lớn, giúp một người từ xấu nên tốt, từ bình thường nên cao cả mang lại nhiều lợi ích tích cực cho bản thân, cho Giáo hội và xã hội. Cuộc đời các em và những biến cố xảy đến với các em có thể không giống Jean Valjean, hoặc Tổng thống Nelson Mandela, cũng không như ngôn sứ Giêrêmia hay như Thánh Phaolô. Tuy nhiên, đứng trước huyền nhiệm ơn gọi, đặc biệt trước hồng ân Tiên khấn, mỗi người trong các em đều có những cảm nghiệm rất riêng, rất đặc biệt và rất cá vị về tình yêu Thiên Chúa đã dành cho các em. Làm sao không cảm được khi ý thức rằng ơn gọi của các em là do sáng kiến ngàn đời của Chúa Cha, được Đức Kitô tuyển chọn và được Chúa Thánh Thần thánh hiến (x. THĐSTH số 17-19). Làm sao không hạnh phúc cho được khi biết mình chỉ là tôi tớ, là một thụ tạo thấp hèn, là bình sành dễ vỡ nhưng được Chúa đoái thương nhìn tới. “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới” (Lc 1, 48) và “không phải các con đã chọn Thầy nhưng chính Thầy đã chọn các con” (Ga 15,16). Vì cảm được mình là người được yêu nên các em mạnh mẽ tiến bước và muốn dâng hiến cuộc đời để đáp lại tình yêu đó. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế Giới Cầu nguyện cho Ơn gọi lần thứ 60 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chia sẻ: “Trong ơn gọi, điều cơ bản là: Thiên Chúa gọi chúng ta trong tình yêu và chúng ta, với lòng biết ơn, đáp lại Người trong tình yêu.” Điều quan trọng để đáp lại tình yêu Thiên Chúa là mỗi người chúng ta phải xác tín rằng mình là người được Chúa yêu.

TÔI LÀ NGƯỜI ĐƯỢC YÊU

Các em thương mến, chắc hẳn bây giờ tâm hồn các em đang rạo rực, trào dâng niềm vui khi nghĩ đến ngày các em sẽ được gặp ba mẹ và người thân trong ngày Tiên khấn, được xúng xính trong bộ áo dòng mới với muôn lời chúc mừng. Tuy nhiên, niềm vui của ngày Tiên khấn không hệ tại ở những lời chúc mừng hay những quà tặng bên ngoài, nhưng niềm vui đích thật hệ tại ở việc các em dám quảng đại, can đảm đi vào cuộc hành trình phiêu lưu với Chúa, dám xin vâng, dám quên mình, dám sẵn sàng đặt cuộc đời mình vào chương trình của Chúa và hoàn toàn cho ý Chúa. Từ đây các em sẽ đi theo sát hơn với Đức Kitô qua việc thực thi ba lời khấn Dòng. Các em sẽ phải đối diện với muôn vàn thách đố và lời dụ dỗ lôi kéo các em đi ngược với những điều các em đoan hứa. Để có thể thắng vượt được những thách đố và cám dỗ đó, đòi các em phải luôn xác định căn tính của mình là người được yêu, là con yêu dấu của Chúa.

Chúa Giêsu trước khi quyết định cuộc đời rao giảng công khai, Ngài đã đến sông Giođan chịu phép rửa và nghe lời xác nhận từ trời: “Con là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Con” (Mc 1,11). Lời xác nhận này nhắc cho Đức Giêsu về căn tính của mình, đồng thời là động lực để Ngài bước vào sa mạc để chịu ma quỷ cám dỗ nhằm kéo Chúa ra khỏi căn tính của mình. Chúa Giêsu đã chiến thắng vì Ngài luôn ý thức mình là Con yêu dấu của Chúa Cha. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một lời khẳng định liên lỉ về căn tính “người Con yêu dấu” của Ngài trong tất cả mọi sự. Trước khi đi vào hành trình thập giá, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ lên núi và Ngài biến hình trước mặt các ông. Lại một lần nữa Chúa Giêsu nghe lời xác nhận phát ra từ đám mây: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17,5). Qua kinh nghiệm sâu sắc này, từ trong sâu thẳm tâm hồn, Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định rõ hơn căn tính đích thực của mình. Sự khẳng định này vừa để củng cố đức tin cho các môn đệ, vừa giúp Đức Giêsu mạnh mẽ cương quyết tiến về Giêrusalem cho dẫu phải trải qua nhiều đau khổ, chịu đánh đòn và chịu chết trên thập giá.

Một khi các em đã xác tín và ý thức sâu xa về căn tính của mình là người được yêu, là con yêu dấu rồi thì các em sẽ có được sự tự do nội tâm để chọn theo Chúa và bước đi trên con đường Chúa dẫn các em đi.

XÂY DỰNG CUỘC ĐỜI TRÊN NỀN TẢNG LÀ CHÍNH CHÚA – ĐẤNG YÊU TÔI

Để có thể xác định căn tính của mình là người được yêu, các em cần xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc nơi Đấng đã yêu thương các em và ở lại trong tình thương của Ngài (x. Ga 15,9). Thực tế cho thấy điều này không dễ vì thường chúng ta không cảm thấy an toàn, tâm hồn chúng ta bị phân mảnh quá nhiều bởi những tác động bên ngoài. Rất nhiều khi chúng ta bị lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Sự nhận xét của họ có ảnh hưởng rất lớn trên cuộc đời chúng ta. Khi họ nói tốt về chúng ta, chúng ta cảm thấy vui và tự tin hơn trong cuộc sống. Nhưng nếu có ai đó bắt đầu có những lời nhận xét tiêu cực hoặc có cái nhìn thiếu thiện cảm về chúng ta, chúng ta cảm thấy chán nản, buồn phiền và nghi ngờ về giá trị của mình.

Đôi khi chúng ta cũng tốn rất nhiều năng lượng trong việc loay hoay đi tìm căn tính và giá trị của mình dựa trên những thành quả mình đạt được, những khả năng, diện mạo, những công việc mình làm và cả những mối quan hệ mình có. Chúng ta cảm thấy vui và an toàn khi được người khác khen ngợi, khi công việc suôn sẻ, đời tu êm xuôi và cuộc sống có đủ những thứ mình muốn. Nhưng một khi bị mất những thứ đó, chúng ta cảm thấy mọi sự như đang sụp đổ, cuộc sống vô nghĩa, khí lực tiêu hao, mất động lực và không còn hứng khởi để tiếp tục tiến bước. Chúng ta tin vào những đánh giá tích cực hay tiêu cực của người khác để rồi tìm mọi cách để chứng minh điều họ nói là đúng. Nhiều khi những lời nói tiêu cực cứ liên tục và quá mạnh mẽ, dứt khoát đến nỗi chúng ta bắt đầu nghi ngờ căn tính đích thực của mình, không còn tin mình là người được yêu nữa. Chúng ta bắt đầu rơi vào những mặc cảm tự ti hoặc tự tôn, hay tỏ thái độ kiêu căng, tự mãn hoặc đánh giá thấp về mình. Thực ra của cải vật chất, thành công, địa vị và những đánh giá của người khác không xác định căn tính hay giá trị của mình. Vì những điều này hôm nay thuộc về mình nhưng mai lại thuộc về người khác. Cái cám dỗ lớn nhất của chúng ta là nghi ngờ tình thương của Chúa, từ chối chính mình, không nhìn nhận đúng căn tính và giá trị đích thực của mình. Cái bấp bênh của chúng ta là chưa dám xây dựng đời mình trên nền tảng vững chắc là chính Chúa, Đấng đã và luôn yêu thương chúng ta. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê đã nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Giêsu Kitô” (Cl 2, 7). “Vì Người, tôi đành mất hết và coi tất cả như rác để được Đức Kitô” (Pl 3,8).

Điều quan trọng là các em luôn vững tin rằng các em được Thiên Chúa yêu thương. Ngài yêu các em như các em là, với cả những điểm mạnh và điểm yếu, với cả những thành công lẫn thất bại của mình. Cho dù các em có như thế nào đi nữa thì các em vẫn luôn được Chúa yêu thương bằng mối tình muôn thuở (Gr 31,3). Và trước mắt Chúa, các em thật quý giá, được trân trọng và yêu thương (x. Is 43,4). Vì thế, các em hãy tự tin vững bước theo Đấng đã luôn yêu thương các em vô điều kiện. Như bà Barbara Kimball đã nói, các em “đừng so sánh mình với người khác, bởi bạn là một tạo vật tuyệt vời và độc nhất vô nhị của tạo hoá. Hãy tự để lại những dấu chân của mình trên mặt tuyết”. Hãy là chính mình trong căn tính của người được yêu. Thiên Chúa yêu các em bằng một tình yêu vô điều kiện vì dù “có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Isaia 49, 15-16). Chính tình yêu đó đã mang lại cho các em sự tươi trẻ, năng động, thanh khiết. Tình yêu đó cũng làm cho cuộc đời của các em có giá trị như lời của Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt đã xác quyết: “Không phải vì tôi đẹp trai hay đẹp gái mà Thiên Chúa yêu thương tôi, mà vì Thiên Chúa yêu thương tôi nên tôi trở nên người đẹp trai và người đẹp gái”.

Các em thương mến,

Giữa một thế giới ồn ào với mọi thứ âm thanh, những lời nói tiêu cực cứ liên tục vang lên chung quanh chúng ta khiến chúng ta dễ dàng đánh mất chính mình, vì thế để có thể sống trọn vẹn sự thật mình là người được yêu được thể hiện qua mọi tình huống của cuộc sống, từ suy nghĩ, lời nói, thái độ và hành động của mình, các em cần phải trung thành với đời sống cầu nguyện mỗi ngày. Nhờ cầu nguyện các em có thể nghe được lời xác tín từ Chúa: Con là con yêu dấu. Nhờ cầu nguyện, các em cảm nghiệm sâu hơn mình là người được yêu. Dù bận rộn với muôn nghìn công việc, các em cũng hãy dành giờ để vào nơi thanh vắng với Chúa, để nơi đó, các em nhận biết mình và gặp được con người của mình thật sự là ai, là người được yêu để các em chiếu toả tình yêu đó cho những người các em gặp gỡ và nơi những môi trường các em được sai đến. Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Nếu chúng ta ở trong vòng tay của Người Cha yêu thương chúng ta vô hạn, thì chúng ta sẽ vượt qua được bất cứ điều gì xảy ra và, bằng cách này hay cách khác, kế hoạch yêu thương và viên mãn của Ngài sẽ được thực hiện trong cuộc đời chúng ta.”[1]

Cầu chúc các em luôn sống sung mãn ơn gọi và luôn hạnh phúc, tràn đầy niềm vui vì biết mình là người được yêu.    

Thương mến,
Chị Theresa Nguyễn Thị Ngọc Hà, OP

_____________________

[1] Tông huấn Chính Lòng Tin Cậy (10/05/2023) số 24

Comments are closed.

phone-icon