Chuyện thứ nhất: QUÀ GIÁNG SINH
Bửu Đồng
Hôm nay là ngày Giáng Sinh của Đức Kitô, là ngày để CHO…
Người Kitô hữu khắp nơi vui mừng đón nhận ngày Hài Nhi Giêsu ra đời hơn 2000 năm trước trong tinh thần cho đi. Chính Thiên Chúa đã cho con một của Ngài xuống thế làm người để chuộc tội thế gian, để canh tân, đổi mới đời sống. Và thế gian đã lãnh nhận món quà không gì có thể so sánh được.
Đức Kitô đã dạy: “Cho được nhiều ân phúc hơn nhận.” Điều này thật rõ ràng. Đời sống thật sư lúc nào cũng là sự cho đi, nhờ đó thế giới chung quanh cũng như cá nhân người cho luôn luôn được đổi mới. Nhờ cho mà mỗi cá nhân liên hệ, nối kết thành đoàn thể, cộng đoàn, quốc gia, xã hội, nhân loại… Khi gia nhập đoàn thể, mỗi người chúng ta đã chấp nhận cho đi, đóng góp để tạo nên một tổng thể khác mới hơn, đa dạng hơn.
Của cho, quà cho không bao giờ mất vì chính nó thể hiện cho tình yêu, sự quan tâm và chăm sóc. Đời sống của người cho luôn luôn phong phú và đổi mới. Bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn nếu xung quanh bạn mọi người đều bình an, vui sống.
Khi bạn cho quà, chính bạn là người cảm thấy hạnh phúc, vui sướng trước nhất, bạn có nhiều niềm vui hơn so với lúc trước khi cho. Chính quà tặng mang đến người cho và người nhận những liên hệ gắn bó mới thật bất ngờ. Cho nên chính sự cho đi — không phải nhận lãnh, thu góp, tích trử — làm cho đời sống cá nhân và cộng đồng, tập thể trở nên tốt đẹp, đáng sống.
Không ai sống một mình. Không ai có thể sống một mình. Đời sống tự nó là một sự tương thuộc. Sống là đóng góp, là CHO. Người chỉ thích nhận, luôn muốn thu tóm làm cho cuộc sống cá nhân và cộng đồng nghèo nàn đi.
Hôm nay mừng ngày Giánh Sinh của Đức Kitô, chúng ta mừng nhận lãnh một món quà được tặng ban dưới hình thức một tình yêu tuyệt đối và tuyệt hảo, một quà tặng nhưng không.
Chính vì yêu thương thế gian mà Thiên Chúa đã ban tặng loài người con Một của Ngài như một món quà
Trong Mùa Giáng Sinh năm nay, xin gởi đến bạn “Một Câu Chuyện Thật Cảm Động” như một món quà để sưởi ấm mùa đông lạnh dài. Nếu sau khi đọc xong câu chuyện, bạn vẫn không cảm thấy ấm lòng được chút nào… thì đành phải xin lỗi vì đã làm mất thời giờ quí báu của bạn và thành thật mong bạn thứ tha…
Chuyện thứ hai: MỘT CÂU CHUYỆN THẬT CẢM ĐỘNG
Nguyên Trần
Tôi đặt hành lý vào hộc ở trên đầu rồi ngồi xuống ghế. Đây là chuyến bay dài làm tôi ước gì mình có một quyển sách hay để đọc trên phi trình. Có lẽ tôi cũng cần chợp mắt một chút.
Vừa lúc trước khi máy bay cất cánh, một nhóm 10 người lính trẻ men theo lối đi và ngồi hết vào các chỗ trống rải rác còn lại. Chẳng có gì để làm, tôi bắt đầu gợi chuyện người lính ngồi gần nhất:
– Các cậu đi tới đâu vậy?
– Petawawa. Chúng tôi sẽ ở đó hai tuần để thụ huấn một chương trình huấn luyện đặc biệt rồi sau đó sẽ bổ sung tới A Phú Hản.
Sau khi máy bay cất cánh độ một tiếng thì tiếng loa thông báo là trên máy bay có bán thức ăn nhẹ đựng trong bao giá 5 mỹ kim.
Cũng còn lâu lắm chuyến bay mới tới phía Đông nên tôi quyết định mua một bao đồ ăn để vừa ăn vừa giết thì giờ. Khi tôi móc bóp lấy tiền thì chợt nghe một người lính hỏi bạn mình là có muốn mua thức ăn không.
– Không! Có vẻ như mắc quá đó… Bao lunch gì mà tới 5$. Thôi tao ráng đợi tới căn cứ hẳn hay.
Và anh lính trẻ gật gù đồng ý với bạn.
Tôi đảo mắt nhìn chung quanh thì thấy mấy người lính khác cũng không có ý định mua gì cả mặc dù lúc đó cũng đã tới giờ ăn trưa rồi. Một ý nghĩ chợt đến trong đầu, tôi gọi người nữ tiếp viên tới đưa cho bà ta 50$ và nói:
– Xin bà vui lòng lấy thức ăn cho những người lính nầy.
Người tiếp viên ngạc nhiên nắm chặt lấy tay tôi, qua đôi mắt long lanh ngấn lệ vì xúc động, bà ngõ lới cám ơn tôi và nghẹn ngào:
– Con trai tôi cũng là một quân nhân đang chiến đấu tạiIraq. Nghĩa cử nầy của ông như đang dành cho nó vậy. Rồi bà xăng xái đi lấy 10 bịch đồ ăn trao cho tất cả các người lính trên tàu…. Sau đó bà dừng lại chỗ tôi hỏi:
– Thưa ông dùng gì ạ? Bò, gà rất hảo hạng.
– Xin cho tôi gà.
Tôi trả lời bà ta trong một thoáng ngạc nhiên vì theo tôi biết hạng economy bây giờ chỉ có bò thôi mà.
Người nữ tiếp viên đi về phía trước của máy bay độ một phút sau trở lại với nguyên khay thức ăn nóng hổi dành cho hành khách vé hạng nhất, bà trịnh trọng nói với tôi:
– Đây là tấm lòng tri ân nho nhỏ của những người trên chuyến bay nầy đối với ông.
Sau khi ăn xong với tâm trạng sảng khoái nhẹ nhàng, tôi bước tới phòng vệ sinh ở phía sau cùng. Trên đường đi, một người đàn ông thình lình đứng lên chận tôi lại nói:
– Tôi rất cảm phục việc ông làm, xin ông cho tôi được chia phần mà vui lòng nhận cho.
Nói xong, ông ta dúi vào tay tôi 25 mỹ kim.
Sau đó không lâu, viên phi công trưởng rời buồng lái vừa đi vừa nhìn số ghế ghi trên hộc hành lý, linh cảm khiến tôi thầm mong ông ta đừng kiếm tôi nhưng Chúa ơi! Ông ta dừng lại ngay hàng ghế của tôi rồi cười thật tươi và chìa tay ra nói:
– Tôi muốn được bắt tay ông.
Cực chẳng đã tôi mở dây an toàn đứng dậy bắt tay viên phi công trưởng. Với giọng hân hoan, ông ta nói lớn như để mọi người cùng nghe:
– Tôi cũng đã từng là một quân nhân và cũng là phi công chiến đấu. Có một lần có người cũng mua cho tôi thức ăn. Điều đó thực sự thể hiện cả một tấm lòng tốt đẹp mà tôi không bao giờ quên.
Cả một tràng pháo tay tán thưởng vang dội làm tôi đỏ bừng mặt vì mắc cở. Chỉ với một hành động nhỏ nhặt tầm thường của tôi mà đánh động lương tâm con người đến thế sao?
Vì chuyến bay quá dài nên có một lúc, tôi phải đi bộ về phía trước để rản gân cốt thì bỗng nhiên có một nam hành khách ngồi trên tôi độ sáu dãy đưa tay ra bắt và để lại trong tay tôi cũng 25 mỹ kim.
Bầu không khí trên chuyến bay thật nhẹ nhàng và chan hoà tình người cho tới khi máy bay hạ cánh. Tôi lấy hành lý và bắt đầu bước ra khi vừa tới cửa máy bay thì một người đàn ông chận tôi lại và nhét nhanh vào túi áo tôi một thứ gì đó xong ông ta vội vả bước đi mà không nói một lời. Lại thêm 25$ nữa. Nếu tính ra, tôi chỉ chi có 50$ mà bây giờ thu lại tới 75$. Kiếm được 25$ dễ dàng đến thế sao! À! Quên! Còn bữa ăn thiệt ngon miệng nữa chứ. Đúng là khi ta làm phải thì không bao giờ lỗ lã cả.
Tôi vui vẻ bước nhanh vào cửa phi trường thì thấy mấy người lính trẻ kiểm điểm nhân số để chuẩn bị về căn cứ. Tôi tiến tới trao cho họ 75 mỹ kim và nói:
– Từ phi trường về tới trại phải khá xa. Mà bây giờ cũng đã tới giờ để dằn bụng một cái sandwich chứ. Chúa sẽ ban ơn cho các cậu.
Mười người lính trẻ trong ngày hôm đó chắc đã rời chuyến bay trong tâm trạng yêu thương và kính mến những hành khách đồng hành. Tôi hăng hái bước tới xe với lời thì thầm nguyện cầu cho tất cả sẽ được trở về trong an bình.
Những chàng trai nầy đã hy sinh tất cả cho quê hương mà tôi chỉ biếu họ có một vài phần ăn. Thật là quá ít ỏi nếu không muốn nói là chỉ trong muôn một.
Nghĩ xa hơn nữa, người cựu chiến binh đã từng đánh đổi cả cuộc đời khi viết lên chi phiếu trắng đề tên người nhận là “ Hiệp Chủng Quốc” mà số tiền có thể lên đến chính sinh mạng của họ. Đó là một vinh dự tối cao lẽ ra cả đất nước phải dành cho họ. Nhưng than ôi! Có nhiều người đã không cần biết tới và bỏ quên họ.
Xin Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho bạn chuyển tiếp câu chuyện nầy tới bạn bè quen biết.
Riêng tôi thì đã làm xong.
Toronto, Sept 4-2009