1/ Mục đích của việc huấn luyện những nhà huấn luyện
Thiên Chúa là nhà huấn luyện duy nhất, còn những người làm công tác huấn luyện chỉ giữ vai trò cộng tác trung gian với Ngài. Vai trò này là một yếu tố cần thiết để giúp huấn sinh chấp nhận được biến đổi và uốn nắn bởi ân sủng. Chính vì thế, cần phải có những nhà huấn luyện có năng lực và được chuẩn bị thích đáng cho việc huấn luyện. Bên cạnh đó, huấn luyện cũng là công việc của Chúa Thánh Thần, tuy nhiên không phải thế mà ủy thác hoàn toàn cho Ngài, ngược lại, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta, do đó chúng ta phải có bổn phận chuẩn bị, trang bị, học hỏi thêm.
Sau năm 1975, các chị em nhận trách nhiệm đào tạo không có cơ hội để học hỏi, thế nhưng vẫn chu toàn tốt bổn phận của mình, nhờ sự cầu nguyện, nhờ ơn Chúa. Ngày nay, với những biến đổi về hoàn cảnh xã hội, về con người, việc huấn luyện mỗi ngày một phức tạp hơn, như Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhận xét: ”Giáo dục hay đào tạo không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn. Các cha mẹ, các giáo chức, linh mục và tất cả những người có trách nhiệm giáo dục trực tiếp đều biết rõ điều đó. Vì thế, người ta nói đến một sự cấp thiết về giáo dục, như được chứng tỏ qua bao thất bại chúng ta gặp phải trong những nỗ lực huấn luyện những con người vững chắc, có khả năng cộng tác với người khác và mang lại một ý nghĩa cho cuộc đời mình”[1]. Chính vì thế, chúng ta phải chuẩn bị xa, chuẩn bị gần để có thể hoàn thành tốt trách nhiệm được trao và mang lại hoa trái trong việc huấn luyện.
2/ Phương pháp : vừa lý thuyết, vừa thực hành, nghĩa là lấy nguyên tắc chiếu soi vào hoàn cảnh cụ thể. Trao đổi kiến thức và những gì chị em đã sống, đã đi qua và ước mơ gì, nhằm rút ra những kết luận cụ thể và thực hành trong công việc huấn luyện của Hội dòng.
3/ Định nghĩa: Để chỉ tiến trình hình thành một con người mới trong Đức Kitô, người ta thường dùng hai cụm từ “đào tạo” hoặc “huấn luyện”.
a. Đào tạo : Hiểu theo nghĩa chữ:
– Đào là nặn, nung (đồ sành, đất)
– Tạo là làm ra một hình dạng mong muốn nhưng vẫn giữ chất liệu đó.
* Theo từ điển tiếng việt, đào tạo là giáo dục, dạy dỗ, rèn luyện để trở nên người có hiểu biết, có nghề nghiệp. Vậy đào tạo là một tiến trình phong phú và phức tạp.
* Một cụm từ người ta thường sử dụng để chỉ việc đào tạo, đó là “sự phát triển của cá nhân trong cộng đoàn”. Vậy đào tạo là, trong đó, việc tìm hiểu lẫn nhau – đặc sủng của Hội dòng và cá nhân, cùng diễn ra.
* Theo ĐTC Gioan Phaolô II, đào tạo là một tiến trình sống động “nhờ đó các cá nhân quay trở về với Lời Thiên Chúa, trong cõi thẳm sâu của lòng mình và đồng thời, biết cách khám phá ra các dấu chỉ thời đại trong các thực tại trần gian” (Vita Consecrata 68).
Đào tạo là một công việc kéo dài suốt đời người và là một phần của việc thanh luyện gian khổ. Đào tạo nhằm giúp các ứng sinh đạt tới một hiểu biết sâu xa, vững chắc về chính mình, về các khía cạnh khác nhau của sự phát triển, về những vấn đề ấu trĩ, về việc làm chủ bản thân. Giúp ứng sinh sống đời sống của Hội dòng, trở nên trưởng thành hơn, có tinh thần trách nhiệm với các công việc mình làm. Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà việc đào tạo trong một Hội dòng được tổ chức cách lớp lang qua các giai đoạn với nhiều lần “sinh đi sinh lại”: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tiền tập sinh, tập sinh rồi mới đến khấn sinh. Ít nhất phải năm lần sinh tới sinh lui mới trở thành một tu sĩ. Như thế, tu sĩ nào cũng phải sinh nhiều lần, rồi từ từ mới thấy mình rõ hơn trong cương vị là người phục vụ Đức Kitô.
b. Huấn luyện là gì?
– Huấn là dạy bảo
– Luyện là tập tành
Để việc huấn luyện được thành công thì phải có dạy bảo và có thực hành, vì có nhiều chương trình có huấn mà không có luyện. Học nhiều kiến thức thần học mà không biết phải làm gì.
Việc huấn luyện con người được định nghĩa là một tiến trình thúc đẩy sự lớn lên và phát triển khả năng của người liên hệ theo những chiều kích được hướng đến. Vậy, nói đến Huấn luyện là nói đến một tiến trình hình thành và trở nên. Việc huấn luyện không cung cấp một phép lạ, nhưng là một sự trở nên. Chính vì lẽ đó mà có những giai đoạn khác nhau về huấn luyện và, trong mỗi giai đoạn, Dòng đề ra những yêu cầu và đòi hỏi khác nhau mà việc huấn luyện phải đạt tới. Cũng chính vì ý thức tính tiệm tiến của việc huấn luyện mà Dòng mời gọi những người trong giai đoạn thụ huấn phải miệt mài luyện tập, kiên nhẫn, nỗ lực, sáng tạo và đào sâu trong học tập, coi học tập như sứ mạng tông đồ duy nhất trong giai đoạn này; thậm chí còn phải loại bỏ những gì gây cản trở cho sứ mạng học tập. Cũng chính vì ý thức tính tiệm tiến này mà Dòng có cả một cơ cấu hỗ trợ cho việc huấn luyện đặc biệt là về nhân lực.
Vậy cả hai cụm từ đào tạo và huấn luyện đều nhắm đến việc hình thành một con người toàn diện. Quá trình này phải trải qua những thử thách, những khó khăn, hy sinh và từ bỏ. Vì thế, huấn sinh cần nỗ lực cộng tác để việc huấn luyện đem lại kết quả.
Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh
[1] Thư nói đến vấn đề giáo dục, 21/01/2008