Thân tặng chị em Dòng Đa Minh Tam Hiệp
Từ nhỏ, lúc mới đi tu, tôi đã được nghe dạy : “Hãy đi vào cửa hẹp, đường hẹp”. Bấy giờ tôi hiểu một cách trông trống : đi vào cửa hẹp đường hẹp là đi vào lối sống tránh xa tội lỗi, và phải giữ một số kỷ luật để nên người đạo đức.
Khi lớn, lúc đã biết mở sách Phúc âm, tôi mới được đọc Lời Chúa Giêsu về lời dạy đó : “Hãy qua cửa hẹp mà vào. Vì cửa rộng và đường thênh thang đưa đến diệt vong, nhiều người lại đi qua đó, Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống. Nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7, 13-14).
Tôi tin lời Chúa là chân lý ban sự sống. Nên tôi đón nhận Lời Chúa với lòng cảm tạ.
Qua nhiều năm sống Lời Chúa, tôi thấy sự thực hành Lời Chúa dạy trên đây là không đơn giản, Phải thận trọng như Thánh Phaolô cảnh giác : “Đấng cho chúng tôi khả năng phục vụ giao ước mới, không phải giao ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thánh Thần. Vì chữ viết thì giết chết, còn Thánh Thần thì mới ban sự sống” (2 Cor 4,6).
Đúng là không nên sống Lời Chúa theo chữ bề ngoài, mà phải theo Thánh Thần soi dẫn bên trong.
Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ vài cảm nghĩ, về vấn đề đi vào cửa hẹp, đường hẹp sau một thời gian kinh nghiệm riêng tư và học hỏi đó đây.
Có ba khuynh hướng nổi bật :
1. Khuynh hướng nhấn mạnh đến sự khép mình vào một khuôn khổ
Đã hẳn, hẹp có nghĩa là khép lại về phía tội lỗi. Điều đó khỏi bàn. Ngoài ra hẹp chủ yếu là phải khép mình vào kỷ luật đạo đức. Nhưng kỷ luật đạo đức phải được hiểu như thế nào?.
Kỷ luật đạo đức gồm tinh thần và hình thức. Tinh thần thường mang ý nghĩa vô hình, chìm bên trong. Còn hình thức diễn tả đạo đức thường thể hiện bên ngoài, dễ thấy và đa dạng.
Chúa Giêsu mặc dầu không hủy bỏ hình thức nhưng nhấn mạnh hơn đến tinh thần đạo đức bên trong. Như Tám Mối Phúc thật (Mt 5,3-12), mến Chúa hết lòng và yêu người như chính mình (Mt 22,37-39). Đang khi rất nhiều người lại chỉ để ý khép mình vào một khuôn khổ hình thức bên ngoài, để phô trương và an phận.
Kết quả sẽ rất bi đát, nếu chỉ khép mình vào một khuôn khổ nặng về hình thức, mà nhẹ bên trong. Bởi vì Chúa thấu suốt mọi sự, sẽ chẳng ban thưởng gì cho họ. Chúa phán : “Khi làm việc lành phúc đức, các con phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, các con chẳng được Cha của các con, Đấng ngự trên trời ban thưởng” (Mt 6,1). Rồi Chúa Giêsu kể ra mấy việc cụ thể là cầu nguyện (Mt 6, 5-6), ăn chay (Mt 6, 16-18) và bố thí (Mt 6, 2-4).
Ngoài việc thích khép mình vào những khuôn khổ đạo đức nặng về hình thức mà nhẹ về tinh thần, còn một lối khép mình khác không được tốt, đó là khép mình vào một lối sống đạo đức theo ý riêng mình hơn là theo ý Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cảnh cáo lối sống đạo đức kiểu như thế với những lời nặng nề “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21). Rồi Chúa Giêsu còn nói rõ cả những ai làm việc đạo đức lớn lao như : nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, mà không làm theo Thánh ý Chúa Cha, thì cũng sẽ bị loại (Mt 7, 22-23).
Như vậy khuynh hướng khép mình vào tinh thần kỷ luật Phúc Âm là rất tốt. Còn khép mình vào khuôn khổ đạo đức không lành mạnh như trên thì đáng bị đào thải. Bên cạnh khuynh hướng nhấn mạnh đến khép lại là khuynh hướng mở ra.
2. Khuynh hướng nhấn mạnh đến việc mở ra một lối sống phát triển Tin mừng của người con Chúa, nên phải khép lại những gì là cản trở.
Có 3 mở ra :
Mở ra về phía chính mình.
Mở ra về phía tha nhân.
Mở ra về phía Thiên Chúa.
Mở ra về phía chính mình là phải cố gắng phát triển mình. Phát triển mình là phát triển những tiềm năng tốt của mình. Như cây vả phải sinh trái. (Mt 21, 18-19)
Phát triển mình là biết làm ra lời lãi những ơn Chúa trao ban, như những người đầy tớ trong Phúc Âm biết làm lời những nén bạc được trao (Mt 25, 14-30).
Phát triển mình là cố gắng tìm cách sử dụng chức vụ để phục vụ Tin mừng, như những người đầy tớ trung thành Chúa khen trong Phúc Âm. Họ biết phục vụ ăn uống cho những người khác đúng giờ đúng lúc (Mt 25, 45-47).
Phát triển mình là biết chọn lựa đúng những cách sống đạo mà Chúa muốn, như thái độ khiêm nhường của người thu thuế cầu nguyện ở cuối nhà thờ (Lc 18,9-14), như thái độ bác ái của người Samaritanô đối với kẻ bị cướp trấn lột và bị đánh trọng thương nằm ở vệ đường (Lc 10, 29-37).
Mở ra về phía tha nhân. Như mở ra về phía người nghèo, người bệnh tật, người bị loại trừ, người tội lỗi, người thù, người ngoài Hội Thánh. Mở ra là yêu thương, là gần guơi, là tha thứ, là phục vụ, là chia sẻ Tin Mừng cho họ dưới nhiều hình thức.
Sự mở ra về phía tha nhân được Chúa Giêsu diễn tả một cách rất rõ ràng, trong bài giảng về ngày phán xét (Mt 25,31-36). Làm tốt cho kẻ bé nhỏ nhất sẽ được kể là làm tốt cho chính Chúa.
Mở ra về phía Thiên Chúa. Mở ra về phía Thiên Chúa là cả một chững tŕnh công phu, mà Chúa Giêsu đã thực hiện, để mạc khải Chúa là Tình yêu giàu lòng thương xót. Từ hang đá Bêlem đến núi Calvariô, Chúa Giêsu đã nói, đã sống, đã làm việc, đã chịu đau đớn và chịu chết trên thánh giá, như để mở một chân trời mới về Thiên Chúa. Hầu kéo mọi tâm hồn đến với Người với lòng tin cậy mến yêu phó thác như người con nhỏ bé, và như người tội lỗi cần được tha thứ.
Với hướng mở ra như trên, con đường hẹp có nghĩa là dẹp bỏ chính cái tôi cũ kỹ, hẹp hòi, thành kiến, kiêu căng, ghen tương, ích kỷ, tội lỗi. Biết nhờ Chúa Thánh Thần để sống tự do của người con Chúa, biết phân định và có những chọn lựa hợp ý Chúa.
3. Khuynh hướng vừa nhấn mạnh đến việc mở ra vừa nhấn mạnh đến sự khiêm tốn vâng lời và tu thân, dấn thân.
Nói gì thì nói, riêng đối với tôi, không một mẫu gương nào đã lôi cuốn tôi bằng Chúa Giêsu trên thánh giá. Nhìn Người, cầu nguyện với Người, tôi thấy con đường hẹp mà người đã đi, chính là thánh giá. Thánh giá là nơi rất hẹp. Tự do của Người bị thu lại rất hẹp. Uy tín của Người bị coi như chỉ còn một chút rất hẹp. Những người theo Người xem ra chỉ còn một nhóm rất nhỏ. Người tình nguyện đi vào con đường rất hẹp đó, để chịu khổ đau đền tội cho nhân loại và cứu độ nhân loại. Nhờ vậy. Cửa Trời được mở ra. Ơn thánh cứu độ đã tuôn đổ xuống. nhiều người được ơn mở lòng trí ra, để đón nhận Tin mừng.
Chúa Giêsu mở nước Trời và mở lòng người ra bằng thánh giá nặng tình yêu, khiêm tốn và vâng phục Thánh ý Chúa Cha. Bài ca của Thánh Phaolô luôn vang vọng trong tôi.
“Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy tŕ đ̣a ṿ ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Pl 2, 6-8).
Như vậy, Đức Kitô trên thánh giá chính là con đường hẹp, mà tôi đi theo. Chúa phán : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), Đây cũng là con đường vâng lời hiền lành và khiêm nhường, minh chứng vẻ đẹp của tu thân và dấn thân. “Các con hãy học với Thầy, v́ Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29) chắc chắn đây chính là con đường cứu độ của “Thiên Chúa là tình yêu” (Ga 4, 8).
Một điều quan trọng về đường hẹp
Điều quan trọng là, để học và để thực hiện lời Chúa đi vào đường hẹp, ta phải có những quyết tâm.
Quyết tâm phải cụ thể, rõ ràng, khả thi theo hoàn cảnh của mình. Quyết tâm từng ngày. Quyết tâm làm những việc lành nhỏ có thể làm hơn là việc lớn khó có thể làm. Quyết tâm những gì chính mình sẽ làm, chứ không đòi hỏi kẻ khác làm thay. Quyết tâm với sự tự do của người con Chúa, chứ không do ai áp đặt. Quyết tâm với tinh thần trách nhiệm cao, chính mình chịu trách nhiệm về việc mình làm. Quyết tâm làm thì nhất định sẽ làm, chứ không quyết tâm theo nghi thức chỉ bề ngoài, hoặc theo thói quen máy móc.
Nhất là quyết tâm tận dụng mọi phương tiện trong tầm tay, để mỗi ngày trở nên một người tu thân đích thực và biết dấn thân tận tình tận sức cho Tin Mừng theo mẫu gương Đức Kitô.
Những quyết tâm như vậy sẽ là những bước thường xuyên khiêm tốn đi vào cửa hẹp, một đường hẹp mở ra một chân trời sự sống mới.
Giám mục GB. Bùi Tuần