Bao giờ tận thế?

0


1. Bối cảnh:

Theo lịch phụng vụ, Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật 33 Thường niên. Chúa nhật tới là Chúa nhật 34 Thường niên, là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, được dành đặc biệt để mừng kính Chúa Kitô Vua. Vì thế, phụng vụ lời Chúa hôm nay, được coi như là Chúa nhật cuối cùng, nên Giáo Hội muốn hướng tâm trí chúng ta về ngày cuối cùng, ngày tận thế, ngày cánh chung, ngày chấm dứt lịch sử nhân loại.

Diễn từ cánh chung (Mc 13) nằm giữa các chương nói về hoạt động công khai của Đức Giêsu (Mc 1–12) và những chương tường thuật cuộc Khổ Nạn (Mc 14–16). Bài Diễn từ này được ngỏ với bốn môn đệ Đức Giêsu đã gọi đầu tiên (x. 13,3 và 1,16-20), nhưng có một giá trị tổng quát (13,37). Nghĩa là bài diễn từ này không chỉ liên hệ đến cuộc tàn phá Giêrusalem, nhưng còn nhìn tổng quát về tương lai. Đức Giêsu phác ra những đường nét lớn cho các môn đệ thấy tương lai sẽ mang lại cho họ điều gì (13,5-27) và họ sẽ phải ứng xử thế nào (13,5.21-23.28-37).

2. Bài này nói đến những điều gì? để làm gì? và có bố cục như thế nào ?

•    Bài này nói đến ngày Con Người đến
•    Để chỉ cho các môn đệ biết phải có thái độ nào đối với ngày ấy.
•    Bố cục: phân làm 2 đoạn

+ cc.24-27: Con Người quang lâm. Khi trên trời xảy ra những biến động chưa từng thấy thì Con Người ngự đến trong uy quyền và vinh quang và thâu họp những người được chọn từ khắp nơi.

+ cc.28-32: Thái độ phải có đối với ngày Chúa đến. Trước hết hãy dựa vào điềm báo mà luận ra Con Người đã gần kề (cc. 28-29) ; thứ đến phải chắc chắn rằng Con Người sẽ đến lúc thế hệ này chưa qua đi (cc. 30-31). Nhưng đúng vào giờ nào khắc nào thì chỉ có Cha biết mà thôi (c. 32).

3. Con Người quang lâm (cc. 24-27)

a/ Các câu 24-27 trả lời cho câu hỏi nào ? Giữa câu trả lời và câu hỏi có khớp không ?

Các câu này trả lời cho câu hỏi mà 4 ông Phêrô, Giacôbê, Gioan và Anrê đặt ra cho Đức Giêsu: « Xin nói cho chúng con biết, bao giờ « các điều ấy » sẽ xảy ra, và sự gì sẽ là điềm báo mọi sự ấy sắp hoàn tất » (13, 4). « Các điều ấy » trong câu hỏi chỉ những điều Đức Giêsu tiên báo ở câu 2: Đền thờ sẽ tan tành. Còn câu trả lời của Đức Giêsu ở đây lại nói đến ngày thế giới chấm dứt, tức ngày cánh chung. Như thế Mc gắn liền việc phá hủy Đền thờ với việc phá hủy thế giới. Muốn chuyển từ Đền thờ sang thế giới thì phải ngậm hiểu thế giới là Đền thờ.

b/ Câu trả lời của Đức Giêsu ở Mc 13, 24-27 khác với Lc 21, 25-28 ở chỗ nào ?

Luca nói đến những biến chuyển khác thường của thiên nhiên chẳng những ở trên trời mà còn nói cả những chuyện dưới đất. Những biến chuyển lớn của thiên nhiên như vậy làm cho người ta mất vía kinh hồn, nhưng các môn đệ vui mừng vì ngày cứu độ đã đến gần.
Maccô thì nói đến những biến động ở trên trời mà thôi, chứ không nói đến những chuyện xảy ra ở dưới đất. Vì hai lý do:

•    Mc đã nói trước rồi (c. 5-23)

•    Khi biến động cực lớn mà Mc kể ra thì dưới đất chẳng còn gì để mà nói nữa, ngoài chuyện các Thiên Thần được sai đến để thâu họp các kẻ được chọn từ khắp nơi.

c/ Ngày tận cùng của vũ trụ, ngày Con người ngự đến trong vinh quang

* Chúa Giêsu đưa ra hai loại dấu chỉ:

Loại thứ nhất là những dấu chỉ trong phạm vi luân lý:

Sẽ có những tiên tri giả, họ là những dụng cụ của ma quỉ nhưng lên tiếng nói về Thiên Chúa. Sẽ có những Kitô giả, nhờ quyền phép ma quỉ để làm những việc lạ lùng hầu lung lạc đức tin của những môn đệ Chúa. Họ là loài lang sói mặc lốt chiên để rồi cắn xé đoàn chiên (Mc 13,5-6).

Loại thứ hai là những dấu chỉ trong phạm vi vật chất:

Khi Con Người ngự đến trong vinh quang thì lúc ấy những nguồn sáng tự nhiên: Mặt trời sẽ trở nên tăm tối, mặt trăng sẽ không còn chiếu sáng. Các vì sao sẽ rơi xuống và sức mạnh của trời đất sẽ rung chuyển, bởi vì Con Người là nguồn sáng đích thực. Cũng như chúng ta thấy khi mặt trời hiện ra thì những cây đèn, những bóng điện chẳng còn nghĩa gì nữa. Khi chân lý chói lòa đã hiện đến thì tất cả những hiểu biết của con người, những lý thuyết, những nền thần học dù nổi tiếng đến mấy có còn nghĩa gì nữa đâu.

Bấy giờ Chúa Giêsu sẽ ngự đến trên đám mây với tất cả quyền năng và vinh quang của Ngài. Con Người đến trong mây với quyền năng cao cả. Kinh Thánh luôn dùng từ « mây » để nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Con Người mới có quyền năng của Đấng ban phát mọi quyền năng. Lúc ấy mọi lực lượng, mọi quyền năng của thiên nhiên cũng như của con người chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Và như vậy thì những người được Thiên Chúa chọn không còn bị đe dọa bởi những lực lượng của thế giới này, không còn bị mê hoặc, bị cám dỗ bởi ánh sáng của trần gian này nữa. Những người chết sẽ sống lại để chịu phán xét. Cuộc phán xét này bổ túc cho cuộc phán xét riêng tư khi cùng với cái chết chúng ta giã từ cuộc sống. Người lành đứng bên phải còn kẻ dữ đứng bên trái. Tất cả đều lắng nghe phán quyết của Đấng Tối Cao. Hạnh phúc muôn đời hay khổ đau mãi mãi.

* Tại sao lại có cuộc phán xét chung xảy ra như thế?

Lý do thứ nhất là để Chúa Giêsu tỏ lộ quyền năng và vinh quang của Ngài

Chúa Giêsu đã khiêm nhường chịu đựng mọi khổ đau, đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Nhiều người tưởng rằng Ngài đã thất bại. Rồi từ đó đến nay, Ngài không ngừng bị xua đuổi, bị bách hại và cấm cách, thì giờ đây Ngài xuất hiện trước mặt mọi người như là Vua muôn vua với tất cả quyền năng và vinh quang của Ngài.

Lý do thứ hai là để ân thưởng vinh quang cho những người lành thánh

Rất có thể trong cuộc sống họ đã bị khinh bỉ, bị chèn ép, bị bóc lột. Tội ác đã chiến thắng, những chiến thắng của nó chỉ thoáng qua trong chốc lát. Giờ đây họ được vinh hiển trước mặt những kẻ mà xưa kia đã từng khinh bỉ, chèn ép và bóc lột họ. Họ sẽ chiến thắng cho đến muôn ngàn đời vì Chúa Giêsu đã phán với họ: « Hỡi những kẻ đã được Cha Ta chúc phúc hãy đến lãnh lấy phần thưởng đã được sắm sẵn cho các ngươi từ thưở đời đời… »

4. Phải có thái độ nào ? (cc. 28-32)

Phải biết nhận ra các dấu chỉ. Đức Giêsu trả lời trước tiên bằng một dụ ngôn rõ ràng, đó là cần phải học bài học từ việc quan sát cây vả : “Khi nó trổ lá, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần” (cc. 28-29).

Phải tin chắc rằng các điều ấy sẽ xảy tới khi thế hệ này còn tồn tại. Giờ nào thì chỉ có Chúa Cha biết nên hãy tỉnh thức và phó thác (cc. 30-32). So sánh Mc 13,32 với Mt 24,36: Mc: « Chỉ có Chúa Cha biết mà thôi »; còn Mt “Chỉ một mình Cha”. Mt nhấn mạnh bằng cách thêm chữ « một mình ».

+ Thế hệ này là thế hệ nào ? (c. 30)

Có hai ý kiến:

•    Người đồng thời với Đức Giêsu và các môn đệ
•    Toàn thể nhân loại

+ Vì sao Con Người không biết ngày giờ, chỉ có Chúa Cha biết thôi ?

•    Vì sống điều kiện con người
•    Vì không cần cho sứ mạng của Ngài
•    Ngài không biết khi còn ở tại thế, còn khi Ngài vinh hiển và Phục sinh thì khác.

5. Chúng ta phải có thái độ nào đối với ngày tận thế ? (2Th 2,1-4)

  • Tỉnh thức, chờ đợi: Tỉnh thức là thái độ khôn ngoan để có một thái độ sẵn sàng, chờ đợi điều chắc chắn sẽ đến. Tỉnh thức là trái tim thức, trái tim của người yêu (ex : một bà mẹ và tiếng khóc của con mình giữa một xưởng dệt, tiếng khóc dù bé vẫn nghe rõ)
  • Đừng để người khác lừa gạt.

Suy thêm:

1. Em có thái độ nào để chuẩn bị đón Chúa đến trong ngày Quang lâm ?
2. Em có quan niệm gì về cuộc sống này ?

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh, OP

Comments are closed.

phone-icon