Ơn tha thứ – Lòng Thương Xót

0
Chúng ta đều là tội nhân. Ai trong chúng ta cũng cần đến lòng Chúa thương xót thứ tha. Chúa Giêsu đến trần gian để kêu gọi người tội lỗi, chứ không phải gọi người công chính. Truyện kể: Có một bà thánh thiện, chiều tối đi dạo quanh làng xóm một vòng, trước khi lên giường đi ngủ. Bầu trời quang đãng, các ngôi sao chập chờn và ánh trăng lưỡi liềm tuyệt đẹp. Bà cảm động sâu thẳm khi nhìn ngắm bầu trời. Bà ngưỡng mộ sự vĩ đại và huyền diệu của Tạo Hóa và các loài thụ tạo của Ngài. Với thân phận con người yếu đuối, bà qùy gối và cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa tốt lành và tuyệt mỹ vô song, xin đừng bao giờ để con phạm lỗi với Chúa, dù là một hành vi nhỏ nhất. Và bà đã nghe một giọng nói dịu dàng trong tâm: Hỡi con, nếu Cha chấp nhận nguyện vọng đó đối với mọi người, làm sao Cha có thể bày tỏ lòng thương xót và sự tha thứ vô bờ của Cha, điều này là một trong những cách thế rõ ràng nhất Cha để mọi người biết và cảm nghiệm tình yêu của Cha?
Trái tim yêu thương của Chúa là nguồn suối ân sủng không bao giờ khô cạn. Thiên Chúa luôn yêu thương Dân mà Chúa đã chọn, cho dù đã bao lần Dân bỏ Chúa chạy theo thờ lạy bụt thần dân ngoại. Chúa phạt họ đó, rồi Chúa lại thứ tha. Tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài (Tv 130, 3-4). Con người yếu đuối vì thân xác nặng nề, ước muốn thấp hèn và có khuynh hướng trở về với bản năng thú tính. Ưa thích những cảm giác mới lạ, những tư tưởng phàm tục và đòi hỏi thỏa mãn những khát vọng lạc thú. Con đường dốc rất dễ xuôi theo. Càng nhẹ bước, chúng ta càng lạc xa. Mọi sự trong cuộc sống đều theo kiểu trước lạ, sau quen. Quen riết rồi nghiền. Sống giữa một xã hội tục hóa, tiêu thụ, hưởng thụ và mọi thứ tạm bợ chóng qua. Sứ réo gọi chạy đua với cuộc sống làm cho chúng ta quay cuồng trôi chảy theo dòng. Cảm giác về tội lỗi không còn bén nhậy. Lương tâm không còn bị áy náy về sự sai trái và lỗi tội. Đây là điều chúng ta cần để tâm suy xét.
Tại sao chúng ta phải xin tha lỗi mình và tha thứ cho tha nhân? Chúng ta nhớ rằng sống là sống chung với người khác, nên chúng ta cần giúp nhau để nên hoàn thiện. Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Colossê đã khuyên dạy:Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau (Col 3, 13). Sự tha thứ rất cần thiết để mọi người sống chung được hài hòa và hợp nhất. Nhân gian thường nói: Quá tam ba bận.Ba lần lỗi là tối đa rồi đó, đừng lỗi phạm nữa, nếu phạm thì khó mà tha. Đối với Chúa Giêsu giầu lòng thương xót thì sự tha thứ không có giới hạn: Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? ” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”(Mt 18, 21-22).
Như thế, trong bất cứ hoàn cảnh lỗi phạm nào, chúng ta vẫn có thể nhận được ơn tha thứ. Con người có thể không tha cho nhau, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi. Năm Thánh Lòng Thương Xót là cơ hội rất quý báu, mời gọi chúng ta chạy đến với lòng nhân hậu của Chúa để nhận lãnh ơn tha thứ. Chúa có uy quyền tẩy xóa mọi lỗi lầm và đổi mới chữa lành con người cả hồn lẫn xác. Khi chữa bệnh cho người bị bại liệt, Chúa Giêsu đã phán: Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội. Bấy giờ Đức Giêsu bảo người bại liệt: “Đứng dậy, vác giường đi về nhà! (Mt 9, 6). Hoặc Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.”( Lc 7, 48). Quyền năng của Thiên Chúa vô biên, nhưng Ngài vẫn tôn trọng quyền tự do của con người. Chúa ban ân sủng một cách nhưng không, nhưng Chúa cần sự cộng tác của chúng ta. Mọi người cần ăn năn sám hối để được tha thứ. Chúa mời gọi chúng ta thực hành việc bác ái này để xây dựng tình người. Chúa phán: Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em (Mt 6, 15).
Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự tha thứ. Chúa nài xin Chúa Cha tha cho chính những kẻ đã gây khổ đau, phản bội, chống đối và hành xử Chúa. Trên cây thánh giá, trước khi tắt thở, Chúa Giêsu đã thân thưa với Chúa Cha:“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lk 23, 34). Chúa Giêsu bênh đỡ những người đã làm hại Chúa. Chúa đã tha thứ cho họ và nại lý do rằng họ không biết việc họ làm. Phần chúng ta, có nhiều lần vô tình hoặc vô ý gây nên lỗi lầm phạm đến anh chị em. Cũng có rất nhiều lần chúng ta hiểu lầm và gây ra biết bao phiền não cho người khác. Chúng ta cũng có thể gây thương đau cho người thân yêu vì sự nghi ngờ, nhẹ dạ và cả nghe. Đôi khi chúng ta cũng đã cố ý phạm tội chia rẽ, gây đổ vỡ, thù óan, phản bội và xúc phạm đến tha nhân. Những tội lỗi này làm cho lòng của chúng ta ra trĩu nặng, u buồn, ai oán và sầu đau. Chúng ta có thể chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa để xưng thú, giãi bầy và xin ơn tha thứ: Lạy Chúa, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con (Tv 25,11).
Đôi khi chúng ta có thể tha thứ cho anh chị em, nhưng lại khó quên. Tha rồi đó, nhưng mỗi lần nghĩ đến hay nhớ lại, lòng chúng ta lại quặn đau và xôi sục. Chúng ta nhớ rằng qua Bí tích Hòa Giải, khi chân thành sám hối và xưng thú tội đã phạm, chúng ta lãnh nhận hồng ân tha thứ và được tẩy sạch các tội lỗi. Chúa tha và Chúa quên luôn. Trong cuộc sống va chạm hằng ngày, vì sự nhỏ nhen, ích kỷ và kiêu căng, chúng ta rất thường xúc phạm đến anh chị em. Chúng ta luôn có thể làm hòa và tha thứ cho nhau: Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em (Mc 11, 25). Đây là liều thuốc rất hiệu nghiệm giúp chúng ta tìm được sự bình an đích thực trong tâm hồn.
Chúa Giêsu đã trao quyền tháo cởi và cầm buộc cho Giáo Hội qua các thánh Tông đồ và những người kế vị: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”(Ga 20, 23). Giáo Hội đã ủy quyền tha tội cho các linh mục là những thừa tác viên sống động để có thể giúp mọi người giao hòa cùng Thiên Chúa và tha nhân. Biết rằng các linh mục cũng là con người và là tội nhân. Các linh mục cũng yếu đuối phạm lỗi lầm như mọi người. Giáo Hội tin tưởng trao ban năng quyền cho các linh mục để tiếp tục phân phát ân sủng của Chúa qua các Bí tích. Các linh mục cũng cần ơn tha thứ và được tha thứ qua Bí tích Hòa Giải. Vì cũng là tội nhân, nên các linh mục cảm thông được những lầm lỗi, thiếu xót, yếu đuối và những cám dỗ thường xuyên trong đời sống. Nơi tòa cáo giải, các linh mục chia sẻ đồng phận với tội nhân và cùng sám hối cho chính tội lỗi của mình.
Chúa Giêsu hiến dâng hy tế trên thánh giá để đền thay tội lỗi cho nhân loại. Chúa phán: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội (Mt 26, 27). Máu châu báu của Chúa Giêsu đã đổ ra để chuộc tội cho chúng ta. Năm Thánh Lòng Thương Xót là thời gian đặc biệt, chúng ta hãy tìm đến lòng từ bi nhân hậu của Chúa để xin ơn tha thứ. Xin Chúa tha thứ cho chúng con như chúng con cũng tha cho kẻ đã xúc phạm đến chúng con. Xin nguồn ân sủng của Chúa tràn đổ vào tâm hồn để chúng con tìm được sự bình an đích thực.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Comments are closed.

phone-icon